Cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài từ tháng 3/2021 đến nay, đã từng có thời điểm hòa dịu. Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức lần lượt hội đàm với Tổng thống Putin, sau đó Mỹ và Nga bàn bạc để tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, Putin đã khiến thế giới choáng váng khi triển khai một chiến dịch quân sự đặc biệt đối với Ukraine rạng sáng ngày 24.02.2022. Thắng, thua trên chiến trường còn phụ thuộc vào quy luật của chiến tranh, nhưng hệ lụy của cuộc chiến dường như đã có thể đoán định.
1. Làm rung chuyển toàn bộ thế giới
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Hòa bình trên lục địa của chúng ta đã tan vỡ. Chúng ta đang chứng kiến chiến tranh xảy ra ở châu Âu, trên quy mô và dưới hình thức mà chúng ta đã nghĩ chỉ là chuyện của quá khứ”.
Điều khiến phương Tây ớn lạnh là Putin đã đe dọa sẽ leo thang hạt nhân nhằm vào phương Tây sau khi Mỹ và các đồng minh gửi viện binh tới củng cố sườn phía Đông NATO. Chứng tỏ rằng Nga là một trong những cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, Putin nhấn mạnh:
“Tôi có vài lời muốn gửi tới những người có lẽ đang muốn can thiệp vào các sự kiện đang diễn ra từ bên ngoài. Bất cứ ai tìm cách cản trở chúng tôi và đe dọa tới đất nước và nhân dân chúng tôi cần phải biết rằng chúng tôi sẽ phản ứng ngay lập tức và điều này sẽ dẫn tới những hậu quả mà các vị chưa từng đối mặt trong lịch sử. Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi tình huống. Tất cả các quyết định cần thiết trong vấn đề này đều đã được đưa ra. Tôi hy vọng các vị lắng nghe tôi”.
Vốn tuyên bố sẽ không điều quân tới chiến đấu ở Ukraine, Mỹ đã lên án cuộc tấn công của Nga là “vô cớ và phi lý”. Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden có đoạn: “Một mình Nga phải chịu trách nhiệm cho những thương vong và sự tàn phá mà cuộc tấn công này gây ra. Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ đáp trả một cách thống nhất và quyết đoán”.
Sau khi áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt trong phản ứng đầu tiên, những ngày tiếp theo Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung. Liên minh châu Âu (EU), Anh và các quốc gia khác theo chân Mỹ dồn dập đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt Nga. Đồng thời, loại Nga khỏi hệ thống SWIFT, vốn được sử dụng trong các giao dịch tài chính quốc tế. Dưới góc nhìn chiến lược, xung đột vũ trang Nga-Ukraine khiến bàn cờ chính trị thế giới có thể bị vẽ lại với 02 tình huống:
Tình huống 1: Nga giành chiến thắng
Với Ukraine: Buộc Ukraine trở thành quốc gia trung lập hoặc thiết lập quyền thống trị thân Nga ở nước này. Tuy nhiên, xung đột vũ trang sẽ gây thù hận giữa 2 dân tộc Nga-Ukraine về lâu dài là điều không tránh khỏi.
Đối đầu Nga-Mỹ sẽ quyết liệt hơn, khiến Mỹ và NATO phải gắn bó chặt chẽ với nhau hơn: Cuộc tấn công của Putin vào Ukraine là một thách thức mạnh đối với sức mạnh toàn cầu của Mỹ và khái niệm về một thế giới tự do và dân chủ mà thúc đẩy ảnh hưởng của nước này. Thành công của Nga ở Ukraine sẽ khiến Mỹ phải chuyển hướng sang châu Âu. Đương nhiên, Mỹ sẽ viện dẫn Điều 5 của Hiến chương NATO (như dưới thời D.Trump) để can thiệp bởi Mỹ có nhiều đối tác thương mại rất lớn ở châu Âu. Theo các nhà bình luận, chỉ có cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với an ninh châu Âu mới có thể ngăn cản Nga chia rẽ các nước này. Tuy nhiên, điều này khó có thể đạt được trong bối cảnh các ưu tiên cạnh tranh lẫn nhau. Đặc biệt là những ưu tiên này bất đồng với những ưu tiên của Mỹ trong mối quan hệ ngày càng xấu đi với Trung Quốc. Dù vậy, điều căn bản vẫn là các lợi ích đang bị đe dọa.
Tuy nhiên, 2 nước không thể để xảy ra đối đầu trực diện về quân sự. Trong trường hợp xấu nhất 2 bên có thể mở rộng sang các cuộc chiến ủy nhiệm ở Trung Đông hoặc châu Phi nếu Mỹ quyết định hiện diện trở lại sau cuộc rút quân thê thảm khỏi Afghanistan.
Với Trung Quốc: Đối với một Moskva hiện đang đối đầu lâu dài với phương Tây, Bắc Kinh có thể đóng vai trò hậu thuẫn về kinh tế và là đối tác cùng Nga chống lại sự bá quyền của Mỹ. Đồng thời, Trung Quốc có thể bị kích động trước sự quyết đoán của Nga và đe dọa đối đầu với Đài Loan.
