Góc nhìn phương Tây về cải tổ quân đội Trung Quốc trong “thời đại Tập Cận Bình” (Kỳ 4)

Những năm gần đây, Trung Quốc đang đầu tư lớn cả về tài chính, trang bị vũ khí và cải tổ mạnh mẽ cơ cấu tổ chức, nhằm xây dựng quân đội hùng mạnh đặc sắc Trung Quốc. Trước những thay đổi đó, phương Tây nhận định, Trung Quốc đang tăng cường năng lực quân sự một cách nghiêm túc và liên tục, đồng thời cảnh báo đây là mối đe dọa ngày càng lớn đối với hòa bình và ổn định toàn cầu (1)

1. Nguyên nhân Trung Quốc cải tổ quân đội

Hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc cần một quân đội hàng đầu thế giới

Hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa” không thể tách rời với nhiệm vụ xây dựng được một lực lượng vũ trang hùng mạnh. Để Trung Quốc trở thành quốc gia giàu có và quyền lực vào giữa thế kỷ XXI, không thể không tiến hành cải tổ quân đội. Điều đó phản ánh sâu sắc những tuyên bố rất rõ ràng của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc xây dựng và quản lý quân đội, thể hiện yêu cầu của thời đại - nước mạnh phải có quân đội mạnh, đồng thời chứng tỏ quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc xây dựng quân đội hàng đầu thế giới. Theo đó, quân đội được yêu cầu phải lĩnh hội và quán triệt sâu sắc tinh thần của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận thức rõ xu thế lịch sử, nắm bắt quy luật, nâng cao ý thức lịch sử, không ngừng mở ra cục diện mới xây dựng quân đội hùng mạnh, hướng tới “mục tiêu 100 năm lần thứ hai”.

Trong báo cáo của Đại hội Đảng XIX đề cập đến công cuộc hiện đại hóa quốc phòng và quân đội Trung Quốc được thể hiện ở “Ba bước đi” mới là: (1) Đến năm 2020, cơ bản thực hiện cơ giới hóa, việc xây dựng thông tin hóa đạt nhiều tiến triển quan trọng, năng lực chiến lược tăng mạnh; (2) Đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa quốc phòng và quân đội; (3) Đến giữa thế kỷ 21, xây dựng quân đội trở thành một trong những quân đội hàng đầu thế giới.

Khắc phục những nguy cơ “chính trị nghiêm trọng” trong nội bộ quân đội Trung Quốc: Trước những nguy cơ chính trị nghiêm trọng mà quân đội Trung Quốc phải đối mặt trong giai đoạn trước Đại hội XVIII, Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là đã lật ngược tình thế, giúp giải quyết cuộc khủng hoảng, triệu tập Hội nghị công tác chính trị toàn quân tại Cổ Điền năm 2014, xác định rõ chiến lược xây dựng quân đội chính trị thời đại mới, dẫn dắt chỉnh đốn toàn quân. Theo đó, Trung Quốc đã đẩy mạnh chống tham nhũng ngay trong nội bộ PLA. Chủ tịch Trung Quốc ra sức thúc đẩy việc chỉnh huấn quân đội, kiên quyết điều tra, xử lý những đối tượng vi phạm nghiêm trọng kỷ cương, pháp luật như Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu (2 Phó Chủ tịch quân ủy Trung ương), Phòng Phong Huy (Tổng Tham mưu trưởng) và Trương Dương (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị)…, đồng thời loại bỏ triệt để ảnh hưởng xấu của những đối tượng này. Sau một thập niên thực hiện chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi và săn cáo”, Trung Quốc đã “thanh lọc” hàng chục nghìn sĩ quan có “phẩm chất yếu kém”. Không những thế, Trung Quốc tiến hành cơ cấu lại Quân ủy Trung ương, giảm số lượng ủy viên từ 11 xuống còn 7 người, loại bỏ một số Tư lệnh binh chủng và bổ sung một sĩ quan chống tham nhũng. Đặc biệt, nhiều nhận vật chủ chốt trong Quân ủy Trung ương “ngã ngựa” bởi tệ tham nhũng và lạm quyền cho thấy, chiến dịch “đả hổ” trong quân đội Trung Quốc không có “vùng kín” và không khoanh “vùng cấm”.

