Nước Mỹ sau một năm cầm quyền của Tổng thống J.BIDEN

Năm 2021, Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ J.Biden lên nắm quyền. Ông tuyên bố chấm dứt chính sách "Nước Mỹ trên hết" thời D.Trump, đã tác động mạnh mẽ tới thái độ của Mỹ với thế giới cũng như cách nhìn của các đồng minh, đối tác, đối thủ với Mỹ. Trong năm đầu nhiệm kỳ, người chèo lái nước Mỹ đạt được những kết quả đối nội và đối ngoại, tuy nhiên cũng nảy sinh và phải đối mặt với nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức nhiều mặt.

Những thành tựu trong đối nội

Về mặt đối nội, sau một năm cầm quyền dưới thời Tổng thống Biden, nước Mỹ đã có những khởi sắc trong phạm vi kinh tế, nhất là thị trường lao động, việc làm và chứng khoán. Kinh tế Mỹ đã phục hồi nhịp độ tăng trưởng và tỉ lệ thất nghiệp giảm rõ rệt. Những chương trình tài chính quy mô lớn nhằm ứng phó dịch bệnh, giải quyết các vấn đề xã hội, kích thích tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại thật sự là những liều thuốc thích hợp lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng và tác động nặng nề của đại dịch. Xét một cách khách quan, ông Biden đã vãn hồi được ở chừng mực nhất định sự ổn định về chính trị xã hội nội bộ nước Mỹ sau những hỗn độn và xáo trộn ở thời ông Trump cầm quyền. Những điểm sáng tích cực có thể thấy ở mấy điểm sau đây:

Một là, kinh tế có những dấu hiệu phục hồi tích cực, có đà tăng trưởng tích cực. Năm 2021 tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 5,6% (so với -3,5% năm 2020) một con số khá ấn tượng đối với nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nước Mỹ quay trở lại đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy kinh tế thế giới. Chỉ số chứng khoán Dow Jones cũng tăng kỷ lục gần 20% và đạt mức đỉnh lịch sử với gần 36000 điểm. Thất nghiệp của nước Mỹ hiện ở mức dưới 4%, mức thấp nhất trong 50 năm qua. Đánh giá về một năm khởi đầu của Biden, tờ Los Angeles Times của Mỹ bình luận: Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp đang ở mức thấp nhất kể từ thập niên 1960. Tăng trưởng trong việc làm trong năm 2021 là lớn nhất trong nhiều năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống dưới mức 4%, đó là một mức giảm lịch sử so với tỷ lệ 6,2%, một năm trước khi Biden nhậm chức. 

Hai là, chính quyền và Biden đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ sau khi nhiều loại vắc xin chống Covid-19 được phát triển dưới thời Donald Trump và được đồng thuận sử dụng hiệu quả như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson. Tính đến nay 71% người Mỹ đã tiêm một liều, 62% tiêm hai liều, và 24,5% tiêm ba liều. Kết quả này là những nỗ lực ngăn chặn sự tác động nặng nề của đại dịch Covid - 19 trong năm 2021 so với trước đó.

Ba là, Quốc hội do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua hai dự luật quan trọng và sau đó được Tổng thống Biden ký thành luật là Đạo luật xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 1000 tỷ USD và Đạo luật chi tiêu trị giá 1900 tỷ USD giúp phục hồi kinh tế. Hãng tin Reuters nhận định việc gói ngân sách 1.000 tỉ USD được thông qua là một chiến thắng lớn cho Tổng thống Biden. Ông đã liên tục thúc đẩy dự luật và cho rằng đây là cách để tái thiết nước Mỹ tốt đẹp hơn sau COVID-19. Dự luật này sẽ phân bổ số tiền khổng lồ trên trong vòng 10 năm, rót tiền cho các chương trình chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí và các chương trình khác nhằm chống lại tình trạng ấm lên toàn cầu.

