Bầu cử Tổng thống Nga năm 2024 - bất ngờ liệu có xảy ra

Hôm nay, ngày 15.3.2024, cuộc bầu cử Tổng thống Nga lần thứ 8 bắt đầu diễn ra. Trước đó, ngày 8.12.2023, Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC) tuyên bố, cuộc bầu cử Tổng thống Nga sẽ diễn ra từ ngày 15-17.3.2024. Đây là cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 8 và là cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên ở Nga sau khi cuộc xung đột với Ukraine nổ ra năm 2022. Điều đáng chú ý là, đây là lần thứ 5 Tổng thống Vladimir Putin tham gia tranh cử - sự kiện này nhận được nhiều sự chú ý ở cả trong và ngoài nước Nga.

Hình ảnh các ứng cử viên Tổng thống trên phiếu bầu cử. Ảnh CNN.

1. Thể lệ bầu cử và chân dung các ứng cử viên tham gia tranh cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ 2024-2030

Theo quy định của pháp luật Nga, các ứng cử viên được Duma Quốc gia Nga đề cử có thể trực tiếp tranh cử. Các ứng cử viên do các chính đảng đề cử không có đại diện trong Duma Quốc gia hoặc trong 1/3 số nghị viện địa phương của Nga cần thu thập 100.000 chữ ký ủng hộ. Sau khi thông qua xem xét, các ứng cử viên độc lập phải thu thập 300.000 chữ ký ủng hộ từ ít nhất 40 chủ thể liên bang. Theo quy định của cuộc bầu cử Tổng thống Nga, trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, ứng cử viên giành được trên 50% số phiếu sẽ trở thành Tổng thống. Nếu không có ai giành được trên 50% số phiếu trong vòng này, vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ diễn ra sau 3 tuần giữa hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất, theo đó, người có số phiếu cao hơn sẽ trở thành Tổng thống.

Để bảo đảm an ninh cho bầu cử ở Nga diễn ra an toàn và minh bạch, CEC tập trung vào các quy tắc bầu cử và không ngừng hoàn thiện trình tự bầu cử. Sau khi thử nghiệm và điều chỉnh trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018, sửa đổi Hiến pháp năm 2020 và cuộc bầu cử Duma quốc gia năm 2021, Nga đã hoàn thiện một bộ quy tắc bầu cử được cho là khá hiệu quả. Đồng thời, chính quyền Trung ương và địa phương Nga cũng đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ và sẽ thúc đẩy cuộc bỏ phiếu diễn ra suôn sẻ trên cơ sở đảm bảo an toàn cho cử tri. Để bảo đảm số lượng cử tri cao nhất tham gia bầu cử, CEC còn kéo dài thời gian bỏ phiếu lên 3 ngày; cho phép khoảng 38 triệu cử tri ở 29 khu vực bỏ phiếu theo hình thức điện tử và cho các khu vực khó tiếp cận và vùng sâu vùng xa được tiến hành bỏ phiếu trước 1 tháng.

Nhằm giảm thiểu tác động của các yếu tố phức tạp bất hòa, Duma quốc gia Nga tăng cường bảo đảm lập pháp và “làm sạch” môi trường dư luận ở mức độ lớn nhất. Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, Nga đã quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức xã hội, giám sát chặt chẽ các pháp nhân và blogger có thể công bố thông tin, đồng thời nhiều lần mở rộng phạm vi xác định các cá nhân hay tập thể đại diện cho lợi ích của nước ngoài và các tổ chức không được “hoan nghênh”. Về các hoạt động liên quan đến bầu cử, tháng 11/2023, Putin đã ký luật: Chỉ có những công dân được cấp phép mới được chụp ảnh và quay video ở các điểm bỏ phiếu; ngoài các phương tiện truyền thông theo quy định, việc quay phim và chụp ảnh ở điểm bỏ phiếu trong các đơn vị quân đội hoàn toàn bị cấm.

Đồng thời, các cơ quan liên quan như Văn phòng Tổng thống Nga, CEC, Duma quốc gia Nga cùng phối hợp để đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra thuận lợi. Dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Tổng thống Nga, người đứng đầu các chủ thể liên bang Nga đã tăng cường trao đổi với người dân để giải quyết các vấn đề đời sống xã hội của họ. Văn phòng Tổng thống Nga còn tổ chức các hội thảo chính sách trong nước dành cho quan chức địa phương và ủy ban bầu cử khu vực để tổng kết kinh nghiệm bầu cử địa phương và xây dựng các kế hoạch trong tương lai, nỗ lực đảm bảo cuộc bầu cử được diễn ra thuận lợi và ngăn chặn nguy cơ can thiệp từ bên ngoài.

