Sau 100 năm thành lập và nhất là dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ sau năm 1949, Trung Quốc đã thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ nhất, xây dựng toàn diện xã hội khá giả, giải quyết được vấn đề đói nghèo của xã hội, nhân dân, trở thành một trong những cường quốc ngày càng có vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Thiết kế định hướng chiến lược trong những năm tiếp theo, Hội nghị toàn thể Trung ương 6 của ĐCSTQ (dự kiến diễn ra từ 8-11/11/2021), sẽ thông qua nghị quyết về những thành tựu của Đảng trong 100 năm qua, đồng thời xác định đường lối quan trọng tiếp theo, được đánh giá là "Nghị quyết lịch sử" thứ ba của ĐCSTQ .
Dấu ấn 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc
Lịch sử Trung Quốc cận đại, sau cuộc chiến tranh Nha phiến năm 1840, Trung Quốc dần trở thành một xã hội nửa thuộc địa, nửa phong kiến, đất nước, gánh chịu nhiều tai họa và biến cố lớn. Kể từ đó, thực hiện sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa đã trở thành ước mơ lớn nhất của người dân và đất nước Trung Quốc. Sự bùng nổ của Cách mạng tháng Mười - Nga (năm 1917) đã có những tác động lớn đối với phong trào cách mạng ở Trung Quốc. ĐCSTQ ra đời mà theo lý luận Trung Quốc cho rằng trên nền tảng kết hợp chặt chẽ giữa Chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân Trung Quốc. ĐCSTQ ra đời là một sự kiện làm thay đổi sâu sắc phương hướng và tiến trình phát triển của dân tộc Trung Hoa sau thời cận đại, làm thay đổi sâu sắc tương lai và vận mệnh của dân tộc Trung Hoa và người dân Trung Quốc. ĐCSTQ đưa ra và thực hiện sứ mệnh ban đầu của mình là “mưu cầu hạnh phúc cho người dân và mưu cầu phục hưng dân tộc Trung Hoa”. Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản của Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho rằng: Mọi phấn đấu, hy sinh, sáng tạo mà ĐCSTQ đã đoàn kết và lãnh đạo nhân dân trong một trăm năm qua đều tựu chung lại về một mục tiêu là nhằm thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể cứu được Trung Quốc và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể phát triển Trung Quốc; Cải cách và mở cửa là chìa khóa quyết định tương lai và vận mệnh của đất nước Trung Quốc đương đại và Trung Quốc đã có những bước tiến dài để bắt kịp thời đại; Trung Quốc đã thực hiện bước nhảy vọt từ đứng lên, giàu lên và hùng cường, hiện thực hóa công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa là quá trình lịch sử không thể đảo ngược.
Từ một nước gặp rất nhiều khó khăn vào năm 1949, đến nay, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; vị thế quốc gia không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 189 lần; tổng lượng thương mại đứng đầu thế giới; là đối tác thương mại lớn nhất của 130 nền kinh tế; đóng góp khoảng 30% cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu; GDP bình quân đầu người tăng hơn 70 lần. Kinh tế Trung Quốc hiện là một trong những đầu tàu của nền kinh tế thế giới, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Cùng với đó, Trung Quốc đạt nhiều thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ: đưa người lên vũ trụ xây dựng trạm không gian Thiên Cung; tàu thăm dò vũ trụ đáp thành công lên bề mặt Sao Hỏa; đưa vào sử dụng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu phủ sóng toàn cầu, công nghệ đường sắt cao tốc dẫn đầu thế giới với tổng chiều dài đạt 37.900km...Bên cạnh những thành quả vượt bậc về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, nỗ lực chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy chính trị được ĐCSTQ tiến hành nhiều năm qua đã đem lại những kết quả rõ rệt, góp phần làm gia tăng uy tín, vị thế và củng cố niềm tin của người dân vào vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ.
Hội nghị “lịch sử" thứ ba
Theo giới nghiên cứu Lịch sử ĐCSTQ, từ trước đến nay, ĐCSTQ đã thông qua hai nghị quyết lịch sử, đó là "Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử" tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 6 vào năm 1945 và "Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của đảng kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 11 vào năm 1981. Cả hai nghị quyết lịch sử này đều là những bản tổng kết được thực hiện tại những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử ĐCSTQ, lần lượt xác lập các địa vị trung tâm của của các nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Từ lúc Chủ tịch Mao Trạch Đông trở thành người nắm quyền lực trung tâm trong giai đoạn đầu tiên của ĐCSTQ cho đến khi ông qua đời năm 1976, khoảng thời gian này kéo dài hơn 30 năm. Thời đại Đặng Tiểu Bình cũng lấy đây làm điểm khởi đầu, với ảnh hưởng và địa vị của lãnh tụ này bao trùm cả thời kỳ lãnh đạo một thời gian dài. Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 18 vào năm 2016, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình được xác lập làm nòng cốt lãnh đạo, và sau đó đề xuất khái niệm “Kỷ nguyên mới” tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ lần thứ 19 ĐCSTQ vào năm 2017. Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã được ghi vào Điều lệ ĐCSTQ; các giai đoạn do Chủ tịch Mao Trạch Đông, lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình lãnh đạo chính thức đi vào văn kiện của ĐCSTQ và Hiến pháp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc xác lập địa vị người lãnh đạo trong các văn kiện chính trị nhằm tuyên bố vị thế, hình ảnh của nhà lãnh đạo trong tiến trình lịch sử, rất có tác dụng trong việc củng cố địa vị cốt lõi và quyền lực chính trị của người lãnh đạo.
