Lợi ích, an ninh quốc gia là phạm trù trung tâm mà mọi dân tộc trong cộng đồng thế giới đều hướng đến. Ở Việt Nam, lợi ích, an ninh quốc gia được ông cha ta khẳng định từ rất sớm và tiếp tục được nâng lên một tầm cao mới dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn hiện nay, bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia trở thành vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự trường tồn của dân tộc và khát vọng xây dựng một “dân tộc phồn vinh” mà Đảng ta đã xác định.
1. Bàn về lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam, vấn đề lợi ích, an ninh quốc gia được ông cha ta khẳng định từ rất sớm. Điều đó được thể hiện bằng tinh thần kiên cường, bất khuất không cam chịu làm nô lệ chiến đấu chống giặc ngoại xâm, chinh phục tự nhiên ròng rã suốt mấy nghìn năm để khẳng định sự trường tồn của quốc gia, dân tộc. Đỉnh cao của tinh thần chống giặc ngoại xâm được khái quát qua những bài thơ của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tuấn được xem như những “Bản Tuyên ngôn độc lập”, xác định rõ lợi ích, an ninh quốc gia chính là nền độc lập, bản sắc dân tộc và chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam.
Dưới thời đại mới, với tư tưởng xuyên suốt “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” - sự vận dụng sáng tạo, tài tình và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đồng thời, Người đã nhiều lần đề cập đến vấn đề “lợi ích” và nhất quán quan điểm lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, của Đảng, của Nhân dân là thống nhất: “lợi ích của Nhân dân tức là lợi ích của Đảng và phải đặt lợi ích của Nhân dân và của Đảng lên trên hết, trước hết”; “lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc”.
Trải qua chặng đường gần 40 năm đổi mới, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó, Đảng chỉ rõ: “đổi mới phải luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân…; “phải đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết”; và “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng cùng có lợi…”. Ở tầm chiến lược, lợi ích quốc gia cốt lõi của các nước đều hướng tới bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, phát triển bền vững kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh con người… Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Vấn đề an ninh quốc gia cần được hiểu một cách toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống”[1]. Đồng thời, lần đầu tiên Đại hội XIII xác định “an ninh con người”, “bảo vệ an ninh con người” nhằm cụ thể hóa các tư tưởng lập hiến đã được nêu trong Hiến pháp 2013 và trở thành các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước từ năm 2021 đến 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam được thể hiện trên những nội dung chính sau:
Một là, lợi ích, an ninh quốc gia cao nhất là chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trên cả đất liền, vùng trời, vùng biển, trên không gian mạng, an ninh, an toàn được bảo đảm và phục vụ đắc lực cho sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam phải bao hàm cả quyền và lợi ích trên Biển Đông, nhất là khẳng định chủ quyền vững chắc trên các đảo, đá khu vực Hoàng Sa, Trường Sa và ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.
Hai là, lợi ích, an ninh quốc gia về chính trị được thể hiện ở sự vững chắc của chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản và sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy, quyền và những giá trị cơ bản của con người được bảo đảm. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ và Nhân dân làm chủ là biểu hiện sự kết tinh lợi ích, an ninh quốc gia về chính trị ở Việt Nam hiện nay.
Ba là, lợi ích, an ninh quốc gia về kinh tế được bảo đảm, nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Điều đó phải được thể hiện ở sự phát triển vững chắc của nền kinh tế thị trường, đảm bảo tính định hướng, không để xảy ra nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, lợi ích, an ninh quốc gia về kinh tế còn được thể hiện ở sự thành công của sự nghiệp CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức và kinh tế số; bảo đảm sự tăng trưởng nhanh, bền vững của nền kinh tế đất nước.
Bốn là, lợi ích, an ninh quốc gia về văn hóa, xã hội được thể hiện thông qua việc xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh xã hội, an ninh con người được bảo đảm; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, hoàn thành mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Năm là, lợi ích, an ninh quốc gia về vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Lợi ích này mang yếu tố bản sắc của quốc gia. Bản sắc của quốc gia có ảnh hưởng không nhỏ đến cách quốc gia đó hành xử trên trường quốc tế, qua đó tác động tới cảm nhận cũng như sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế về vai trò, địa vị của quốc gia đó. Vị thế quốc gia trên trường quốc tế của Việt Nam được thể hiện ở quan hệ đối ngoại của Việt Nam với tất cả các nước, các vùng lãnh thổ trên thế giới với đường lối, quan hệ đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa theo phương châm Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển. Vị thế, uy tín quốc gia trên trường quốc tế ngày càng cao.