Những điều trên cho đến nay được xem là những điểm sáng rõ rệt trong chính sách đối nội của Tổng thống Biden một năm qua.

Dấu ấn về đối ngoại

Thành quả cầm quyền về đối ngoại của ông Biden trong năm cầm quyền đầu tiên được các chuyên gia đánh giá khá đáng kể. Ông Biden đã đưa nước Mỹ trở lại với thế giới, tham gia trở lại một số hiệp ước đa phương quốc tế, khôi phục lại quan hệ với các đồng minh và đối tác chiến lược trong NATO, EU và G7; thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và vai trò ảnh hưởng chính trị thế giới của nước Mỹ trên trường quốc tế. Những quyết sách đối ngoại của ông Biden được thế giới quan tâm đến nhiều nhất là việc coi trọng vấn đề khí hậu trái đất, giải quyết xung đột thương mại với một số đồng minh và đối tác; đưa ra định hướng chiến lược mới cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gia tăng đối trọng cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và Nga. Tựu chung lại, có thể thấy mấy điểm nổi bật đáng chú ý sau đây:

Một là, chính quyền Biden đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ “nước Mỹ đã quay trở lại” (America is back) theo nghĩa Mỹ đã quay trở lại các cam kết quốc tế lớn và các định chế quan trọng như các cam kết về chống biến đổi khí hậu với sự tham gia hùng hậu của đoàn Mỹ tại COP-26, tham gia trở lại vào Hội đồng nhân quyền, Tổ chức y tế thế (WHO), Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO)…

Hai là, thắt chặt quan hệ với các đồng minh châu Âu trong EU, NATO và các đồng minh ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Mỹ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump đặt Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là ưu tiên quan trọng trong chính sách an ninh – đối ngoại của mình, với một số điểm nhấn: Lôi kéo sự can dự của các đồng minh ngoài khu vực như Anh, EU vào các vấn đề của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thúc đẩy việc thiết chế hóa nhóm bộ tứ gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản. Lập các “liên minh an ninh mini” như AUKUS gồm Australia, Anh và Mỹ.

Ba là, trong quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc và Nga, Mỹ tiếp tục nhấn mạnh đến yếu tố cạnh tranh chiến lược, coi đó là nhân tố có tính chi phối trong quan hệ quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, khác với chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump, Chính quyền Biden nhấn mạnh đến mặt hợp tác và sự can dự ở cấp cao với mục đích không để sự cạnh tranh hoặc hiểu lầm chiến lược dẫn đến xung đột hoặc chiến tranh giữa Mỹ với hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới. Trong năm 2021, Biden đã có hai cuộc họp Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin, hai cuộc điện đàm và một cuộc họp Thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Những nhân tố đó giúp thế giới có sự lạc quan về môi trường hòa bình tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong 5 đến 10 năm tới.

Đối mặt với những thách thức kinh niên chưa thể giải quyết và những thách thức đặt ra

Bên cạnh những kết quả tích cực như trên, sau một năm cầm quyền, Ông Biden đứng trước nhiều thách thức, khó khăn chồng chất về kinh tế, chính trị, xã hội những năm tới và mục tiêu tiếp tục chiến thắng mục tiêu ở lại “Nhà trắng” nhiệm kỳ 2 vào năm 2024.

Về kinh tế, năm 2021 mặc dù kinh tế Mỹ lấy lại đà tăng trưởng và có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên lạm phát lại ở mức tăng cao nhất trong vòng gần 4 thập kỷ qua. Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10-12 cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11-2021 tăng lên tới 6,8% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ năm 1982. Chỉ số lạm phát tăng gao làm cho chỉ số tăng trưởng kinh tế 5,6% không còn ý nghĩa trên thực tế. Nhiều thành viên đảng Dân chủ lo ngại về nguy cơ Biden có thể trở thành tổng thống một nhiệm kỳ. Nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sự xuất hiện của biến thể Omicron có nguy cơ kéo giá cả tăng cao khiến lạm phát đang trở thành thách thức kinh tế hàng đầu tại Mỹ trong năm mới.