Sau khi CEC thông báo, các chính đảng của Nga đã tổ chức Đại hội đại biểu để xác định ứng cử viên và xây dựng cương lĩnh tranh cử. Các ứng cử viên độc lập cũng chuẩn bị các điều kiện và nộp đơn đăng ký. Tính đến ngày 26.12.2023, CEC đã tiếp nhận 33 đơn đăng ký tranh cử, đồng thời công bố thông tin cá nhân của một số ứng cử viên. Theo truyền thông nước ngoài, Đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR) đề cử Leonid Slutsky, Chủ tịch đảng và Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga tham gia tranh cử. Đảng Nhân dân mới của Nga vào Quốc hội lần đầu tiên năm 2021 đề cử Vladislav Davankov, 39 tuổi, hiện đang là Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga và là ứng cử viên trẻ nhất tham gia tranh cử. Ngoài các chính đảng trong Quốc hội, các đảng như đảng Sáng kiến Công dân, Liên minh nhân dân toàn nước Nga, đảng Chính nghĩa và Tự do cũng đề cử các ứng cử viên mà đảng mình ủng hộ. Đương kim Tổng thống Putin sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ lần thứ 5 với tư cách ứng cử viên độc lập.

2. Gương mặt sáng giá trong cuộc bầu cử lần này để trở thành Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ 2024-2030

Trong các ứng cử viên tranh cử lần này, nhận được nhiều sự chú ý nhất là đương kim Tổng thống Putin, người đang tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập và cựu nữ nhà báo truyền hình Yekaterina Dontsova. Nhất là khi bà lên tiếng kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ukraine và trả tự do cho các nhà hoạt động, trong đó có Thủ lĩnh phe đối lập ở Nga – Alexei Navany. Mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm, nhưng bà không thể vượt qua được các bước xét duyệt của CEC vì hồ sơ do bà Duntsova nộp lên có “sai sót” nên không đủ tư cách tranh cử. 

Sau khi cựu nhà báo Duntsova bị loại, giới truyền thông đánh giá sẽ chẳng có bất ngờ nào đối với ông trong cuộc đua giành vị trí Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ này. Sở dĩ như vậy là bởi uy tín cũng như vị thế đương kim Tổng thống và chính quyền đương nhiệm của ông đã tính toán rất kỹ cho sự thắng lợi của Putin trong cuộc bầu cử lần này.

Một là, tham gia tái tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập: Việc Putin tái tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập được xem là sự cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Giới bình luận quốc tế đánh giá: Bản chất phi đảng phái của các ứng cử viên khiến họ có tính đại diện cao hơn, có lợi hơn cho việc thu hút được nhiều cử tri thay vì chỉ đại diện cho một chính đảng hoặc một tổ chức nào đó. Tham gia tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập có nghĩa là Putin nhận được nhiều sự tín nhiệm của người dân Nga, hoàn toàn có thể tập hợp được sức mạnh và đoàn kết được quần chúng nhân dân thay vì đại diện cho một đảng phái.

Hai là, Putin có sự hậu thuẫn của đảng cầm quyền và những bất lợi của các ứng cử viên khác tranh đua với ông. Theo đó, đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền sẽ tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ chiến dịch tranh cử của Putin. Xét từ tình hình bầu cử hiện nay, các ứng cử viên mà các chính đảng khác ở Nga đề cử đều đã tuổi cao sức yếu hoặc thiếu kinh nghiệm chính trị, năng lực và ảnh hưởng cũng không bằng Putin, các ứng cử viên độc lập khác lại gặp nhiều khó khăn để thu thập đủ chữ ký.

Trong số các chính đảng ở Quốc hội Nga, đảng Nước Nga Thống nhất và đảng Nước Nga công bằng-Vì sự thật đều ủng hộ Putin tranh cử mà không đề cử các ứng cử viên khác. Đảng Cộng sản Liên bang Nga đề cử cựu quân nhân Nikolai Kharitonov, hiện là Chủ tịch Ủy ban phát triển vùng Viễn Đông và Bắc cực thuộc Duma quốc gia Nga (Hạ viện). Tuy nhiên, trong lịch sử, ông từng thay mặt Đảng Cộng sản Nga tham gia cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004 và chỉ giành vị trí thứ hai với gần 13,7% phiếu bầu. 

