Dư luận quốc tế về những “sai lầm” của Trung Quốc trong “thời đại Tập Cận Bình” (Kỳ 5)

Sau 40 năm cải cách, mở cửa, không thể phủ nhận Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong “Thời đại Tập Cận Bình” các nhà bình luận nước ngoài cho rằng, nước này cũng đang bộc lộ những điểm yếu “cốt tử”. Đặc biệt, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, thì những hạn chế ngày càng bộc lộ rõ nét. Đánh giá thực trạng, các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc đang phạm phải những “sai lầm” nguy hiểm. Theo đó, hình ảnh về một người “khổng lồ cô độc” đang hiện dần trên “đại lục” đông dân nhất địa cầu.

1. Từ bỏ sách lược “Giấu mình chờ thời”, Trung Quốc đang tự “cường điệu hóa quá mức” gây “ngộ nhận” về sức mạnh

Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, đại đa số trong giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng nước này đã vượt qua giai đoạn “giấu mình chờ thời”, bộc lộ mình là cường quốc, có khả năng sắp xếp lại “bàn cờ” gánh vác trọng trách “lãnh đạo” thế giới. Niềm tin đó được thể hiện rõ khi Chính phủ Trung Quốc công bố Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” để phát triển các tuyến thương mại giữa phía Đông và phía Tây, đồng thời bày tỏ lập trường cứng rắn trong các vấn đề lãnh thổ như Biển Đông và Đài Loan. Giáo sư kinh tế Hu Anngang hiện làm việc tại Đại học Thanh Hoa - chuyên gia về “chủ nghĩa đặc biệt của Trung Quốc” là một trong những tiếng nói nổi bật ủng hộ quan điểm: Trung Quốc đã đạt được “quyền lực quốc gia toàn diện”. Ông thường rao giảng và cường điệu sức mạnh kinh tế, quân sự và khoa học công nghệ của Bắc Kinh trên mọi diễn đàn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông Hu phải đối mặt với làn sóng phản đối công khai bởi nhiều người cho rằng chính ông là người đã khiến Mỹ và phương Tây trở nên thận trọng với Trung Quốc và khiến nhiều người lầm tưởng về sức mạnh của nước này. Trung Quốc không mạnh, những điểm mạnh là do cường điệu hóa quá mức mà có. Theo họ, Trung Quốc cần phải tiếp tục “giấu mình chờ thời”, “lặng lẽ phát triển”, cải thiện kết cấu kinh tế, tiến hành cải cách theo hướng thị trường hóa mạnh mẽ… thì nền móng kinh tế của Trung Quốc sẽ vững chắc hơn. Nhưng Tập Cận Bình đã đi ngược chiều hướng này. Trong hơn 5 năm qua, không những không tiến hành cải cách kết cấu kinh tế mang tính thực chất, mà còn ra sức hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước, khiến kết cấu kinh tế càng không hợp lý. Số liệu công khai của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy đến cuối năm 2016, tổng các khoản nợ của nước này lên đến 255.000 tỷ NDT, tỷ lệ nợ chiếm 342,7% GDP. Chính vì vậy, chỉ mới qua những khúc dạo đầu của cuộc “thư hùng thương mại”, nền kinh tế Trung Quốc đã có những dấu hiệu chao đảo: Thị trường chứng khoán bốc hơi hàng nghìn tỷ USD; đồng nội tệ giảm giá; chiến lược “Made in China 2025” đứng trước nguy cơ đổ bể… cho thấy sức sống và khả năng chống đỡ của nền kinh tế nước này không được như những gì mà giới truyền thông đang “ca tụng, thổi phồng”.

2. Tôn sùng cá nhân – nguy cơ dẫn đến chế độ “độc tài”

Ngày 24/3/2018, Trung Quốc đã sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước - vốn được Đặng Tiểu Bình xác lập như một trong những nguyên tắc từ những thập niên cuối của thế kỷ XX. Quyết định nói trên gây chấn động và trở thành “bão dư luận” trái chiều cả ở trong và ngoài Trung Quốc. Những ý kiến phản đối cho rằng, đây là sự “thụt lùi” chính trị lớn nhất kể từ khi Trung Quốc cải cách, mở ra xu hướng cực quyền và chế độ “lãnh đạo suốt đời” mà lịch sử đã chứng minh luôn là “khởi đầu” cho những “rối ren tai hại”.

