Ngày 27.11.2023, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhật Bản và Việt Nam đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt-Nhật lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Và đây là quan hệ có lịch sử lâu đời, là mối “lương duyên trời định” như lời đánh giá của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
1. Những dấu mốc lịch sử của quan hệ Việt Nam và Nhật Bản – mối “lương duyên trời định”
Được hình thành từ khá sớm (thế kỷ thứ VIII), quan hệ Việt-Nhật phát triển khá thịnh vượng cho đến những năm cuối thế kỷ XVII. Trải qua gần 10 thế kỷ, quan hệ Việt-Nhật được khởi đầu bằng việc nhà sư Phật Triết (xuất thân từ miền Trung nước Việt cổ) sang Nhật truyền dạy Nhã nhạc Lâm Ấp mà hiện vẫn được sử dụng trong Hoàng cung Nhật Bản. Đến giai đoạn thế kỷ XVI, XVII, thương mại Việt-Nhật phát triển cực kỳ hưng thịnh do nhu cầu của cả hai bên.
Từ cuối thế XIX, đến những thập niên cuối của thế kỷ XX, quan hệ Việt-Nhật trải qua những bước quanh co, thăng trầm. Sau nhiều nỗ lực từ cả 2 phía, ngày 21.9.1973, quan hệ ngoại giao chính thức giữa Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được thiết lập. Theo đó, Nhật Bản đã nhất trí một số đề nghị của Chính phủ ta bao gồm cả việc Nhật Bản không để cho Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ quân sự ở nước này để chống phá Việt Nam và công nhận Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, đây được xem là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi về chính sách của Nhật Bản nhằm khôi phục lại vị thế và nâng cao tầm ảnh hưởng của Nhật ở khu vực.
Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản trở thành quốc gia ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa viện trợ lớn nhất và ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc cũng như tham gia vào các định chế tài chính quốc tế như: WB, IMF, ADB… Sau một thời gian gián đoạn, từ năm 1992, Nhật đã viện trợ ODA trở lại cho Việt Nam; các chuyến thăm hữu nghị thường xuyên của nguyên thủ quốc gia và đoàn cấp cao giữa hai nước đã mở ra không gian rộng lớn về cả phương diện chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhật là quốc gia ủng hộ sự nghiệp đổi mới, hỗ trợ Việt Nam hội nhập, tham gia vào các tổ chức quốc tế (APEC, WTO, ASEM…).
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Murayama Tomiichi duyệt Đội danh dự tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội (Ảnh: Wiki)
Sau khi thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (2009) quan hệ Việt-Nhật đã phát triển hết sức mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Năm 2014 quan hệ Việt-Nhật một lần nữa được nâng lên thành quan hệ “Đối tác chiến lược sâu, rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”, đánh dấu giai đoạn phát triển toàn diện, sâu sắc hơn trong quan hệ hợp tác giữa 2 nước. Trong giai đoạn này, quan hệ Việt-Nhật gắn liền với tên tuổi của cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo-Người được cho là cùng các lãnh đạo Việt Nam đưa quan hệ 2 nước lên một tầm cao mới. Tháng 01.2013, Abe Shinzo và phu nhân đến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 16-17. Ông đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên công du sau khi tái đắc cử trên cương vị thủ tướng Nhật Bản. Tháng 09.2015, trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam, Nhật Bản đã ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ 2 nước với 3 nội dung hết sức quan trọng: (1) Thúc đẩy kết nối 2 nền kinh tế; (2) Tăng cường tin cậy chính trị và hợp tác quốc phòng, an ninh; (3) Đẩy mạnh hợp tác về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Theo đó, quan hệ Việt-Nhật đã có bước chuyển về chất hầu hết trên mọi lĩnh vực kể cả an ninh, quốc phòng vì lợi ích chung của 2 nước theo phương châm “Tăng cường tin cậy, kết nối kinh tế, mở rộng hợp tác, phát triển bền vững, hướng tới tương lai”. Bốn năm sau chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 (2013), Abe Shinzo thăm chính thức Việt Nam lần thứ 3 diễn ra vào tháng 01/2017, và trở thành lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam trong năm 2017. Ông khẳng định, Nhật Bản ủng hộ sự phát triển vững mạnh của đất nước Việt Nam, coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam. Đồng thời, ông Abe khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội thông qua nguồn vốn ODA cũng như thúc đẩy hợp tác các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao, quy mô lớn, trọng điểm quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị. Cũng trong năm 2017, Thủ tướng Abe Shinzo đã đến Việt Nam lần thứ 4 để tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11. Tại đây, nguyên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã cùng tản bộ ở phố cổ Hội An, khai trương “Không gian Văn hóa Việt -Nhật”, tham quan mô hình Châu Ấn thuyền. Theo đánh giá của cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2015-2018, Nguyễn Quốc Cường: “Nếu không tính quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Nhật Bản, Việt Nam có lẽ là nước mà ông Abe đến thăm nhiều nhất với cương vị Thủ tướng”.