2. Tình hình thế giới, khu vực tác động đến lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam hiện nay
Thời gian qua, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ, vượt ra ngoài dự báo. Các nền kinh tế trên toàn cầu vốn suy thoái sau đại dịch, lại tiếp tục hứng chịu hậu quả từ cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine, Hamas-Israel, nguy cơ xung đột Venezuela-Guyana… nên sẽ khó phục hồi nhanh. Cộng đồng quốc tế đang chứng kiến những biến cố lớn trong đời sống chính trị, xã hội ở nhiều quốc gia, khu vực; chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và khủng bố quốc tế đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định của nhiều nước trên thế giới; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo… làm xuất hiện những “điểm nóng” mới. Nguy cơ chiến tranh, xung đột vũ trang do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo đang là một thực tế diễn ra ở nhiều nơi. Những vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính, thảm họa biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát... là những hiểm họa mới đe dọa an ninh quốc gia của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam.
Trong khu vực, các nước lớn đều có sự điều chỉnh chiến lược và cạnh tranh quyết liệt với nhau hướng vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là cạnh tranh nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc thông qua Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) và Chiến lược “Vành đai và con đường” (BRI). Đặc biệt, với “Giấc mộng Trung Hoa” và tham vọng trở thành cường quốc đại dương, bá chủ thế giới của Trung Quốc cùng những hành động quyết đoán của nước này càng làm cho khu vực vốn chứa đựng nhiều mâu thuẫn trở nên bất ổn. Gần đây, ngày 28.8.2023, Trung Quốc đã phát hành Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023 (đường 10 đoạn thay cho bản đồ đường 9 đoạn trước đây cùng các phần lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ và Nga…) đã gây nên cơn bão ngoại giao phản đối.
Bên cạnh đó, sự tăng cường đầu tư tiềm lực quốc phòng của các nước làm cho tình hình khu vực Biển Đông vốn đã ẩn chứa nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột, sẽ ngày càng trở nên phức tạp, khó lường. Sự hiện diện về quân sự của các cường quốc trên thế giới, cùng sự tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn có tác động nhiều mặt đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, nhất là việc giữ vững độc lập tự chủ và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của đất nước. Đồng thời, các nước trong khu vực đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp mới nảy sinh đe dọa nghiêm trọng hòa bình sự ổn định trong khu vực, như: khủng bố, ly khai, tranh chấp chủ quyền biển, đảo. Cộng đồng ASEAN đứng trước nguy cơ chia rẽ sâu sắc do tác động ảnh hưởng từ các nước lớn.
Bối cảnh nêu trên, có tác động đa chiều trên nhiều lĩnh vực đối với an ninh quốc gia. Những tác động chủ yếu có thể nhận diện trên những vấn đề chính sau:
Thứ nhất, điều chỉnh chiến lược, chính sách của các nước lớn làm cho cạnh tranh chiến lược quốc tế ngày càng gia tăng, cọ sát về lợi ích ngày càng quyết liệt, nguy cơ bất ổn, xung đột, đối đầu, chiến tranh ngày càng tăng và hậu quả để lại ngày càng nặng nề hơn. Trong đó, cạnh tranh và xung đột giữa Mỹ với Nga, Mỹ với Trung Quốc sẽ quyết liệt hơn trong tương lai. Điều này có tác động lớn đến địa chiến lược Việt Nam theo hai chiều hướng: Một mặt, cạnh tranh, lôi kéo tập hợp lực lượng của các nước lớn sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam, nhưng mặt khác, cũng khiến Việt Nam đứng trước sự lựa chọn khó khăn về độc lập tự chủ và thực hiện phương châm “Không chọn bên mà chỉ chọn chính nghĩa, chọn cái đúng”.
Thứ hai, Mỹ điều chỉnh chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia, đồng thời áp dụng các chính sách đơn phương, chính sách này đã kích động và tăng cường cạnh tranh giữa các nước lớn, tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng của các nước, thúc đẩy thêm năng lực về phòng thủ hạt nhân, vũ trụ, mạng và tên lửa, đồng thời phá hoại sự ổn định chiến lược toàn cầu. NATO tiếp tục mở rộng quy mô, tăng cường triển khai quân sự ở Trung và Đông Âu, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận quân sự thường xuyên trên nhiều khu vực.
