Hiểm họa từ nguy cơ đổ vỡ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới giữa Mỹ và Nga

Ngày 28/02/2023, Tổng thống Vladimir Putin đã chính thức ký Luật đình chỉ sự tham gia của Nga vào Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), sau khi tuyên bố về quyết định này trong Thông điệp liên bang Nga ngày 21/02/2023. Căn nguyên của quyết định trên sẽ cần thêm thời gian để lý giải, nhưng hiểm họa từ sự đổ vỡ là khôn lường và hòa bình, an ninh thế giới một lần nữa lại đứng trước thách thức nghiệt ngã.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại lễ ký kết Hiệp ước New START năm 2010. (Nguồn: Kremlin.ru)

1. Sự hình thành Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hai siêu cường thế giới là Mỹ và Liên Xô đã đua nhau xây dựng kho dự trữ vũ khí hạt nhân, khơi mào cho chiến tranh Lạnh và làm dấy lên sự lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt. Nhận thấy rõ mức độ nguy hiểm của loại vũ khí này, cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, Tổng thống Mỹ B.Johnson lên tiếng kêu gọi đàm phán với Moskva để hạn chế vũ khí chiến lược của mỗi bên. Nhưng phải đến năm 1969, người kế nhiệm Tổng thống B.Johnson là R.Nixon mới có thể tiến hành Đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược (Strategic Arms Limitation Talks - SALT) với Liên Xô. Sau gần ba năm đàm phán, Hiệp định SALT I được ký vào tháng 5/1972 giữa Tổng thống Nixon và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô L.Brezhnev. Các cuộc đàm phán tập trung vào hai hệ thống vũ khí chính là Tên lửa đạn đạo (ABM) và Tên lửa đa đầu đạn phân hướng (MIRV).

Trên nền tảng Hiệp ước SALT được ký kết, Mỹ và Liên Xô sau đó đã liên tục có những cuộc đàm phán căng thẳng, tốn nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, 2 bên cũng đã thống nhất được một số thỏa thuận về cắt giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân của cả hai nước. Đến năm 1985, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M.Gorbachev và Tổng thống Mỹ R.Reagan cùng nhau đưa ra tuyên bố trước toàn thể nhân loại: “Chiến tranh hạt nhân là không thể thắng và không bao giờ nên được tiến hành”. Tuyên bố trên được giới bình luận đánh giá là “đã tạo bước đột phá lớn trong quan hệ giữa hai nước” và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Khi Mỹ, Nga đạt được những thỏa thuận cơ bản, đàm phán hiệp ước START thứ hai được ký vào ngày 31/7/1991 và có hiệu lực từ ngày 05/12/1994, Hiệp ước START được đổi tên thành START I. Theo các chuyên gia, khoảng 80% các loại vũ khí hạt nhân của 2 nước bị loại bỏ. Sau START I, Nga, Mỹ tiến hành đàm phán START II và được ký vào ngày 03/01/1993 nhằm cấm sử dụng MIRV và tên lửa liên lục địa (ICBM). Tuy nhiên, Hiệp ước này cũng đã bị khai tử vào năm 2001. Đến năm 1997, dưới thời Tổng thống B.Yeltsin và người đồng cấp B.Clinton, Nga và Mỹ đã bắt đầu đàm phán START III nhằm giảm mạnh các kho vũ khí hạt nhân đã được triển khai. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã thất bại bởi nhiều lý do khác nhau và Hiệp ước cũng lâm vào tình trạng “chết trước khi được sinh ra”.

2. Nội dung Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới - New START

Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới - New START ra đời thay thế cho Hiệp ước START I và Hiệp ước cắt giảm tiềm lực tấn công chiến lược (SORT) hay còn gọi là Hiệp ước Moskva được ký vào ngày 24/5/2002. New START là thỏa thuận mới nhất đạt được sau một loạt thỏa thuận mà Mỹ và Nga ký kết nhằm giảm quy mô kho vũ khí hạt nhân của hai bên. New START được các chuyên gia đánh giá thực chất là Hiệp ước mang tên START IV xuất hiện trong lịch sử quan hệ giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước New START được ký kết vào tháng 4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) và là kết quả của cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ B.Obama và Tổng thống Nga D.Medvedev. Sau khi ký kết, Hiệp ước chính thức có hiệu lực từ ngày 05/02/2011.

