Học thuyết quân sự và sự cải tổ quân đội Trung Quốc dưới góc nhìn của Mỹ và đồng minh

Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, để thực hiện chiến lược quân sự trong tình hình mới, các lực lượng vũ trang Trung Quốc phải được trang bị hết sức tiên tiến về mặt kỹ thuật và tác chiến. Quan trọng hơn, Quân đội Trung Quốc phải được cải tổ về cơ cấu tổ chức, biên chế và kiên quyết tuân theo sự chỉ đạo duy nhất của Đảng. Bài viết góp phần tìm hiểu sâu hơn về học thuyết quân sự và những cải cách trong xây dựng quân đội Trung Quốc thời gian qua-giai đoạn Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền.

1. Học thuyết quân sự của Trung Quốc thời kỳ hiện đại

Người đặt nền móng cho Học thuyết quân sự Trung Quốc thời kỳ hiện đại không ai khác chính là cố Chủ tịch Mao Trạch Đông với tư tưởng “Chiến tranh nhân dân” nhằm thay thế các phương tiện, công nghệ còn thiếu bằng nhân tố quần chúng có vũ trang. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và khi quan hệ Trung-Xô căng thẳng, PLA được xây dựng, phát triển theo hướng chống lại cả Mỹ và Liên Xô trong các cuộc chiến tranh quy mô lớn trên lãnh thổ Trung Quốc. Lực lượng bộ binh đông đảo được sử dụng nhằm “nghiền nát” kẻ thù trong các trận chiến truyền thống. Đồng thời, chiến lược quân sự cũng như việc tổ chức, xây dựng Quân đội Trung Quốc hướng tới mục tiêu sẵn sàng chống lại một cuộc tấn công hạt nhân theo sau là một cuộc xâm lược.

Khi khoa học công nghệ phát triển mạnh, quan hệ Trung-Mỹ được “cải thiện”, Học thuyết quân sự của Trung Quốc đã có sự điều chỉnh. Thay đổi lớn nhất của Đặng Tiểu Bình là sự “phá bỏ” triết lý “chiến tranh nhân dân” và hình thành “Học thuyết quân sự Đặng-Giang”.

Trước những đổi thay của thực tiễn, Đặng Tiểu Bình có sự chuyển dịch từ nhận thức ban đầu về mối đe dọa toàn cầu sang học thuyết về “chiến tranh có giới hạn” và “cục bộ” xung quanh biên giới Trung Quốc. “Đường lối chính sách” về chiến tranh và quốc phòng mà Đặng Tiểu Bình vạch ra không chỉ dành cho các cuộc xung đột trên đất liền ở khu vực biên giới phía Bắc và phía Đông mà còn cho cả các cuộc đụng độ trên biển và các cuộc không kích bất ngờ, theo sau là các biện pháp đối phó cần thiết của PLA. Kế tục Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân là người tiếp tục thực hiện chủ trương “4 hiện đại hóa”, trong đó có hiện đại hóa quân sự và công nghệ, đồng thời, đã tái dựng mô hình của Đặng Tiểu Bình bằng việc vạch ra “chiến tranh có giới hạn trong điều kiện công nghệ cao”.

Nhận định về kẻ thù: Sau những biến cố lớn xảy ra từ năm 1989 đều có sự hiện diện của nhân tố Mỹ, khiến Trung Quốc xác định rằng “kẻ thù xa xôi” của họ, trên thực tế sẽ vẫn là kẻ thù thực sự duy nhất-Mỹ.

Chiến lược quân sự được mở rộng từ đất liền ra đại dương: Ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX, các tài liệu của Trung Quốc đã coi Philippines, Đông Nam Á và quần đảo Thái Bình Dương là các khu vực mà Trung Quốc sẽ tìm cách nắm quyền quản lý trong tương lai. Do đó, về công nghệ, Học thuyết quân sự về một cuộc chiến tranh mới của Giang Trạch Dân đồng nghĩa với một cuộc đụng độ dựa vào các vũ khí liên lục địa, thiết bị điện tử tinh vi, chiến trường đa chiều, thiết bị cảm ứng và tin tức tình báo.