Từ ngày 22-25.11.2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, đã thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm Kishida Fumio. Hãng thông tấn Kyodo News của Nhật cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Kishida Fumio tiếp đón kể từ khi nhậm chức. Điều đó không những cho thấy vị thế địa chiến lược của Việt Nam trong chính sách của Nhật, mà còn thể hiện tình hữu nghị và sự coi trọng quan hệ của Nhật đối với Việt Nam.
2. Hội đủ các điều kiện quan hệ Việt-Nhật sang trang
Trên khía cạnh vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên: Nhật Bản và Việt Nam cùng nằm trong khu vực châu Á và có vị trí quan trọng trong triển khai chiến lược của các nước lớn. Phải nói rằng, cả Việt Nam và Nhật Bản dường như đều có chung một điểm quan tâm về bảo đảm an ninh trên biển. Với Nhật Bản là Biển Hoa Đông, với Việt Nam là khu vực Biển Đông. Cả 2 nước đều nhận thấy sự an toàn ở Biển Hoa Đông có ảnh hưởng lớn đến an ninh ở Biển Đông và ngược lại. Chính sách ủng hộ ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng nhằm làm cho khu vực này mạnh lên đoàn kết hơn cũng chính là giải pháp nhằm làm giảm áp lực căng thẳng trong tranh chấp ở khu vực Biển Hoa Đông, nhất là ở quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài) giữa Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.
Với chính sách của Nhật Bản hiện nay, Đông Á mà nhất là Đông Nam Á trở thành trọng điểm tranh chấp chiến lược của các nước lớn, bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ. Các nước này triển khai chiến lược cạnh tranh ngày càng quyết liệt hơn khiến tình hình khu vực ngày càng trở nên phức tạp. Đông Nam Á được Nhật Bản xác định là địa bàn quan trọng hàng đầu trong chính sách cải cách, trong khi Mỹ xác định đây là “Trái tim của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, còn Trung Quốc coi Đông Nam Á là “đột phá khẩu” để thực hiện chiến lược tiến xuống phía Nam. Cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn làm gia tăng giá trị chiến lược của khu vực, tạo cơ hội cho các nước ASEAN tranh thủ các nước lớn, thúc đẩy xây dựng cơ chế đa phương trong xử lý các thách thức an ninh khu vực.
Trên lĩnh vực kinh tế, với tư cách là một cường quốc về kinh tế cùng khát vọng của dân tộc, Nhật Bản đang tìm cách lấy lại vị thế nước lớn không chỉ ở khu vực mà với phạm vi toàn cầu. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật Bản tập trung khôi phục đất nước, phát triển kinh tế và đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (giai đoạn 1968-2010). Hiện nay kinh tế Nhật Bản đang đứng ở vị trí thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc với tổng GPD đạt trên 5 nghìn tỷ USD/năm.
Tiềm lực kinh tế mạnh, Nhật Bản là quốc gia có mức đóng góp tài chính lớn thứ 2 cho Liên Hợp quốc (~9,68%) chỉ đứng sau nước có nền kinh tế lớn nhất là Mỹ (22%). Đồng thời, Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia hàng đầu cung cấp ODA cho nhiều nước trên thế giới và nhiều khoản đóng góp lớn khác cho giải quyết những vấn đề về an ninh thế giới. Việt Nam đã chú trọng khai thác và tăng cường hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ với Nhật Bản. Nhật hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nước đầu tiên trong nhóm G7 công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (10.2011). Đồng thời, Nhật Bản hiện vẫn là nước: Cung cấp ODA lớn nhất; nhà đầu tư số 2; đứng thứ 3 về du lịch và đối tác thương mại đứng thứ 4 của Việt Nam. Hai nước cũng đa ký kết nhiều Hiệp định song phương tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế; hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ tích cực cho Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.
Về chính trị, ngoại giao: Quan hệ Việt-Nhật hiện được đánh giá đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1973). Hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao và duy trì các cơ chế đối thoại thường niên trên nhiều cấp độ và nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, an ninh, quốc phòng. Hai bên cũng đã thành lập Ủy ban hợp tác Việt-Nhật do Bộ trưởng Ngoại giao 2 nước làm đồng Chủ tịch và thiết lập nhiều cơ chế đối thoại khác; phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương.