Theo báo chí nước ngoài, nhà sử học Cao Văn Khiêm nhận xét: Việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ là sai lầm lớn nhất. Hành động đó sẽ gây nên sóng gió chính trị không chỉ với giới trí thức và tầng lớp trung lưu, mà còn đối với toàn xã hội. Các nhà bình luận viện dẫn, trong thế giới tư bản hiện đại, khi nắm quyền quá lâu, hai Thủ tướng Anh là Margaret Thatcher và Tony Blair đều gây một số ảnh hưởng tiêu cực; ở Mỹ, Tổng thống Franklin Roosevelt đã đưa ra kết luận sau hơn ba nhiệm kỳ nắm quyền: Tổng thống không thể làm quá hai nhiệm kỳ. Hoặc như, ở các quốc gia châu Phi, nhiều Tổng thống nắm quyền lâu năm đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Cùng với những lập luận trên, đòn tấn công thương mại của Mỹ đang đe dọa uy thế của “lãnh tụ tối cao” Trung Quốc. Tâm trạng xã hội bộc lộ với một số biểu hiện khác thường, khi giới trí thức bắt đầu có tiếng nói trực tiếp “lên án chính sách độc tài” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Cùng lúc, hoạt động tuyên truyền “phong thần, tạo thánh” cho ông có phần lắng xuống, không còn hàng ngày “lũng đoạn” trên các phương tiện truyền thông.

3. Sai lầm trong công tác tuyên truyền của truyền thông Trung Quốc

Truyền thông luôn giữ vai trò hết sức quan trọng trong định hướng dư luận xã hội. Thời gian qua, theo các nhà bình luận quốc tế, giới truyền thông Trung Quốc đã không chỉ tập trung cổ súy cho cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa” cùng sức mạnh toàn diện của Trung Quốc, mà còn tạo ảnh hưởng lớn đến việc đề cao sự sùng bái cá nhân xung quanh Chủ tịch Tập Cận Bình. Hệ quả là, tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào Điều lệ Đảng sánh ngang với cố Chủ tịch Mao Trạch Đông. Không những thế, để mở đường cho cái mà phương Tây gọi là “trị vì suốt đời”, Trung Quốc đã sửa đổi Hiến pháp. Hiện chính trường Trung Quốc đang xuất hiện những chỉ trích gay gắt được cho là nhằm vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao nhất của Chính phủ, mà mục tiêu chính là Vương Hộ Ninh - Ủy viên Thượng vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính trợ lý thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình. Vương Hộ Ninh là nhà tư tưởng và chiến lược gia - kiến trúc sư của dự án “Giấc mộng Trung Hoa” với mục tiêu nhằm xây dựng đất nước mạnh mẽ và thịnh vượng của Tập Cận Bình. Kiến trúc sư của dự án “Giấc mộng Trung Hoa” được cho là “đang gặp rắc rối vì đã sai lầm trong công tác tuyên truyền và cường điệu quá mức về Trung Quốc”, cũng như “tuyên truyền và đề cao sự sùng bái cá nhân xung quanh Chủ tịch một cách quá lố bịch”. Dư luận cho rằng, thời gian qua, ngoài kinh tế, Tập Cận Bình phải đối mặt với những phê phán nhằm vào một vấn đề hệ trọng khác, đó là “nạn sùng bái cá nhân”. Đây cũng là điều mà về mặt nguyên tắc, bị cấm theo Điều lệ Đảng.

