Ngày 10.9.2023, Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức nâng cấp mối quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Cấp quan hệ trên ngang bằng với quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Trước sự kiện trên, đồng loạt các phương tiện truyền thông phương Tây đã đưa tin, bài bình luận sự kiện dưới nhiều góc độ. Đại đa số đều có quan điểm thuận chiều khẳng định tính đúng đắn về đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam và tin tưởng vào một tương lai xán lạn trong quan hệ giữa 2 nước vốn từng là “cựu thù của nhau”. Tuy nhiên, đó đây còn đó những luận điệu trái chiều.
Tổng thống Joe Biden nêu đậm quan hệ Việt - Mỹ tại Khóa họp lần thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc để minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ để từ đối thủ thành đối tác
1. Việt-Mỹ xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và dư luận trái chiều của giới truyền thông về sự kiện
Sau 10 năm là Đối tác toàn diện, đi vào thực chất, có chiều sâu, chiều 10.9.2023 tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Biden cùng các quan chức tháp tùng Tổng thống gồm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan… tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống J.Biden nói: “Theo tôi, đây là thời khắc rất quan trọng, Việt Nam và Mỹ là đối tác quan trọng của nhau. Chúng ta tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi quan trọng, đặc biệt là trong việc xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn linh hoạt hơn”. Đáp lại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cuộc gặp với Tổng thống J.Biden là một “cơ hội” để mở rộng quan hệ song phương và cảm ơn Tổng thống đã mời ông đến thăm Mỹ.
Cũng trong chuyến thăm này, Tổng thống J.Biden đã gặp và hội kiến với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đồng thời, Ông còn đến thăm và đặt hoa tại Phù điêu cố Thượng nghị sĩ John McCain, người bị bắt làm tù binh trong Chiến tranh Việt Nam.
Trước những diễn biến nêu trên, đồng loạt các phương tiện truyền thông phương Tây đã đưa tin, bài hàng đầu và bình luận sự kiện dưới nhiều góc độ. Đại đa số các đều có quan điểm thuận chiều khẳng định tính đúng đắn về đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng trong quan hệ giữa 2 nước vốn từng là “cựu thù của nhau”. Tuy nhiên, đó đây còn có những luận điệu “lạc nhịp” cho rằng, “J.Biden muốn kéo Việt Nam lên cỗ xe chống Trung Quốc”; “Mỹ đang xây dựng được một căn cứ tiền tiêu quan trọng ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc”… Và “cả Chính quyền Biden và Chính phủ Việt Nam đều muốn giảm bớt ảnh hưởng đối với Trung Quốc”.
2. Phản bác các luận điệu trái chiều về quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Mỹ và xuyên tạc quan hệ Việt-Trung
Trước những luận điệu nêu trên, vậy thực hư câu chuyện thế nào, chúng ta cần có sự tỉnh táo tìm hiểu, đánh giá sự kiện và lập luận phản bác các luận điệu đó từ nhiều góc độ.
Một là, quan hệ Việt-Trung, Việt-Mỹ đều là đối tác chiến lược toàn diện được xây dựng từ lòng tin chiến lược và cùng được xác lập với 16 chữ vàng
Sau bình thường hóa quan hệ (1991), quan hệ Việt-Trung có sự phát triển nhanh chóng trên nhiều phương diện. Đến năm 2008, Việt-Trung chính thức nâng cấp quan hệ giữa 2 bên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là quốc gia đầu tiên Việt Nam xác lập mối quan hệ đặc biệt này.
Theo truyền thông phương Tây, với Việt Nam đây là mối quan hệ quan trọng nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng xác định đây là cấp quan hệ cao nhất mà Đảng và Nhà nước Việt Nam dành cho một quốc gia hoặc tổ chức quốc tế. Sau khi bình thường hóa và thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt-Trung đã phát triển hết sức nhanh chóng trên mọi lĩnh vực, nhất là về kim ngạch xuất, nhập khẩu. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc ở khu vực. Đầu tư của 2 bên sang nhau cũng được các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp hết sức chú trọng. Quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Trung đã được 2 nước thiết lập và cô đúc bằng 16 chữ vàng “Láng giềng thân thiện, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”[1].
