Ngày 15.11.2023, bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp kéo dài 4 giờ đồng hồ. Trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận một loạt vấn đề, từ quan hệ kinh tế, liên lạc quân sự, Đài Loan, Biển Đông, chiến tranh tại Ukraine và Trung Đông đến trí tuệ nhân tạo và khủng hoảng thuốc gây nghiện. Cuộc gặp này có ý nghĩa tích cực trong việc giúp giảm căng thẳng trong quan hệ hai nước. Tuy nhiên, giới bình luận nhận định rằng, kết quả và sự đồng thuận đạt được tại cuộc gặp là khá mong manh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15.11.2023
Ảnh: Reuter
Những yêu cầu của Trung Quốc về các biện pháp áp đặt kinh tế của Mỹ liệu có bị phớt lờ?
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh các biện pháp thuế quan kéo dài của Mỹ đối với Trung Quốc đã gây tổn hại cho lợi ích của cả hai bên và Nhà Trắng chưa có sự điều chỉnh lớn nào. Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập về những chính sách này với Tổng thống Biden, đồng thời cho rằng “Mỹ liên tục thực hiện các biện pháp chống Trung Quốc về kiểm soát xuất khẩu, đầu tư và trừng phạt đơn phương, gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của Trung Quốc… Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ nhìn nhận một cách nghiêm túc các mối quan ngại của Trung Quốc và có hành động, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương, và cung cấp một môi trường công bằng, chính đáng và không mang tính phân biệt đối xử cho các công ty Trung Quốc”. Tại cuộc gặp lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc lại lập trường của Trung Quốc về các vấn đề kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, ông nhấn mạnh, việc Mỹ ngăn chặn, chèn ép Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, khoa học và công nghệ không phải là “loại bỏ rủi ro”, mà là đang “tạo ra rủi ro” cho quan hệ song phương.
Tuy nhiên, theo giới bình luận quốc tế, lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc đối với Tổng thống J.Biden về vấn đề kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư nhiều khả năng sẽ không được chú ý.
Đồng ý nối lại kênh liên lạc về quân sự, nhưng khi điện thoại đổ chuông liệu có ai nhấc máy?
Trong thời kỳ căng thẳng gia tăng, liên lạc giữa quân đội giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc thường là việc đầu tiên được thực hiện, khi những kênh như vậy trở nên vô cùng cần thiết. Tháng 8/2022, sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, Trung Quốc đã cắt đứt mọi liên lạc giữa quân đội nước này với quân đội Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi đăng ảnh ở Đài Loan lên Twitter cá nhân - Ảnh: Twitter
Lo ngại có thể xảy ra sự cố bất ngờ giữa quân đội hai nước và sự cố này sau đó có thể leo thang, Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc mở lại liên lạc giữa quân đội hai nước. Trong 2 năm vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận có tới hơn 180 trường hợp không quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đánh chặn trên không theo lối cưỡng ép và gây nguy hiểm cho máy bay Mỹ trong khu vực, nhiều hơn số lần xảy ra trong cả thập kỷ trước. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn từ chối mở lại các kênh như vậy. Tuy nhiên, tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí khôi phục đối thoại quân sự cấp cao cũng như ba cuộc trao đổi quân sự cụ thể đã bị hủy bỏ năm 2022.
Mặc dù, đây là bước tiến đáng hoan nghênh, nhưng giới bình luận quốc tế không quá lạc quan trước động thái này. Trung Quốc tiếp tục coi các cuộc trao đổi như vậy là ân huệ mà nước này dành cho Mỹ, và ân huệ đó cần được thu hồi khi Mỹ làm điều Trung Quốc phản đối. Và như vậy, khó có khả năng liên lạc giữa quân đội hai nước được duy trì nếu xảy ra quan hệ khủng hoảng. Giới phân tích tin rằng, vào thời điểm đó, có lẽ bất kỳ cuộc gọi nào tới PLA đều sẽ không được trả lời cho đến khi Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định nên phản hồi như thế nào. Vấn đề cốt lõi vẫn là mỗi nước có quan niệm căn bản khác nhau về vai trò của các đường dây nóng giữa quân đội hai bên và các cuộc đàm phán thường xuyên. Đối với Mỹ, những cơ chế như vậy đảm bảo rằng quân đội phải hành động chuyên nghiệp, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố và có thể giúp giảm leo thang một vụ va chạm vô ý nếu nó xảy ra. Nhưng với Trung Quốc chắc chắn là không nghĩ như vậy. Và vì thế, đường dây nóng được thiết lập, điện thoại có thể đổ chuông, nhưng liệu có ai nhấc máy?