Cải thiện năng lực, từng bước cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ trong cạnh tranh chiến lược: Sau những biến cố lớn xảy ra từ năm 1989 (Thiên An Môn) ở Trung Quốc đều có sự hiện diện của nhân tố Mỹ, khiến Trung Quốc xác định rằng “kẻ thù xa xôi” của họ, trên thực tế sẽ vẫn là kẻ thù thực sự duy nhất - Mỹ. Vì vậy, việc xây dựng quân đội của Trung Quốc hiện luôn được đặt trong mối tương quan so sánh lực lượng với quân đội Mỹ. Theo đó, Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu quân đội phải nắm vững yêu cầu đối với một quân đội hùng mạnh - biết chiến đấu và chiến thắng, nắm vững tiêu chuẩn cơ bản duy nhất là hiệu quả chiến đấu, biết nhanh chóng chuyển trọng tâm sang chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường tính tích cực và chủ động trong chỉ đạo chiến lược quân sự, gắn kết kế hoạch chuẩn bị chiến đấu với kế hoạch chấm dứt chiến tranh, răn đe và thực chiến, biến các hoạt động chiến đấu và sử dụng các lực lượng quân sự nói chung trong thời bình thành đối tượng nghiên cứu; đẩy mạnh nghiên cứu chiến tranh, quân sự, nghiên cứu chiến thuật, chiến lược; tăng cường xây dựng hệ thống chỉ huy tác chiến liên hợp và nâng cao năng lực, làm tốt công tác chuẩn bị cho chiến tranh; chú trọng huấn luyện quân đội thực chiến, nâng cao chất lượng huấn luyện, chiến đấu chung, huấn luyện khoa học và công nghệ…; nỗ lực đẩy mạnh công tác hậu cần phục vụ chiến đấu, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của chiến tranh thông tin.

2. Cải tổ, xây dựng quân đội hùng mạnh đặc sắc Trung Quốc dưới góc nhìn của phương Tây

Tăng mạnh ngân sách quốc phòng: Những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng tăng chi tiêu cho quốc phòng. Tạp chí The Economist cho rằng trong thập kỷ qua, chi tiêu quân sự thực tế của Trung Quốc đã tăng 83% trong khoảng thời gian 2009-2018, nhanh hơn rất nhiều so với các cường quốc khác. Năm 2019, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 7,5% (so với 2018) lên mức 1,19 nghìn tỷ NDT, tương đương 180 tỉ USD; năm 2020 ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 6,6% so với năm 2019 và năm 2021 là đạt 1.350 tỷ NDT (~209 tỷ USD). Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI) và Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), kinh phí thực tế của Trung Quốc dành cho quốc phòng cao hơn nhiều so với công bố. Theo SIPRI, kinh phí quốc phòng của Trung Quốc đã đạt 250 tỷ USD năm 2018.

Theo thống kê, khi so sánh chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc với các nước cho thấy, tổng chi tiêu quân sự của 30 quốc gia thành viên NATO trong năm 2021 ước tính lên tới 1.170 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng chi tiêu quân sự toàn cầu và gấp 5,6 lần Trung Quốc. Trong đó, chi tiêu quốc phòng của Mỹ chiếm 740,5 tỷ USD. Với tiền đề sức mạnh quân sự và chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đều thấp hơn Mỹ, thì phản ứng của Trung Quốc với tư thế “cứng rắn đối với cứng rắn” bị phương Tây đánh giá là không khiến người ta ngạc nhiên. Tuy nhiên, tần suất của các cuộc diễn tập chiến đấu thực tế tăng cũng khiến chi tiêu dành cho súng ống, đạn dược trong toàn quân của Trung Quốc tăng mạnh.

Tăng cường sức mạnh cho lực lượng phòng không, không quân, hải quân và năng lực răn đe hạt nhân chiến lược: Sự thay đổi nhanh chóng của PLA được phương Tây đánh giá ở sự đổi mới về tàu chiến và các loại vũ khí khác, như lượng lớn tàu khu trục 052D bắt đầu được đưa vào biên chế năm 2014 và tàu khu trục 055 bắt đầu được đưa vào phiên chế và sản xuất hàng loạt năm 2020; tàu hộ vệ Type 056 và 056A đưa vào hoạt động năm 2015; tàu sân bay Sơn Đông do Trung Quốc sản xuất được đưa vào đội hình tại Tam Á thuộc đảo Hải Nam vào ngày 17/12/2019; ngày 30/7/2017 tại lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm thành lập PLA (01.8.1927), máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20 lần đầu tiên được công khai trong tư thế chiến đấu; trong lễ duyệt binh 70 năm quốc khánh năm 2019, máy bay trực thăng vận tải có tải trọng 10 tấn Z-20 lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng, sau khi có sự điều chỉnh lớn về kết cấu và kíp điều khiển, vận hành. Gần đây nhất, việc thử nghiệm vũ khí siêu thanh (Mach 5) đang khiến Mỹ và đồng minh hết sức lo lắng.