Đối với vấn đề Biển Đông, ngoại giao Nhật Bản có sự điều chỉnh chính sách, chuyển từ thái độ do dự, trung lập gần như im lặng trước đây sang công khai chỉ trích và chống lại tư tưởng bành trướng, bá quyền nước lớn trên Biển Đông một cách mạnh mẽ. Đồng thời, Nhật cũng thường xuyên và tích cực vận động Mỹ và các nước hợp tác duy trì hòa bình, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; khẳng định ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; ủng hộ việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông. Nhật cũng công khai ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Thường trực trọng tài thế giới (PCA). Thậm chí cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida trong chính quyền của cựu Thủ tướng Shinro Abe (hiện là Thủ tướng Nhật Bản) đã hủy chuyến thăm Trung Quốc (4.2016) để phản đối việc Bắc Kinh triển khai tên lửa tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 01.2013
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội: Do có nhiều điểm tương đồng về văn hóa cùng lịch sử quan hệ có từ rất sớm, quan hệ Việt-Nhật trên lĩnh vực văn hóa xã hội phát triển hết sức mạnh mẽ và là tiền đề cho sự phát triển các quan hệ trên những lĩnh vực khác. Nhìn lại lịch sử quan hệ văn hóa Việt Nam-Nhật Bản đã qua cho thấy, đó là một lịch sử lâu dài với những thăng trầm nhất định. Chặng đường gần nửa thế kỷ đã qua kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1973) và đặc biệt là từ năm 1992 sau khi Nhật Bản nối lại viên trợ ODA cho Việt Nam là giai đoạn quan hệ giao lưu văn hóa phát triển nổi bật nhất từ trước tới nay. Hiện nay, sự giao lưu và hợp tác văn hoá giữa hai nước có rất nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển. Trước hết, Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc gần gũi về địa lý, có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Hàng nghìn năm trước đây, cả hai dân tộc cùng tồn tại trong điều kiện văn minh nông nghiệp lúa nước, cùng tiếp thu ảnh hưởng của Nho giáo, Đạo giáo và nhất là Phật giáo, đã tạo nên một cơ sở quan trọng để hai nước phát triển và củng cố mối quan hệ giao lưu và hợp tác văn hóa lâu bền hiện nay và trong tương lai. Mặt khác, sự nghiệp “đổi mới” ở Việt Nam đã mở ra một thời kỳ mới tốt đẹp và đầy triển vọng cho quan hệ hai nước trên nhiều mặt nói chung và trên lĩnh vực văn hóa nói riêng. Quan hệ giao lưu văn hóa Việt-Nhật trong thời gian vừa qua đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước và góp phần quan trọng không thể thiếu cho sự hợp tác phát triển trên lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác. Thông qua những hợp tác, trao đổi và giao lưu văn hóa giữa hai nước, Việt Nam đã tiếp thu được những kinh nghiệm quý từ Nhật Bản trong việc xây dựng nền văn hóa dân tộc trên cơ sở tiếp thu những thành tựu của văn hóa nước ngoài, trong việc bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống trong điều kiện mới. Nhiều giá trị của văn hóa Nhật Bản đã đi vào đời sống văn hóa hàng ngày của người Việt Nam góp phần làm phong phú và đa dạng thêm đời sống văn hóa Việt Nam đương đại.
Trong giai đoạn hiện nay, cả 2 nước đã hội đủ những điều kiện và yếu tố cần thiết để đẩy nhanh hơn nữa việc hiện thực hóa mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở khu vực châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Với sự nỗ lực và lòng tin của Chính phủ và nhân dân 2 nước, mối quan hệ Việt-Nhật trên lĩnh vực văn hóa sẽ có những bước tiến vững chắc, tạo nền tảng cho sự hợp tác trên các lĩnh vực khác giữa 2 nước trong tương lai.
Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh: Việt Nam và Nhật Bản có những điểm chung về lợi ích là duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và cả hai bên đều coi an ninh quốc gia là bộ phận không thể tách rời an ninh khu vực và thế giới. Hai bên đã và đang tăng cường hợp tác, giao lưu quốc phòng, an ninh, coi quốc phòng, an ninh là một trụ cột mới của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Đây là những nội dung đã được Việt Nam tận dụng và khai thác khá hiệu quả.