Đài Loan sẽ luôn là vấn đề hóc búa
Giống như những người tiền nhiệm, Chủ tịch Tập Cận Bình xác định Đài Loan là “lợi ích cốt lõi”. Ông đã gắn việc thống nhất với Đài Loan với mục tiêu “phục hưng dân tộc”, đồng thời tuyên bố vấn đề Đài Loan không thể tiếp tục được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hơn 7 năm qua, không có bất kỳ liên lạc chính thức nào giữa Trung Quốc và Đài Loan, và cũng trong thời gian đó, Trung Quốc đã gia tăng đáng kể sự uy hiếp về quân sự, kinh tế và ngoại giao đối với hòn đảo này. Trước sức ép đó, sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Đài Loan đã tăng lên thông qua việc nâng cao mối quan hệ an ninh và kinh tế cũng như tương tác cấp cao.
Theo thông tin chính thức của Trung Quốc, Chủ tịch Tập “đã trình bày chi tiết lập trường nguyên tắc về vấn đề Đài Loan, chỉ ra rằng vấn đề Đài Loan luôn là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung-Mỹ. Trung Quốc rất coi trọng những tuyên bố tích cực có liên quan của Mỹ trong cuộc gặp ở Bali. Mỹ nên thể hiện lập trường không ủng hộ “độc lập của Đài Loan” bằng các hành động cụ thể, ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan và ủng hộ sự thống nhất hòa bình của Trung Quốc. Trung Quốc chắc chắn cuối cùng sẽ được thống nhất”.
Theo thông tin từ phía Mỹ, Tổng thống Biden “nhấn mạnh rằng chính sách một Trung Quốc của Mỹ không thay đổi và nhất quán qua nhiều thập kỷ cũng như qua các đời chính quyền. Ông nhắc lại rằng, Mỹ phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng từ cả hai bên, rằng Mỹ mong muốn những khác biệt giữa hai bờ eo biển sẽ được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, và cho rằng thế giới sẽ được hưởng lợi từ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Ông kêu gọi Trung Quốc kiềm chế việc tiến hành hoạt động quân sự ở khu vực trong và xung quanh eo biển Đài Loan”.
Chiến đấu cơ Trung Quốc diễn tập quanh đảo Đài Loan. Ảnh: Xinhua.
Một năm trước đây, trong thông cáo của Mỹ sau cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia (14.11.2022) đã thể hiện sự phản đối gay gắt của Mỹ đối với những hành động mang tính uy hiếp và ngày càng hung hãn của Trung Quốc đối với Đài Loan, làm suy yếu hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và trong khu vực rộng lớn hơn, gây nguy hiểm cho sự thịnh vượng toàn cầu. Và như vậy, lập trường không nhất quán của Nhà Trắng khi một mặt nhấn mạnh chính sách “một Trung Quốc” mặt khác vẫn tiếp tục tăng cường cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Đài Loan chắc chắn khiến quan hệ Mỹ-Trung rơi vào bế tắc.
Kết nối hợp tác nhưng “gai góc” còn nhiều
Chống biến đổi khí hậu: Trong Tuyên bố Sunnylands, hai quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới đã đồng ý “theo đuổi nỗ lực tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030” và “đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo trong nền kinh tế mỗi nước”. Hai bên cũng cam kết đưa khí mê-tan vào các mục tiêu khí hậu năm 2035, bước đi mà trước đây Trung Quốc không sẵn lòng thực hiện. Hai nước nhất trí khởi động lại nhóm công tác song phương về khí hậu mà Trung Quốc đã đình chỉ sau khi Pelosi đến thăm Đài Loan. Đồng thời, Trung Quốc từ chối cam kết loại bỏ dần việc sử dụng than hoặc ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới. Tuy nhiên, xét cả quá trình hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề này, nhiều người vẫn hoài nghi về tiềm năng đạt được tiến bộ có ý nghĩa.
