Trong những bài trước chúng tôi đã đề cập, sau một thập kỷ lãnh đạo, hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa” - phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, đối ngoại… và ngày càng có vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, kinh tế -xã hội Trung Quốc cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Bài viết này đề cập những khó khăn, thách thức mà Trung Quốc đã, đang và sẽ đối mặt dưới góc nhìn của các chuyên gia, học giả quốc tế.
Bốn thách thức lớn của nền kinh tế Trung Quốc
Điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế Trung Quốc trong 5 năm tới? Đây là một trong những vấn đề khá thú vị đối với những ai quan tâm đến sự tiếp tục “trỗi dậy” và hiện thực hóa Giấc mộng của gã khổng lồ Trung Quốc. Martin Wolf - Trưởng Ban nghiên cứu kinh tế của tờ “Financial Times” của Anh, đã chỉ ra rằng Trung Quốc hiện đang đối mặt với 4 thách thức lớn, đó là: Thứ nhất, làm thế nào để chuyển đổi mô hình tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng. Thứ hai là làm thế nào để quản lý sự suy giảm không thể tránh khỏi trong tăng trưởng kinh tế hiện tại. Thứ ba là làm thế nào để quản lý sự hòa nhịp giữa Trung Quốc và nền kinh tế thế giới. Thứ tư, là vấn đề kiểm soát diễn biến chính trị trong nước trong mối tương quan với kinh tế.
Thứ nhất, Trung Quốc đã và đang đối diện với xu hướng sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong “Kế hoạch 5 năm lần thứ mười ba” (2016 - 2020), tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm không thấp hơn 6,5%. Mặc dù theo tiêu chuẩn quốc tế thì tốc độ này là nhanh, nhưng đối với Trung Quốc thì đó là một tốc độ chậm nhất so với những năm gần đây. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn sẽ giúp Trung Quốc đạt GDP bình quân đầu người thực tế tăng gấp đôi năm 2020 so với năm 2010, đồng thời đạt được “xã hội khá giả” do cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đề ra và đạt mục tiêuvào năm 2021 - 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốcdưới thời Tập Cận Bình đề ra. Tốc độ tăng trưởng chung của Trung Quốc giảm mạnh không nhất thiết dẫn đến tăng trưởng phúc lợi quốc gia giảm đi kèm với đầu tư thu hồi vốn thấp, dư thừa năng lực, ô nhiễm môi trường, gia tăng bất bình đẳng và tiêu dùng xã hội (đặc biệt là môi trường). Tại diễn đàn kinh tế Trung Quốc vừa qua, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trương Cao Lệ nhấn mạnh các kế hoạch nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và sự cần thiết của việc chuyển đổi sang một nền kinh tế đổi mới và sự cấp thiết của việc kiểm soát ô nhiễm. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp mang lại cơ hội to lớn cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Ngoài ra, “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13” hứa hẹn sẽ cải cách hệ thống đăng ký hộ khẩu thành thị để khuyến khích những người di cư nông nghiệp đến định cư ở các khu vực đô thị.
Thứ hai, từ vấn đề trên sẽ mang đến thách thức lớn thứ hai liên quan chặt chẽ với nhau, đó là khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại thì sự mất cân bằng vốn có của nó sẽ trở nên nổi bật. Đầu tư của Trung Quốc chiếm gần 45% GDP. Khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, mức cao bất thường này là không hợp lý. Ngoài ra, tỷ trọng đầu tư cao này cũng dẫn đến tăng trưởng bùng nổ về nợ và làm giảm tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (một chỉ số về tiến bộ công nghệ). Con đường tăng trưởng này không bền vững. Khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và trọng tâm của tăng trưởng chuyển từ sản xuất và xây dựng sang các ngành dịch vụ, nhu cầu đầu tư từ khu vực tư nhân chắc chắn sẽ thu hẹp lại. Nhưng đầu tư đã mang lại gần một nửa nhu cầu cùng một lúc. Sẽ rất khó khăn để duy trì mức tổng cầu trong khi tăng trưởng đầu tư chậm lại. Các nhà hoạch định chính sách có các công cụ để ngăn chặn khủng hoảng tài chính, nhưng sẽ rất khó tránh khỏi sự sụt giảm của nhu cầu và tăng trưởng.