Bên cạnh đó, Mỹ tăng cường quan hệ với các nước đồng minh trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở khiến các nước này có nhiều cơ hội hơn trong quan hệ với Mỹ trên cả phương diện chính trị, kinh tế cũng như lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Vị thế địa chiến lược của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam được nâng cao, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ về an ninh quốc gia do sự hiện diện ngày càng lớn hơn của các nhân tố bên ngoài.
Thứ ba, Nga đã và đang hành động cứng rắn ở Ukraine để bảo vệ lợi ích quốc gia nhưng không ngăn được xung đột với châu Âu, Mỹ. Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã tác động ảnh hưởng lớn đến các nước có quan hệ mật thiết về chính trị, kinh tế, an ninh với Nga, như Belarus, Syria; gây ra rạn nứt quan hệ kinh tế, thương mại giữa Nga với EU, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp phụ thuộc vào dầu lửa, khí đốt của Nga và gây ra làn sóng di cư tị nạn. Với Mỹ, cuộc chiến có thể gây ra chệch hướng sự chú ý đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, làm giảm sút nguồn lực của Mỹ tại khu vực. Mỹ vừa phải kiềm chế Nga, vừa phải kiểm soát nguy cơ leo thang chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ để Mỹ tăng cường đoàn kết trong NATO, thúc đẩy châu Âu đóng góp cho an ninh chung, mở rộng thêm được thành viên cho NATO (Thụy Điển, Phần Lan…), tạo cơ hội để Mỹ chiếm lĩnh thị trường năng lượng châu Âu; tăng cường bán vũ khí cho các nước khác. Với Trung Quốc, nước này không những không bị tổn thất mà còn tranh thủ lấp được chỗ trống tại thị trường Nga về dầu khí và tài chính, trong khi áp lực chính trị, quân sự từ Mỹ suy giảm. Quan hệ Nga-Trung được tăng cường một mặt hạn chế được sự thống trị của Mỹ với tư cách là siêu cường duy nhất, từng bước định hình một trật tự thế giới mới, nhưng sẽ dẫn đến nguy cơ “Thế giới tái chia 2” và thúc đẩy hình thành chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0.
Thứ tư, xung đột lợi ích giữa Nga với Mỹ và phương Tây dẫn tới tác động ảnh hưởng nhiều bên, khiến cho cộng đồng quốc tế chia rẽ sâu sắc, làm hạn chế tính thống nhất trong giải quyết các vấn đề toàn cầu; tập hợp lực lượng có xu hướng phân mảng tăng lên khiến cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam gặp khó khăn trong xử lý các mối quan hệ quốc tế. Ngày càng nhiều quốc gia, không muốn tham gia vào cuộc đối đầu Mỹ-Trung, Mỹ-Nga hoặc đứng về phía một trong các cường quốc, mà đang nỗ lực theo đuổi chính sách đối ngoại ngày càng độc lập, tự chủ hơn. Các quốc gia cũng lo ngại những gì Mỹ đang làm với Nga sẽ trở thành “tiền lệ xấu” để cộng đồng quốc tế xúm vào “cấm vận” một quốc gia nếu bị cho là “không thích hợp” với họ.
Thứ năm, quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn trong những vấn đề liên quan đến tiến trình thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Đồng thời, nước này đang cảnh giác cao độ với Liên minh Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) vì cho rằng, Mỹ đang làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình khu vực và lôi kéo chạy đua vũ trang. Khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, các bên có tranh chấp về chủ quyền Biển Đông ở Đông Nam Á ít, nhiều phải gánh chịu hậu quả từ mối quan hệ này. Đồng thời, chiến thuật vùng xám của Trung Quốc thông qua các hành động do Quân đội (PLA), Cảnh sát biển (CCG) và Lực lượng dân quân biển Trung Quốc sẽ tiếp tục được sử dụng. Các hoạt động thường bao gồm xâm phạm không phận, quấy rối giàn khoan và triển khai tàu khảo sát, tàu CCG và đội tàu đánh cá lớn vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước…
Thứ sáu, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống liên quan đến an ninh mạng, an ninh sinh học và vi phạm bản quyền ngày càng rõ nét hơn. Đặc biệt, môi trường sống của con người trở nên mong manh hơn do biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng dẫn đến mực nước biển dâng cao, thời tiết nóng lạnh bất thường, hạn hán, khan hiếm nguồn nước… dịch bệnh diễn ra tần suất ngày càng nhiều hơn, độ bao phủ ngày càng rộng lớn hơn và mức độ hủy diệt tăng nặng hơn. Đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ra thiệt hại về người và kinh tế trên toàn cầu. Các nước phải vật lộn với thiên tai, khan hiếm tài nguyên, xung đột nội bộ và thách thức quản trị. Nếu không được kiểm soát, các vấn đề này có nguy cơ gây mất ổn định khu vực, khiến vị thế địa chiến lược của cả khu vực và từng quốc gia bị suy giảm.
