D.Trump đã được bầu trở thành Tổng thống thứ 47 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sau chiến thắng giòn giã trước đối thủ của ông là bà Kamala Harris – đương kim Phó Tổng thống nhiệm kỳ 2021-2024. Mặc dù được dự báo sẽ hết sức khó khăn và sít sao, nhưng chiến thắng lại đến quá dễ dàng và tạo ra cách biệt lớn trong bầu cử lần này. Khi cuộc đấu ngã ngũ trên đất Mỹ, ngoài niềm hân hoan từ những cử tri của đảng Cộng hòa thì còn đó những quốc gia, khu vực đang chìm trong tâm trạng “trĩu nặng lo âu” đợi chờ những đổi thay trong chính sách của ông.
![](/Uploads/2024/11/3/23/anh-1-2737.jpg)
Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach ở Florida rạng sáng 6.11.2024. Ảnh: Reuters
1. Trở thành Tổng thống thứ 47 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - “kỳ tích” mang thương hiệu D.Trump
Sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 06.01.2021, khi nhiều chuyên gia cho rằng sự nghiệp chính trị của ông đã kết thúc, thì bằng một nỗ lực phi thường D.Trump đã vượt lên tất cả các ứng cử viên sáng giá của Đảng Cộng hòa để trở thành ứng viên duy nhất chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống thứ 47 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Hành trình trở thành Tổng thống thứ 47 của D.Trump mang những điểm nhấn đáng chú ý:
Lịch sử 132 năm mới lặp lại, cùng với chiến thắng trọn vẹn ở cả 7 bang chiến trường, D.Trump trở thành Tổng thống Mỹ với tư cách người cao tuổi nhất
Với chiến thắng ở cả 7 bang chiến địa, nắm trọn 93 phiếu đại cử tri đoàn, D.Trump đã hội đủ số phiếu đại cử tri (312 phiếu, hơn bà Kamala Harris tới 86 phiếu) để đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2, và cũng sẽ trở thành Tổng thống thứ hai của Mỹ đắc cử 2 nhiệm kỳ không liên tiếp. Phải mất 132 năm, lịch sử mới lặp lại sau Tổng thống Stephen Grover Cleverland (thuộc đảng Dân chủ) - người đầu tiên làm Tổng thống Mỹ 2 nhiệm kỳ không liên tiếp. Ông được bầu làm Tổng thống lần đầu vào năm 1884 sau đó bị ứng viên đảng Cộng hòa Benjamin Harrison đánh bại trong cuộc tái tranh cử năm 1888. Bốn năm sau khi tái tranh cử không thành công, ông Cleveland lại một lần nữa ra tranh cử và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1892, trở thành cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên làm được điều đó. Ông vừa là Tổng thống thứ 22 vừa là Tổng thống thứ 24 của Mỹ. Còn D.Trump vừa là Tổng thống thứ 45, vừa Tổng thống thứ 47. Cả D.Trump và S.Cleverland đều từng 3 lần tranh cử Tổng thống Mỹ. Nếu tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.01.2025, D.Trump sẽ trở thành Tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử (78 tuổi, 7 tháng, 6 ngày) vượt qua cả kỷ lục của đương kim Tổng thống Joe Biden. Ông cũng là Tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại sống sót sau khi bị mưu sát tới 3 lần.
Sau thất bại trong cuộc bầu cử 2020, khi ông từ chối chấp nhận thất bại của mình đã khiến các ủng hộ viên của ông đã xông vào Điện Capitol gây náo loạn. Những năm tiếp theo, D.Trump bị đổ lỗi mạnh mẽ cho những thất bại của đảng Cộng hòa và vướng vào nhiều rắc rối pháp lý. Trước những khó khăn chồng chất, D.Trump đã xoay xở tài tình để biến nguy thành cơ, biến những rắc rối pháp lý của mình thành động lực thúc đẩy sự tức giận của cử tri và những người ủng hộ ông để giành chiến thắng.
Trở lại nắm quyền trong khi bản thân đang bị truy tố và 3 lần bị ám sát hụt
Sự trở lại nắm quyền của ông cũng có nghĩa là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ chứng kiến một Tổng thống tuyên thệ nhậm chức khi đang bị truy tố. Trong hầu hết các trường hợp xảy ra trên thế giới, khi bị truy tố thường sẽ là dấu chấm hết, là chiếc đinh cuối cùng đóng vào “cỗ quan tài” cho sự nghiệp chính trị của bất kỳ ai. Nhưng đối với D.Trump, điều này dường như càng tiếp thêm sức mạnh cho ông cũng như những người ủng hộ ông.