Về xã hội, trong suốt phần lớn chiều dài lịch sử nước Mỹ, những vấn đề kiểm soát súng đạn, phân biệt chủng tộc, cạnh tranh chính trị giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa…luôn trở thành một vấn đề xã hội nan giải, gây chia rẽ sâu sắc xã hội Mỹ. Sau một năm cầm quyền, để kiểm soát súng dạn, chính quyền của ông Biden thực hiện tăng thuế sở hữu súng cá nhân, khi những người sở hữu sẽ phải trả thêm tổng cộng 34 tỷ USD. Tuy nhiên, hiệu quả lại ngược lại khi thực tế chứng minh, doanh số bán súng đang gia tăng trên khắp nước Mỹ, nguyên nhân là do lo ngại Tổng thống Biden sẽ đẩy mạnh kiểm soát súng cũng như sự bất an liên quan đại dịch COVID-19 và làn sóng biểu tình phân biệt chủng tộc. Hiệp hội Súng trường Mỹ tuyên bố sẽ chống lại mọi biện pháp kiểm soát súng đạn. Dựa trên các quan điểm khác nhau về giá trị tự do và bình đẳng, hai đảng hàng đầu của Mỹ thường thúc đẩy các chính sách đối ngược nhau, làm chovấn đề càng trở nên phức tạp; hậu quả là các cuộc xả súng, người chết và bất ổn xã hội vẫn luôn hiện hữu.

Theo báo cáo mới nhất vừa được công bố, kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, vấn đề kỳ thị, phân biệt chủng tộc, đặc biệt là đối với người Mỹ gốc Phi, gốc Á gia tăng rất nhiều trong thời gian qua, nhất là kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Mỹ. Là quốc gia đa sắc tộc, gồm cả da trắng, da màu, da đỏ người gốc Á da vàng, chưa kể một tỷ lệ lớn người Mỹ Latinh, luật bất thành văn, màu da vẫn là một tiêu chí để nhìn nhận, đánh giá một con người ở đây bởi nước Mỹ vốn là đất nước được biết đến một phần vì lịch sử gắn với nạn phân biệt chủng tộc. Các cuộc xả súng, bất ổn, biểu tình vì phân biệt chủng tộc diễn ra vẫn tiếp tục là những vấn đề nan giải kinh niêm mà Tổng thống Biden chưa thể có biện pháp rõ ràng trên thực tế.

Về chính trị, kết quả khảo sát của của CNN mới đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Biden hiện là 42%, trong khi thăm dò của Đại học Quinnipiac chỉ ra tỷ lệ này chỉ là 33%, thấp hơn người tiền nhiệm D. Trump. Đây là những con số khiến bất kỳ ông chủ Nhà Trắng nào cũng đều cảm thấy lo lắng. Số phận Đạo luật Build Back Better (Xây lại Tốt hơn) vẫn còn bấp bênh, trong khi các dự luật về quyền bỏ phiếu cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều chuyên ra cho rằng Biden thậm chí còn không làm tốt trong việc “khoe” những thành tựu mà chính quyền của ông đã đạt được trong cải thiện việc làm, thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng, thông qua đạo luật cơ sở hạ tầng hay duy trì nền hòa bình và thịnh vượng.