Đối với Hoa Kỳ, phát biểu trước báo giới sau khi ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tặng Tổng thống J.Biden 16 chữ vàng: “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Và cả hai bên đều coi đó là phương châm hành động nhằm xây dựng lòng tin chiến lược, đưa quan hệ Việt-Mỹ sang một chương mới phát triển mạnh hơn, sâu hơn và thực chất hơn. Và như vậy, cả 2 đối tác Trung Quốc và Mỹ đều là Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam và đều hướng tới hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững và cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp.
Hai là, cả Việt Nam và Mỹ đều nhấn mạnh việc xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của 2 dân tộc và không nhằm chống lại bên thứ ba
Một là, từ phía Mỹ: Tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 10.9.2023, Tổng thống J.Biden nêu quan điểm: “Tôi không tìm cách kiềm chế Trung Quốc, tôi chỉ muốn đảm bảo rằng mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc ổn định và đi lên. Chúng tôi có cơ hội củng cố liên minh trên toàn thế giới để duy trì sự ổn định. Chuyến thăm này là để tăng cường “hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và đưa Việt Nam và Mỹ đến gần nhau hơn”. Đây được xem là sự nhất quán về tư tưởng đối ngoại của Chính quyền Mỹ đương nhiệm. Trước đó, tại Hội nghị G20 diễn ra tại Ấn Độ, Tổng thống J.Biden cũng đã tuyên bố: “Tôi không muốn kiềm chế Trung Quốc, tôi chỉ muốn đảm bảo rằng chúng tôi có mối quan hệ phát triển và bình đẳng với Trung Quốc và mọi người đều biết đó là gì. Chúng tôi có cơ hội củng cố các liên minh trên toàn thế giới để duy trì sự ổn định. Đó chính là mục đích của chuyến đi này, giúp Ấn Độ hợp tác nhiều hơn với Mỹ, gần gũi hơn với Mỹ, Việt Nam gần gũi hơn với Mỹ. Đó không phải là kiềm chế Trung Quốc. Đó là việc xây dựng nền tảng ổn định - nền tảng ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Để chuẩn bị cho việc nâng cấp quan hệ, ngay từ tháng 3.2023, 52 công ty lớn của Mỹ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hàng không vũ trụ, kinh tế số, thương mại điện tử... đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, trong số đó bao gồm nhiều tập đoàn kinh tế, công nghệ lớn như: Boeing, SpaceX, Netflix, Pfizer, Abbott, Citibank, Meta và Amazon. Các công ty hàng đầu của Mỹ như Intel, Coca-Cola, Apple tiếp tục bơm vốn vào thị trường Việt Nam thông qua đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp.
Hai là, từ phía Việt Nam: Lập trường trước sau như một của Việt Nam là luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc trên tinh thần của thông điệp mà Đảng, Nhà nước và toàn thể Nhân dân đã gửi đến các nước trên khắp 5 châu và toàn thể nhân loại: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, ổn định và phát triển”. Trong phát biểu chào mừng Tổng thống Mỹ thăm chính thức Việt Nam và cùng nâng cấp quan hệ giữa 2 nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Quan hệ đối tác đó tiếp tục dựa trên cơ sở tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước trong thời gian qua, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là những nguyên tắc cơ bản, luôn có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hai nước và quan hệ quốc tế. Việt Nam đánh giá cao và coi trọng khẳng định của Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng”[2].
Ba là, những luận điệu nêu trên đang chỉ nhìn thấy bề nổi mà thiếu hẳn chiều sâu của các mối quan hệ
Việc đưa ra quan điểm “Việt Nam bị lôi kéo lên chuyến tàu của Mỹ để chống Trung Quốc”… cho thấy, một số phương tiện truyền thông quốc tế đã chỉ nhìn thấy bề nổi mà không nhìn được chiều sâu của các mối quan hệ trên mọi phương diện. Không loại trừ, họ cố tình xuyên tạc để phá hoại quan hệ Việt-Mỹ, quan hệ Việt-Trung và hủy hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Xét về thương mại quốc tế, cả Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác quan trọng bậc nhất của Việt Nam.