Sự kiện Liên Xô tan rã (1991) đã khiến cho hệ thống phòng thủ truyền thống của Trung Quốc trước “kẻ thù phương Bắc” về căn bản không còn tác dụng. Học thuyết quân sự được điều chỉnh thông qua việc vạch ra hai khu vực can thiệp chính, một khu vực gần Đài Loan và “khu vực còn lại” ở Thái Bình Dương. Các nhà bình luận cho rằng, đây là nhân tố “đại dương” đầu tiên được đề cập trong học thuyết quân sự của Trung Quốc.

Phòng ngừa chủ động: Theo Học thuyết quân sự của Giang Trạch Dân, Quân đội tinh nhuệ và “phòng ngừa chủ động” là những phương tiện chắc chắn mang lại thắng lợi trong chiến tranh. Do đó, việc chuẩn bị các công nghệ tiên tiến, năng lực của quân đội tinh nhuệ, cũng như các yếu tố bí mật, bất ngờ về chiến lược, chiến thuật và các hành động phối hợp sâu được chú trọng. Các cuộc chiến tranh cục bộ mới đưa vào Học thuyết được hiểu là các “cuộc chiến chóng vánh, buộc phải đưa ra các quyết định nhanh”. Học thuyết mới vạch ra các chiến dịch tiến sâu vào lãnh thổ của kẻ thù.

Tập trung nghiên cứu “chiến tranh phi bạo lực” và các biện pháp đối phó: Trung Quốc cũng đã nghiên cứu kỹ các học thuyết về chiến tranh “phi bạo lực” và áp dụng triệt để trong các cuộc “cách mạng sắc màu”. Trung Quốc đặc biệt chú trọng vào các biện pháp chống chiến tranh tâm lý, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” với các hình thức khác nhau của cuộc chiến tranh “phi bạo lực”. Việc kiểm soát chặt chẽ truyền thông, thực hiện thông tin có định hướng chính là phục vụ cho mục đích nói trên.

Chuyển từ cơ giới hóa sang công nghệ thông tin: Trung Quốc nhận định, công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) và vi tính hóa là “gót chân Achilles” của các hệ thống vũ khí và chỉ huy trong chiến tranh hiện đại. Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2004 xác định, công nghệ thông tin (IT) và chiến tranh mạng của Trung Quốc chủ yếu nhằm “gây thiệt hại nặng nề cho kẻ thù, ngay cả kẻ thù vốn mạnh hơn”. Do đó, giới tinh hoa Trung Quốc quyết định chuyển từ “cơ giới hóa sang các công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) và vi tính hóa”. “Mạng” được cho là mặt trận tấn công đầu tiên của PLA trong trường hợp xảy ra chiến tranh có giới hạn hoặc đối đầu trên phạm vi toàn cầu.

Từ năm 2012, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Học thuyết quân sự của Trung Quốc đã xuất hiện nhiều điểm mới, gồm:

Mục tiêu, yêu cầu trong Học thuyết quân sự Trung Quốc: Trung Quốc hiện ít quan tâm đến việc phân tích các mối đe dọa mới hay các vấn đề mang tính trừu tượng, thay vào đó là lập ra những yêu cầu mà lực lượng vũ trang Trung Quốc phải thực hiện. Những yêu cầu đó bao gồm: (1) Đảm bảo khả năng đối phó đồng thời với hàng loạt các trường hợp khẩn cấp nội bộ và mối đe dọa về mặt quân sự mang tính chiến thuật và phi chiến thuật có thể gây nguy hiểm đến chủ quyền của Trung Quốc trên cả đất liền, trên biển và trên không; (2) Ủng hộ việc bảo vệ một cách nghiêm ngặt và rõ ràng sự thống nhất của Tổ quốc-yếu tố cần thiết để thực hiện thành công Sáng kiến “Vành đai và Con đường”; (3) Đảm bảo an ninh của Trung Quốc “trong bối cảnh mới”; (4) Bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài-tài sản chiến lược mới của Trung Quốc với tư cách là cường quốc kinh tế toàn cầu; (5) Cải thiện tính hiệu quả của hệ thống răn đe chiến lược bằng hạt nhân và trên mạng, cũng như khả năng PLA thực hiện thành công một cuộc phản công nhanh chóng và có tính ngăn chặn cao bằng hạt nhân; (6) Tăng cường sự tham gia của PLA trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế; (7) Tăng cường bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc trước chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa khủng bố; (8) Cải thiện khả năng của PLA trong việc thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của họ trong các cuộc khủng hoảng môi trường và y tế.