Triển vọng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ năm nay đáng lo ngại vì các yếu tố sức ép lạm phát lớn cũng như kết quả bầu thống đốc bang Virginia đều không mang lại dấu hiệu tốt. Đảng Dân chủ ngày càng trở nên chia rẽ, mâu thuẫn giữa các phe phái ngày càng gay gắt, khó có thể chống lại đảng Cộng hòa khi tranh cử tổng thống trong tương lai. Xét trên bình diện xã hội, tờ Le Figaro có bài nhận định “Nền dân chủ Mỹ đang chìm vào khủng hoảng”. Theo tờ báo, cách đây một năm việc ông Biden đắc cử tổng thống đã không mang lại yên bình cho nước Mỹ. Đất nước ngày càng chia rẽ, các rạn nứt lớn dần trong xã hội Mỹ giờ đây có thể thấy trong hầu hết các vấn đề. Đại dịch càng làm cho không khí chia rẽ sâu sắc hơn. Trong một nước Mỹ mà người dân sở hữu súng nhiều hơn bất kỳ nước phát triển nào thì không khí nghi kỵ thù hằn nhau trong xã hội là rất  đáng lo ngại.  Bên cạnh đó, Tổng thống Biden lên nắm quyền ở tuổi 78,  ông nhiều lần gây bàn tán về vấn đề sức khỏe mình khi liên tiếp vấp ngã trong lúc bước lên chuyên cơ hay không đi theo đúng chỉ dẫn của mật vụ, nói nhầm các dữ liệu quan trọng và nhầm lẫn tên của các quan chức trong chính quyền.

Ở khía cạnh khác, trong cuộc mít tinh đầu tiên của mình trong năm diễn ra bầu cử giữa kỳ Mỹ tại Florence, bang Arizona hôm 15/1, ông Trump tuyên bố sẽ “giành lại Nhà Trắng”. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gay gắt chỉ trích người kế nhiệm Joe Biden, đồng thời tuyên bố ông và phe Cộng hòa sẽ "giành lại Nhà Trắng" trong cuộc bầu cử năm 2024. Nhiều nhà chính trị phân tích, nếu Cựu Tổng thống D.Trump tiếp tục tranh cử giành lại “chiếc ghế” ông chủ Nhà trắng vào 2024 là một thách thức đối với đương kim Tổng thống 46 của nước Mỹ vào nhiệm kỳ tới.

Về đối ngoại, Trên con đường “nước Mỹ đã quay trở lại” (America is back) của Tổng thống Biden, đối ngoại có vai trò rất quan trọng để lấy lại hình ảnh, sức mạnh của nước Mỹ. Tuy nhiên, về phương diện này, không phải việc nào cũng thuận buồm xuôi gió, thậm chí là những sai lầm, làm uy tín, niềm tin, hình ảnh nước Mỹ trở nên giảm sút.

Việc quyết định rút binh lính Mỹ khỏi Afghanistan đã đẩy nhanh sự sụp đổ của chính phủ nước này, kéo theo tình trạng hỗn loạn khi hàng trăm nghìn người chạy trốn khỏi sự cai trị của Taliban. Nhiều nhà phân tích cho rằng việc Mỹ từ bỏ đồng minh của mình sẽ gây ra những hậu quả lâu dài về niềm tin chiến lược. Mỹ rút quân theo một cách “vội vã” bỏ mặc đồng minh, như một sự thừa nhận thất bại sau hai thập kỷ gây dựng mô hình tự do, dân chủ của Mỹ. Taliban nhanh chóng chiếm giữ, kiểm soát toàn bộ quốc gia Nam Á và tuyên bố kết thúc chiến tranh Nhiều nhà phân tích lo ngại, đối với quốc gia có cơ cấu xã hội phức tạp như Afghanistan, “quá khứ” của những “thiên đường khủng bố”, “mảnh đất ma túy” như cách đây hơn 20 năm trước sẽ hồi sinh. Điều đó tạo ra tương lai bất định ở quốc gia hồi giáo và những hệ lụy khó lường với khu vực và thế giới.

