Ngày 05.11.2024 tới, bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ diễn ra. Có thể cuộc đua trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2024-2028 đã ngã ngũ trước khi bầu cử diễn ra nếu J.Biden không bị buộc phải từ bỏ “Đường đua”. Tuy nhiên, lịch sử luôn không chấp nhận từ “nếu”, nên đã khiến cuộc đua vào Nhà Trắng ở những giây phút cuối càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
1. Chiến thắng trong tranh luận ngày 27.6.2024 trở thành sai lầm của D.Trump khi khiến J.Biden sớm từ dã “Trường đua”
Sẽ không ngoa khi nói rằng, nếu D.Trump thất bại trong chiến dịch tranh cử này thì không những Ông mà đội ngũ cộng sự của Ông và cả Đảng Cộng hòa sẽ phải vô cùng hối tiếc vì một sai lầm trong tranh cử là đã loại J.Biden đương kim Tổng thống, đại diện cho Đảng Dân chủ quá sớm tại “Trường đua”.
Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden và đối thủ Đảng Cộng hòa cựu Tổng thống Donald Trump ngày 27.6.2024 (giờ Mỹ) đã tranh luận trực tiếp trong cuộc bầu cử năm 2024. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ một Tổng thống đương nhiệm tranh luận với một cựu Tổng thống.
Hãng tin Reuters nhận định, lợi thế về sức khỏe đang nghiêng về D.Trump, 78 tuổi, người có nhiều năng lượng trước đám đông, so với đối thủ già hơn là J.Biden, 81 tuổi. Bước vào tranh luận, ngoài việc công kích, tố cáo đời tư của nhau (D.Trump bị kết án trọng tội và có quan hệ tình ái ngoài luồng với Stormy Daniels; J.Biden bị chỉ trích có con trai là Hunter hôm 11.6.2024 bị kết tội với 3 trọng tội liên quan đến việc sử dụng súng khi đang nghiện ma túy...), trước những vấn đề về kinh tế như tốc độ tăng trưởng, lạm phát, thuế khóa... D.Trump dường như đã bỏ “bùa mê” khiến J.Biden mất phương hướng. Hãng Reuters nhận xét, các cử tri, ngay bây giờ, dường như đồng ý với ông Trump nhiều hơn ông Biden, với các cuộc thăm dò cho thấy họ ủng hộ ông Trump về chính sách liên quan tới kinh tế. Đồng thời, Hãng tin cũng nhận định: ông Biden có một số khoảnh khắc dường như mất tập trung khi nói về tình hình nợ công, nói nhầm từ "tỷ phú" thành "nghìn tỷ phú" trước khi tự sửa lại. Không những thế, trong khi tranh luận về chủ đề tăng thuế cho người giàu, ông Biden dường như không thể hoàn thành phát biểu và phải dừng lại một lúc khá lâu.
Sau màn đối đáp, các hãng tin lớn trên thế giới đều giật tít với phần thắng thuộc về D.Trump. Thăm dò của Ipsos ngay sau màn “khẩu chiến”, có 83% đảng viên đảng Dân chủ và 97% đảng viên đảng Cộng hòa đồng ý với nhận định rằng trong cuộc tranh luận vừa qua, ông Biden "đã vấp ngã và có vẻ già đi”. Các giám đốc chiến dịch tranh cử của D.Trump là Susie Wiles và Chris LaCivita đã tuyên bố Trump đã giành chiến thắng trước khi cuộc tranh luận kết thúc. Thông cáo báo chí trong chiến dịch tranh cử của D.Trump viết: “Tối nay, Tổng thống Trump đã mang đến màn tranh luận và chiến thắng tuyệt vời nhất tới lượng cử tri lớn nhất trong lịch sử".
Tuy nhiên, đây là chiến thắng được cho là không đúng thời điểm của cựu Tổng thống D.Trump. Chiến thắng đến quá sớm chỉ đánh bại được một ứng cử viên tiềm năng mà chưa phải là chiến thắng với đối thủ trực tiếp trên đường đua và xa hơn là chiến thắng với Đảng Dân chủ. Chính điều này có thể sẽ khiến D.Trump cùng cộng sự của ông trong Đảng Cộng hòa phải ôm hận nếu một lần nữa lại thất bại trong phần đua nước rút lần này.
