78 năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra nội chiến (1946), Trung Quốc hiện vẫn ở trong tình trạng bị chia cắt và chưa thể thống nhất. Cho đến nay, mặc dù chưa xảy ra xung đột vũ trang, nhưng quan hệ giữa 2 bờ Eo biển Đài Loan luôn trong trạng thái căng thẳng và cũng chưa có một hiệp định đình chiến nào được hai bên ký kết. Giới phân tích quốc tế cho rằng, kết quả bầu cử Tổng thống lần này (dự kiến diễn ra vào ngày 13.01.2024) được xem là thuốc thử hiệu nghiệm không chỉ với chính trường Đài Loan mà còn đối với chính sách của cả Trung Quốc và Mỹ.
1. Tình hình quan hệ hai bờ Eo biển Đài Loan - 78 năm nhìn lại
Quan hệ hai bờ Eo biển Đài Loan, hay còn được gọi là quan hệ Đài Loan - Trung Quốc, là mối quan hệ giữa hai thực thể chính trị bị chia cắt bởi Eo biển Đài Loan ở Tây Thái Bình Dương, chịu sự tác động sâu sắc bởi mối quan hệ giữa các nước lớn trên thế giới. Sau khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh vào tháng 8.1945, Thế chiến thứ hai kết thúc, Trung Quốc rơi vào cuộc nội chiến lần 2 năm 1946. Sau 3 năm nội chiến, chiến tranh ở Trung Quốc đã chấm dứt không chính thức. Đảng Cộng sản Trung Quốc do Chủ tịch Mao Trạch Đông lãnh đạo, nhờ sự ủng hộ của đa số người dân, chính sách hợp lý cùng sự yếu kém của Quốc dân đảng nên đã giành chiến thắng và kiểm soát Trung Hoa đại lục (bao gồm cả đảo Hải Nam), thành lập nên Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Còn Trung Quốc Quốc dân Đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo thất bại, chỉ còn nắm giữ các lãnh thổ là đảo Đài Loan, quần đảo Bành Hồ, và nhiều đảo bên ngoài Phúc Kiến trở thành chính quyền Đài Loan như hiện tại.
Bản đồ Eo biển Đài Loan
Như vậy, 78 năm kể từ ngày xảy ra nội chiến, Trung Quốc hiện vẫn ở trong tình trạng bị chia cắt và chưa thể thống nhất. Cho đến nay, dù chưa xảy ra chiến tranh, nhưng cũng chưa có một hiệp định đình chiến nào đã được hai bên ký kết dù hai bên có lúc đã có quan hệ kinh tế khá chặt chẽ. Chính phủ Trung Quốc và Đài Loan đều duy trì lập trường rằng, họ mới là Chính phủ hợp pháp của toàn bộ Trung Hoa và sẽ tiếp tục đấu tranh trên phương diện ngoại giao.
2. Có hay không “Thỏa thuận 1992”
“Thỏa thuận 1992” được cho là đồng thuận ngầm đạt được vào năm 1992 giữa chính quyền Quốc Dân Đảng của Đài Loan và Bắc Kinh. Theo đó, cả 2 bên thừa nhận chỉ có một nước Trung Quốc, nhưng đến nay vẫn có nhiều tranh cãi xung quanh thỏa thuận này. Trong khi Trung Quốc nói rằng sự đồng thuận sơ bộ đạt được năm 1992 đã khẳng định hai bên Eo biển Đài Loan thuộc về “Một Trung Quốc” - Đại lục, và là nền tảng duy nhất cho các cuộc đàm phán, thì phía Đài Loan cho rằng phiên bản của sự đồng thuận của Đài Loan không phải như vậy.