Đối với Nga, Ukraine đang trở thành tâm điểm nóng bỏng của chính trị quốc tế. Việc Mỹ thúc đẩy và được nhiều nước thành viên hưởng ứng, NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông, tới gần biên giới Nga, ngày càng gia tăng sự hiện diện cả về khía cạnh cung cấp vũ khí, huấn luyện và nhân sự của NATO với Ukraine, đây được cho là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga và là nguồn cơn biến khu vực trở nên phức tạp, tạo “lằn răn đỏ” có nguy xảy ra cuộc xung đột vũ trang nguy hiểm. Thách thức vấn đề Ucraina hiện tại đang đặt Tổng thống Biden đang ở trong tình thế khó khăn. Mỹ sẽ không muốn xung đột nổ súng xảy ra ở một khu vực cách xa Mỹ và ngay sát Nga. Tổng thống Biden phải đối mặt hiện nay là tìm ra cách duy trì lập trường của Ukraine mà không tỏ ra có vẻ nhượng bộ trước Nga. Câu chuyện lợi ích, vai trò của Mỹ muốn duy trì và khẳng định vị thế dẫn dắt quốc tế vấp phải lập trường cứng rắn của Nga tạo ra những bế tắc rất khó giải quyết. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng nếu không tìm được tiếng nói chung, một cuộc xung đột có thể nổ ra thì hậu quả của nó thật phức tạp và khó lường.

Đối với quan hệ xuyên Đại Tây Dương trở nên rạn nứt khi Anh và Mỹ ký kết thỏa thuận chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân với Australia (AUKUS), sau khi Australia hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm với Pháp…làm cho hình ảnh “người anh cả” có phần mờ nhạt và những bất đồng nội bộ giữa Mỹ - Pháp - Australia khó có thể giải quyết êm đẹp, lấy lại sự nồng ấm trong quan hệ đối ngoại xưa kia trong một sớm một chiều.

Đối với Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Biden tiếp tục nhìn nhận các mối đe dọa từ Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị ngày càng tăng. Sự trỗi dạy, vươn lên của Trung Quốc vẫn tiếp tục là một trong những quan tâm, thách thức lớn của địa chiến lược toàn cầu của Mỹ trong thời gian tới. Trong năm qua, Mỹ đã tìm cách tập hợp các đồng minh châu Âu và châu Á nhằm chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc, xây dựng các thỏa thuận quốc phòng và quân sự để phản ứng với những gì mà Mỹ xem là một “Bắc Kinh ngày càng hung hăng” và đang từng bước trỗi dậy, cạnh tranh vị trí cường quốc số một thế giới.

Đối với vấn đề kiểm soát điểm nóng vũ khí hạt nhân tồn tại trong nhiều năm qua. Theo chuyên gia, quyết định rời khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran của cựu Tổng thống Mỹ D.Trump là một trong những quyết định chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Mỹ trong 50 năm qua. Hiện tại, Iran đã làm giàu uranium nhiều hơn mức mà họ được quyền sở hữu nếu thỏa thuận vẫn được duy trì. Biden cam kết sẽ khôi phục JCPOA sau khi ông nhậm chức, nhưng dường như những vận động hành lang từ Israel về việc Mỹ phải có chính sách cứng rắn hơn nữa với Iran đã khiến Mỹ chần chừ mà chưa quyết định rõ rệt. Bên cạnh đó, chào đón năm mới 2022, Triều Tiên phóng thử nghiệm loạt tên lửa siêu thanh cũng là những dấu hiệu để Tổng thống Biden quan tâm nhiều hơn trong mối liên kết khu vực Đông - Bắc Á. Tuy nhiên, tất cả những vấn đề này, dường như người chèo lái nước Mỹ vẫn chưa có bước đi tích cực, thực tiễn rõ ràng nào.

Trong thông điệp năm mới, Tổng thống Joe Biden nói rằng ông lạc quan hơn về tương lai của nước Mỹ so với những gì từng chứng kiến vừa qua. Tuy nhiên, Tổng thống Biden có thể thực hiện được tham vọng của mình các vấn đề chính trị xã hội kinh niên trong nước và cạnh tranh chiến lược nước lớn để vực dậy vai trò lãnh đạo của Mỹ hay không? Ba năm tới, thời gian vẫn đủ và mọi thứ còn ở trước mắt.

 

                                                                Lê Thế Cương - Nguyễn Thị Thúy

Học viện Chính trị CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website