Không những thế, ngày 13.7.2024, khi đang vận động tranh cử tại Tiểu bang chiến trường Pennsylvania, D.Trump đã trở thành mục tiêu bị ám sát. Khi tiến súng vang lên, các mật vụ lao lên sân khấu để bảo vệ D.Trump và bắt đầu dẫn ông rời khỏi sân khấu. Nhưng ông đã gạt mật vụ ra và với khuôn mặt dính máu, ông đã thách thức giơ nắm đấm và hô vang “chiến đấu”. Vô tình hay hữu ý, khẩu hiệu này đã trở thành lời kêu gọi tập hợp những người ủng hộ ông trong những tháng sau đó. Và cụm từ “Chúa đã lựa chọn ông” được D.Trump sử dụng một cách hiệu quả đáng kinh ngạc để tập hợp, lôi kéo cử tri.
![](/Uploads/2024/11/3/23/t%E1%BA%A3i%20xu%E1%BB%91ng.jpg)
Mật vụ Mỹ hộ tống D.Trump khỏi sự kiện vận động tranh cử tại bang Pennsylvania sau khi xảy ra vụ ám sát, ngày 13/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Vụ ám sát thứ hai diễn ra tại sân golf của D.Trump ở West Palm Beach, Florida, vào 15.9.2024. Tay súng nhắm vào D.Trump từ phía sau bụi cây đã bị các mật vụ phát hiện và bắt giữ. Vụ ám sát thứ 3 diễn ra vào ngày 12.10.2024, khi Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Riverside cho biết, Vem Miller, một cư dân Las Vegas 49 tuổi, đã bị bắt tại một trạm kiểm soát bên ngoài địa điểm tổ chức sự kiện vận động tranh cử ở Coachella, bang California, Mỹ. Miller bị bắt với một khẩu súng ngắn sở hữu bất hợp pháp, một khẩu súng lục đã nạp đạn và một băng đạn dung lượng lớn. Cảnh sát trưởng Riverside Chad Bianco nói với truyền thông địa phương rằng Miller đã xuất trình thẻ VIP và thẻ báo chí giả tại trạm kiểm soát.
Nhiều bê bối pháp lý khác khiến ông có thể phải ngồi tù 561 năm nếu bị kết tội
Bên cạnh tư cách là người đang bị truy tố, Donald Trump cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, ngay cả khi ông đã tái đắc cử Tổng thống. Một số vấn đề chính bao gồm: (1) Vụ án "hush money": Trump bị kết án 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu các khoản thanh toán cho ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Ông dự kiến sẽ bị tuyên án vào ngày 26 tháng 11, nhưng có thể sẽ không phải ngồi tù do các lý do chính trị và pháp lý. (2) Vụ án tài liệu mật: Trump bị cáo buộc giữ lại các tài liệu mật tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago sau khi rời Nhà Trắng. Một thẩm phán đã bác bỏ vụ án này vào tháng 7 năm 2024, nhưng đội ngũ công tố viên đặc biệt đang kháng cáo quyết định này; (3) Vụ án can thiệp bầu cử: Trump bị cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Vụ án này đang bị tạm hoãn trong khi các tòa án xem xét các yêu cầu miễn trừ Tổng thống của Trump; (4) Vụ án gian lận tài chính: Trump và các con trai của ông bị kiện bởi Tổng chưởng lý New York vì cáo buộc gian lận tài chính kéo dài nhiều năm, bao gồm việc báo cáo sai giá trị tài sản để giảm thuế hoặc cải thiện điều kiện vay. Theo các cáo trạng, nếu bị kết án, ông có thể phải ngồi tù 561 năm.