Kể từ khi Nhật triển khai chính sách an ninh mới với tên gọi “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” (12.2013 và được cựu Thủ tưởng Shinro Abe chính thức công bố tại diễn đàn Shangri-La năm 2014) và “diễn giải” (giải thích) lại Điều 9 Hiến pháp năm 1946, nhằm đưa Nhật trở thành “quốc gia bình thường”, Nhật Bản đã hỗ trợ tích cực Việt Nam nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật trên biển; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác điều tra, xác minh, bảo vệ công dân; tăng cường hợp tác phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm khủng bố, tội phạm sử dụng công nghệ cao…
Ngày 10.7.2013, Nhật Bản thông qua quyết định nới lỏng chính sách xuất khẩu vũ khí. Sau khi các nguyên tắc xuất khẩu vũ khí được thông qua, Nhật Bản đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác sản xuất, xuất khẩu trang thiết bị với các nước trong đó có ASEAN. Theo đó, Nhật đã tăng cường hợp tác an ninh và xuất khẩu vũ khí, chuyển giao các tàu tuần tra cứu hộ nhằm tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực chấp pháp trên biển cho các nước ASEAN.
Hội đủ các điều kiện cùng mối “lương duyên trời định”, tối 27.11.2023, ngay sau cuộc hội đàm thành công, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã cùng gặp báo chí, thông báo quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á và thế giới.
3. Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ của các nhà lãnh đạo 2 nước, Việt Nam và Nhật Bản sẽ có đóng góp xứng đáng vào Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới
Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân diễn ra trong bối cảnh nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21-9-1973, 21-9-2023) đang được tổ chức giữa Nhật Bản và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuyên bố chung của 2 nước nhân dịp diễn ra sự kiện trọng đại này, Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định Nhật Bản cam kết ủng hộ một Việt Nam "mạnh, độc lập, tự chủ, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành công". Đáp lại, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao đóng góp tích cực của viện trợ phát triển chính thức Nhật Bản (ODA) và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với công cuộc dựng nước, sự phát triển kinh tế-xã hội ổn định và toàn diện của Việt Nam trong nhiều năm qua và khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì vị trí là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về hợp tác kinh tế.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại cuộc gặp gỡ báo chí. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tuyên bố chung nhấn mạnh hợp tác giữa 2 nước về những vấn đề trọng yếu như: Quốc phòng, an ninh; Liên kết hai nền kinh tế, bảo đảm an ninh kinh tế; Hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, văn hóa, du lịch, giao lưu địa phương và giao lưu nhân dân; Hợp tác trong một số lĩnh vực mới như năng lượng, môi trường, khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; Hợp tác trong một số lĩnh vực quan trọng khác như: Luật pháp, tư pháp, khoa học công nghệ, y tế, xây dựng, giao thông vận tải…
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, hoan nghênh những thành tựu nổi bật của hợp tác ASEAN-Nhật Bản trong 50 năm qua, nhất trí phối hợp cùng nhau nâng cao hiệu quả và vai trò của hợp tác Mekong-Nhật Bản trong thời gian tới; bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc tránh có các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép, và làm gia tăng căng thẳng.
Việc nâng cấp quan hệ Việt-Nhật thành Đối tác Chiến lược toàn diện có ý nghĩa to lớn đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt được một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Với vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong ASEAN và vị trí chiến lược của nước này, tất cả các bên liên quan trong đó có Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ lâu đã tìm kiếm sự ủng hộ của Việt Nam cho tầm nhìn của FOIP. Đồng thời, sự kiện này tăng cường hơn nữa ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực. Nhật Bản bắt đầu tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á và việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam mở đường cho sự hợp tác lớn hơn trong các lĩnh vực như thương mại và an ninh trong khu vực. Bước đi này đưa Nhật Bản trở thành một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam. Sự chuyển hướng trong chính sách của Nhật Bản có tác động sâu, rộng đến tình hình khu vực và thế giới và nhằm mục tiêu đưa Nhật Bản trở lại vị thế cường quốc mà trước hết là giành ưu thế cạnh tranh ở khu vực Đông Bắc Á. Nhìn nhận một cách tổng thể, một Nhật Bản hùng mạnh và có vai trò lớn hơn về cả kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng sẽ có lợi cho môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và toàn cầu. Với Việt Nam, sự nâng cấp này chứng tỏ rằng Việt Nam kiên định chính sách “ngoại giao cây tre”, đa phương một cách cân bằng, phát triển quan hệ với tất cả các nước mà không có bất kỳ sự phân biệt nào. Bên cạnh đó, mối quan hệ cũng tăng cường hơn nữa sức mạnh tổng hợp cho Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đình Thiện-Phạm Huế