Ba là, kinh nghiệm chính trường của Putin và hoạt động vận động tranh cử được liên kết chặt chẽ bởi chính quyền đương nhiệm. Kể từ tháng 11.2023, Putin thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện như Diễn đàn văn hóa quốc tế St. Petersburg, Đại hội người nói tiếng Nga trên toàn thế giới, Hội nghị học giả trẻ, Diễn đàn đầu tư "Nước Nga đang kêu gọi" do VTB Capital tổ chức và Ngày các anh hùng Tổ quốc. Ngày 8/12/2023, Putin chính thức tuyên bố tranh cử tại sự kiện kỷ niệm Ngày các anh hùng Tổ quốc. Ngày 14/12/2023, tại cuộc họp báo thường niên và được phát sóng trực tiếp, Putin đã trả lời 67 câu hỏi trong hơn 4 giờ đồng hồ, trình bày toàn diện quan điểm của mình về cuộc khủng hoảng Ukraine, tình hình phát triển của Nga cũng như mối quan hệ giữa Nga với phương Tây, mối quan tâm của người dân. Trước cuộc bầu cử, việc Putin có các cuộc tiếp xúc với người dân, các giới như giới học thuật, văn hóa, tôn giáo, kinh doanh, quân đội không chỉ giúp ông đến gần hơn với cử tri thuộc mọi tầng lớp xã hội, thể hiện được sự tự tin và tích cực, mà còn gạt bỏ những tin đồn thất thiệt về tình hình sức khỏe của ông, cho thấy Putin vẫn có thể gánh vác trọng trách khi tái đắc cử Tổng thống Nga.

Để đoàn kết nhân dân và nâng cao lòng tự hào dân tộc, một triển lãm quốc tế mang tên "Nước Nga" đã khai mạc tại Phòng triển lãm thành tựu kinh tế quốc gia ở Moskva vào ngày 4/11/2023 (Ngày thống nhất dân tộc Nga). Triển lãm sẽ kéo dài trong 161 ngày, cho đến hết Ngày hàng không và vũ trụ Nga vào ngày 12/4/2024, để giới thiệu những thành tựu phát triển của Nga dưới thời Putin.

Bốn là, tình hình kinh tế-xã hội ở Nga dù bị bao vây, cấm vận cùng hàng nghìn các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhưng tiếp tục ổn định và có bước tăng trưởng mạnh tạo nên sự tự tin của Putin trong lần tranh cử này. Trong bối cảnh xung đột căng thẳng Nga-Ukraine, Nga tiếp tục duy trì ổn định trong nước và có nhiều biện pháp giảm nhẹ tác động của cuộc chiến. Về đối nội, Nga đẩy mạnh đầu tư vào sinh kế của người dân, nâng cao rõ rệt mức lương hưu, trợ cấp sinh hoạt và lương hưu tối thiểu... Đồng thời, tác động của Thông điệp Liên bang được Putin trình bày ngày 29.02.2024 vừa qua cũng gây hiệu ứng không nhỏ về niềm tin trong đại bộ phận nhân dân Nga. 

Năm là, giới tinh hoa Nga cơ bản đều ủng hộ các quyết sách của Trung ương và người dân được hưởng lợi từ nhiều khoản trợ cấp khác nhau của Chính phủ. Nền kinh tế Nga có khả năng phục hồi cao, thông qua việc tăng cường đầu tư và mở rộng mua sắm của Chính phủ. Tài chính Nga trong năm 2023 cơ bản ổn định, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 3,5% và trở lại mức trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine (24.02.2022). Về đối ngoại, Nga chủ động phá vỡ thế bị cô lập, vẫn có thể duy trì các mối quan hệ đối tác có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh và kinh tế của nước này. Đầu tháng 12.2023, Putin liên tiếp đến thăm Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, mở rộng các kênh nhập khẩu và củng cố ảnh hưởng của Putin trên thị trường dầu mỏ.

Trên chiến trường, cuộc xung đột Palestine-Israel đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, nguồn viện trợ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine trong năm 2024 hiện vẫn chưa được quyết định. Quân đội Ukraine gặp nhiều khó khăn do nguồn hỗ trợ chậm và buộc phải chuyển từ tấn công sang phòng thủ. Trong khi đó, năng lực sản xuất công nghiệp quốc phòng của Nga không ngừng được mở rộng, đạn dược được cung cấp đầy đủ, tái phát động các cuộc tấn công mới, có thể sẽ tiếp tục đạt được các mục tiêu trong “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Nhật báo Kommersant của Nga bình luận rằng bầu cử thời chiến phải có “tác dụng chữa lành tâm lý”, cho thấy cuộc sống bình thường mà không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào. Và Putin đã làm được điều đó.

