Một góc nhìn về “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine

Hơn 10 tháng trôi qua kể từ khi Nga tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt” (24/02/2022), chiến sự vẫn đang tiếp diễn khốc liệt, tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội toàn cầu. Nga mặc dù vẫn hiếm ưu thế trên chiến trường, song giới quân sự cũng đã chỉ ra những hạn chế về chiến thuật của quân đội Nga. Bài viết dựa trên một số phân tích của giới quân sự, đã đưa ra một số nhận định về nguyên nhân khiến Nga chưa đạt được một số mục tiêu của chiến dịch quân sự này.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea (ngày 18/3/2014), Ukraine đã đẩy nhanh việc cải tổ, tăng cường sức mạnh cả về lực lượng, cơ cấu tổ chức và vũ khí trang bị cho quân đội. Các chuyên gia trong lĩnh vực quân sự cho rằng, trong hơn 8 năm qua, phần lớn quân số trong quân đội Ukraine đã được thay mới. Những binh sĩ bị ám ảnh tâm lý về sức mạnh Nga, quân đội Nga hầu như ít còn tại ngũ. Thay vào đó là đội ngũ những người “có tính dân tộc” cao [1]. Hơn 80% đội ngũ sĩ quan có tư tưởng thân Nga được thay bằng những người mang dòng máu “dân túy”, nhất là ở các tỉnh thuộc vùng Donbass. Cùng với đó là vũ khí, trang bị của quân đội nước này cũng được chuẩn bị kỹ càng hơn, đặc biệt là sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây khiến sức mạnh quân sự của Ukraine tăng lên đáng kể. Trong khi đó, truyền thông phương Tây có thể đã góp phần làm sai lệch nhận định của tình báo Nga khi lan truyền về khả năng chống chịu của Ukraine cùng lắm chỉ trong vài tháng [2].

Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Nga - Ukraine thực sự trở nên phức tạp có thể tính từ tháng 3/2021 khi Ukraine chính thức từ bỏ chính sách trung lập và thể hiện nguyện vọng gia nhập EU, NATO. Chiến lược an ninh quốc gia của Ukraine (3/2021) xác định rõ mục tiêu trở thành thành viên NATO; chiến lược chính sách đối ngoại (7/2021) khẳng định xây dựng Ukraine như một quốc gia châu Âu mạnh mẽ và có uy tín, xác định các hướng ưu tiên của chính sách đối ngoại nhằm hỗ trợ đất nước hướng tới Liên minh châu Âu và NATO, cũng như chống lại “chính sách hung hăng của Nga” (1). Tuy nhiên đến đầu năm 2022, nguy cơ xảy ra xung đột đã từng có thời điểm tưởng như được cứu vãn khi các nhà lãnh đạo Pháp và Đức lần lượt hội đàm với Tổng thống Nga V. Putin, sau đó Mỹ và Nga bàn bạc để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, cả thế giới choáng váng khi Nga triển khai “Chiến dịch quân sự đặc biệt” vào rạng sáng ngày 24/02/2022 nhằm “phi quân sự hóa, phi phát xít hóa Ukraine” và “giải phóng những người dân nói tiếng Nga ở đất nước này”. Hơn 10 tháng trôi qua, xung đột quân sự vẫn diễn ra vô cùng khốc liệt và có nguy cơ trở thành ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba. Trên thực địa, Nga vẫn chiếm ưu thế và đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Tuy nhiên, ở góc nhìn quân sự, quân đội Nga đã có lúc đưa ra những tính toán không sát thực tế cả trước và trong xung đột. Có thể khái quát vấn đề này ở các điểm sau:

(i) Giai đoạn đầu chiến dịch, quân đội Nga có sự chủ quan trong đánh giá về địa hình, thời tiết ở Ukraine: Khi Nga tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt”, mùa Đông lạnh lẽo ở khu vực Đông Âu đã qua, thời tiết ở Ukraine đã dần chuyển sang Xuân với nhiệt độ tăng lên đáng kể. Băng tan, đất mềm, bùn nhão… là những nhân tố vô tình khiến các thiết bị quân sự hạng nặng của Nga gặp nhiều khó khăn trong di chuyển, tác chiến và trở thành mục tiêu của hỏa lực quân đội Ukraine. Bên cạnh đó, hệ thống sông, ngòi của Ukraine khá dày đặc cũng gây cản trở đối với việc tiến công cũng như phòng ngự, rút lui và hỗ trợ hậu cần của quân đội Nga. Đặc biệt, với chiến thuật cùng sự hỗ trợ về thông tin tình báo và thiết bị chiến tranh của Mỹ và phương Tây, Ukraine đã nhanh chóng phá hủy cầu cống, cắt đứt các con đường vận tải khiến lực lượng Nga bị chia cắt ở các tuyến và trên các mặt trận. Quân đội Ukraine dường như đã tận dụng tối đa yếu tố địa hình và thời tiết để phòng ngự và phản công lại Nga.