Với Trung Quốc: Sau 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, kinh tế thương mại luôn được đánh giá là điểm sáng nhất trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Nếu như năm 2008, khi hai nước thiết lập khuôn khổ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 bên mới đạt 20,8 tỷ USD, đến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đã đạt 177,7 tỷ USD. Sau 14 năm, kim ngạch thương mại 2 nước tăng hơn 8 lần, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nhập siêu được thu hẹp dần.
Gần đây nhất, theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, đến hết tháng 8.2023, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 105,45 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 36,61 tỷ USD, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 68,84 tỷ USD (nhập siêu 32,23 tỷ USD). Đây vẫn là thị trường Việt Nam nhập khẩu hàng hóa lớn nhất, chiếm 33% kim ngạch cả nước.
Đối với Mỹ: Thương mại Việt-Mỹ có bước tăng trưởng hết sức ngoạn mục từ sau khi bình thường hóa. Nếu lấy điểm khởi đầu là năm 1994 (sau khi Tổng thống B.Clinton bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế thương mại đối với Việt Nam) thương mại giữa 2 nước mới chỉ đạt khoảng 450 triệu USD, thì đến năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã cán mốc 123,9 tỷ USD. Tính đến tháng 8.2023, tổng kim ngạch thương mại Việt-Mỹ đạt 71,6 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ 9,3 tỷ và xuất sang thị trường này 62,3 tỷ USD (xuất siêu 53 tỷ USD). Đây cũng chính là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đạt kim ngạch xuất siêu cao nhất của hàng hóa Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Tuy vậy, dù Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất, nhưng Trung Quốc lại là nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng nhất cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Xét về ý nghĩa kinh tế, cả hai thị trường đều có giá trị, vai trò quan trọng và sự tương hỗ lẫn nhau.
Xét về đầu tư quốc tế, cả Mỹ và Trung Quốc đều là những nhà đầu tư lớn, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Theo ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, sau 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng gần 10 bậc. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam đã vượt 2,33 tỷ USD. Trung Quốc vượt Nhật Bản, đứng thứ 3 trong số các quốc gia và khu vực đầu tư vào Việt Nam. Luỹ kế đến 20.6.2023, Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí thứ 6/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 3.791 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 25 tỷ USD.
Với Mỹ, trong 10 năm là Đối tác toàn diện, Mỹ luôn là 1 trong những quốc gia đầu tư lớn ở Việt Nam, với khoảng 1.150 dự án đang hoạt động, với hơn 10,3 tỷ USD đầu tư trên hơn 20 lĩnh vực kinh tế. Sau khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, nhiều lĩnh vực đầu tư của Mỹ như: Thiết bị bán dẫn, điện tử, khai thác đất hiếm… đang được kỳ vọng với những khoản đầu tư khổng lồ có thể lên đến hàng trăm tỷ USD. Doanh nghiệp của cả hai bên đang chờ đợi để cùng nhau đón nhận những khoản đầu tư tiềm năng rất lớn đến từ cả 2 phía. Và như vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều là những nhà đầu tư lớn, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nên luận điểm cho rằng, “Việt Nam lên cùng chuyến tàu của Mỹ để chống Trung Quốc” chẳng khác nào Việt Nam chống lại chính mình và đó chính là điều phi lý.
Về chính trị ngoại giao, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh
Với chủ trương “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển”, Việt Nam luôn coi trọng mọi mối quan hệ với mọi đối tác. Đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 18 nước; thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với 12 nước. Trong đó, có 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc cùng hầu hết các nước lớn trên khắp 5 châu. Do vậy, việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ cũng giống như Việt Nam đã thiết lập cấp quan hệ này với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc trước đây. Và sau Mỹ, một điều chắc chắn là Việt Nam sẽ còn thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia khác.