- Thể hiện tham vọng “nước lớn” của Trung Quốc ở ngoài biên giới: Đây là tham vọng vượt ngoài ranh giới lãnh thổ của Trung Quốc và những khu vực hành chính đặc biệt. Không những thế, Trung Quốc hiện đang tìm kiếm các căn cứ quân sự mới ở nước ngoài trong khu vực và ở nhiều châu lục. Đặc biệt, việc quân sự hóa các đảo và đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là những ví dụ điển hình.

Xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc không gian mạng: Trong bối cảnh những thách thức liên quan đến an ninh mạng ngày càng trở nên nghiêm trọng, cuối tháng 12/2016, Trung Quốc đã ban hành “Chiến lược An ninh mạng quốc gia”. Chiến lược khẳng định lập trường của Trung Quốc trong phát triển không gian mạng, nêu rõ phương châm và nhiệm vụ chiến lược, bao gồm: Bảo vệ chủ quyền không gian mạng; an ninh quốc gia; hạ tầng thông tin then chốt; tăng cường xây dựng văn hóa mạng; tấn công tội phạm và phần tử khủng bố mạng; hoàn thiện hệ thống quản lý mạng; xây dựng nền tảng an ninh mạng vững chắc; nâng cao và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực không gian mạng. Công bố “Chiến lược An ninh mạng quốc gia” cho thấy, Trung Quốc khẳng định quyết tâm trở thành cường quốc Internet với các nhiệm vụ quan trọng là giành quyền chủ đạo và chiến thắng trong trường hợp xảy ra “chiến tranh mạng”.

Xác định trách nhiệm chính trị, xã hội của lực lượng vũ trang: Trong các học thuyết từ những năm 2007-2010, có thể thấy, vai trò mà các lực lượng vũ trang Trung Quốc trong việc hỗ trợ nền kinh tế và xã hội Trung Quốc, cũng như hỗ trợ người dân trong trường hợp thiên tai được hết sức chú trọng. Đến khi Tập Cận Bình nắm quyền, trách nhiệm chính trị, xã hội của lực lượng vũ trang tiếp tục được nhấn mạnh và nâng lên một tầm cao mới. Nhất là, vai trò của PLA trong việc chống phá hoại, đảo chính nội bộ và chủ nghĩa bè phái đối với Đảng và đất nước Trung Quốc.

2. Xây dựng quân đội theo mô hình mới-lực lượng nòng cốt thực hiện Học thuyết quân sự của Trung Quốc hiện nay

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, “giấc mộng Trung Hoa” là xây dựng Trung Quốc trở thành quốc gia “giàu có và quyền lực”, điều đó bao hàm mong muốn có được “một lực lượng vũ trang mạnh mẽ”. Điều này, như ông nói, có liên quan chặt chẽ đến việc hiện đại hóa PLA vào năm 2035 và đưa PLA lên đẳng cấp quốc tế. Để xây dựng PLA như mong muốn, các biện pháp mà Trung Quốc tập trung thực hiện gồm:

- Mạnh tay chi tiêu, vũ khí, trang bị của Quân đội Trung Quốc đang được hiện đại hóa hết sức nhanh chóng: Tạp chí The Economist cho rằng trong thập kỷ qua, chi tiêu quân sự thực tế của Trung Quốc đã tăng 83% trong khoảng thời gian 2009-2018, nhanh hơn rất nhiều so với các cường quốc khác. Riêng năm 2019, ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng 7,5% (so với 2018) lên mức 1,19 nghìn tỷ NDT, tương đương 180 tỉ USD. Chi tiêu mạnh tay đã giúp Trung Quốc triển khai các tên lửa chính xác và các loại vũ khí chống vệ tinh. Đặc biệt, Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa có thể bay với tốc độ cực siêu thanh (Mach 5), máy bay vận tải không người lái hay súng siêu điện từ.

- Cải cách về cơ cấu tổ chức-bước tiến mới của PLA: Tập Cận Bình thấy rằng rất khó có thể gắn các loại vũ khí “hiện đại” vào một lực lượng “lỗi thời”. Vì vậy, cải cách về cơ cấu tổ chức được nhà lãnh đạo Trung Quốc hết sức chú trọng.