Theo tờ Washington Post, Trung Quốc đã xây dựng 100 hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa ở vùng sa mạc gần thành phố Ngọc Môn thuộc tỉnh Cam Túc ở phía Tây Bắc Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ phát triển nhanh và đạt mức cao hơn dự đoán trước đây. Sự mở rộng này khiến phương Tây hết sức lo ngại. Ngày 30/6/2021, tờ Washington Post đăng tải hình ảnh vệ tinh thương mại do các chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin ở thành phố Monterey, thuộc bang California, Mỹ thu được cho thấy quá trình xây dựng đang diễn ra tại hàng chục địa điểm trên vùng sa mạc khô cằn với diện tích hàng trăm dặm vuông ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. 119 địa điểm xây dựng được miêu tả giống nhau và có những đặc điểm giống với các cơ sở chứa tên lửa đạn đạo đã có của Trung Quốc. Nếu tính cả những cơ sở tương tự ở những khu vực khác, thì Trung Quốc đang xây dựng tới 145 hầm chứa tên lửa hạt nhân với loại tên lửa chủ lực là tên lửa đạn đạo Đông Phong-41. Trước đó, Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2020 của Mỹ nhận định nước này chỉ có 100 tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Như vậy, nếu hơn 100 hầm chứa tên lửa này được hoàn thành, thì đó sẽ là bước chuyển đổi mang tính lịch sử trong kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, các nước NATO do Mỹ dẫn đầu liên tục cáo buộc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Theo các báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, đến tháng 01/2019 Trung Quốc có 290 đầu đạn hạt nhân, đến tháng 01/2020 đã lên đến 320 và đến tháng 01/2021 con số này đã là 350. Trung Quốc tuyên bố chương trình hạt nhân của mình nhằm mục đích hòa bình. Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế dự tính số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc sẽ tăng ít nhất gấp đôi trong vòng 10 năm tới. Tiềm năng quân sự kết hợp với sự hỗ trợ từ sức mạnh kinh tế và sức mạnh quốc gia là lý do chính khiến giới chính trị Mỹ ngày càng lo ngại Trung Quốc.

Trong Báo cáo về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc năm 2020, tổ chức Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử cho rằng hiện lực lượng tên lửa của PLA có 40 lữ đoàn, tăng 35% so với năm 2017. Hiện tại, PLA cũng đang xây dựng một lữ đoàn tên lửa đạn đạo mới. Báo cáo cho biết trong 40 lữ đoàn thuộc Lực lượng tên lửa của PLA, có 12 đơn vị được triển khai ở Chiến khu miền Đông và Chiến khu miền Nam với nhiệm vụ chính là phòng thủ ở eo biển Đài Loan và Nam Hải (Biển Đông). Hình ảnh vệ tinh cho thấy, các căn cứ của Lực lượng tên lửa nằm ở Phúc Kiến, Quảng Đông đang được nâng cấp và mở rộng.

Về số liệu cụ thể, báo cáo trên ước tính PLA có 6 tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-4 (mang 6 đầu đạn), 10 tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-5A (mang 10 đầu đạn), 10 tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-5B (mang 50 đầu đạn), hiện chưa rõ số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-5C.
Hiện cũng chưa rõ số lượng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Đông Phong-15 và có thể có 18 tên lửa đạn đạo siêu thanh Đông Phong-17 đã được trang bị. Ngoài ra, còn có 40 tên lửa Đông Phong-21 có thể mang 40 đầu đạn, 100 tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa Đông Phong-26 (mang 20 đầu đạn), 78 tên lửa Đông Phong-31/31A/31AG (mang 78 đầu đạn). Trung Quốc cũng được cho là có thể có 18 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 có thể mang 54 đầu đạn. Bên cạnh đó, PLA còn có 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp tấn (Type 094) có thể trang bị 48 tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2 (mang 48 đầu đạn), 20 máy bay ném bom chiến lược H-6 với nhiều phiên bản khác nhau, có thể mang theo 20 tên lửa hạt nhân. So với số liệu năm 2019, hiện PLA đã có thêm 2 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn (Type 094A) và 18 tên lửa Đông Phong-41.