(ii) Quân đội Nga nhận định không sát thực tế về thời điểm kết thúc chiến dịch: Với nhiều lý do khác nhau, nhưng giới quân sự cho rằng, chính quyền Nga không được thông tin đúng và đầy đủ về tình hình chiến sự. Đây là nguyên nhân dẫn đến các phương án tác chiến của Nga không được chuẩn bị chu đáo cho những kịch bản khác nhau có thể xảy ra, nhất là về bảo đảm hậu cần phục vụ tác chiến. Thực tiễn diễn biến trên chiến trường cho thấy, quân đội Nga trong giai đoạn đầu chiến dịch đã đánh chiếm được sân bay cách Thủ đô Kiev chừng hơn 20 km, nhưng đã buộc phải rút lui do hậu cần không bảo đảm khiến cho thắng lợi của Nga tưởng chừng đã cận kề lại rơi vào thế bị phản công sau đó. Điều đó càng cho thấy vai trò quan trọng của công tác hậu cần, như nhận định: “Kẻ nghiệp dư bàn chuyện chiến thuật, còn kẻ chuyên nghiệp bàn chuyện hậu cần” là hoàn toàn chính xác. Và trong cuộc chiến này, quân đội Nga đang được ví như quân đội nhà nghề mà “thiếu chuyên nghiệp” [3].

(iii) Không thật sự quyết liệt khi phát hiện quan điểm thân phương Tây và muốn gia nhập NATO của Tổng thống V. Zelensky: Ngày 20/5/2019, ông V. Zelensky trở thành Tổng thống của Ukraine. Sự kiện này khiến giới bình luận của Nga và các hãng truyền thông quốc tế tốn không ít giấy mực. Khá nhiều ý kiến cho rằng, Tổng thống V. Zelensky vốn xuất thân từ một diễn viên hài và còn non nớt về chính trị nên việc Moscow có thể chi phối, ảnh hưởng là không mấy khó khăn. Tuy nhiên, nhận định này là hoàn toàn sai lầm. Chỉ sau gần 2 năm nắm quyền, Tổng thống V. Zelensky đã khiến giới chức Nga choáng váng khi thể hiện rõ thái độ thân phương Tây, mong muốn gia nhập EU và NATO cùng những tuyên bố cứng rắn với Moscow. Giọt nước tràn ly được xem là ngày 19/02/2022, Ukraine tuyên bố có thể phát triển vũ khí hạt nhân đã thực sự đe dọa đến lợi ích cốt lõi và an ninh của Nga. Nga vốn xem đây là những “lằn ranh đỏ” mà Ukraine và phương Tây không được xâm phạm.

(iv) Không lường hết sự viện trợ ồ ạt của Mỹ và phương Tây cho Ukraine như một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”:

Viện trợ của Mỹ: Khi chiến sự nổ ra, mặc dù Mỹ tuyên bố sẽ không đưa quân đến Ukraine như đã từng làm trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), nhưng Mỹ là quốc gia cam kết ủng hộ và viện trợ lớn nhất cho chính quyền của Tổng thống V. Zelensky. Gần đây nhất, ngày 04/10/2022, sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh phía Đông vào Nga dựa trên kết quả trưng cầu dân ý, Tổng thống Mỹ J. Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine nhằm trấn an tinh thần của người đồng cấp, tuyên bố Mỹ sẽ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập lãnh thổ của Ukraine. Tổng thống J. Biden cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine, đồng thời công bố khoản viện trợ an ninh bổ sung trị giá 625 triệu USD cho nước này. Gói viện trợ mới bao gồm vũ khí và thiết bị quân sự như Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), các loại đạn dược và xe bọc thép. Đây đã là lần viện trợ quân sự thứ 22 của Mỹ dành cho Ukraine kể từ tháng 8/2021 với tổng giá trị lên tới hơn 17,5 tỷ USD [4].