2. Lời hứa của D.Trump trước cử tri Mỹ trong vận động bầu cử
Bốn năm kể từ sau tái cử thất bại, D.Trump không ngày nào là không nung nấu quyết tâm trở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa để tiếp tục sự nghiệp của ông còn đang dang dở - MAGA (Make American Greate Again). Trong vận động tranh cử, D.Trump đã hứa hẹn trước cử tri Mỹ với những nội dung hút khách, gồm:
Về cải cách kinh tế, thuế và thuế nhập khẩu: Đúng như những lời ông nói, “thuế là một trong những từ trong từ điển được ông yêu thích nhất”, Trump đã hứa sẽ "chấm dứt lạm phát" - vốn đã tăng lên mức kỷ lục dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ông hứa, sẽ cắt giảm thuế toàn diện, kéo dài cuộc cải tổ của mình từ năm 2017. Ông đề xuất miễn thuế thu nhập từ tiền boa, bãi bỏ thuế đối với các khoản thanh toán an sinh xã hội và cắt giảm thuế doanh nghiệp. Đồng thời, Ông đề xuất mức thuế mới ít nhất là 10% đối với hầu hết các hàng hóa nước ngoài để cắt giảm thâm hụt thương mại. Đặc biệt, với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể phải chịu mức thuế bổ sung 60%. Một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng những động thái như vậy có thể đẩy giá cả lên cao đối với người tiêu dùng
Trục xuất người nhập cư không giấy tờ: Số người vượt biên tại biên giới phía nam nước Mỹ đã đạt mức kỷ lục vào cuối năm ngoái dưới thời chính quyền Biden-Harris. Số liệu của Chính phủ Mỹ, năm tài chính 2023 cũng lập kỷ lục mọi thời đại về số người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, với 2,47 triệu lượt người di cư được ghi nhận. Như vậy, chỉ tính trong 2 năm (2022 và 2023), tổng số người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ lên đến 4,77 triệu người. Theo báo cáo hôm 21.10.2024 của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP), con số 269.735 người nhập cư bất hợp pháp bị bắt giữ tại biên giới Mỹ - Mexico trong tháng 9. Ngoài ra, CBP đã xử lý khoảng 43.000 người xin tị nạn vào năm 2023 thông qua ứng dụng điện thoại di động được triển khai vào tháng 1 với mục đích đẩy nhanh quá trình nộp đơn. 240.000 người xin tị nạn mới đến từ Venezuela, Cuba, Nicaragua và Haiti đã vượt biên hợp pháp trong năm nay theo hệ thống "tạm tha" mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Để hạn chế người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, Ông cam kết hoàn thành việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico, một dự án được bắt đầu trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông hiện còn dang dở. Đồng thời, Trump đã hứa sẽ thực hiện các cuộc trục xuất người nhập cư không giấy tờ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Chấm dứt chiến tranh Ukraine: Trump đã chỉ trích việc Mỹ chi hàng chục tỷ đô la để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga và cam kết sẽ chấm dứt xung đột "trong vòng 24 giờ" thông qua một thỏa thuận đàm phán. Tuy nhiên, ông chưa nói về những điều mà mỗi bên nên nhượng bộ. Đối với chiến tranh tại Dải Gaza, Trump đã tự nhận mình là một người ủng hộ trung thành của Israel, nhưng cũng kêu gọi đồng minh này chấm dứt chiến dịch quân sự.
Ân xá tù nhân vụ bạo loạn ở Đồi Capitol: D.Trump đã nói rằng ông sẽ "trả tự do" cho một số người bị kết tội trong cuộc bạo loạn ở Washington DC vào ngày 06.01.2021, khi những người ủng hộ ông xông vào Tòa nhà Quốc hội để ngăn chặn chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020. Khi đề cập về vấn đề này, ông đã cố gắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc bạo loạn và gọi hàng trăm người ủng hộ bị kết tội là tù nhân chính trị và cho rằng, nhiều người trong số họ "bị giam giữ oan", dù ông thừa nhận "một số người có thể đã mất kiểm soát".
Sa thải công tố viên đặc biệt Jack Smith vì đã truy tố ông về những nỗ lực bị cáo buộc nhằm lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 và về việc ông bị cáo buộc đã sai phạm trong việc xử lý, lưu trữ các tài liệu mật. Ông đã thề sẽ sa thải "trong vòng hai giây" sau khi nhậm chức công tố viên kỳ cựu dẫn đầu hai cuộc điều tra hình sự nhằm vào ông. D.Trump cũng phủ nhận mọi hành vi sai trái và đã ngăn chặn cả hai vụ án được đưa ra xét xử trước cuộc bầu cử. Ông nói rằng ông Smith đã khiến ông phải chịu một "cuộc săn phù thủy chính trị".
Không cấm phá thai và cam kết cắt giảm các quy định về khí hậu: Theo ông, các bang nên được tự do quyết định luật phá thai của riêng mình. Ông cũng khẳng định quan điểm của mình khi tranh luận với ứng cử viên Kamala Harris là sẽ không ký luật cấm phá thai toàn quốc.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu, Trump đã hủy bỏ hàng trăm biện pháp bảo vệ môi trường và biến nước Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Ông tuyên bố, sẽ cắt giảm các quy định, đặc biệt là để giúp ngành công nghiệp ô tô của Mỹ. Đồng thời, ông đã cam kết tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch của Mỹ - tuyên bố sẽ "khoan, khoan, khoan" ngay từ ngày đầu tiên thay vì ủng hộ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió.