Trung Quốc là quốc gia rất chú trọng lịch sử và văn hóa xã hội, chú trọng tính kế thừa lịch sử. Các nhân vật chính trị cũng chú ý đến lịch sử và uy tín. "Lịch sử" luôn là mệnh đề cốt lõi của nền chính trị quốc gia, mặc dù Đảng Cộng sản là một đảng theo chủ nghĩa Mác, song nó kết hợp chặt chẽ và mang đậm nét bản chất của văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Theo thông cáo ĐCSTQ, Hội nghị Trung ương 6 sẽ: "Tổng kết những thành tựu chủ yếu và kinh nghiệm lịch sử của Đảng trong một thế kỷ đấu tranh nhằm nâng cao nhận thức chính trị, nhận thức tình hình chung, củng cố lòng tự tin, lý luận của bản thân… kiên quyết giữ vững vị trí nòng cốt của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ, của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, kiên quyết giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ và bảo đảm cho toàn đảng đồng lòng tiến lên…". Năm 2021 là năm cuối cùng của "kỷ nguyên 100 năm thứ nhất" của ĐCSTQ và cũng bắt đầu “kỷ nguyên 100 năm thứ hai”. Trong năm nay, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu xây dựng một xã hội khá giả toàn diện và bắt đầu hướng tới các mục tiêu thế kỷ mà Đại hội toàn quốc lần thứ 19 ĐCSTQ đã nêu “đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Trung Quốc bước trên con đường mới để đạt được mục tiêu đấu tranh trong kỷ nguyên 100 năm thứ hai”. Trong 100 năm tiếp theo, Trung Quốc sẽ thực hiện “hiện đại hóa lần thứ 5” hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia, xây dựng Trung Quốc trở thành một “nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, hùng mạnh”, hoàn thành thống nhất đất nước và đạt được thịnh vượng chung. Nhiệm vụ lịch sử trước mắt cũng được cho là mục tiêu mà Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đặt ra. Đồng thời hội nghị cũng đề cập những nội dung bước đầu, chuẩn bị đại hội lần thứ XX của ĐCSTQ vào năm sau. Hội nghị Trung ương lần thứ sau này được coi là Hội nghị lịch sử thứ 3 của ĐCSTQ lãnh đạo dân tộc Trung Hoa bước vào kỷ nguyên mới.
Đảng Cộng sản Trung Quốc: Định hướng hành trình mới
Nhiều nhà phân tích cho rằng, những định hướng chiến lược, nhiệm vụ mà ĐCSTQ xác định trong giai đoạn đầu của kỷ nguyên mới (theo cách gọi của ĐCSTQ) được khái lược trong tinh thần bài phát biểu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng mà Tổng Bí thư Tập Cận Bình đề cập. Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh “Trung Quốc phải dùng lịch sử để phản ánh thực tế và đánh giá tương lai từ một tầm nhìn lâu dài. Từ hàng thế kỷ đấu tranh của ĐCSTQ, cần phải hiểu tại sao Trung Quốc có thể thành công trong quá khứ và cần phải làm gì để tiếp tục thành công trong tương lai, để có thể quyết tâm hơn và có ý thức ghi nhớ sứ mệnh ban đầu của mình trên hành trình mới, tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.