2. Nhãn quan của cựu Chủ tịch Hạ viện Nacy Pelosi cùng sự ủng hộ của một số thành viên Đảng Dân chủ khiến J.Biden từ bỏ “đường đua”
Sau màn tranh luận được cho là đầy “tệ hại” của đương kim Tổng thống J.Biden, khoảng 33% đảng viên Đảng Dân chủ cho rằng ông Biden nên bỏ cuộc đua và tâm trạng trong Đảng đã bộc lộ những lo lắng về ứng cử viên cạnh tranh ghế Tổng thống Mỹ. Bà Pelosi – cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ là nhân vật cấp cao đầu tiên trong đảng Dân chủ công khai đặt câu hỏi liệu độ tuổi đã cao của ông Biden có phù hợp để tranh cử Tổng thống Mỹ. Sau đó, một loạt chính trị gia khác của đảng này, gồm cả cựu Tổng thống Barack Obama, cũng đề cập đến việc J.Biden dừng tranh cử. L.Doggett Nghị sĩ Đảng Dân chủ ca ngợi nhiệm kỳ đầu tiên "mang đến nhiều sự biến chuyển" của ông Biden. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đã đến lúc ông Biden nhường lại cho người khác quyền đối đầu ông Trump trong cuộc bầu cử ngày 5.11 sắp tới. Nghị sĩ Đảng Dân chủ Mike Quigley chia sẻ trên Đài CNN hôm 2.7.2024 rằng: "J.Biden cần thành thật với bản thân. Đó là quyết định của ông ta. Vào lúc này, tôi muốn ông ấy ghi nhận đầy đủ mức độ tác động của quyết định đó đến đâu, không chỉ với cuộc đua của ông ấy mà còn với tất cả các cuộc đua khác vào tháng 11 này”.
Căng thẳng hơn, một số nhà bình luận chính trị, trong đó có ban biên tập của tờ The New York Times, đã kêu gọi Tổng thống Biden từ chức và cho biết nhiều nhà tài trợ hàng đầu đã tham vấn các cố vấn chính trị về việc có thể thay thế ông Biden trước hoặc trong Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ vào tháng 8 tới. Tờ Washington Post cho rằng, màn tranh luận đã đặt ra câu hỏi về việc liệu ông Biden có thể đảm đương công việc khó khăn này thêm 4 năm nữa hay không.
Đề cập đến vấn đề tuổi tác của bản thân, ông Biden thừa nhận, ngay từ cách đây 4 năm, khi tranh cử ở tuổi 78 với tư cách ứng viên của đảng Dân chủ, ông đã giữ tâm thế của một “Tổng thống chuyển tiếp” với “nghĩa vụ với quốc gia là làm điều quan trọng nhất trong khả năng của mình – đánh bại ông Trump”.
Thất bại trong tranh luận của J.Biden với D.Trump đã khiến Đảng Dân chủ nhìn nhận lại ứng cử viên của chính mình và đi đến thay ngựa giữa dòng với kỳ vọng, “đổi chủ nhằm thay đổi vận”. Ngày 21.7.2024, J.Biden chính thức tuyên bố rút khỏi cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 47. Đảng Dân chủ cũng trình làng ứng cử viên mới là bà Kamala Harris. Cuộc đối đầu giữa D.Trump với ứng cử viên mới của Đảng Dân chủ - đương kim Phó Tổng thống K.Harris trên đường vào Nhà Trắng ngay từ đầu đã trở nên khốc liệt. Và những điểm yếu của J.Biden mà D.Trump khoét vào trước đây là trở thành tử huyệt của D.Trump để ứng viên của Đảng Dân chủ xoáy vào.
3. “Oái oăm” trong hệ thống bầu cử ở Mỹ khiến ai chiến thắng trở nên khó đoán định
Hệ thống đại cử tri là phương thức bầu cử “oái oăm” mà người Mỹ sử dụng để lựa chọn Tổng thống. Mỗi bang ở Mỹ có một số lượng đại cử tri nhất định, bằng tổng số nghị sĩ đại diện cho bang đó tại Quốc hội. Số nghị sĩ đại diện cho mỗi bang lại được phân bổ dựa theo cuộc điều tra dân số được tiến hành 10 năm một lần. Quốc hội Mỹ hiện có tổng cộng 535 thành viên đại diện 50 bang, tương ứng với 535 lá phiếu đại cử tri. Thủ đô Washington tuy không có đại biểu trong Quốc hội nhưng cũng được nhận ba phiếu đại cử tri. Và như vậy, Mỹ có tổng cộng 538 phiếu đại cử tri. Người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cần giành được ít nhất 270 phiếu.
Cách bầu cử nói trên khiến trên thực tế, người dân Mỹ không phải là người trực tiếp bầu ra Tổng thống mà chỉ bầu cho nhóm đại cử tri của mỗi đảng tại bang mà họ sinh sống. Ai giành chiến thắng ở bang nào sẽ giành được toàn bộ số phiếu đại cử tri thuộc bang đó. Cách bầu cử này cũng dẫn đến những tình huống trớ trêu - Một ứng viên có thể giành được ít số phiếu bầu phổ thông hơn nhưng lại chiến thắng cuộc bầu cử theo hệ thống đại cử tri. Điều này từng xảy ra vài ba lần trong thế kỷ 19. Gần đây nhất, trong cuộc đua vào Nhà Trắng (2016), D.Trump thua kém đối thủ Hillary Clinton khoảng ba triệu phiếu bầu phổ thông nhưng lại giành được 304 phiếu đại cử tri (hơn H.Clinton 70 phiếu đại cử tri). Trước đó, năm 2000, ứng viên Đảng Cộng hòa George W. Bush cũng thua về số phiếu phổ thông nhưng đánh bại ứng viên Đảng Dân chủ Al Gore nhờ giành đa số phiếu đại cử tri. Do vậy, ngoài những bang được cho là “Thánh địa” của mỗi bên thì các bang chiến trường trở thành “chiến địa” - nơi quyết định mà cả 2 bên đều tìm cách giành giật.