 Viện trợ của Anh: Cùng với Mỹ, Anh là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine dù là trong chính quyền của cựu Thủ tướng Boris Johnson hay cựu Thủ tướng Liz Truss. Ngày 21/7/2022, chỉ vài tuần sau khi Thủ tướng Boris Johnson mãn nhiệm, Bộ trưởng Quốc phòng Wallace ra thông báo cam kết hỗ trợ quân sự thêm 1 tỷ bảng Anh (1,2 tỷ USD) cho Ukraine. Đến nay, tổng cộng Vương quốc Anh đã chi 2,3 tỷ bảng Anh vào vũ khí và đào tạo cho binh lính Ukraine kể từ cuối tháng 01/2022. Số tiền này chủ yếu được chi vào việc cung cấp cho Ukraine 7.000 tên lửa chống tăng NLAW, Javelin và các loại tên lửa chống tăng khác cùng 16.000 viên đạn pháo, 6 bệ phóng tên lửa phòng không di động, một số hệ thống pháo phản lực M270 và 120 xe bọc thép.

Viện trợ của Đức: Mặc dù bị ràng buộc bởi những cam kết của kẻ thua trận trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nhưng Đức là một trong những quốc gia ủng hộ nhiều cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga hiện nay. Theo hãng tin Sputnik, trong chuyến thăm Canada cuối tháng 8/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi trả lời báo Canada Globe & Mail đã tuyên bố: “Chúng tôi chuyển cho Ukraine bất cứ thứ gì chúng tôi có như các hệ thống chống tăng và phòng không, mìn, súng, hàng tấn đạn dược. Chúng tôi đã chuyển những hệ thống phức tạp và có giá trị cao cho Kiev như lựu pháo tự hành, rocket phóng loạt, radar phản pháo”. Ông Olaf nhấn mạnh: Đức đã cung cấp cho Ukraine một số vũ khí mới tới mức mới chỉ có một vài hệ thống được sản xuất ra và một số tổ hợp thậm chí còn chưa từng được cấp cho quân đội Đức. Đức cũng tích cực huấn luyện cho quân nhân Ukraine trong việc sử dụng vũ khí mới. Trước đó, ngày 21/6/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov tuyên bố Kiev đã nhận từ Đức pháo tự hành Panzerhaubitze 2000. Cùng ngày, Đức công bố các vũ khí đã chuyển cho phía Ukraine gồm: 30 pháo phòng không Gepard, IRIS-T, 3 hệ thống Mars, 22 xe tải và 80 xe bán tải.

 Viện trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên minh châu Âu (EU):  Ngày 07/10/2022, IMF cho biết sẽ cung cấp 1,3 tỷ USD viện trợ khẩn cấp cho Ukraine thông qua chương trình hỗ trợ mới đối phó với khủng hoảng lương thực. Trước đó, WB công bố gói hỗ trợ mới trị giá 530 triệu USD để giải quyết những nhu cầu cấp thiết ở Ukraine. Gói viện trợ được chuyển cho Ukraine dưới dạng khoản vay từ Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD). Chính phủ Anh bảo lãnh cho Ukraine 500 triệu USD, số còn lại được Đan Mạch bảo lãnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis ngày 04/10/2022 cho biết các Bộ trưởng Tài chính EU đã nhất trí đưa các khoản viện trợ của khối dành cho Ukraine vào ngân sách năm 2023 để khoản chi này được cơ cấu và dự tính trước. EU đã thống nhất hỗ trợ cho Ukraine 9 tỷ Euro hồi tháng 5 vừa qua và chi riêng thêm 1 tỷ Euro trong tháng 7. Ông Dombrovskis cho biết gói chi tiếp theo trị giá 5 tỷ Euro được đưa ra vào giữa tháng 10 và 3 tỷ Euro còn lại sẽ được giải ngân theo hai đợt vào tháng 11 và 12 năm 2022 [5].