Thứ ba, quản lý sự gắn kết của Trung Quốc với nền kinh tế thế giới. Sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc với mức tiết kiệm cao đã mang đến một thách thức kép. Một là tác động đến nhu cầu toàn cầu, đặc biệt là đối với hàng hóa. Thứ hai là xu hướng dư thừa dòng vốn chảy ra làm suy yếu tỷ giá hối đoái, Bắc Kinh dường như sẽ phải đối mặt dòng vốn chảy ra và sử dụng dự trữ ngoại hối thay vì thắt chặt đáng kể các biện pháp kiểm soát dòng vốn chảy ra, những áp lực này sẽ có tác động mạnh đến nền kinh tế Trung Quốc.
Bốn là, sự chuyển đổi của Trung Quốc sang một nền kinh tế thị trường thịnh vượng sẽ mang lại một thử nghiệm chính trị lớn. Đó chính là kinh tế thị trường tự do được đẩy mạnh, tự do ở mức nào trong khi chính trị là là một thể chế cố hữu? Hiện tại, có vẻ còn có những bất thường, khoảng cách trong mối quan hệ cơ bản này.
Đối mặt với những thách thức chưa từng có
Trong bài “Làm thế nào để đối phó với những thách thức của nền kinh tế Trung Quốc”, tờ Nhân dân nhật báo lớn nhất của Trung Quốc dẫn nhận định của một số chuyên gia kinh tế cho rằng: “Sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc là sự chuyển đổi kinh tế lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới. Do đó Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Suy thoái kinh tế và rối loạn thị trường tài chính. Mâu thuẫn cơ cấu và rủi ro tài chính cũng trở nên nổi bật hơn.
Những vết nứt ở thị trường tiêu dùng đã xuất hiện. Theo thống kê trong thời gian gần đây, doanh số bán xe hơi đã sụt giảm sau hai thập niên tăng trưởng liên tục. Doanh số bán lẻ cũng đang chậm lại, mức nợ tiêu dùng của Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng kiến nhu cầu chi tiêu sụt giảm…Những yếu tố này kiến Trung Quốc mất đi một động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Xây dựng hệ thống kinh tế mở mới, Trung Quốc sẽ hội nhập sâu hơn vào hệ thống phân công lao động toàn cầu bằng cách tận dụng tốt hơn thị trường, cạnh tranh công nghệ, nâng cấp cơ cấu công nghiệp, tuy nhiên tham gia, hợp tác vào các chuỗi toàn cầu khi mà tâm lý “nghi ngại, cảnh giác”, thập chí “bài Trung”, cạnh tranh, đối đầu trên nhiều phương diện ngày càng tăng, tác động này là thách thức ngược lại không nhỏ với nền kinh tế Trung Quốc.
Cải cách của Trung Quốc hiện đang gặp phải một số trong số các vấn đề rất nhức nhối đó là cải cách doanh nghiệp nhà nước. Trung Quốc đã từng phát triển với hệ thống cổ phần và sở hữu hỗn hợp, nhưng chưa trả lời được câu hỏi mấu chốt nhất, rốt cuộc ai sẽ là người kiểm soát các doanh nghiệp này? Xu hướng tư nhân hóa kinh tế nhà nước gây ra nút thắt trong việc cải cách doanh nghiệp nhà nước trong việc phát huy vai trò dẫn dắt của kinh tế nhà nước. Một hệ thống doanh nghiệp nhà nước không lồ được ưu đãi trước đây đứng trước nguy cơ tư nhân hóa, để lại khoảng trống về công ăn, việc làm với đội ngũ công nhân người lao động vốn nhiều năm trì trệ của hệ thốn doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, cải cách chế độ ruộng đấtthuộc sở hữu tập thể do các gia đình nông dân vận hành trước đây chưa có chính sách rõ nét để hướng đến nền kinh tế nông nghiệp sản xuất quy mô lớn, hiện đại tương ứng với sự hiện đại và quy mô kinh tế hiện tại.