Bên cạnh đó, giới bình luận quốc tế cho rằng, công luận Trung Quốc cũng đặc biệt chú ý đến tiếng nói chỉ trích của Giáo sư Luật Đại học Thanh Hoa, ông Hứa Chương Nhuận trong một bài viết được công bố ngày 24/7/2018. Với tựa đề “Những lo sợ và hy vọng của chúng tôi” (được dịch là “8 nỗi sợ và 8 niềm hy vọng”), nhà luật học Trung Quốc đã phê phán một cách hệ thống chính sách của Tập Cận Bình. Từ việc “bóp nghẹt tự do ngôn luận”, “đàn áp trí thức”, đoạn tuyệt với cải cách, “chống tham nhũng mang tính hình thức”, “thúc đẩy thói sùng bái cá nhân lãnh đạo”, cho đến chính sách “đối ngoại gây hấn”, “thúc đẩy chiến tranh lạnh”... Mặc dù, truyền thông chính thức vẫn liên tục đưa ra những bình luận gay gắt nhằm vào Mỹ và cuộc chiến thương mại, song có nhiều dấu hiệu phản ánh sự thay đổi trong các thông điệp mà Trung Quốc đưa ra. Bắc Kinh đã phần nào “dịu giọng” tuyên truyền cho chiến dịch “Made in China 2025”. Trong khi, kênh truyền hình quốc gia bằng tiếng Anh (CGTN) chủ yếu đưa tin về những ảnh hưởng đối với cuộc sống của người dân Mỹ khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng sản xuất tại Trung Quốc leo thang và tác động của các loại thuế đối với nền kinh tế Mỹ.

Giới bình luận quốc tế nhận xét, Chính phủ Trung Quốc phải gánh chịu những thiệt hại vì tuyên truyền sai cách, và giờ đây Trung Quốc đã học được cách khiêm tốn kiểm soát hoạt động này. Một nguồn thạo tin trong giới chính sách bình luận: Trung Quốc không thể mãi “giấu mình chờ thời”, song ít nhất cũng phải “kiềm chế các hoạt động tuyên truyền và biết cách kể chuyện một cách phù hợp hơn”.

4. Đánh giá sai lầm về Tổng thống Donald Trump và những biện pháp đối phó thiếu nhất quán trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Theo Reuters, một học giả nghiên cứu chính sách của Trung Quốc bình luận: “Nhiều nhà kinh tế và trí thức rất không hài lòng về những chính sách thương mại của Trung Quốc. Nhận định chung hiện nay là lập trường của Trung Quốc quá cứng rắn và giới lãnh đạo rõ ràng đã đánh giá sai tình hình”. Họ nhận xét: “Xung đột thương mại bùng lên thành chiến tranh thương mại đã khiến người ta phải xem xét lại mọi thứ. Điều này được cho là có liên quan tới việc một số người có tầm ảnh hưởng đã cường điệu hóa sức mạnh của Trung Quốc”. Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ và dự đoán mà nhiều học giả Trung Quốc - những người đã ra sức “cổ súy” cho tư tưởng Trung Quốc có khả năng chống đỡ và “đáp trả thỏa đáng đòn thương mại” trước D.Trump. Trung Quốc từng cho rằng, họ đã đạt được thỏa thuận với Washington vào tháng 5 vừa qua để tránh nguy cơ nổ ra chiến thương mại. Nhưng, Bắc Kinh đã thực sự “choáng” khi Chính quyền D.Trump không ngần ngại phủi bỏ và phát động chiến tranh. Không những thế, Mỹ dường như không tỏ thái độ nhượng bộ mà tiếp tục đẩy cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc lên những nấc thang mới.

Vết nứt trong nội bộ Trung Quốc có nguy cơ vỡ toác khi thị trường chứng khoán sụt giảm, đồng Nhân dân tệ trượt giá và Chính phủ Trung Quốc đang phải vật lộn để bảo vệ nền kinh tế trước ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại. Báo Nhật Nikkei Asean Review cho biết, chỉ 2 ngày sau khi kết thúc chuyến công du dài ngày tới châu Phi, Chủ tịch Tập Cận Bình đã triệu tập một cuộc họp bất thường Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà nhằm khẩn cấp bàn biện pháp đối phó với Mỹ. Tờ Nikkei Asean Review ví thông báo của chính quyền D.Trump ngay trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà, về việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như “một trái bom” đặt trước cửa hội nghị. Cùng với mức thuế “nghiệt ngã” này, Bộ Thương mại Mỹ cũng thông báo đưa 44 doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan đến quân sự vào danh sách kiểm soát chặt.