Mục tiêu chính trong cải cách cơ cấu tổ chức là tăng cường sự “phối hợp” giữa các lực lượng khác nhau, như lục-hải-không quân trên chiến trường một cách nhanh chóng và liên tục. Trước đây, sĩ quan chỉ huy các lực lượng báo cáo lên cơ quan đầu não theo ngành dọc của mình mà ít có sự phối hợp với nhau. Trước thực tế “mạnh ai nấy làm”, đồng thời cũng dẫn đến tình trạng “thầy bói xem voi” đã gây khó khăn cho chỉ huy. Vì vậy, tháng 2/2016, Trung Quốc đã chia lại 7 quân khu thành 5 vùng tác chiến, mỗi vùng nằm dưới sự chỉ đạo của một người duy nhất.

5 vùng tác chiến của Trung Quốc

- Thực hiện tinh giản bộ máy theo hướng giảm bộ binh, tăng cường không quân và hải quân: Tnhững năm 1990, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định tập trung nâng cao khả năng chiến đấu của PLA trong “các cuộc chiến tranh cục bộ với công nghệ cao”. Với các cuộc xung đột chớp nhoáng có thể xảy ra ở khu vực ngoại vi (như Đài Loan), thì lực lượng không quân và hải quân quan trọng không kém các lực lượng trên bộ. Việc giành chiến thắng trong các cuộc chiến như thế đòi hỏi sự thay đổi về cấu trúc của lực lượng vũ trang Trung Quốc. Vì vậy, từ năm 2015, PLA đã cắt giảm mạnh lực lượng trên bộ, làm cho số sĩ quan chính thức của lục quân giảm đi 1/3. Ngược lại, lính thủy đánh bộ lại tăng gấp ba về quy mô. Điều này cho thấy PLA đang ưu tiên các vùng biển và vùng trời trên biển.

- Xây dựng Lực lượng hỗ trợ chiến lược nhằm vào 2 điểm yếu của “đối tượng tác chiến” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là sự phụ thuộc vào thông tin liên lạc thông qua các vệ tinh, mạng máy tính và các kênh công nghệ cao khác. Việc công bố “Chiến lược an ninh mạng quốc gia” cùng những cảnh báo và lo lắng của phương Tây về việc “Trung Quốc can thiệp vào bầu cử ở Mỹ” cho thấy trình độ và khả năng tác chiến mạng của nước này. Bên cạnh đó, PLA cũng được xây dựng theo hướng nhằm vào các mục tiêu là mạng lưới căn cứ và hàng không mẫu hạm của đối phương thông qua việc thiết lập Lực lượng tên lửa.

- Đẩy mạnh chống tham nhũng ngay trong nội bộ PLA: Sau một thời gian thực hiện chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi và săn cáo”, Trung Quốc đã “thanh lọc” hơn 13.000 sĩ quan. Không những thế, Trung Quốc tiến hành cơ cấu lại Quân ủy Trung ương, giảm số lượng ủy viên từ 11 xuống còn 7 người, loại bỏ một số Tư lệnh binh chủng và bổ sung một sĩ quan chống tham nhũng. Đặc biệt, nhiều nhận vật chủ chốt trong Quân ủy Trung ương “ngã ngựa” bởi tệ tham nhũng và lạm quyền cho thấy, chiến dịch “đả hổ” của Trung Quốc không khoanh “vùng cấm”.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với PLA: Với quan điểm “Đông-Tây-Nam-Bắc-Trung tâm, Đảng đều lãnh đạo”, Trung Quốc đang hết sức chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với các lực lượng vũ trang. Việc tăng cường kỷ luật, kiên quyết đấu tranh với tệ tham nhũng, lạm quyền cùng quá trình cải tổ về biên chế, tổ chức và mô hình PLA thời gian qua không ngoài mục đích tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất và đảm bảo PLA tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Việc tái cấu trúc PLA thời gian qua đã tạo ra cả sự “oán hận” lẫn “niềm tự hào” đối với công cuộc “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”. Tuy nhiên, Quân đội Trung Quốc sẽ chỉ mạnh khi được xây dựng theo một mô hình chính quy, có tổ chức và biên chế phù hợp, có vũ khí trang bị tối tân, nhưng với mục đích phòng vệ chính đáng. Là nước làng giềng có quan hệ hữu nghị lâu đời với Trung Quốc, Việt Nam mong muốn sự lớn mạnh của PLA sẽ góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc vì mục tiêu hòa bình, ổn định cùng phát triển, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình ở khu vực cũng như trên toàn thế giới./.

 

TS Nguyễn Đình Thiện

ThS Mai Thùy Phương

Học viện Chính trị CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website