Với Thổ Nhĩ Kỳ: Các hành động gây mất ổn định ở khu vực rộng lớn hơn của Nga có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ lại ngả về phía Mỹ, do đó có thể gây bất hòa giữa Ankara với Moskva. Điều này sẽ có lợi cho NATO và cũng sẽ mở ra khả năng lớn hơn cho quan hệ đối tác Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông. Thay vì gây phiền toái, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành đồng minh thực thụ.
Với Đức: vị thế của Đức ở châu Âu sẽ bị thách thức nghiêm trọng. Đức là một cường quốc quân sự quy mô nhỏ với bản sắc chính trị kể từ sau Chiến tranh Lạnh là từ chối tham chiến. Các nước bạn bè quanh nước này, đặc biệt là ở Đông Âu với Ba Lan và các nước vùng Baltic, có nguy cơ bị Nga gây bất ổn. Tuy nhiên, Pháp và Anh sẽ đảm nhận vai trò hàng đầu trong các vấn đề châu Âu nhờ lực lượng quân sự tương đối mạnh và truyền thống can thiệp quân sự từ trước.
Tình huống 2: Nga không thắng
Sở dĩ không nói Nga thua là bởi với tương quan sức mạnh giữa Nga và Ukraine hiện tại thì chỉ có Nga thắng hoặc không thắng. Chắc chắn là Nga không thể thua trong đối đầu quân sự giữa 2 nước. Nếu Nga không thắng cuộc, hệ lụy kéo theo là:
(1) Mỹ và phương Tây tiếp tục bao vây, cô lập nước Nga khiến kinh tế Nga vốn đã gặp nhiều khó khăn có thể lâm vào khủng hoảng.
Mặc dù cuộc chiến chưa ngã ngũ, nhưng những biện pháp bao vây, cấm vận của Mỹ đã lan ra rộng khắp. Các nước EU, Anh cùng các nước đồng minh của Mỹ trên các lục địa đều đồng loạt đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế và quốc phòng, an ninh. Không những thế, ngay cả các hoạt động văn hóa, thể thao của Nga cũng bị cô lập trên trường quốc tế. Nền kinh tế Nga đã và đang phải chịu sự rung lắc ghê gớm. Nếu cuộc chiến kéo dài và Nga không thắng cuộc, có thể kinh tế Nga sẽ lâm vào khủng hoảng tồi tệ.
(2) Về chính trị, hình ảnh nước Nga trên trường quốc tế sẽ bị tổn thương và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội và khôi phục vị thế của một cường quốc trong tương lai. Hệ lụy rõ ràng nhất về chính trị, ngoại giao là sự tẩy chay, cô lập Nga của nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế. Uy tín, vị thế của Nga bị lung lay. Hình ảnh về chú Gấu Nga hùng dũng nhưng cô độc trong một thế giới sôi động đang chiếm vị trí chủ đạo trong bức tranh chính trị thế giới.
(3) Tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào một nước láng giềng có chủ quyền gây ra tổn thất nhân đạo trên diện rộng sẽ hình thành nên trạng thái tâm lý thù địch, với thái độ phẫn nộ kéo theo đó sẽ trở thành một trở ngại đối với chính sách đối ngoại của Nga trong tương lai. Mỹ và phương Tây sẽ lợi dụng triệt để sự kiện này để hạ thấp uy tín, vai trò và cô lập Nga trên trường quốc tế.
(4) Kết cục cuộc chiến sẽ khiến Putin gặp nhiều khó khăn trong nắm quyền trong tương lai.
Mặc dù cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt, nhưng các nhà chiến lược đã bắt đầu bình luận về một nước Nga, một thế giới hậu Putin, hậu Ukraine. Trường hợp Nga không thắng, Putin sẽ gặp nhiều khó khăn trong nhiệm kỳ hiện tại và càng gặp nhiều khó khăn hơn trong tái cử và lãnh đạo lâu dài. Sự bộc lộ về những yếu kém của quân đội, nhất là trong công tác hậu cần khiến phương Tây đánh giá thấp khả năng tác chiến của quân đội Nga. Đương nhiên, còn đó những vũ khí mang tính hủy diệt mà Nga chưa hoặc không thể mang ra sử dụng trong xung đột quân sự với Ukraine vẫn mang tính bí mật với phương Tây. Tuy nhiên, với quan điểm không tham chiến, “tọa sơn quan hổ đấu”, phương Tây sẽ thu thập được nhiều thông tin quân sự từ các loại vũ khí Nga mang ra sử dụng cũng như khả năng và nghệ thuật tác chiến của quân đội Nga trên chiến trường Ukraine. Ít hay nhiều về sau sẽ gây bất lợi cho Nga.