Làn sóng dân chủ xã hội trên toàn thế giới tác động đang nổi lên, đây là sự thay đổi do nhiều tầng lớp dân cư quyết định. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đang bước vào một thời kỳ rất đặc biệt, giai đoạn mà Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay có lẽ không nước nào gặp phải trong bất kỳ thời kỳ nào. Nhưng chính ở bước ngoặt lịch sử này, Trung Quốc phải có những biện pháp hữu hiệu để giải quyết trào lưu dân chủ xã hội trong sự ổn định, giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Những thách thức về xã hội
Trung Quốc trong quá trình đô thị hoá, với tư cách là một nước đang phát triển, một nguy cơ rất lớn là trong quá trình này, những người nông dân rời quê không thể hoà nhập vào quá trình đô thị hoá và không thể hoà mình đời sống kinh tế thành thị. Quyền về tài sản, sự bất bình đẳng về tài sản khổng lồ, do đó tồn tại những khách biệt, khoảng cách giữa các tầng lớp dân cư đô thị. Đô thị hóa một cách nhanh chóng, vô số của cải đã được đưa vào, kết quả sẽ có hai tác động rõ nét, sử dụng “đô thị hóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” làm chi phí tăng vọt,giá tài sản tăng chóng mặt, dẫn đến sự trì trệ của ngành công nghiệp và đối mặt nguy cơ thặng dư vốn, đồng thời làm cho sự sự giàu có trên giấy hình thành từ một lượng lớn đầu cơ, trôi nổi, liên tục tạo ra các cơn bão tài chính khác nhau và gây ra bất ổn kinh tế,xã hội liên tục.
Sự phân hóa xã hội hiện nay, đặc biệt là sự bất bình đẳng về tài sản giữa các gia đình, Trung Quốc là một trong những nước đứng đầu trên thế giớivề khoảng cách phân biệt giàu nghèo. Chênh lệch bình quân thu nhập thành thị - nông thôn Trung Quốc tăng từ tỷ lệ 1,8:1 (năm 1978) lên 3,73:1 (năm 2019). Theo Báo cáo của Tổng cục thống kê Trung Quốc những năm gần đây cho thấy có 10% những người giàu nhất giữ hơn 50% tài sản của đất nước trong khi 10% những người nghèo nhất chỉ được nắm 1,4%. Trung Quốc có tầng lớp trung lưu đông đảo nhất thế giới, hơn cả dân số nước Mỹ. Một trong 10 cảnh báo của Đặng Tiểu Bình là “sự phân hóa giàu nghèo quá lớn có thể thổi bùng lên ngọn lửa mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giữa các khu vực, và mâu thuẫn giai cấp”. Thực tế cho thấy, với mức tăng trưởng cao đã xuất hiện tình trạng dự trữ quá mức và chỉ số tiêu dùng của đa số người dân bị giảm, tăng trưởng kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu, nghiêm trọng hơn là thành quả phát triển kinh tế thông qua các con đường không chính thức tập trung vào số ít người, dẫn tới mất công bằng trong phân phối thu nhập, xã hội phân hóa hai cực. Đây là nguyên nhân chính gây ra bất mãn sâu rộng và là đe dọa lớn nhất đối với phát triển kinh tế bền vững.
Giữ vững ổn định chính trị luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mọi quốc gia, thể chế và Chính phủ Trung Quốc hiện làm khá tốt vấn đề này.. Tuy nhiên, các nhà bình luận phương Tây cho rằng, nếu không có những cải cách chính trị lớn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột xã hội. Xung đột bùng phát chủ yếu vẫn giới hạn trong một số khu vực nhất định, căng thẳng sắc tộc ở Tây Tạng và Tân Cương, vấn đề nhức nhối “Một quốc gia, hai chế độ” là Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao là những thách thức lớn, luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của Trung Quốc.
