Ngày 11.03.2025, cựu Tổng thống Philippines bị bắt và sau đó được đưa đến Hà Lan trên chuyến bay xuất phát từ Thủ đô Manila theo lệnh của Toàn án quốc tế (ICC) với cáo buộc “phạm tội ác chống lại loài người”. Làm Thống đốc bang Davao từ năm 1988, Duterte được xem là người hùng trong cuộc chiến chống ma túy và trở thành Tổng thống Philippines (2016-2022). Tuy nhiên, với những cáo buộc từ ICC, ông có thể sẽ trở thành cựu nguyên thủ quốc gia châu Á đầu tiên bị xét xử tại Tòa án này.

Trụ sở của Tòa Hình sự quốc tế ở The Hague, Hà Lan. Ảnh: Coalitionfortheicc
1. Trở thành Tổng thống với tư cách là người hùng của thành phố Davao, Philippines
Mô hình Davao – Duterte trở thành người hùng trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy
Xuất thân là một luật sư và từng giữ chức Thị trưởng Davao trong 7 nhiệm kỳ kéo dài hơn 22 năm, Duterte trở thành vị Tổng thống cứng rắn của Philippines. Năm 1986, Duterte tham gia chính quyền với cương vị là Phó Thị trưởng thành phố Davao – một trong những nơi được miêu tả là dày đặc các tội phạm, với tỷ lệ án mạng, hiếp dâm và ma túy lớn nhất Philippines. Năm 1988, ông trở thành Thị trưởng và ở chức vụ này trong 7 nhiệm kỳ liên tiếp (1988-2016). Từ khi làm Thị trưởng, tỉ lệ tội phạm ở Davao đã giảm đi đáng kể và ông được xem như người hùng của đất nước Philippines. Ngày 16.10.2015, ông tuyên bố tranh cử và chiến thắng áp đảo để trở thành Tổng thống thứ 16 của quốc đảo này (09.5.2016).
Cuộc chiến chống ma túy của cựu Tổng thống Philippines bắt đầu từ năm 1993 tại Davao, được áp dụng mô hình này trên toàn quốc từ năm 2016 và kéo dài cho đến hết nhiệm kỳ của ông vào năm 2022. Ma túy được xem là quốc nạn hoành hành ở Philippines từ những năm 2000, biến nước này trở thành một trong những trung tâm lớn của hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp ở châu Á. Theo báo cáo Chiến lược kiểm soát ma túy quốc tế của Mỹ (2010), ước tính quy mô hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp ở Philippines đã đạt 6,4-8,4 tỷ mỗi năm.
Chuyên gia luật Amanda Taub, giáo sư thỉnh giảng về luật quốc tế và nhân quyền Đại học Fordham, New York (Mỹ) nhận định, gốc gác của vấn đề bắt nguồn tà thời kỳ cầm quyền của cựu Tổng thống Benigno Aquino. Ông bị coi là một Tổng thống yến mềm khi không đưa ra được những biện pháp cần thiết để giải quyết những vấn đề của đất nước, trong đó có vấn nạn ma túy.
Trong khi đó, Thị trưởng Davao – Rodrigo Duterte lại vụt sáng với những hành động mạnh tay khi coi ma túy là mối đe dọa sống còn đối với quốc gia. Trong vận động tranh cử Tổng thống (15.3.2016) tại thành phố Lingayen thuộc Miền Bắc Philippines, ông tuyên bố: Khi trở thành Tổng thống, tôi sẽ lệnh cho cảnh sát và quân đội truy tìm những người này và giết họ. Các nhà tang lễ sẽ chật cứng người.
Hơn hai thập niên lãnh đạo Davao, từ năm 1993 Duterte đã cho lập Biệt đội tử thần (DDS) với thành phần chính là các cựu cảnh sát và phiến quân với nhiệm vụ “tiêu diệt những tên tội phạm như bọn bán lẻ ma túy, những kẻ hiếp dâm hay cướp giật”. “Đó là những người bị chúng tôi bắn chết mỗi ngày”, Matobato – cựu thành viên của DDS cho biết. Nạn nhân bị bắn tại những nơi như quán bar, chợ, siêu thị hoặc những nơi đông người khác. Cảnh sát thường rất lâu sau mới có mặt, và cũng không quan tâm đến việc thu thập chứng cứ ở hiện trường, Matobato cho biết thêm.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ tội phạm ở Davao giảm mạnh dưới thời Thị trưởng Duterte, nhưng số vụ giết người gia tăng nhanh chóng. Một sĩ quan cảnh sát từng là thành viên DDS nói với AP rằng, khoảng 10.000 nghi phạm đã bị ông và các biệt đội cảnh sát lẫn dân quân bắn hạ ở Davao. Duterte khi đó được biệt danh "Người trừng phạt". Ông Duterte đã biết cách khai thác tâm lý này của dân chúng, đề xuất những biện pháp ngắn hạn nhằm mục tiêu "giải quyết vấn nạn ma túy của đất nước".