3. Dự báo một số chính sách kinh tế của tân Tổng thống D.Trump và tâm trạng “buồn, vui lẫn lộn”, “kẻ mừng, người lo”
Nhiệm kỳ hai của D.Trump có thể tiếp tục tập trung cho lập trường "Nước Mỹ trước tiên", không để Mỹ lún sâu hơn vào những cuộc xung đột tốn kém ở Ukraine hoặc Trung Đông. Họ cho rằng cựu Tổng thống nhiều khả năng ưu tiên chính sách mang lại lợi ích cho Mỹ, thay vì theo đuổi chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa can thiệp, truyền thống hơn như ông Biden. Được đánh giá là người “nói lời, giữ lời”, dự báo sau ngày nhậm chức chính thức (20.01.2025), chính sách kinh tế của D.Trump đối với các nước và khu vực trên thế giới sẽ có những điểm chính nổi bật sau.
Đối với Trung Quốc: Cả chính quyền của D.Trump và ông Biden đều xác định Trung Quốc là một trong những thách thức hàng đầu của Mỹ. Chính sách về Trung Quốc cũng là một trong số ít lĩnh vực nhận được đồng thuận lưỡng đảng mạnh mẽ. Trong nhiệm kỳ Tổng thống 2017-2020, D.Trump đã phá vỡ các chính sách hợp tác kinh tế với Trung Quốc trước đó và phát động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh (06.7.2018) với các đòn thuế quan ngày càng mạnh tay. Giới quan sát cho rằng D.Trump có thể làm như vậy lần nữa nếu trở lại Nhà Trắng. Hồi tháng 8, ông đề xuất tự động áp thuế với mọi loại hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ hàng nội địa. Cựu quan chức dưới thời Tổng thống D.Trump nói rằng tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là chính sách cần thiết trong nhiệm kỳ mới.
Theo đó, Trump sẽ mở rộng chính sách thuế với Trung Quốc khiến nền kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn, nhất là những ngành công nghệ cao. Theo tính toán, việc áp dụng thuế lên đến 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc độ tăng trưởng 1,4%. Ngoài ra, Trump có thể áp dụng nhiều biện pháp đi kèm như: Mở rộng kiểm soát hạn chế xuất khẩu công nghệ cao chíp, hệ điều hành linh kiện điện tử, trí tuệ nhân tạo, trừng phạt tài chính gây áp lực lên hệ thống tài chính; hạn chế giao dịch của các ngân hàng Trung Quốc, loại bỏ các công ty giao dịch tài chính của Trung Quốc trên thị trường tài chính; áp đặt các khoản đầu tư vào Trung Quốc cũng như đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ; hạn chế nhập cư; giám sát các hoạt động của các công ty Trung Quốc tại Mỹ; mở rộng các biện pháp trừng phạt vào các công ty công nghệ của Trung Quốc như Huawai, SMIC, ZTE; cấm sử dụng các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc; gây áp lực lên các đồng minh, buộc họ áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các biện pháp sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc và gây hiệu ứng ngược với người tiêu dùng Mỹ. Đây là điều mà chính quyền D.Trump cần cân nhắc.
Đối với EU: Sự trở lại của D.Trump cũng khiến các đồng minh của Mỹ trong khối NATO và ở châu Âu lo lắng, bởi ông đã từng dọa rút khỏi NATO để buộc các nước tăng đóng góp ngân sách quốc phòng. Giới quan sát cho rằng tái đắc cử, D.Trump có thể sẽ tiếp tục theo đuổi yêu cầu này. Và các quan chức châu Âu nhận thấy họ cần chuẩn bị cho một tương lai mà họ không thể dựa hoàn toàn vào Mỹ như trước đây. "Khi D.Trump xuất hiện, chúng tôi nhận ra rằng không phải lúc nào Mỹ cũng hành động vì lợi ích châu Âu, đặc biệt nếu điều đó đi ngược lại lợi ích của Mỹ", một nhà ngoại giao EU nói với hãng tin CNN. Theo Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), năm 2023, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa EU. Kim ngạch thương mại hàng hóa, dịch vụ song phương Mỹ-EU đạt khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đã áp thuế 10% và 25% lần lượt với nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ với lý do an ninh quốc gia.