Thứ bảy, an ninh của từng quốc gia ngày càng trở nên đan xen, liên kết, tương tác và gắn chặt với nhau do mức độ hội nhập quốc tế ngày càng tăng lên. Trạng thái “chết chìm tập thể” trở nên phổ biến. Không quốc gia nào có thể phản ứng một mình hoặc đứng độc lập tách rời. Do đó, gắn kết giữa các nước và thực hiện hành động tập thể trở thành xu hướng chung ở nhiều khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Địa chiến lược Việt Nam sẽ gia tăng vị thế khi lấy ASEAN làm trung tâm để giải quyết các vấn đề nảy sinh ở Đông Nam Á.
Thứ tám, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, nhất là tội phạm công nghệ cao, an ninh mạng… Điều này càng trở nên phức tạp khi Việt Nam chưa chủ động về công nghệ, còn lệ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, tiềm ẩn nguy cơ gây mất chủ quyền an ninh thông tin. Nhu cầu đầu tư vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự công nghệ cao có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm, đe dọa an ninh quốc gia.
3. Định hướng giải pháp bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia trong bối cảnh hiện nay
Trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, việc bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, để bảo vệ vững chắc lợi ích, an nih quốc gia trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào một số định hướng giải pháp cơ bản sau:
Một là, kiên trì, kiên quyết thực hiện đường lối “ngoại giao Cây tre” với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong đó, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, lợi ích quốc gia dân tộc là cao nhất. Trong mọi trường hợp đều phải đặt chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc lên trên hết. Tuy nhiên, cần mềm dẻo trong đối ngoại, trong mọi tình huống, phải đối thoại, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế nảy sinh bằng biện pháp thương lượng hòa bình. Tuyệt đối tránh để xảy ra đối đầu về quân sự.
Hai là, độc lập tự do, quyền tự quyết dân tộc là hết sức quan trọng. Trong mọi hoàn cảnh, tránh để lệ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, nhất là sự chi phối của các nước lớn. Luôn đề cao cảnh giác trước những âm mưu lôi kéo của các thế lực thù địch nhằm can thiệp và công việc nội bộ của Đảng, Nhà nước và của Ngành. Tránh để các thế lực thao túng, điều khiển; giữ vững lập trường trong thực hiện chính sách đối ngoại quốc phòng “4 không” của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, trong quan hệ quốc tế luôn giữ vững tính chính danh, chính nghĩa.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại cuộc gặp gỡ báo chí (11.2023) - Ảnh: TTXVN
Ba là, tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với tất cả các quốc gia vì mục tiêu hòa bình, ổn định, cùng phát triển. Thực hiện tốt thông điệp mà Đảng, Nhà nước và toàn thể Nhân dân ta gửi đến cộng đồng thế giới “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế phấn đấu vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển”. Kiên quyết không để xảy ra xung đột về quân sự; không để đối đầu về kinh tế; không để bị cô lập về ngoại giao và không để bị lệ thuộc về chính trị…
Bốn là, đặc biệt coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực. Đối với những mâu thuẫn, tranh chấp ở khu vực, luôn lấy ASEAN làm trung tâm để giải quyết những vấn đề nảy sinh. Tích cực góp phần xây dựng lòng tin và mối đoàn kết, thống nhất trong ASEAN. Không để ASEAN bị các nước lớn lôi kéo, chia rẽ gây mâu thuẫn trong nội bộ.
Năm là, tiếp tục tăng cường, nâng cấp quan hệ với các nước lớn, tạo thế cân bằng và lợi ích đan xen có lợi nhất cho Việt Nam. Đa phương hóa, đa đạng hóa quan hệ quốc tế, nhất là với các nước lớn, nhưng cũng tuyệt đối tránh gây ra sự hiểu lầm chiến lược trong quan hệ quốc tế.
Đình Thiện - Hoài Thu
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. H.2021.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị, Về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. H.2023.
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021.