Nhân rộng mô hình Davao trên toàn quốc
Lời hứa trong cuộc vận động tranh cử cuối cùng năm 2016: sẽ quét sạch tội phạm ma túy ở Philippines chỉ trong 6 tháng" bằng cách áp dụng "chính xác những gì tôi đã làm khi còn là thị trưởng Davao" đã giúp ông ghi điểm, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Ngay sau khi thắng cử, ông Duterte không mất nhiều thời gian để nhân rộng mô hình cuộc chiến chống ma túy ở Davao trên toàn Philippines. Ông công khai ra lệnh cho các sĩ quan cảnh sát nổ súng bắn chết bất cứ tội phạm ma túy nào, kể cả người nghiện, cam kết sẽ bảo vệ lực lượng hành pháp trước mọi thách thức pháp lý. Theo lệnh của ông, nhiều "Biệt đội tử thần" được cảnh sát thành lập theo mô hình ở Davao, thường xuyên tuần tra trên đường phố và nổ súng bắn hạ bất cứ người nào mà họ cho là tội phạm ma túy.
Trước diễn biến của chiến dịch chống ma túy ở Philippines, Liên Hợp quốc đã nhiều lần lên án các chính sách của ông Duterte vi phạm nhân quyền. Tháng 8.2016, hai chuyên viên nhân quyền Liên Hợp quốc cho biết chỉ thị của ông Duterte cho cảnh sát và người dân tiêu diệt nghi phạm ma túy "kích động bạo lực và giết chóc, và là tội ác theo luật quốc tế"
2. Tòa án Hình sự quốc tế vào cuộc với cáo buộc “phạm tội ác chống lại loài người” và hành trình trở thành “tội đồ” của cựu Tổng thống Duterte
Giới bình luận quốc tế cho rằng, những vụ bắn người kiểu hành hình như vậy đã gieo rắc kinh hoàng ở nhiều khu phố trên khắp đất nước Philippines. Bởi bên cạnh những kẻ phạm tội, không ít người dân vô tội đã chết một cách oan uổng. Điển hình là tháng 9.2016, gia đình nhà Domingo cáo buộc hơn 10 cảnh sát đã tham gia cuộc đột kích ban đêm, bắn hạ 2 bố con không có ma túy và vũ khí khiến 4 sỹ quan cảnh sát thuộc “Biệt đội tử thần” bị Tòa án vùng Manila kết án 6-10 năm tù vì giết hại nạn nhân vô tội (6.2024). Theo cảnh sát Philippines, đến cuối năm 2016, đã có hơn 6.000 người thiệt mạng trong chiến dịch chống ma túy do Tổng thống Duterte phát động.
Năm 2018, Toàn án Hình sự quốc tế đã mở cuộc điều tra nhằm vào Tổng thống Duterte với cáo buộc “phạm tội ác chống lại loài người” vì những hành động trong cuộc chiến chống ma túy kể từ 01.11.2011 khi ông còn là Thị trưởng Davao. Ông Duterte đã chỉ trích cuộc điều tra của ICC và từ chối hợp tác. Năm 2019, ông quyết định rút Philippines khỏi tổ chức này. Cuộc điều tra của ICC bị hoãn vào năm 2021 theo yêu cầu của chính quyền Duterte với lý do Philippines đã tự điều tra các cáo buộc giết người trái pháp luật.
Nhiệm kỳ 6 năm của Duterte kết thúc năm 2022, chính quyền thông báo hơn 6.200 kẻ “nghi phạm ma túy” đã bị bắn hạ. Song các nhóm nhân quyền ước tính con số trên thực tế lên đến khoảng 30.000 người cùng với hơn 340.000 người bị bắt giữ, cao hơn nhiều so với chính quyền công bố.
Sau mãn nhiệm của Duterte (5.2022), chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos tuyên bố dừng chiến dịch chống ma túy trên quy mô toàn quốc như cách người tiền nhiệm đã làm, cho rằng hoạt động này không phát huy hiệu quả. Hàng chục sĩ quan cảnh sát Philippines năm 2022 bị bắt, điều tra vì dính líu tới hoạt động buôn bán ma túy. Bộ trưởng Nội vụ Philippines Benjamin Abalos cho biết có những người thực thi pháp luật bán ma túy ngay trong văn phòng của họ. Ông Abalos hồi đầu năm 2023 kêu gọi các cảnh sát từ hàm đại tá tới cấp tướng tự nguyện từ chức để khôi phục niềm tin về các hoạt động chống ma túy. "Đây là một cách để thanh lọc hàng ngũ của chúng ta. Chúng ta hãy bắt đầu lại từ đầu", ông nói.
Đến năm 2023, ICC quyết định khởi động lại vụ án vì không tin tưởng vào tiến trình điều tra của chính quyền Duterte. Ngày 11.3.2025, Cảnh sát Philippines bắt ông Duterte theo lệnh của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol, tại sân bay Manila và dẫn giải đến The Hague, Hà Lan để ICC xét xử. Công ước Rome quy định ICC vẫn có quyền tài phán với những vấn đề xảy ra tại quốc gia trong thời gian nước đó là thành viên, do đó tòa có quyền điều tra, xét xử các hành vi phạm tội liên quan tới chiến dịch chống ma túy ở Philippines giai đoạn 2011-2019, trước khi nước này rút khỏi ICC theo lệnh của ông Duterte.