Về văn hóa, xã hội: Với đường lối xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc , Việt Nam có sự tiếp thu những tinh hoa của nền văn minh nhân loại để làm phong phú thêm kho tàng văn hóa lâu đời của dân tộc. Lẽ dĩ nhiên, Việt Nam sẽ đón nhận và tiếp thu tinh hoa văn hóa từ cả phí Mỹ và Trung Quốc chứ tuyệt nhiên không phải chỉ hấp thụ văn hóa phương Tây để “lên đoàn tàu cùng Mỹ chống Trung Quốc” như những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thiếu thân thiện.
Các nước có quan hệ từ Đối tác toàn diện đến Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam
TT
|
Tên nước
|
Năm thiết lập
|
TT
|
Tên nước
|
Năm thiết lập
|
Đối tác chiến lược toàn diện
|
1
|
Trung Quốc
|
2008
|
4
|
Hàn Quốc
|
2022
|
2
|
Liên bang Nga
|
2012
|
5
|
Hoa Kỳ
|
2023
|
3
|
Ấn Độ
|
2016
|
|
|
|
Đối tác chiến lược
|
1
|
Nhật Bản
|
2009
|
7
|
Indonesia
|
2013
|
2
|
Tây Ban Nha
|
2009
|
8
|
Singapore
|
2013
|
3
|
Anh
|
2010
|
9
|
Pháp
|
2013
|
4
|
Đức
|
2011
|
10
|
Malaysia
|
2015
|
5
|
Italy
|
2013
|
11
|
Philippines
|
2015
|
6
|
Thái Lan
|
2013
|
12
|
Australia
|
2018
|
Đối tác toàn diện
|
1
|
Nam Phi
|
2004
|
7
|
Đan Mạch
|
2013
|
2
|
Chile
|
2007
|
8
|
Myanmar
|
2017
|
3
|
Brazil
|
2007
|
9
|
Canada
|
2017
|
4
|
Venezuela
|
2007
|
10
|
Hungary
|
2018
|
5
|
Argentina
|
2010
|
11
|
Brunei
|
2019
|
6
|
Ukraine
|
2011
|
12
|
Hà Lan
|
2019
|
Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh: Chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam đã khẳng định: (1) Không tham gia liên minh quân sự; (2) Không để nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để tấn công nước khác; (3) Không cùng một nước khác để chống lại nước thứ 3; (4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Và Việt Nam không chọn bên mà chỉ chọn cái đúng, chọn chính nghĩa. Nhất quán thực hiện chính sách trên, việc tăng cường quan hệ Việt-Mỹ trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh là nhằm mục tiêu vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững như chính bản chất của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mà cả 2 bên cam kết.
Lời kết
Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, lại phải trải qua mấy nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, Việt Nam thấu hiểu hơn ai hết về giá trị của hòa bình, hữu nghị; thấu hiểu hơn ai hết về những mất mát và tổn thất do chiến tranh gây ra. Vì vậy, sẽ không thể và không bao giờ Việt Nam đi với nước này để chống lại nước kia hoặc làm tổn hại đến lợi ích của các dân tộc khác. Vì vậy, những luận điệu của các thế lực “không thân thiện” với cách mạng Việt Nam, “hằn học” với quan hệ Việt-Trung và phá hoại, xuyên tạc quan hệ Việt-Mỹ chắc chắn sẽ không thể tìm được chỗ đứng trong dư luận xã hội cũng như trong lòng của nhân dân ba nước cũng như toàn thể nhân loại tiến bộ trên thế giới.
Nguyễn Đình Thiện -Phạm Thị Bích Ngọc
Tài liệu tham khảo
1. Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ J.Biden, ngày 10.9.2023. Nguồn: VOV.VN;
2. Xung quanh việc Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao. Nguồn: TTXVN, ngày 14.9.2023;
3. Quan hệ Việt-Mỹ vẫn tồn tại sự khác biệt. Nguồn: TTXVN, ngày 15.9.2023;
[2] Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ J.Biden, ngày 10.9.2023. Nguồn VOV.VN.