Theo ngân hàng ABN AMRO (Hà Lan), thiệt hại với GDP khu vực đồng euro sẽ tương tự cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra năm 2022. Báo cáo của Viện kinh tế IW (Đức) chỉ ra nếu Trump áp thuế nhập khẩu 20% với hàng từ EU và khối này cũng áp thuế trả đũa, GDP khu vực đồng euro (Eurozone) dự kiến giảm 1,3% năm 2027 và 2028. Các ngành như máy móc, xe hơi và hóa chất cũng chịu thiệt hại nếu bị tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ, do số sản phẩm trên chiếm 68% hàng xuất của EU sang nước này năm ngoái. Đức – quốc gia đầu tàu kinh tế của châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất, do các sản phẩm nêu trên chủ yếu của doanh nghiệp nước này. Goldman Sachs dự báo chính sách thuế của Trump có khả năng làm tăng lạm phát tại Mỹ, buộc Cục Dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất. Việc này sẽ kéo giá USD lên cao, khiến euro yếu đi và như vậy, xuất khẩu từ EU vào Mỹ lại tăng lên.
Đối với cuộc chiến tranh Nga – Ukraine và viện trợ đối với Ukraine
Sau khi cuộc phản công được kỳ vọng của Ukraine đối với Nga thất bại, hy vọng về khả năng đảo ngược cục diện và giành lại toàn bộ lãnh thổ bao gồm Bán đảo Crimea và các tỉnh phía Đông giáp Nga trở nên mong manh hơn. Quyết định cuối cùng của Trump còn phải chờ đợi thêm khoảng hơn 2 tháng nữa, nhưng một khu vực phi quân sự kéo dài khoảng 1.300 km giữa Ukraine và Nga có thể được thiết lập; Ukraine phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình và viện trợ của Mỹ đối với Ukraine sẽ suy giảm. Kinh tế và thị trường chứng khoán của Nga theo đó đã có phản ứng tích cực từ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.
Đối với Mexico: Mexico là quốc gia có dòng người nhập cư vào Mỹ trái phép lớn nhất. D.Trump đã nhiều lần tuyên bố trong tranh cử, nếu Mexico không kiểm soát được dòng nhập cư này, Mỹ sẽ áp các lệnh trừng phạt về kinh tế, thương mại với Mexico. Chris Turner - Giám đốc các thị trường tại ING cho rằng 2025 sẽ là "năm khó khăn với đồng peso của Mexico", nếu Trump xem xét lại việc gia hạn Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA, có hiệu lực từ năm 2020) trong kỳ đánh giá năm 2026. Trong buổi vận động tranh cử tại bang chiến trường Wisconsin ngày 6.10.2024, Trump còn dọa áp thuế nhập khẩu lên đến 200% với xe có xuất xứ Mexico, để hỗ trợ ngành ôtô trong nước. Được biết, năm 2023, Mexico xuất khẩu tới 3 triệu xe sang Mỹ. Và như vậy, không ai khác chính người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ chịu cảnh thiệt thòi.
Một chính sách kinh tế luôn bao hàm 2 mặt. Các chính sách dự kiến của tân Tổng thống Mỹ có thể mang lại lợi ích cho nước Mỹ trên khía cạnh này, nhưng lại gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ trên một phương diện khác. Mà trên hết, những chính sách đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp đến tiêu dùng của công dân Mỹ - Những người đã dốc lòng, dốc sức đưa ông trở thành Tổng thống nhằm bảo vệ và đem lại lợi ích cho mình. Tâm trạng “buồn, vui lẫn lộn”, “kẻ mừng, người lo” khi đón nhận Tổng thống thứ 47 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không chỉ diễn ra trên bình diện quốc tế mà còn ở ngay trong lòng của người dân nước Mỹ.
Nguyễn Đình Thiện - Phạm Hồng Minh
Tài liệu tham khảo
1. https://vnexpress.net/nhung-nen-kinh-te-co-the-chiu-tac-dong-manh-khi-trump-dac-cu-4812896.html
2. https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chuyen-gia-nga-du-bao-chinh-sach-doi-ngoai-cua-my-thoi-chinh-quyen-trump-20-20241107191715484.htm
3. https://baotintuc.vn/the-gioi/ke-hoach-hoa-binh-tiem-nang-cua-ong-trump-cho-xung-dot-nga-ukraine-20241107194907849.htm