Theo giới phân tích nước ngoài, sự lúng túng của Trung Quốc đối phó với Mỹ trong chiến tranh thương mại còn được thể hiện ở sự thiếu thống nhất trong phát ngôn và sự thay đổi đột ngột về lập trường của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Trong cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo tại Singapore, bên lề Diễn đàn An ninh Khu vực ngày 3/8/2018, người ta bắt gặp một thái độ mềm mỏng của Ngoại trưởng Trung Quốc khi khẳng định các bất đồng thương mại Mỹ-Trung cần được giải quyết thông qua thương lượng. Tuy nhiên, chỉ ít giờ trở lại Bắc Kinh, khi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đưa ra tuyên bố đang chuẩn bị trả đũa nhằm vào 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ, thì ông Vương dường như trở thành một con người khác hẳn. Trả lời báo chí Trung Quốc, Vương Nghị lại tỏ ra hết sức cứng rắn: “Nếu Mỹ tấn công, chúng tôi sẽ không lùi bước”.

5. Chủ nghĩa dân tộc “thái quá” dẫn đến sai lầm trong quan hệ với các nước, nhất là ở khu vực Đông Nam Á

Cường điệu hóa quá mức cùng những hệ lụy của sai lầm trong cách thức tuyên truyền của giới truyền thông đã đẩy Trung Quốc tới thứ chủ nghĩa dân tộc “thái quá”. Hệ lụy trong quan hệ quốc tế, nhất là đối với các nước láng giềng, Trung Quốc thường ỷ vào “sức mạnh”, thực hiện đàm phán ở thế “bề trên” nhằm áp đặt với các nước, nhất là với khối ASEAN.

Trước sức mạnh kinh tế cùng chiến lược “ngoại giao sổ nợ” kết hợp “răn đe” của Trung Quốc, không ít quốc gia khi nhận ra, đã rơi vào tình thế “tiến, thoái lưỡng nan”. Theo Sputnik ngày 16/5/2018 đưa tin, nhóm nghiên cứu tại Đại học Harvard Kennedy (Mỹ) đã gửi đến Bộ Ngoại giao Mỹ bản báo cáo về “ngoại giao sổ nợ” mà Trung Quốc đang áp dụng đối với một số quốc gia trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Theo báo cáo, đây được xem là chiến lược của Trung Quốc khi cho các nước vay những khoản tiền lớn và vượt ngoài khả năng chi trả. Sau đó, sử dụng những món nợ này để giành thế chủ động gây áp lực cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự. Điển hình là 2 quốc gia Pakistan và Sri Lanka. Hồi cuối tháng 7/2017, chính phủ Sri Lanka đã ký thỏa thuận trị giá 1,12 tỷ USD cho phép một tập đoàn nhà nước Trung Quốc khai thác cảng nước sâu Hambantota trong vòng 99 năm. Số tiền này được dùng để trang trải một phần khoản nợ 6 tỷ USD Sri Lanka vay Bắc Kinh trước đó. Và vì thế, sự lo ngại nguy cơ Sri Lanka rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc và cảng chiến lược nhìn ra Ấn Độ Dương sẽ trở thành căn cứ hải quân của Bắc Kinh trong một tương lai không xa không phải là vô căn cứ.

Ngoài ra, bản báo cáo cũng cho rằng, Trung Quốc dường như đang áp dụng chính sách tương tự lên một số nước khác trong khu vực ASEAN, nhằm tìm kiếm tiếng nói lớn hơn trong nền chính trị nội bộ, cũng như mong muốn có thể tác động tới “quyền phủ quyết” của các quốc gia này khi họ bàn bạc về vấn đề quan trọng trong các hiệp hội, hoặc liên minh khu vực.