New START quy định, mỗi bên sẽ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau bảy năm, duy trì tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như chỉ được duy trì tối đa 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã được triển khai và chưa triển khai. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, số vũ khí này bao gồm cả vũ khí hạt nhân tầm xa của Nga, những đầu đạn có thể bắn thẳng đến Mỹ. Đồng thời, mỗi bên còn cho phép bên kia tiến hành thanh tra tại hiện trường để đảm bảo có được sự tin cậy lẫn nhau về việc các điều khoản của Hiệp ước mà mỗi bên cần tuân thủ. Hai nước cũng cam kết tổ chức các cuộc họp thường xuyên trong khuôn khổ Ủy ban Tham vấn song phương để giải quyết bất đồng hoặc những nghi vấn về việc triển khai hoặc thủ tục triển khai các nội dung cắt giảm.

Theo các chuyên gia, New START có tính thực tiễn hơn so với các hiệp ước trước đó, khi cả hai bên đều có thể xác minh được quá trình dỡ bỏ vũ khí diễn ra khi nào, như thế nào, với số lượng bao nhiêu... Đồng thời, Hiệp ước cũng giúp hai bên có thể thu thập thêm thông tin về tình hình kho vũ khí của nhau mà không cần thông qua các phương pháp mang tính truyền thống. Đánh giá về thực thi Hiệp ước, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, đến tháng 02/2018 cả hai quốc gia đều đáp ứng các điều khoản được nêu tại Hiệp ước và duy trì số lượng vũ khí ở mức thấp hơn cam kết.

3. Nguy cơ đổ vỡ của New START

Sau khi lên nắm quyền (2017), chính quyền của Tổng thống Mỹ D.Trump muốn xóa sạch “bàn cờ” mà các Tổng thống Mỹ trước đó đang “dang dở” để sắp xếp lại “ván cờ” mới theo ý muốn của mình. Chính quyền D.Trump đã lên án Hiệp ước này có nhiều “thiếu sót sâu sắc” vì không bao gồm vũ khí hạt nhân “chiến thuật” tầm ngắn hơn, cũng như Hiệp ước đã bỏ ra ngoài các quốc gia khác cũng đang sở hữu vũ khí tấn công chiến lược, nhất là Trung Quốc. Sau đó, các cuộc đàm phán để gia hạn thỏa thuận này bị đình trệ, trong bối cảnh New START sẽ hết hiệu lực vào tháng 02/2021. Không những vậy, để gây sức ép lên Nga, chính quyền D.Trump đã rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF - Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty), khiến dư luận quốc tế hết sức lo lắng về việc kéo theo sự “khai tử” New START.

Tuy nhiên, đầu năm 2021, Washington đã đạt được thỏa thuận với Moskva để gia hạn New START cho đến tháng 02/2026, nhưng các cuộc thanh tra thường xuyên giữa hai nước đã không thể thực hiện được trong suốt ba năm qua. Nguyên nhân được cho là do việc hạn chế đi lại bởi đại dịch Covid-19 và sau đó là Nga tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine (24/02/2022) khiến quan hệ ngoại giao giữa Washington và Moskva càng trở nên căng thẳng.

Tháng 11/2022, Nga đơn phương hoãn cuộc họp kỹ thuật về Hiệp ước với các quan chức Mỹ vì “lý do chính trị”. Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc, “không thể chứng minh việc Nga đã tuân thủ Hiệp ước hay không”, bởi các cuộc thanh sát trên lãnh thổ Nga đều bị từ chối. Sự căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ lên đỉnh điểm khi trong Thông điệp Liên bang ngày 21/02/2023, Tổng thống V.Putin tuyên bố, Nga tạm thời ngưng thực hiện Hiệp ước New START - Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga. Đây là lĩnh vực hợp tác duy nhất còn lại để cả hai bên có thể tiếp xúc, trao đổi. Và như vậy, cánh cửa đối thoại cuối cùng giữa Nga và Mỹ đã đóng sập lại. Trong bài phát biểu, ông chủ Điện Kremli khẳng định, quan hệ Nga-Mỹ đã xuống cấp là hoàn toàn do lỗi của Washington. Cáo buộc Mỹ “đang phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới”, Putin cảnh báo, nếu Washington tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới thì Moskva cũng sẽ làm như thế. Đáp trả cáo buộc của Putin, Tổng thống Mỹ J.Biden cho rằng, quyết định của Tổng thống Nga là một “sai lầm lớn”. Trong khi, Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken đánh giá, quyết định dừng tham gia New START là hành động vô trách nhiệm và Washington sẽ theo dõi cẩn thận để xem Moskva thực sự làm gì. Hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ: “Chúng tôi luôn sẵn sàng thảo luận về các giới hạn vũ khí chiến lược bất cứ lúc nào với Nga, bất kể điều gì khác đang xảy ra, trên thế giới hay trong mối quan hệ của chúng tôi”.