Quả bom già hóa dân số là thách thức không nhỏ. Trung Quốc hiện có hơn 1,4 tỷ người. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhấn mạnh, tình trạng dân số của Trung Quốc có thể khiến Chủ tịch Tập Cận Bình phải suy nghĩ về những thất bại của chính sách dân số và có có nguy cơ làm phức tạp hóa “Giấc mộng Trung Hoa” của ông. Tờ New York Time mới đây đánh giá “Trung Quốc đang đối mặt với thách thức nhân khẩu học cấp bách và nghiêm trọng nhất trên thế giới. Đây là một quả bom hẹn giờ”. Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Điều tra dân số cho thấy người trên 65 tuổi hiện chiếm 13,5% dân số, tăng từ mức 8,9% vào năm 2010. Dân số vốn là một trong những thế mạnh lớn nhất của Trung Quốc, tuy nhiên khi dân số già đi, họ cũng sẽ gây áp lực to lớn lên các bệnh viện, hệ thống hưu trí và an sinh xã hội. Trung Quốc cũng tiếp tục đối mặt với tình trạng dư thừa nam giới độc thân. Giáo sư xã hội học Wang Feng tại Đại học California đã ví, chính sách kiểm soát sinh sản của Trung Quốc như một khoản vay thế chấp mà chính phủ đã thực hiện với tương lai của mình - Những năm tới là lúc Trung Quốc phải trả giá” và “Vấn đề nhân khẩu học sẽ hạn chế nhiều chủ trương đầy tham vọng của Trung Quốc”.Trong những năm tới tới, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và duy trì tính cạnh tranh trên toàn cầu khi dân số trong độ tuổi lao động thu hẹp.
Cuộc chiến chống ô nhiễm của Trung Quốc đối mặt với những mối đe dọa mới do lượng khí thải ozone tăng cao bất chấp nỗ lực giảm mật độ bụi mịn trong không khí. Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan, giai đoạn 2015-2019, Trung Quốc đã cắt giảm 27% mật độ bụi mịn PM2.5. Tuy nhiên, mức độ khí thải ozone lại tăng tới 11% trong cùng thời gian trên, bất chấp nỗ lực của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống ô nhiễm. Theo nhận định của CREA, Ozone cùng với NO2 có thể trở thành “rào cản” đối với Trung Quốc trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, Ozone và NO2 là hai loại khí khó kiểm soát. Bên cạnh đó, ô nhiễm đất nông nghiệp và ô nhiễm nguồn nướccũng rơi vào tình trạng báo động, khiến mối lo ngại về an toàn thực phẩm tại nước này càng trầm trọng. Theo báo cáo của chính quyền Trung Quốc khảo sát 6,2 triệu km² đất. Kết quả cho thấy 16,1% diện tích đất nước này bị ô nhiễm. Chỉ tính riêng đất trồng trọt thì 19,4% diện tích bị nhiễm độc. Đất ô nhiễm thường chứa nồng độ lớn các chất cực độc như cadmium, nickel, thạch tín, chì và thủy ngân. Khoảng 1/3 đất ở những khu vực khai thác mỏ ô nhiễm vượt mức an toàn quốc gia. Ô nhiễm đất khó phát hiện nhưng lại rất nguy hiểm. Đất là nơi quy kết các chất ô nhiễm. Các chuyên gia Tổ chức Hòa Bình Xanh tại Trung Quốc cho biết kim loại nặng trong không khí và nước thấm vào đất, sau đó đi vào trong thực phẩm và ảnh hưởng đến mọi người. Loại ô nhiễm này lại mất nhiều thời gian và nguồn lực để xử lý. Việc phục hồi, bao gồm làm sạch và tái sinh đất, có thể mất hàng thập kỷ. Theo khảo sát, hiện 90% nguồn nước ngầm tại thành phố của Trung Quốc đang bị ô nhiễm. Theo Ủy ban bảo vệ môi trường Trung Quốc, nguồn nước ngầm cung cấp nước sạch cho đại đa số các thành phố đã bị nhiễm bẩn bởi các chất ô nhiễm hữu cơ và vô cơ đến mức “nghiêm trọng”. Nguồn nước ngầm cung cấp gần 70% lượng nước dùng (uống) cho 1,4 tỉ người dân Trung Quốc và một phần khác được sử dụng tưới tiêu đồng ruộng. Theo báo cáo này, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đặc biệt diễn ra tại các thành phố ở phía bắc Trung Quốc đã làm thiệt hại kinh tế ước tính lên đến hàng chục tỉ USD. Tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất cũng là nguyên nhân khiến hàng triệu người chết sớm ở Trung Quốc mỗi năm./.
Tổng hợp và biên tập: Lê Thế Cương – Nguyễn Thị Thúy - Đào Thu Huyền
Học viện Chính trị CAND