Hai bên Eo biển Đài Loan khi đó được đại diện bởi Quốc Dân Đảng và Bắc Kinh, đã tổ chức các cuộc hội đàm tại Hong Kong năm 1992 để thảo luận về việc chính thức công nhận các tài liệu đồng thuận, nhưng các cuộc đàm phán này bị cản trở bởi các tranh chấp chính trị gay gắt. Theo ông Chen Ming-tung, người từng giữ chức lãnh đạo Hội đồng quan hệ đại lục của Đài Loan, phía Bắc Kinh đã không chấp nhận phiên bản đồng thuận mà KMT đưa ra và rời Hong Kong. KMT sau đó đã gửi phiên bản đồng thuận thứ hai đến Bắc Kinh, nhưng không nhận được phản hồi từ Đại lục. Vì vậy, không có sự đồng thuận nào thực sự đạt được tại thời điểm đó. Ngoài ra, theo phía Đài Loan, ít nhất 2 cuốn sách, trong đó có 1 cuốn của ông trùm kinh doanh Đài Loan Koo Chen-fu, người cũng có mặt trong các cuộc đàm phán nêu trên, khẳng định rằng không có sự đồng thuận 1992. Tới năm 2000, cựu Chủ tịch Hội đồng các vấn đề Đại lục Su Chi (thuộc Đảng KMT) đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ “Đồng thuận 1992” trong nỗ lực giúp tạo điều kiện cho nhà lãnh đạo Đài Loan Trần Thủy Biển (thuộc Đảng DPP) thỏa thuận với đại lục, ông Chen nói.
Ông Chen cũng cho hay, theo quan điểm của Quốc Dân Đảng, sẽ không chỉ có “một Trung Quốc”, mà hai bên Eo biển có thể có cách giải thích riêng về những gì Trung Quốc đại diện. Điều đó có nghĩa là tồn tại song song Trung Hoa Dân quốc là tên chính thức của hòn đảo và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là tên chính thức của Đại lục. Sau khi trở thành người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Đại lục mới, Chiu Tai-san phát biểu tại lễ bàn giao hôm 23.02.2021, khẳng định đa số người Đài Loan không chấp nhận cách giải thích của Bắc Kinh về “Thỏa thuận 1992” rằng cả Đài Loan và Trung Quốc đều là một phần của Trung Quốc. Ông cho rằng, Trung Quốc đã cố tình giải thích mập mờ điều này và hai bên nên tìm cách khác để xây dựng lòng tin với nhau. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Đài Loan (MOFA) cũng đã tuyên bố rằng Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, nên Trung Quốc không có quyền ra lệnh đối với Đài Loan trong việc trao đổi với các quốc gia khác. Và như vậy, tranh cãi giữa 2 bờ Eo biển dường như không có hồi kết.
3. Lập trường của các ứng cử viên về quan hệ giữa 2 bờ Eo biển Đài Loan - Kết quả thăm dò dư luận và dự báo
Trước thềm bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 13.01.2024, hiện Đài Loan còn 4 ứng cử viên đại diện cho các đảng phái quyết liệt ganh đua chiếc ghế Tổng thống lần này. Với nhiều nội dung tranh cử khác nhau, nhưng quan điểm về vấn đề Đài Loan độc lập hay không, cùng với quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc và Mỹ sẽ là nhân tố quyết định đến kết quả bầu cử. Hiện tất cả 04 ứng cử viên đều phải đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan” là phải đồng thời thu hút được sự ủng hộ của những cử tri kịch liệt phản đối thống nhất với Trung Quốc mà không gây thù hằn với một Trung Quốc thường xuyên lặp lại cam kết hoàn thành “nhiệm vụ thiêng liêng” là thống nhất Đài Loan với Đại lục bằng bất kỳ cách thức nào - kể cả bằng vũ lực. Theo truyền thông nước ngoài, kết quả thăm dò được công bố cuối tháng 11.2023 cho thấy hầu như không cử tri nào ủng hộ quan điểm của Đại lục nêu trên. Trong khi, chỉ 0,7% số người được hỏi trả lời rằng họ ủng hộ độc lập càng sớm càng tốt và 11,5% ủng hộ việc duy trì hiện trạng trong khi nỗ lực hướng tới thống nhất. Ngược lại, 35,8% số người được hỏi ủng hộ việc duy trì hiện trạng trong khi nỗ lực hướng tới độc lập và 44,3% ủng hộ việc duy trì vĩnh viễn hiện trạng.
