Khi những loạt pháo hoa rực sáng trên bầu trời khắp 5 châu đón chào năm mới 2023, thì trong bầu không khí tưng bừng, nô nức ấy vẫn ẩn chứa nhiều nỗi phiền lo về những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu đang trên đà suy thoái phải đối mặt. Những thách thức đó bao gồm cả về tốc độ tăng trưởng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, nguy cơ nợ công, lạm phát tăng cao với phạm vi rộng trên quy mô toàn cầu cùng nguy cơ dịch bệnh bùng phát với những biến thể mới.
1. Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh quốc tế lâm vào tình trạng “đa khủng hoảng”
Trong thế giới đương đại, kinh tế, chính trị, quân sự và các lĩnh vực khác có mối quan hệ ngày càng chặt chẽ, tác động qua lại, ảnh hưởng và giàng buộc lẫn nhau hơn. Kinh tế thế giới 2023 được đặt trong tổng thể bức tranh toàn cảnh quốc tế mà ở đó người ta thấy rõ hình hài của một thế giới đa khủng hoảng dường như đang muốn nhấn chìm sự nỗ lực chung của nhân loại. Tình trạng đa khủng hoảng có thể phác họa trên những nét chính: (1) Chiến tranh vẫn tiếp diễn khốc liệt giữa Nga và Ukraine; những điểm nóng ở Trung Đông (Iran, Israel, Syria…), châu Âu (Kosovo, Serbia), châu Á (Bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan…) chứa đựng đầy nguy hiểm và có nguy cơ biến thành cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ ba. (2) Các biến thể của virus SARS-Co-V2 là một trong những nguồn gây lo ngại hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là ở Trung Quốc đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế của nước này. (3) An ninh năng lượng, lương thực gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho sự phát triển của kinh tế thế giới. (4) Khủng hoảng kinh tế, tài chính và vấn đề nợ công ngày càng gia tăng ở các nước đang phát triển. (5) Biến đổi khí hậu toàn cầu đang ở mức báo động, trong khi những cam kết quốc tế để chống biến đổi khí hậu chưa đem lại hiệu quả.
Trong bối cảnh trên, gần đây, các tổ chức quốc tế đồng loạt hạ mức tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo IMF (10/2022), các nền kinh tế phát triển dự báo tăng trưởng năm 2023 là 1,1% (trong đó, Mỹ: 1%, khu vực châu Âu: 0,5%; Nhật Bản: 1,6% v.v.); các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được dự báo tăng trưởng vào khoảng 3,7% (trong đó, Trung Quốc: 4,4%; Ấn Độ: 6,1%...v.v.). Trong khi đó, lạm phát (CPI) toàn cầu năm 2022 tăng lên 8,8% (tại các nước phát triển là 7,2% và tại các nước mới nổi và đang phát triển là 9,9%), trước khi được dự báo giảm xuống mức 6,5% năm 2023 và khoảng 4% năm 2024.
2. Nguy cơ mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực trước sự đối đầu căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây
Chiến tranh Nga-Ukraine ngày càng khốc liệt và chưa thể tìm ra dấu hiệu vãn hồi có ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng thế giới. Với đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga khiến nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của thế giới bị suy giảm mạnh. Bởi Nga là một trong những nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt lớn nhất trên thế giới, chiếm đến 40% nguồn cung năng lượng cho châu Âu (trước khi xảy ra xung đột quân sự Nga-Ukraine). Chỉ sau khi chiến sự xảy ra ít ngày, đầu tháng 3.2022, giá dầu thế giới đạt mức 130 USD/thùng. Đây là lần thứ 3 trong lịch sử giá dầu thế giới vượt ngưỡng 100 USD/thùng (lần gần đây nhất vào năm 2013). Mặc dù có giảm trong những tháng cuối năm, nhưng nguy cơ giá năng lượng có thể tăng khi Trung Quốc mở cửa trở lại là điều hiện hữu. Theo tính toán của IMF, nếu cứ tăng thêm 10 USD/thùng, thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu mỗi năm sẽ giảm thêm 0,5%.
Về an ninh lương thực, theo thống kê, Nga và Ukraine chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của 36 quốc gia trên thế giới. Vì giá lúa mì có liên quan mật thiết đến giá các loại lương thực khác như gạo và ngô, nên không khó lý giải khi giá lương thực thế giới nói chung vào tháng 3/2022 cao hơn một phần ba so với một năm trước đó. Nga và Belarus chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu phân bón khoáng chất và bất cứ sự gián đoạn nào về nguồn cung từ các nước này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp ở châu Phi, Trung Đông và thậm chí là cả Mỹ Latinh.