Với Philippines, những năm cầm quyền đầu tiên, trên thực tế, Tổng thống Duterte đã dường như chấm dứt vai trò “đầu tàu” trong số 10 nước ASEAN đấu tranh với Trung Quốc. Không những vậy, Duterte còn ca ngợi Trung Quốc như một đối tác phát triển “cần phải kết thân và thích nghi”. Ông cũng “bỏ lại đằng sau” chiến thắng của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) hồi giữa năm 2016 và giữ im lặng trước việc Bắc Kinh liên tục chiếm đóng, cải tạo, quân sự hóa các thực thể mà Manila tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, trước những động thái quân sự hóa Biển Đông cùng những lời hứa hẹn “không cánh mà bay” về mối quan hệ nồng ấm và những khoản đầu tư “trên giấy”, cựu Tổng thống Aquino đã phải lên tiếng cảnh báo “bất cứ ai” muốn trở nên thân thiết với Bắc Kinh, đồng thời rung lên hồi chuông báo động về “bẫy nợ” mà Trung Quốc đặt ra cho Philippines trong Sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Trước thực tế diễn ra không như mong muốn, ngày 14/8/2018, Tổng thống Duterte dường như thay đổi lập trường. Phát biểu trước các thính giả, trong đó có Đại sứ Mỹ và khách mời nước ngoài, ông Duterte chỉ trích Trung Quốc: “... Bạn không thể tạo ra một hòn đảo nhân tạo và rồi tuyên bố không phận phía trên là của bạn. Điều đó là sai trái vì những vùng biển này là cái mà chúng tôi coi là biển quốc tế”. Theo ông Duterte, “quyền qua lại không gây hại được đảm bảo. Không cần bất kỳ sự cho phép nào để đi qua các vùng biển mở”. Và gần đây (16/11/2021), khi ba tàu hải cảnh Trung Quốc chặn đường và xịt vòi rồng vào hai tàu tiếp tế Philippines đang di chuyển tới khu vực bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì Tổng thống Duterte gọi đó là hành vi côn đồ và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana ví như những “kẻ xâm phạm”.

Với Malaysia, sau khi giành chiến thắng “bất ngờ”, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã công du Trung Quốc từ ngày 17-21/8/2018. Thủ tướng Mahathir xác nhận, ông rất mong muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và hoan nghênh đầu tư đến từ Bắc Kinh. Thế nhưng, Chính phủ của ông cũng tiến hành rà soát kỹ lưỡng hàng loạt dự án đầu tư và quyết định đình chỉ thi công 4 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của nhà thầu Trung Quốc trị giá lên đến 23 tỷ USD. Không những thế, ông còn bày tỏ quan điểm cứng rắn đối với Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” mà giới kinh tế học từng cảnh báo, Philippines có thể rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc.

Thời gian qua, chủ nghĩa dân tộc “thái quá” của Trung Quốc đã khiến cộng đồng thế giới đề cao cảnh giác. Điều đó càng khiến Mỹ có thêm động lực và sự cương quyết trong cuộc chiến thương mại. Bởi lẽ, “Khi nền kinh tế Trung Quốc còn nhỏ, người ta không mấy chú ý”, song giờ đây, “Trung Quốc sẽ luôn bị đặt trong nghi kỵ và được theo dõi sát sao”. Và vì thế, chỉ với một sự việc nhỏ trong ứng xử nhưng có thể dẫn đến “niềm tin, uy tín” của Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế bị giảm sút nghiêm trọng. Khi chủ nghĩa dân tộc “thái quá” phát triển cùng với những tham vọng quốc tế được khơi dậy sẽ khiến Trung Quốc có những chính sách và bước đi “táo bạo” trong xử lý tranh chấp quốc tế và ảnh hưởng không nhỏ đến độc lập, chủ quyền của các quốc gia, nhất là các quốc gia lân cận. Theo đó, các nhà bình luận quốc tế ví von Trung Quốc như hình ảnh về một người “khổng lồ cô độc” đang dần “hiển hiện” trên đại lục đông dân nhất địa cầu.

 

Tổng hợp và biên tập: TS Nguyễn Đình Thiện, Học viện Chính trị CAND

CN Vũ Mã Sơn, Công an huyện Hải Hà-Quảng Ninh

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website