(v) Về thời điểm tiến hành chiến dịch: Một điểm rõ ràng dễ nhận thấy là chiến dịch đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của Ukraine với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây, do đó không thể kết thúc chóng vánh, mặc dù quân đội Nga ban đầu áp đảo về thực lực trên chiến trường. Dưới góc nhìn thuần túy về quân sự, một số chiến lược gia về quân sự đặt ra câu hỏi: Tại sao Nga không chọn thời điểm khác để tiến hành chiến dịch quân sự bởi từ sau năm 2014 chính quyền Ukraine đã bộc lộ rõ tư tưởng chống Nga, thân phương Tây và muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nghĩa là NATO mở rộng về phía Đông, áp sát biên giới, đe dọa an ninh của nước Nga. Nga biết rõ nguy cơ này nên đã nhiều lần cảnh báo NATO và Mỹ về vấn đề mở rộng khối này sang phía Đông, trong đó có việc kết nạp Ukraine làm thành viên. Việc để tư tưởng thân phương Tây, chống Nga lan rộng trở thành làn sóng chủ đạo trong đời sống chính trị ở Ukraine đến hiện nay có phải là một sự nhượng bộ quá sâu và kéo dài của Nga hay không, hay Nga đã để vuột mất các thời cơ chiến lược nên việc kiểm soát tình hình với Ukraine trở nên khó khăn hơn. Do đó, chúng tôi cho rằng Nga có nhiều lựa chọn khả quan hơn về chiến dịch quân sự đặc biệt ở những thời điểm phù hợp hơn.

Mối quan hệ Nga - Ukraine có lẽ sẽ không đi đến một kết cục bi thảm như hiện nay nếu hai bên biết kiềm chế và đối thoại để đi đến điểm tựa cuối cùng là hòa bình, ổn định và cùng tôn trọng những lợi ích cốt lõi của nhau. Hai quốc gia vốn cùng thuộc Liên bang Xô viết trước đây, nhưng sự tự tin thái quá, cùng những mong muốn có tính chủ quan khiến hai nước láng giềng ngày càng mất đi sự kết nối và không cùng chung lợi ích. Kẻ yếu thế thường trông chờ vào sự trợ giúp từ bên ngoài để đối phó, trong khi kẻ mạnh thường không chấp nhận sự phản kháng, nên đã dẫn đến sự kiện ngày 24/02/2022. Tuy nhiên, lịch sử đã minh chứng, mọi xung đột khi phải giải quyết bằng chiến tranh đều sẽ khiến cho các bên tham chiến phải trả giá. Chiến tranh càng hiện đại và kéo dài bao nhiêu thì sự trả giá và tổn thất càng lớn hơn bấy nhiêu. Sai lầm về cả chiến lược và chiến thuật trong chiến tranh sẽ để lại hậu quả nặng nề về sự mất mát con người cũng như những tổn thất khác về kinh tế, xã hội. Lớn lao hơn, đó còn là thể diện, uy tín quốc gia và sự tồn vong của một thể chế. Hơn lúc nào khác, cả Nga và Ukraine cũng như cộng đồng quốc tế cần tìm ra lối thoát cho cuộc chiến hiện nay. Lối thoát được xem là đúng đắn và hiệu quả nhất là đàm phán, thương lượng hòa bình để xung đột quân sự hiện nay không leo thang, lan rộng.

 

Nguyễn Đình Thiện - Nguyễn Thị Hoài Thu 

 

(1)https://vov.vn/the-gioi/ukraine-thong-qua-chien-luoc-chinh-sach-doi-ngoai-moi-878581.vov

 

Tài liệu tham khảo

[1]. Vũ Hoàng, “Nỗ lực phương Tây thay đổi quân đội Ukraine”, VnExpress, 14/4/2022, https://vnexpress.net/no-luc-phuong-tay-thay-doi-quan-doi-ukraine-4451130.html

[2]. NPR, “As Russia keeps up its attack, how long can Ukraine hold the capital city?”, 25/02/2022, https://www.npr.org/2022/02/25/1083003231/as-russia-keeps-up-its-attack-how-long-can-ukraine-hold-the-capital-city

[3]. Reid Standish, “Interview: How Russia's Intelligence Agencies Have Adapted After Six Months Of War”, RFE, 24/8/2022, https://www.rferl.org/a/russia-intelligence-agencies-ukraine-war-six-months/32003096.html

[4]. VOV, “Mỹ viện trợ bổ sung 625 triệu USD cho Ukraine”, 05/10/2022, https://vov.gov.vn/my-vien-tro-bo-sung-625-trieu-usd-cho-ukraine-dtnew-436947

[5]. Bích Liên, “EU đưa khoản viện trợ cho Ukraine vào ngân sách năm 2023”, Báo Tin tức, 04/10/2022, https://baotintuc.vn/the-gioi/eu-dua-khoan-vien-tro-cho-ukraine-vao-ngan-sach-nam-2023-20221004224538882.htm




Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website