Chương trình lương thực thế giới (WFP) đã đánh dấu “vòng lửa” về nạn đói và suy dinh dưỡng trải dài trên toàn cầu. Theo đó, diện tích “vòng lửa” kéo dài từ Trung Mỹ và Haiti, qua Bắc Phi, Sahel, Ghana, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, vòng sang phía Đông tới Sừng châu Phi, Syria, Yemen và phủ rộng tới Pakistan và Afghanistan. Số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng vọt từ 135 triệu lên 345 triệu người kể từ năm 2019. Theo các chuyên gia, ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine được giải quyết và các chuyến hàng ngũ cốc từ Ukraine xuất khẩu ra thế giới trở lại bình thường thì tình trạng thiếu lương thực vẫn sẽ tồn tại. Bởi, xung đột quân sự và chiến tranh cũng chỉ là một nguyên nhân. Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt thất thường mới là nguyên nhân chính dẫn đến mất an ninh lương thực và khó có thể được khắc phục một cách hiệu quả một sớm, một chiều. Bên cạnh đó, chi phí cho nhiên liệu và phân bón tăng vọt cùng với tình hình càng trầm trọng hơn do hệ lụy cuộc chiến ở Ukraine và sự đứt gãy lưu thông trong chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí thức ăn cho sản xuất chăn nuôi.
3. Khủng hoảng nợ toàn cầu tăng vọt, trầm trọng nhất là ở các nước đang phát triển
Theo Viện tài chính quốc tế, cả nợ doanh nghiệp của các công ty phi tài chính (88 nghìn tỷ USD~98% GDP toàn cầu), cùng với nợ Chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình cộng lại (~290 nghìn tỷ USD vào quý III/2022), đều đang gia tăng trong vòng 4-5 năm qua. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhiều năm lãi suất thấp, đôi khi xuống mức âm đã khiến dòng tiền được nới lỏng và sự kiểm soát thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khiến đồng USD mạnh lên, suy thoái kinh tế ở châu Âu, cùng nền kinh tế Trung Quốc suy yếu và những bất ổn về Ukraine có khả năng trở thành ngòi nổ cho một cuộc khủng hoảng tài chính khác trong khu vực hoặc thậm chí trên toàn cầu.
Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế, hiện mức nợ toàn cầu lớn hơn khá nhiều so với giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Trong bối cảnh đó, điều đáng quan ngại hơn nữa là mức độ hợp tác quốc tế đang giảm sút, tạo môi trường kém thuận lợi hơn nhiều so với năm 2008. Chẳng hạn, tại Mỹ, Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm giữ đang gặp nhiều khó khăn để có thể thông qua đề xuất mở rộng các nguồn lực cần thiết của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ và giãn nợ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Nhóm G20 đóng một vai trò quan trọng trong khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, nhưng kết quả từ cuộc họp nhóm G20 hồi tháng 11 tại Bali (Indonesia) cho thấy, các nỗ lực phối hợp để quản lý nợ vẫn chưa thật thỏa đáng. Được xem là chủ nợ lớn nhất của các nước đang phát triển, Trung Quốc muốn quản lý nợ theo phương thức song phương, trong khi Mỹ và phương Tây lại mong muốn công khai, minh bạch theo phương thức đa phương. Bên cạnh đó, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy 2 nước sẽ khó có thể hợp tác cùng nhau để cùng khắc phục suy thoái kinh tế như hồi năm 2008. Cùng với đó, những yếu tố có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng khác có thể bắt nguồn từ nguy cơ vỡ nợ tại một hay nhiều quốc gia đang phát triển hay sự sụp đổ của các tập đoàn lớn, hoặc hệ lụy chiến tranh ở Ukraine nếu leo thang đến cấp độ hạt nhân.
Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo 54 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang gặp “những vấn đề nghiêm trọng về nợ”. Các quốc gia này chiếm tới 18% dân số toàn cầu, nhưng có đến hơn 50% người dân sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Đồng thời, trong số này có 28 nước nằm trong danh sách 50 quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới do biến đổi khí hậu. Việc giảm hoặc xóa nợ của các nước giàu đối với nước nghèo luôn diễn ra chậm chạp và mang tính nhỏ giọt. Các vấn đề về khả năng thanh toán ban đầu thường bị nhầm lẫn với khả năng thanh khoản, dẫn đến các cuộc khủng hoảng nợ kéo dài với những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Tình hình tài chính tồi tệ ở hầu hết các nước đang phát triển được xem như một điểm nghẽn cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc vào năm 2030. Thay vào đó, các nước đang phát triển có thể sẽ phải chịu cảnh nghèo đói kéo dài hơn, tình hình giáo dục cũng khó được cải thiện và khả năng đối phó với biến đổi khí hậu vào năm 2023 sẽ tiếp tục bị suy giảm.
4. Tác động của dịch bệnh và biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ trên toàn cầu
Xuất hiện lần đầu vào cuối năm 2019 tại Vũ Hán Trung Quốc, dịch bệnh Covid-19 đã lan nhanh trên toàn thế giới và hiện được xem là đại dịch nguy hiểm nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2. Dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái nghiêm trọng, nhất là sự đứt gãy trong cả sản xuất, lưu thông, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Để chống lại đà suy thoái kinh tế, các nước đồng loạt tung ra các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ với quy mô lớn. Hiện chưa có thống kê chính xác về số tiền mà các quốc gia phải chi ra để ngăn chặn đại dịch nhưng con số lên đến hàng nghìn tỷ USD là điều chắc chắn. Theo các chuyên gia, đây là điều cần thiết, nhưng nó cũng đang là thách thức đối với sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu, đòi hỏi các nhà quản lý phải có sự quan tâm đúng mức nếu không muốn bị trả giá đắt bằng khủng hoảng kinh tế. Từ đại dịch Covid-19, hàng nghìn loại virus trên hành tinh của chúng ta có thể gây ra các đại dịch trong tương lai, một số được dự báo sẽ còn khó đối phó hơn dịch Covid-19. Mặc dù với sự phát triển của y học hiện đại, việc để xảy ra những thảm họa có xác suất thấp nhưng nếu để xảy ra thì hệ lụy sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Đi cùng với dịch bệnh là biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo đánh giá của các chuyên gia, Hội nghị COP27 kết thúc với tâm trạng thất vọng và lo lắng thay vì cảm giác thành công. Lời kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch đã bị các quốc gia sản xuất dầu bác bỏ. Hầu hết các nhà khoa học cho rằng, mức tăng nhiệt độ Trái đất sẽ sớm đạt 1,50C và đang trên đường băng đạt mức tăng 2,20C trừ phi các quốc gia cam kết cắt giảm 43% tổng lượng khí thải nhà kính. Khí hậu nóng lên đồng nghĩa với băng tan, nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán, lũ lụt kéo dài, ảnh hưởng xấu đến sản lượng nông nghiệp. Các chuyên gia quốc tế đánh giá, điểm sáng duy nhất tại COP27 là thỏa thuận về một quỹ “đền bù tổn thất và thiệt hại” mới để giúp các nước đang phát triển trang trải chi phí do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, không có quyết định nào được đưa ra về số tiền tài trợ cụ thể mà các nước phát triển hứa sẽ chi trả. Giới phân tích cho rằng, các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển trong quá trình hướng đến mục tiêu vì một thế giới carbon thấp, nhưng đã không thực hiện những lời hứa đó. Đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát Hạ viện Mỹ cho biết, họ không muốn trả tiền cho người khác để đối phó với biến đổi khí hậu. Và như vậy, quỹ “đền bù tổn thất và thiệt hại” tại COP27 trong những năm tới sẽ vẫn chỉ là những lời hứa hão huyền.
Nguyễn Đình Thiện - Phạm Thị Bích Ngọc
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. 10 nguy cơ hàng đầu trên toàn cầu năm 2023 (The National Interest, ngày 19/12/2022). Nguồn: TTXVN, ngày 08-01-2023.
2. Bức tranh kinh tế thế giới nhìn từ xung đột quân sự Nga-Ukraine. Nguồn: http://hvctcand.edu.vn/nghien-cuu-quoc-te/buc-tranh-kinh-te-the-gioi-nhin-tu-xung-dot-quan-su-nga-ukraine-3989.
3. Hệ lụy xung đột quân sự Nga – Ukraine (kỳ 5). Nguồn: http://hvctcand.edu.vn/nghien-cuu-quoc-te/he-luy-xung-dot-quan-su-nga-ukraine-ky-5-3863