Mặc dù sức mạnh hạt nhân theo công bố của Trung Quốc không bằng 1/10 của Mỹ, nhưng lời giải thích của Trung Quốc dường như không làm yên lòng Mỹ và đồng minh. Hội nghị thượng đỉnh G7 và Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra hồi tháng 6.2021 đều tập trung vào vấn đề Trung Quốc. Thông cáo của Hội nghị thượng đỉnh G7 công khai chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề như Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan. Trong thông cáo đưa ra sau hội nghị, NATO cho rằng những tham vọng công khai và hành động cứng rắn của Trung Quốc tạo thành những thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên quy tắc và những lĩnh vực có liên quan đến an ninh của NATO. Trước những diễn biến trên, Trung Quốc cũng đáp lại đầy tính răn đe: “Trung Quốc sẽ không hình thành thách thức mang tính hệ thống đối với bất kỳ nước nào, nhưng nếu một nước nào đó muốn thách thức mang tính hệ thống đối với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ không để yên”.

Mở rộng căn cứ quân sự của Trung Quốc ở nước ngoài: Theo bài viết trên trang mạng Iarex.ru ngày 04/5/2021, quân đội Mỹ xác nhận rằng Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng một cầu tàu dài hơn 330 m tại căn cứ hải quân nước ngoài duy nhất của họ ở Djibouti bên bờ eo biển Bab el-Mandeb thuộc Đông Phi. Đồng thời, kết quả phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một bến tàu hoặc cầu cảng thứ hai để gia tăng khả năng cho căn cứ hải quân của mình. Tháng 7/2019, tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết Bắc Kinh và Phnom Penh được cho là đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc tiếp cận căn cứ hải quân Ream trong 30 năm, và Hiệp ước sẽ tự động gia hạn 10 năm một lần. Tất cả các hoạt động trên cho phép Hải quân PLA có khả năng triển khai sức mạnh của mình bên ngoài các khu vực hoạt động truyền thống ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và biển Hoa Đông, qua đó nâng cao đáng kể vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, báo cáo đặc biệt năm 2020 của quân đội Mỹ đã liệt kê các khu vực có khả năng trở thành nơi Trung Quốc mở rộng sự hiện diện. Theo tài liệu này, Trung Quốc có khả năng cân nhắc đặt các căn cứ hậu cần của PLA ở Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Kenya, Seychelles, Tanzania, Angola và Tajikistan. Trung Quốc được cho là đã tìm cách xây dựng căn cứ ở Namibia, Vanuatu và quần đảo Solomon.      

Tập trung cải cách về cơ cấu tổ chức của PLA: Theo phương Tây, Chủ tịch Tập Cận Bình thấy rằng cơ cấu tổ chức quân đội Trung Quốc hiện đã “lỗi thời”, không thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và rất khó có thể gắn các loại vũ khí “hiện đại” vào một đội quân như vậy. Vì thế, cải cách quân đội về cơ cấu tổ chức được nhà lãnh đạo Trung Quốc hết sức chú trọng.

Mục tiêu chính trong cải cách cơ cấu tổ chức là tăng cường sự “phối hợp” giữa các lực lượng khác nhau, như lục-hải-không quân trên chiến trường một cách nhanh chóng và liên tục. Vì vậy, tháng 02/2016, Trung Quốc đã chia lại 7 quân khu thành 5 vùng tác chiến (Đông-Tây-Nam-Bắc và vùng Trung tâm), mỗi vùng nằm dưới sự chỉ đạo chỉ của một người duy nhất. Đồng thời, Trung Quốc cũng thực hiện tinh giản bộ máy theo hướng giảm bộ binh, tăng cường không quân và hải quân. Để đối phó với các cuộc xung đột chớp nhoáng có thể xảy ra ở khu vực ngoại vi, nhất là khu vực liên quan đến biển, đảo thì lực lượng không quân và hải quân giữ vai trò quyết định. Để giành chiến thắng trong các cuộc chiến như thế đòi hỏi sự thay đổi về cấu trúc của lực lượng vũ trang Trung Quốc. Vì vậy, từ năm 2015, PLA đã cắt giảm mạnh lực lượng trên bộ, làm cho số sĩ quan chính thức của lục quân giảm đi 1/3. Ngược lại, lính thủy đánh bộ lại tăng gấp ba về quy mô. Điều này cho thấy PLA đang ưu tiên các vùng biển và vùng trời trên biển.