2. Giá dầu leo thang, an ninh năng lượng thách thức nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế thế giới thời hậu Covid
Chiến tranh Nga-Ukraine khiến giá dầu tăng vọt vượt ngưỡng cao nhất kể từ năm 2014. Tuyên bố của OPEC cho biết, những biến động hiện nay trên thị trường dầu thô xuất phát từ những thay đổi của tình hình địa chính trị, hơn là những thay đổi về nguyên tắc cơ bản của thị trường và sự cân bằng cung cầu trên thị trường hiện nay. Đây là lần thứ 3 trong lịch sử giá dầu vượt ngưỡng 100USD/thùng. Năm 2008, giá dầu duy trì trên 100 USD trong hơn nửa năm và đã có lúc tăng vọt lên 147 USD thùng. Từ năm 2011 đến năm 2013, giá dầu thô quốc tế trung bình hàng năm đã vượt quá 100 USD trong ba năm liên tiếp.
Giá năng lượng leo thang khiến kinh tế thế giới chao đảo, lạm phát tăng nhanh ở hầu hết các quốc gia, nhất là Mỹ. An ninh năng lượng trong điều kiện châu Âu sử dụng 40% dầu mỏ, khí đốt và than đá từ Nga là bài toán không dễ giải đáp. Tuy nhiên, dưới một góc nhìn khác, người được hưởng lợi từ giá dầu leo thang chính là các nước sản xuất dầu lớn, đặc biệt là Mỹ.
3. Đe dọa an ninh lương thực đối với châu Âu và nhiều quốc gia khác
Hiện Nga và Ukraine chiếm tổng cộng khoảng: 30% lượng xuất khẩu lúa mì; 19% ngô xuất khẩu; 80% dầu hướng dương trên thế giới. Trong bối cảnh xung đột quân sự leo thang, ba hãng vận tải hàng hóa bằng container lớn nhất thế giới từ ngày 01.03.2022 đã ngừng vận tải hàng hóa đến và đi từ Nga – cú sốc không chỉ đối với Nga mà còn đối với những nước nhập khẩu lúa mì, ngô và các mặt hàng nông sản khác từ Nga.
Bên cạnh đó, xung đột quân sự Nga-Ukraine còn gây gián đoạn, đứt gẫy chuỗi sản xuất, gieo trồng nhiều loại nông sản vào mùa Xuân này của nông dân. Hệ lụy là nguy cơ khủng hoảng thiếu nông phẩm không chỉ mang tính tức thì mà còn về lâu dài khi các chuỗi sản xuất, lưu thông chưa biết khi nào mới được kết nối thông suốt. Đánh giá về tác động của xung đột quân sự Nga-Ukraine, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 22/2/2022 đã phát biểu, “thế giới có thể phải chứng kiến sự thiếu thốn với quy mô và mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy trong nhiều năm qua”.
4. Gây khủng hoảng nhân đạo trên diện rộng
Hiện Nga và Ukraine đã nhất trí tạo ra nhiều hành lang nhân đạo để người dân di tản ra khỏi vùng chiến sự. Tuy nhiên, sự mất mát về vật chất, tinh thần và đặc biệt là về tính mạng con người thì hầu như không một cuộc chiến nào có thể tránh khỏi. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cảnh báo rằng một cuộc chiến lớn sẽ gây ra “sự xuất hiện đột ngột của khoảng 3 đến 5 triệu người tị nạn Ukraine”. Ngày 8/2, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ba Lan cho biết “có thể có tới 1 triệu người” sẽ vào Ba Lan trong trường hợp xấu nhất.
Thay cho lời kết
Căn nguyên và hệ lụy từ cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine cho thấy, một dân tộc lệ thuộc và kỳ vọng vào sự giúp đỡ từ bên ngoài sẽ không tránh khỏi bị thao túng, đánh mất quyền tự quyết, quyền điều khiển. Nếu để chiến tranh xảy ra thì hệ lụy vô cùng tàn khốc, nhất là tính mạng, tài sản của nhân dân cùng những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội hàng ngàn năm có thể bị tàn phá bởi cuộc chiến. Do vậy, những vấn đề rút ra từ chiến tranh nói chung và cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine (2022) nói riêng là:
Một là, độc lập tự do, quyền tự quyết dân tộc là hết sức quan trọng. Trong mọi hoàn cảnh, tránh để lệ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, nhất là sự chi phối của các nước lớn. “Nước xa không cứu được lửa gần” là phương châm cần luôn được quán triệt.
Hai là, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, lợi ích quốc gia dân tộc là cao nhất. Trong mọi trường hợp đều phải đặt chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc lên trên hết.
Ba là, bất luận, trong mọi tình huống, phải đối thoại, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế nảy sinh bằng biện pháp thương lượng hòa bình. Tránh đối đầu về quân sự;
Bốn là, luôn đề cao cảnh giác trước những âm mưu lôi kéo của các thế lực thù địch nhằm can thiệp và công việc nội bộ của Đảng, Nhà nước và của Ngành. Tránh để các thế lực thao túng, điều khiển;
Năm là, giữ vững lập trường trong thực hiện chính sách đối ngoại quốc phòng “4 không” của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, trong quan hệ quốc tế luôn giữ vững tính chính danh, chính nghĩa.
Sáu là, tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với tất cả các quốc gia vì mục tiêu hòa bình, ổn định, cùng phát triển. Đặc biệt coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực.
TS Nguyễn Đình Thiện - TS Vương Thanh Tú
Học viện Chính trị CAND