Người đứng đầu ĐCSTQ đưa ra 8 nhiệm vụ mà Đảng và người dân dân Trung Quốc cần đúc rút kinh nghiệm từ lịch sử để xây dựng tương lai bao gồm: (1) Giữ vững sự lãnh đạo mạnh mẽ của ĐCSTQ, khẳng định sự lãnh đạo của ĐCSTQ là đặc trưng cơ bản nhất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, là ưu thế lớn nhất của hệ thống xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, quyết định vận mệnh và lợi ích của tất cả các dân tộc trên cả nước; (2) Phải đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Trung Quốc không ngừng phấn đấu vì cuộc sống tốt đẹp hơn. ĐCSTQ luôn đại diện cho lợi ích cơ bản của đại đa số nhân dân, không có lợi ích đặc biệt của riêng mình, chưa bao giờ đại diện cho lợi ích của bất kỳ nhóm lợi ích nào, bất kỳ nhóm quyền lực nào hay bất kỳ tầng lớp đặc quyền nào. Mọi nỗ lực nhằm chống đối và tách rời ĐCSTQ khỏi người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ thành công; (3) Phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc Trung Quốc hóa chủ nghĩa Marx. Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ tư tưởng chỉ đạo cơ bản cho Đảng và đất nước Trung Quốc, là linh hồn và ngọn cờ của Đảng; (4) Phải đẩy mạnh hiện đại hóa quốc phòng và quân đội. Kiên trì Đảng chỉ huy nòng súng và xây dựng quân đội nhân dân là chân lý không thể phá vỡ mà Đảng đã rút ra trong cuộc đấu tranh giữa máu và lửa; (5) Phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại. ĐCSTQ quan tâm đến tương lai và vận mệnh của nhân loại, đồng hành cùng tất cả các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Trung Quốc luôn là người xây dựng hòa bình thế giới, đóng góp vào sự phát triển toàn cầu và là người bảo vệ trật tự quốc tế; (6) Phải tiến hành một cuộc đấu tranh lớn với nhiều đặc điểm lịch sử mới. Dám chiến đấu và dám quyết thắng là sức mạnh tinh thần bất khả chiến bại của ĐCSTQ. Để thực hiện được ước mơ vĩ đại đòi hỏi sự chăm chỉ bền bỉ và sự phấn đấu không ngừng nghỉ, giờ đây Trung Quốc đang tự tin hơn, có khả năng đồng thời ở gần hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử nhằm đạt được mục tiêu phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa; (7) Phải củng cố khối đoàn kết của nhân dân Trung Quốc. Trong quá trình một trăm năm đấu tranh, ĐCSTQ luôn đặt mặt trận đoàn kết ở vị trí quan trọng, không ngừng củng cố và phát triển mặt trận đoàn kết sâu rộng, đoàn kết mọi lực lượng, huy động mọi nhân tố tích cực, phát huy tối đa mọi sức mạnh cho cuộc đấu tranh chung. Mặt trận thống nhất yêu nước là vũ khí thần kỳ quan trọng để ĐCSTQ đoàn kết toàn thể nhân dân Trung Quốc trong và ngoài nước nhằm thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa; (8) Phải không ngừng thúc đẩy công trình vĩ đại trong việc xây dựng Đảng. Lịch sử đã minh chứng, Đảng phải quản lý và điều hành một cách chặt chẽ, không ngừng đối phó với các rủi ro và thử thách.
Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: Trung Quốc phải thực hiện đầy đủ và chính xác phương châm “Một quốc gia, hai chế độ”, “Người dân Hồng Kông quản lý Hồng Kông”, “Người dân Ma Cao quản lý Ma Cao” với mức độ tự chủ cao, thực hiện sự quản lý toàn diện của chính quyền trung ương đối với Hồng Kông và Đặc khu hành chính Ma Cao, thực hiện hệ thống luật pháp và cơ chế mà đặc khu hành chính đề ra nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, duy trì sự ổn định và phồn vinh lâu dài tại Đặc khu hành chính Hồng Kông và Ma Cao. Giải quyết vấn đề Đài Loan và thực hiện thống nhất hoàn toàn đất nước là nhiệm vụ lịch sử không thể thay đổi của ĐCSTQ và là nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Trung Quốc. Ông cũng nhấn mạnh, phải tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và “Nhận thức chung 1992” để thúc đẩy tiến trình hòa bình thống nhất đất nước, kiên quyết đập tan mọi âm mưu “Đài Loan độc lập”. Không ai được đánh giá thấp ý chí, nghị lực, bản lĩnh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của nhân dân Trung Quốc.
Tổng Bí thư Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh: 100 năm trước, ĐCSTQ khi mới thành lập chỉ có hơn 50 đảng viên, ngày nay đã trở thành Đảng cầm quyền lớn nhất thế giới với hơn 95 triệu đảng viên, đứng đầu một quốc gia có dân số hơn 1,4 tỷ người với tầm ảnh hưởng toàn cầu đáng kể. Một trăm năm trước, những gì đất nước Trung Quốc thể hiện với thế giới là một cảnh tượng suy tàn và mục nát, thì ngày nay, Trung Quốc đang thể hiện một bầu không khí thịnh vượng và thực hiện sự phục hưng với tốc độ “không thể ngăn cản”.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong 2 nhiệm kỳ đại hội vừa qua của ĐCSTQ cho thấy, ngoài những kế thừa mang tính lịch sử thì sự hình thành tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới với mục tiêu trung tâm xây dựng toàn diện cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa là định hướng xuyên suốt, trung tâm dẫn dắt Trung Quốc bước vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, sẽ còn những thách thức cần nhìn nhận như lực cản cho quá trình đổi mới, phát triển đó? Đây là nội dung chúng tôi sẽ đề cập đến trong một bài viết tiếp theo./.
TS Lê Thế Cương – ThS Lưu Đình Tài
Học viện Chính trị CAND