4. Nguy cơ và hiểm họa từ sự đổ vỡ New START đối với hòa bình, an ninh thế giới

Mặc dù Nga mới chỉ tuyên bố là tạm ngưng thực thi Hiệp ước, nhưng nguy cơ và hiểm họa từ sự đổ vỡ của New START là hết sức rõ ràng khiến cộng đồng thế giới hết sức quan ngại.

Trật tự thế giới bị đảo lộn: Như đã trình bày, New START là Hiệp ước giàng buộc cuối cùng giữa Mỹ và Nga bảo đảm cho cân bằng động trong một trật tự quốc tế nhiều biến đổi. Mặc dù thế giới không một ngày im tiếng súng, các cuộc xung đột quân sự, chạy đua vũ trang, cũng như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn diễn ra hết sức khốc liệt trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, nhờ vào Hiệp ước mà trật tự thế giới bảo đảm được trạng thái cân bằng động. Trong trường hợp New START sụp đổ, hoặc hai bên không thể gia hạn trước khi hết hạn vào tháng 02/2026, sẽ đánh dấu sự kết thúc của Hiệp ước kiểm soát vũ khí tấn công chiến lược kéo dài hơn nửa thế kỷ giữa Nga và Mỹ. Nguy hiểm hơn, nó còn phát đi tín hiệu kích thích phát triển vũ khí tấn công chiến lược đến nhiều quốc gia khác. Và vì thế, trật tự thế giới có nguy cơ bị đảo lộn.

Hòa bình, an ninh thế giới bị đe dọa nghiêm trọng: Khi Nga tuyên bố tạm ngưng thực thi Hiệp ước khiến 2 nước Mỹ, Nga lại một lẫn nữa khiến hòa bình, ổn định thế giới bị đe dọa. Putin tuyên bố, Nga sẽ chỉ nối lại các cuộc thảo luận với Mỹ một khi kho vũ khí hạt nhân của Pháp và Anh cũng được tính đến. Nhưng giới phân tích nhận định điều kiện của Nga sẽ không được chấp nhận, bởi nó sẽ dẫn tới chuyện viết lại toàn bộ nội dung hiệp ước New START. Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế W.Alberque nhận định, “tình huống sẽ có thể nguy hiểm hơn nhiều so với Chiến tranh Lạnh khi có thêm các nước tham gia chạy đua với số lượng nhiều hơn. Điều đó sẽ thật khủng khiếp đối với an ninh toàn cầu”.

Không dừng ở lý giải thêm cho việc quyết định tạm đình chỉ tham gia New START, Putin còn chỉ trích việc Mỹ đưa ra yêu cầu “vô lý” khi đòi kiểm tra các cơ sở hạt nhân của Nga. Không những thế, theo Tổng thống Nga, NATO đang hỗ trợ Ukraine tấn công kho hạt nhân của Nga. Cáo buộc này của Nga ám chỉ, trước đó Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công vào tháng 12/2022 nhằm vào sân bay Engels nằm gần Saratov, cách Thủ đô Moskva 730 km về phía Đông Nam, và là nơi hoạt động của dàn máy bay ném bom chiến lược Nga. Bình luận về quyết định nói trên, W.Alberque nhận định, Moskva đã quyết định có thể tồn tại mà không cần tới New START, đồng thời tìm cách đổ lỗi cho Washington, và “Nga đã tính toán rằng Hiệp ước sẽ chết và quy trách nhiệm cho Mỹ về phần thiệt hại”.