Đã hơn 7 năm kể từ khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) bắt đầu điều tra cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và cuộc chiến chống ma túy khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Điều gây tranh cãi ở đây là việc ông cho phép hành quyết nghi phạm mà họ cho là chống cự người thi hành công vụ mà không cần xét xử. Tổ chức An xá quốc tế cho biết, đã có hàng nghìn vụ việc hành quyết như vậy đã xảy ra.
3. Điều gì đang chờ đợi cựu Tổng thống Duterte tại Tòa Hình sự quốc tế
Sau cuộc bầu cử năm 2022, con gái của ông Duterte trở thành Phó Tổng thống Philippines trong chính quyền của Tổng thống Marcos. Thời gian đầu, F.Marcos từ chối hợp tác với ICC, nhưng đến cuối năm 2024, quan hệ giữa Tổng thống đương nhiệm với gia đình Duterte liên tục xấu đi với những cáo buộc lẫn nhau khiến lập trường của đương kim Tổng thống Philippines thay đổi.
Tháng 3.2025, chính quyền F.Marcos ra lệnh bắt giữ ông Duterte để chuyển giao cho Tòa ICC ở Hà Lan phục vụ điều tra. Lệnh bắt giữ từ ICC ngày 7.3.2025, ba nữ thẩm phán dày dạn kinh nghiệm cho rằng, họ có những “căn cứ hợp lý để tin rằng ông Duterte phải chịu trách nhiệm cá nhân về tội ác chống loài người”. Đồng thời thêm rằng, cựu Tổng thống Duterte đã sử dụng “Biệt đội tử thần Davao” cùng lực lượng hành pháp để “làm công cụ phạm tội” trong quá trình thực hiện chiến dịch chống ma túy cả khi ông là Thị trưởng Davao lẫn khi làm Tổng thống.
Theo thông báo của chính quyền Philippines, ông Duterte bị bắt tại Thủ đô Manila khi vừa từ Hong Kong trở về. Vụ việc diễn ra một ngày sau khi truyền thông địa phương tiết lộ Manila đã sẵn sàng giao nộp vị cựu lãnh đạo này. "Ông ấy đang bị chính quyền giam giữ" - AFP dẫn thông báo của Văn phòng Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr.
Được biết, cựu Tổng thống Duterte hiện đã được chuyển đến trung tâm giam giữ của ICC và trải qua quá trình tiền xét xử. Phiên tòa chính thức sẽ diễn ra khi các thẩm phán xác định có đủ bằng chứng. Nếu vụ án được đưa ra xét xử, bên công tố phải chứng minh được là ông Duterte có tội. Theo đó, mức án tối đa mà ông phải chịu có thể lên đến 30 năm hoặc tù chung thân nếu bị quy kết phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, ông cũng có thể phải bồi thường cho các nạn nhân bị giết hoặc kết tội oan. Tuy nhiên, ông cũng có quyền kháng cáo phán quyết của Tòa.
Trong sự kiện gần đây nhất (9.3.2025) khi phát biểu trước đám đông tại Hong Kong để vận động cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới (dự kiến vào ngày 12.5.2025) mà ông dự định sẽ tiếp tục tranh cử chức Thị trưởng Davao, Duterte nhấn mạnh, “Tôi có tội gì? Tôi đã làm mọi thứ vì hòa bình và cuộc sống yên bình cho người dân Philippines” và tỏ thái độ tiếp tục thách thức những cáo buộc và nỗ lực bắt ông từ ICC và chính quyền đương nhiệm. Trong đoạn video phát từ căn cứ không quân Villamor sau khi bị bắt và đưa về đây, ông lớn tiếng phản pháo: "Tôi đã phạm luật nào và tội gì? Hãy chứng minh cho tôi thấy cơ sở pháp lý cho việc tôi ở đây". Trong tuyên bố sau đó, ông yêu cầu "nếu tôi phạm tội, hãy truy tố tôi ở tòa án Philippines" và khẳng định "chúng tôi hoàn toàn không có gì để mất". Mặc dù đã bị bắt và đưa về trụ sở của Tòa Hình sự quốc tế, nhưng liệu ICC có thẩm quyền để xét xử ông Duterte hay không và ông có bị kết tội không vẫn là câu hỏi cần thời gian giải đáp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hành trình trở thành Tổng thống Philippines của ông Duterte, https://znews.vn/hanh-trinh-tro-thanh-tong-thong-philippines-cua-ong-duterte-post685445.html
2. Cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte diễn ra như thế nào, https://vnexpress.net/cuoc-chien-chong-ma-tuy-cua-ong-duterte-dien-ra-the-nao-vnepre-4860933.html
3. Cuộc chiến ma túy khiến cựu Tổng thống Philippines vướng vòng lao lý, https://dantri.com.vn/the-gioi/cuoc-chien-ma-tuy-khien-cuu-tong-thong-philippines-vuong-vong-lao-ly-20250314085149615.htm
Nguyễn Đình Thiện - Hoàng Thị Huyền