Bên cạnh đó, theo giới bình luận phương Tây, Trung Quốc đang tập trung xây dựng Lực lượng hỗ trợ chiến lược nhằm khai thác tối đa 2 yếu điểm của “đối tượng tác chiến” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là sự phụ thuộc vào thông tin liên lạc thông qua các vệ tinh, mạng máy tính và các kênh công nghệ cao khác. Việc công bố “Chiến lược an ninh mạng quốc gia” cùng những cảnh báo và lo lắng của phương Tây về việc “Trung Quốc can thiệp vào bầu cử ở Mỹ” cũng như đột nhập gây mất an ninh mạng Chính phủ của một số nước cho thấy trình độ và khả năng tác chiến mạng của nước này. Bên cạnh đó, PLA cũng được xây dựng theo hướng nhằm vào các mục tiêu là mạng lưới căn cứ và hàng không mẫu hạm của đối phương thông qua việc thiết lập Lực lượng tên lửa.

Cải tổ cơ cấu tổ chức của quân đội Trung Quốc được phương Tây cho rằng, không nằm ngoài mục đích nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với PLA. Với quan điểm “Đông-Tây-Nam-Bắc-Trung tâm, Đảng đều lãnh đạo”, Trung Quốc đang hết sức chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với các lực lượng vũ trang. Việc tăng cường kỷ luật, kiên quyết đấu tranh với tệ tham nhũng, lạm quyền cùng quá trình cải tổ về biên chế, tổ chức và mô hình PLA thời gian qua không ngoài mục đích tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất và đảm bảo PLA tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình còn tập trung chấn chỉnh tư tưởng, chấn chỉnh nhân sự, chấn chỉnh tổ chức, chấn chỉnh kỷ luật, củng cố kỷ luật chính trị và chấn chỉnh môi trường chính trị, đồng thời tập trung tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và công tác xây dựng Đảng trong quân đội, xác lập phương châm chính trị và sắp xếp chế độ, đẩy mạnh tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, triển khai chương trình giáo dục chuyên đề và giáo dục tập trung trong nội bộ Đảng, rèn luyện cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng nền tảng chính trị cho việc bảo vệ “Hạt nhân tư tưởng”, nâng cao năng lực toàn diện để chuẩn bị cho chiến tranh trong thời kỳ mới.

Lời kết: Cải tổ quân đội Trung Quốc thời gian qua đã, đang và sẽ gây áp lực lớn cho cả Mỹ cùng đồng minh và các nước trong khu vực. Hội nghị thượng đỉnh G7 (11-13/6/2021) và Hội nghị thượng đỉnh NATO (14/6/2021) được đánh giá là một tập hợp quy mô lớn của Mỹ nhằm liên kết đồng minh để kiềm chế Trung Quốc. Mặc dù không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7, nhưng chủ đề Trung Quốc gần như bao phủ toàn bộ chương trình nghị sự. Điều khiến giới quan sát chú ý hơn cả là với tư cách là một liên minh quân sự, Hội nghị thượng đỉnh NATO lần đầu tiên đề cập đến Trung Quốc trong thông cáo, điều này cho thấy với sự cải tổ quân đội của Trung Quốc, các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ đã thực sự coi nước này là đối thủ về quân sự.

 

Tổng hợp và biên tập: Nguyễn Đình Thiện, Học viện Chính trị CAND

Hoàng Thị Thúy, Học viện Chính trị CAND

Đặng Nguyên Bình, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân

 

(1) Phát biểu tại Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ vào ngày 10/6/2021, Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ.

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Mục tiêu Trung Quốc mở rộng căn cứ quân sự ở nước ngoài. Nguồn: TTXVN ngày 10/5/2021;

2. Lý do Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng. Nguồn: TTXVN ngày 12/7/2021;

3. Trung Quốc kiên trì con đường xây dựng quân đội hùng mạnh và đặc sắc Trung Quốc. Nguồn: TTXVN ngày 22/12/2021.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website