Bốn ứng cử viên cho chức Tổng thống Đài Loan nhiệm kỳ 2024-2028 dù đều không tán thành quan điểm từ phía Đại lục, nhưng quan điểm và cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề này có sự khác nhau. Lại Thanh Đức, sinh năm 1959 - đương kim Phó Tổng thống của Đài Loan và là ứng cử viên sáng giá của đảng Dân tiến (DPP). Ông được xem là người dày dặn kinh nghiệm ở nhiều vị trí khác nhau - nhà lập pháp, sau đó là Thủ tướng và hiện là Phó Tổng thống. Là người cứng rắn ủng hộ nền độc lập của Đài Loan, Lại Thanh Đức tiếp tục củng cố quan điểm của mình bằng việc tuyên bố: Vì Đài Loan đã là một quốc gia độc lập có chủ quyền được gọi là Trung Hoa Dân Quốc nên không cần phải tuyên bố độc lập. Ông bác bỏ cái gọi là “Đồng thuận năm 1992”, nhưng cũng cam kết tiếp tục các chính sách “không đối đầu” của đương kim Tổng thống Thái Anh Văn.
Hầu Hữu Nghi, sinh năm 1957 - là ứng cử viên đại diện cho Quốc dân đảng (KMT). Ông tốt nghiệp Đại học Cảnh sát Trung ương và nhận bằng tiến sĩ về phòng chống và trừng trị tội phạm. Theo giới bình luận quốc tế, khoảng thời gian phục vụ trong ngành cảnh sát là bước chuẩn bị khá hoàn hảo để ông có thể đảm nhận vị trí Tổng thống. Khác với Lại Thanh Đức, Hầu Hữu Nghi có quan điểm chấp nhận “Đồng thuận năm 1992”, nhưng ông phản đối cả tuyên bố chính thức về độc lập của Đài Loan cũng như đề nghị của Trung Quốc về việc lãnh đạo theo diễn giải của Bắc Kinh về công thức “Một quốc gia, hai chế độ”. Hầu Hữu Nghi một mặt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hối thúc hai bờ Eo biển Đài Loan cùng nhau thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và sự tin tưởng lẫn nhau. Nhưng mặt khác, ông nhất trí rằng, cần phải ngăn chặn cuộc xâm lược và Đài Loan phải tăng cường hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực như chia sẻ thông tin tình báo và thường xuyên tổ chức tập trận chung.
Kha Văn Triết, sinh năm 1959, trước khi trở thành ứng cử viên tranh cử Tổng thống, ông đã tranh cử thành công chức thị trưởng Đài Bắc với tư cách ứng cử viên độc lập, với sự ủng hộ của DPP. Năm 2019, Kha Văn Triết thành lập đảng Dân chúng Đài Loan (TPP) như một thách thức đối với KMT và DPP. Về quan hệ giữa hai bờ Eo biển, ông ủng hộ cách tiếp cận trung dung, không chống lại Trung Quốc cũng không quá thân với Trung Quốc. Kha Văn Triết kêu gọi tổ chức các cuộc đàm phán an ninh thường xuyên giữa các quan chức cấp cao của Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ về việc Trung Quốc đe dọa Đài Loan.
Quách Đài Minh, sinh năm 1950, tuyên bố tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập với nền tảng là khối tài sản trị giá 7 tỷ USD trên cương vị người sáng lập Hon Hai Precision Industries (Foxconn) - nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Ông là người chấp nhận “Đồng thuận năm 1992” và ủng hộ việc Đài Loan giữ khoảng cách đồng đều với Trung Quốc và Mỹ. Ông cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại, Đài Loan đang trong tình trạng vô cùng nguy hiểm - “ngàn cân treo sợi tóc”. Nếu Mỹ hoặc Trung Quốc gia tăng căng thẳng dù chỉ một chút, thì Đài Loan cũng “sẽ chết một cách thê thảm”.