Không khí vui vẻ bề ngoài giữa Tổng thống J.Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ảnh: Reuter
Trí tuệ nhân tạo (AI): Nhật báo South China Morning Post (SCMP) trích dẫn hai nguồn tin, cho biết “sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo” là một trong những chủ đề chính của hội nghị này. Theo báo Hồng Kông, lãnh đạo hai nước có thể sẽ công bố thỏa thuận song phương về cấm sử dụng AI trong các loại vũ khí tự động như drone hay trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Asialyst nhận định rằng, phần lớn tiến bộ của quân đội Trung Quốc đạt được trong những năm gần đây đều dựa vào AI. Hơn nữa, theo nhà nghiên cứu Oriana Skylar Mastro, tại viện Freeman Spogli thuộc Đại học Stanford, việc sử dụng AI trong lĩnh vực quân sự ngày càng gia tăng “khiến các cường quốc hạt nhân phải đạt được thỏa thuận để ngăn chặn việc sử dụng AI đặc biệt là trong việc kiểm soát hỏa lực hạt nhân và kiểm soát các hệ thống vũ khí hạt nhân”.Trung Quốc được cho là “rất nhạy cảm về vấn đề này vì kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với Hoa Kỳ” và Bắc Kinh không muốn cùng Hoa Kỳ tiến hành kiểm soát loại vũ khí này, và cũng sẽ không thay đổi lập trường.
Tiền chất ma túy: Các chất liên quan đến fentanyl hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong giới trẻ Mỹ, trong khi Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc đi đầu trong việc cung cấp các tiền chất hóa học mà nhiều băng đảng ở Mexico sử dụng để sản xuất thuốc phiện. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi việc giải quyết tai họa này là ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Biden. Bộ Tài chính Mỹ đã xử phạt hơn 40 người ở Trung Quốc có liên quan đến buôn bán fentanyl, còn Bộ Tư pháp đã truy tố và bắt giữ nhiều công dân Trung Quốc vì các tội danh liên quan đến fentanyl. Tháng 9/2023 vừa qua, J.Biden đã thêm Trung Quốc vào danh sách các quốc gia vận chuyển ma túy lớn và nước sản xuất ma túy bất hợp pháp lớn.
Tại cuộc gặp lần này, Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đồng ý thành lập nhóm công tác chống ma túy song phương. Nếu cam kết trên được thực hiện, thì lượng fentanyl vào Mỹ sẽ giảm đáng kể. Giới bình luận cho rằng, “Chỉ điều này thôi cũng khiến cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo trở nên đáng giá”.
Những điểm nóng đang diễn ra trên thế giới
Thông cáo của Mỹ đề cập đến tất cả các điểm nóng: Ukraine, Dải Gaza và Biển Đông. Tổng thống Biden “nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ đối với tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và biển Hoa Đông”, đồng thời “tái khẳng định cam kết sắt đá của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Ông cũng tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine và “quyền tự vệ trước chủ nghĩa khủng bố của Israel, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các quốc gia sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn sự leo thang và mở rộng xung đột”. Trong khi đó, thông cáo của Trung Quốc không mảy may đề cập đến bất cứ vấn đề nào. Điều đó cho thấy, trong nhiều vấn đề, Mỹ và Trung Quốc cách biệt nhau quá xa và giới bình luận cho rằng, dấu hiệu về sự kỳ vọng thu hẹp sự khác biệt là rất nhỏ.