Bang chiến trường được hiểu là những bang có số phiếu đại cử tri lớn và không ứng viên đảng nào giành lợi thế rõ ràng trong các cuộc bầu cử. Theo các trang tin quốc tế, năm nay, con đường vào Nhà Trắng của hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris sẽ phụ thuộc vào kết quả tại các bang chiến trường, gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Bắc Carolina, Pennsylvania và Wisconsin...
Cụ thể, dân số và số phiếu đại cử tri ở các bang “chiến địa” này như sau: (1) Pennsylvania, với 19 phiếu đại cử tri và dân số 13 triệu người, được coi là bang chiến trường "đáng giá nhất" mà hai ứng viên đều muốn thắng; (2) Georgia, bang có dân số 11 triệu người và nắm 16 phiếu đại cử tri; (3) Bắc Carolina, với dân số 10,8 triệu người và nắm 16 phiếu đại cử tri; (4) Michigan, với dân số 10 triệu người và có 15 phiếu đại cử tri; (5) Arizona, bang ở tây nam Mỹ với gần 7,4 triệu dân, nắm 11 phiếu đại cử tri; (6) Wisconsin, với 5,9 triệu dân và 10 phiếu đại cử tri; (7) Nevada, với 3,2 triệu dân và 6 phiếu đại cử tri (được coi là bang dao động hàng đầu trong các bang dao động).
Như vậy, chiến địa của 2 bên là giành giật cho được càng nhiều càng tốt trong tổng số 93 phiếu đại cử tri của các bang nói trên. Ngoài các bang chiến trường, theo giới bình luận quốc tế, Florida và Texas được xem như những bang có ảnh hưởng lớn đến cục diện cuối cùng của bầu cử với xu hướng có lợi cho Đảng Dân chủ. Florida vốn là thánh địa của Đảng Cộng hòa nhưng cũng từng chuyển xanh hai lần vào năm 2008 và 2012, ủng hộ cho Tổng thống B.Obama. Trong 8 cuộc bầu cử gần nhất, phe Cộng hòa thắng bang này với chênh lệch không quá lớn. Tuy nhiên, hầu hết thăm dò cho thấy ông Trump vẫn đang dẫn trước bà Harris tại Florida. Bang Texas chưa từng bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ kể từ năm 1976, nhưng năm nay là lần đầu tiên giới thăm dò nói có thể xảy ra kịch bản bang miền nam này chuyển xanh. Đây là yếu tố bất lợi cho D.Trump nếu kịch bản này xảy ra. Bởi, Texas là bang đông dân thứ hai Mỹ, với 30 triệu người và nắm tới 40 phiếu đại cử tri (sau Caliphornia 54 phiếu).
Đường đến Nhà Trắng cần phải “kinh qua” đủ 51 bang nước Mỹ. Tuy nhiên, những bang nêu trên thực sự là những “cửa ải” tranh giành khốc liệt mà các ứng cử viên cần phải vượt qua bằng cách chiến thắng chính đối thủ của mình và giành được toàn bộ số phiếu đại cử tri ở đây. Giới phân tích và bình luận quốc tế đều đang chờ đợi “trận chung kết” của một cuộc đấu tay đôi giữa D.Trump của Đảng Cộng hòa và K.Harris của Đảng Dân chủ với những mánh lới chính trị cùng thủ đoạn mà 2 đảng và 2 đối thủ cùng mang ra phô diễn. Điều lý thú là, chính trường Mỹ không tuân theo bất cứ một quy tắc hay quy luật nào. Màn kịch trong bầu cử Tổng thống chỉ thực sự khép lại với kết quả cuối cùng được công bố và kẻ thắng cuộc tuyên thệ nhậm chức. Mọi dự đoán trong hiện tại chỉ là một góc nhìn tuân theo một trật tự logic chủ quan trong một thể chế xã hội không logic. Hãy nhớ rằng, với nước Mỹ, mọi điều đều có thể xảy ra./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. https://vnexpress.net/7-bang-chien-truong-dinh-doat-bau-cu-tong-thong-my-2024-4802138.html;
2. https://vietnambiz.vn/giai-ma-he-thong-dai-cu-tri-roi-ram-cua-my-20241031634698.htm;
Đình Thiện – Nguyễn Thuý