Thông tin về bầu cử ở Đài Loan có nhiều tổ chức thu thập dữ liệu đến mức tờ Taiwan News thường xuyên đưa tin về một cuộc thăm dò dư luận nào đó. Trong các cuộc thăm dò dư luận, Lại Thanh Đức luôn là người dẫn đầu. Nhất là, trong một khoảng thời gian ngắn sau khi dừng chân ở Mỹ trên đường đến Paraguay, ông nhận được tỷ lệ ủng hộ lên đến hơn 40%. Sau đó, tỷ lệ ủng hộ ông có giảm xuống nhưng luôn ở mức 30%, trong khi tỷ lệ ủng hộ Kha Văn Triết và Hầu Hữu Nghi ở mức 20% và tỷ lệ ủng hộ Quách Đài Minh chỉ khiêm tốn ở mức 10%.
Nhìn vào kết quả thăm dò dư luận, Lại Thanh Đức được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất và có nhiều triển vọng trở thành Tổng thống Đài Loan nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, điều bất lợi là DPP của Lại Thanh Đức đã nắm quyền được 8 năm, nên đảng này có thể bị các cử tri đối lập và những cử tri không cam kết ủng hộ họ chỉ trích vì một lý do nào đó. Một nhà nghiên cứu Canada phỏng vấn những người dân khu vực nông thôn và được trả lời rằng, đảng này đã lãng quên họ, trong khi một bộ phận người dân thành thị lại kêu ca về tình trạng lạm phát và thiếu nhà ở giá rẻ. Đồng thời, họ còn nhấn mạnh thêm, “tiền lương vẫn không tăng, bất chấp tốc độ tăng trưởng lành mạnh”. Giới trẻ, từng là trụ cột ủng hộ DPP, đã có dấu hiệu chuyển sang ủng hộ TPP. Nhiều người, bao gồm cả những người ủng hộ DPP, tin rằng đảng này rất cần một chương trình công bằng xã hội. Họ chỉ trích việc DPP tự cho mình là một đảng tiến bộ nhưng lại không hành xử tương xứng, đồng thời hối thúc đảng này ban hành chính sách đánh thuế nặng đối với người giàu và đầu tư tiền vào công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng và đổi mới. Phe đối lập cho rằng chiến thắng của DPP có nghĩa là chiến tranh với Trung Quốc sẽ xảy ra và đây trở thành căn cứ để các phe đối lập hy vọng đảo ngược kết quả vào phút cuối.
Tuy nhiên, các sự kiện gần đây cho thấy nền chính trị Đài Loan luôn đầy rẫy những điều bất ngờ. Liệu người dẫn đầu có về được đích hay không? Liệu chính trường Đài Loan có xảy ra bất ngờ và truyền thông quốc tế có sẵn sàng đón nhận những bất ngờ xảy ra hay không?... Cả Mỹ và Trung Quốc cũng đều không thể chắc chắn rằng cuộc bầu cử sẽ diễn ra theo ý muốn của họ. Vở kịch sẽ chỉ hạ màn khi kết quả bầu cử được công bố, các ứng viên thất bại thừa nhận kết quả và chúc mừng chiến thắng của người thắng cuộc. Đồng hồ cho sự nỗ lực của các ứng viên đang đếm ngược, nhưng “phút 90” vẫn chưa phải là đã kết thúc trận đấu./.
Đình Thiện – Hoàng Yến
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dự báo về bầu cử ở Đài Loan. Nguồn: TTXVN ngày 03.01.2024 (Trang mạng fpri.org);
2. Tình hình Eo biển Đài Loan sẽ ra sao sau bầu cử Tổng thống? Nguồn:
TTXVN ngày 05.01.2024 (Singapore 27/11/2023);
3. Xung đột Mỹ-Trung về Đài Loan có thực sự xảy ra? Nguồn: TTXVN ngày 29.08.2022 (Trang mạng Valdai Club).