Quan hệ Trung-Mỹ liệu có “tan băng”
Giới phân tích quốc tế cho rằng, sở dĩ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến San Francisco gặp Tổng thống J.Biden được xem là nước cờ chiến thuật nhằm có thêm thời gian để giải quyết các vấn đề nội bộ. (1) Kinh tế khó khăn khi dòng vốn đầu tư nước ngoài đang rút chạy khỏi Trung Quốc và chuyển sang mức âm sau nhiều thập kỷ; tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp; xuất khẩu ròng giảm, lĩnh vực bất động sản trên bờ vực sụp đổ, gánh nặng nợ công ở mức cao, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên được ghi nhận mới nhất là trên 20% (sau đó chính phủ tuyên bố sẽ ngừng công bố số liệu thống kê này); (2) Hội nghị Đới Bắc Hà vừa qua diễn ra không như ý. Nhiều ngôn từ nặng nề của giới chóp bu trong quá khứ cùng các nhà kinh tế hàng đầu được sử dụng tập trung chỉ trích chính sách hiện tại của Trung Quốc; (3) Tình hình chính trị nội bộ Trung Quốc không yên ả sau khi cả Ngoại trưởng Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc bị cách chức.
Trong vòng hơn một năm nữa, thuốc thử kiểm chứng cho quan hệ Trung-Mỹ là 2 cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan tháng 01 và bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm 2024. Giới phân tích quốc tế cho rằng, nếu: (1) Phó tổng thống Lại Thanh Đức của đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền, từng tự gọi mình là “người thực dụng vì độc lập của Đài Loan” và tuyên bố “chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu chính trị đang theo đuổi khi Tổng thống Đài Loan có thể bước vào Nhà Trắng”; (2) D.Trump giành chiến thắng và trở lại Nhà Trắng thì quan hệ Mỹ-Trung sẽ dậy sóng và có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột toàn diện giữa 2 nước.
Bên cạnh đó, trong Thông cáo của các quan chức Mỹ sau cuộc gặp cho biết, Trung Quốc đã đồng ý thiết lập cơ chế liên lạc giữa quân đội hai nước và giải quyết những “phán đoán sai”. Sau khi Trung Quốc bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng mới, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước sẽ gặp nhau. Tuy nhiên, trước câu hỏi của phóng viên, Joe Biden nhắc lại rằng, ông sẽ không thay đổi quan điểm trước đây rằng “Tập Cận Bình là kẻ độc tài”. Điều này được xem như một gáo nước lạnh dội vào bầu không khí hòa dịu mà cuộc gặp Thượng đỉnh cố gắng tạo ra. Và vì vậy, kỳ vọng vào sự “tan băng” trong quan hệ giữa 2 nước trong một tương lai gần vẫn sẽ là điều mơ mộng hão huyền.
Cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ và Trung Quốc được xem là động thái tích cực hơn là nghi lễ ngoại giao. Đồng thời, cũng phát đi tín hiệu quan trọng tới các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rằng Mỹ căn bản đang cố gắng quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ của mình với Trung Quốc và không tìm kiếm xung đột. Trong trường hợp này, Tổng thống Biden cũng đạt được kết quả quan trọng về fentanyl, trí tuệ nhân tạo (AI) và đối thoại quân sự song phương. Tuy nhiên, phép thử thực sự đối với mức độ lâu bền của việc hạ nhiệt trong quan hệ Trung-Mỹ có thể đến sớm vào tháng 1/2024, khi cử tri Đài Loan bầu ra Tổng thống tiếp theo.
Nguyễn Đình Thiện -Vương Thanh Tú
Tài liệu tham khảo
1. MẪU SỐ CHUNG LỚN NHẤT TRONG CUỘC GẶP TẬP-BIDEN. Nguồn: TTXVN (Hong Kong 17/11)
2. PHÂN TÍCH CUỘC GẶP THƯỢNG ĐỈNH TẬP-BIDEN Nguồn: TTXVN (Trang mạng cfr.org, ngày 16/11/2023)
3. NHỮNG THÁCH THỨC TRONG CUỘC HỘI NGỘ TẬP-BIDEN Nguồn: TTXVN (Trang mạng francetvinfo.fr ngày 15/11/2023)