Mở đầu cho cuộc chạy đua vũ trang phiên bản mới và khiến nguy cơ chiến tranh hạt nhân trở nên hiện hữu: New START, hiệp ước cuối cùng còn lại nhằm hạn chế kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ, vốn đã rơi vào thế mong manh trước cả hôm 21/2/2023 khi Tổng thống V.Putin tuyên bố Moskva sẽ tạm dừng tham gia hiệp ước. Hãng Reuters đưa tin, việc Nga tạm dừng tham gia New START nhưng không rút khỏi hoàn toàn khiến các nhà phân tích an ninh lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai nước, cũng như thúc đẩy các cường quốc hạt nhân khác đẩy mạnh xây dựng kho vũ khí của mình.

Theo ước tính của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, hiện Nga có tổng cộng 5.977 đầu đạn hạt nhân, Mỹ có 5.428 là kết quả của việc thực hiện New START về giới hạn số lượng đầu đạn trên mỗi tên lửa mà một trong hai bên có thể triển khai. Do đó, sự sụp đổ của Hiệp ước có thể ngay lập tức làm tăng số lượng đầu đạn lên nhiều lần. Ước tính, “cả hai bên có thể ngay lập tức tăng từ 1.550 đầu đạn chiến lược được triển khai lên thành 4.000, và điều đó có thể xảy ra chỉ trong một đêm”, W.Alberque nhận định. Trong khi, J.Cameron chuyên gia tại Dự án Hạt nhân Oslo cho rằng, nếu New START bị hủy bỏ, nó sẽ đánh dấu sự quay trở lại cách phỏng đoán về khả năng và ý định của đối phương theo kiểu tư duy thời chiến tranh Lạnh.

Khiến quan hệ Nga-Mỹ ngày càng trở nên tồi tệ hơn: Quan hệ Nga-Mỹ từ lâu đã bị coi là tụt dốc không phanh. Nhất là, từ khi Nga tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine thì tình trạng đối đầu lạnh dường như đã chuyển thành trạng thái đối đầu nóng. Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược được các bình luận gia xem như điểm níu cuối cùng còn có tính cởi mở của quan hệ hai nước. Nếu Hiệp ước đổ bể thì lời nguyền “không tồi tệ nhất, chỉ tồi tệ hơn” của quan hệ Mỹ-Nga có nguy cơ không còn hiệu nghiệm.

Lời kết: Vấn đề kiểm soát vũ khí, từ lâu đã được thế giới hết sức quan tâm và xem là nội dung duy nhất còn lại của sự hợp tác mang tính xây dựng giữa Washington và Moskva. Hiện Nga và Mỹ nắm khoảng hơn 90% số vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới, nên nguy cơ sụp đổ của Hiệp ước New START đã khiến tâm trạng cả thế giới trở nên bất an. Bởi hòa bình chỉ được thiết lập và giữ vững khi mọi quốc gia, nhất là các cường quốc tôn trọng và cam kết nghiêm túc thực hiện những gì đã thỏa thuận. Nếu phá vỡ ranh giới và tiếp tục đổ lỗi cho nhau, tất sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn và đe dọa an ninh toàn thế giới. Khi để điều này tiếp diễn, đó sẽ là điểm khởi đầu cho một thế giới tồi tệ và phác họa khung cảnh tương lai ảm đạm về bóng ma chiến tranh hạt nhân - chiến tranh hủy diệt nhân loại.

 

Nguyễn Đình Thiện - Phạm Hồng Minh

 

 Lời cảm ơn: Bài viết kế thừa kết quả nghiên cứu đề tài: Địa chiến lược Việt Nam trong chính sách của các nước lớn và những vấn đề đặt ra đối với lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam. Mã số: BNV.2021.T03.017.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lý do Nga đe dọa rút khỏi New START. Nguồn: TTXVN, ngày 06/03/2023.

2. Toàn văn Thông điệp liên bang 2023 của Tổng thống Nga. Nguồn: TTXVN (Moskva 21/02/2023).

3. Tuyên bố của Putin về New START và tác động đối với kiểm soát vũ khí. Nguồn: TTXVN, ngày 16/03/2023.

4. Việc Nga đình chỉ New START có ý nghĩa gì? Nguồn: TTXVN, ngày 03/03/2023.

5. https://baomoi.com/hiep-uoc-new-start-so-phan-ham-hiu-duoc-doan-truoc/c/45193563.epi

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website