3. Liệu có bất ngờ xảy ra trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga lần này?

Mặc dù có sự chuẩn bị khá chu đáo để không thể xảy ra bất ngờ, tuy nhiên bầu cử vẫn thu hút được nhiều sự chú ý, nhất là mong muốn của phương Tây về một sự thay đổi có thể xảy ra ở nước Nga. Nếu bất ngờ xảy ra, theo giới phân tích quốc tế, những yếu tố gây nên bất ngờ là do:

Thứ nhất, chiến sự kéo dài ở Ukraine đã bước sang năm thứ 3, vượt ra ngoài dự định của Putin, kéo theo tình hình an ninh ở Nga có phần xấu đi. Năm 2023, Ukraine thường xuyên tiến hành các hoạt động tấn công, quấy phá tại các khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine. Không những thế các thành phố lớn của Nga như Moskva và St. Petersburg cũng nhiều lần xảy ra các vụ việc như máy bay không người lái tấn công, đánh bom…. Gần đây, cây cầu Kech vượt biển dài nhất thế giới nối liền Nga với bán đảo Crimea và các cảng ở phía Đông Crimea và Biển Đen cũng liên tục bị không kích. Từ ngày 29-30.12.2023, thành phố Belgorod của Nga lại bị tên lửa Ukraine tấn công, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng và 110 người bị thương. Tình hình chiến sự thay đổi bất ngờ, Tổng thống Ukraine V.Zelensky đã tái khẳng định mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ và không loại trừ khả năng sẽ tăng cường tấn công để gây bất ổn ở hậu phương của Nga. 

Thứ hai, tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế Nga đang chưa được giải quyết. Điểm mấu chốt để Nga duy trì hoạt động bình thường của nền kinh tế là liệu có thể tiến hành hoạt động thương mại xuất nhập khẩu để giành lấy dòng tiền ổn định thông qua xuất khẩu năng lượng hay không. Cùng với việc Mỹ và châu Âu liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, một số chỉ số kinh tế của Nga đang thay đổi. Truyền thông thế giới dẫn dụ: Từ tháng 01-11.2023, xuất khẩu giảm và nhập khẩu tăng, khiến thặng dư cán cân thanh toán của Nga giảm xuống còn 50,5 tỷ USD, chỉ bằng 22% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, gần đây các nước phương Tây đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga: Tháng 10.2023, Mỹ trừng phạt hai tàu chở dầu và chủ tàu vì cho rằng dầu mà hai tàu này đang vận chuyển có giá vượt trần 60 USD/thùng (áp với dầu của Nga). Đây là lần đầu tiên liên minh giới hạn giá có hành động kiểu này; tháng 12.2023, Mỹ tiếp tục trừng phạt 3 công ty thương mại và 1 công ty vận chuyển dầu liên quan đến giao dịch dầu mỏ của Nga. Không những thế, Mỹ còn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Tháng 11/2023, Mỹ đã đưa dự án LNG-2 ở Bắc Cực của Nga vào danh sách trừng phạt, buộc các đối tác quốc tế của Nga phải rút lui và công kích kế hoạch tăng thị phần của Nga ở thị trường LNG quốc tế. Ngoài ra, các yếu tố như thiếu hụt lao động, hạn chế về trang thiết bị kỹ thuật vẫn sẽ là những nguyên nhân chính hạn chế quá trình chuyển đổi kinh tế của Nga.

Thứ ba, niềm tin vào chiến thắng của Nga trong cuộc xung đột có xu hướng giảm và sự chán ghét của người dân Nga đối với chiến tranh dần lộ rõ. Năm 2024, do chi tiêu quốc phòng của Nga tăng gần 70%, nên chi tiêu cho sinh kế của người dân và phát triển kinh tế chỉ có thể giảm đi. Sự bất mãn đối với chiến tranh và các vấn đề sinh kế của người dân có thể sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của cử tri Nga. Cuộc thăm dò của Quỹ dư luận xã hội Nga về mong muốn trong năm mới cho thấy ngoài việc tăng thu nhập, mong muốn lớn nhất của người dân Nga là chấm dứt “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Giới bình luận quốc tế nhận xét: Rõ ràng, cuộc chiến với Ukraine đã trở thành một phần trong cuộc sống và là thực tế không thể trốn tránh đối với người dân Nga.

Thứ tư, sự thù hận của Mỹ và phương Tây đối với Putin và âm mưu quyết tâm làm thay đổi thể chế ở nước này. Cùng với tuyên bố của Tổng thống Pháp Macron về việc trực tiếp đưa quân vào can thiệp trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và cuốn băng bị rò rỉ của Đức, ngày 07.03.2024 vừa qua, trong Thông điệp Liên bang Mỹ, Tổng thống J.Biden tuyên bố, coi Putin như Hitler thời mới và sẽ tìm mọi cách để hạ bệ Putin. Và như vậy, can thiệp vào bầu cử ở Nga để Putin không thể giành chiến thắng chắc chắn sẽ là điều mà Mỹ và phương Tây tính đến.

Bầu cử Tổng thống là nhằm lựa chọn và tìm ra người có đủ uy tín và năng lực lãnh đạo đất nước trong cả một nhiệm kỳ. Với Nga, đó là một nhiệm kỳ kéo dài tới hơn ½ thập kỷ cùng với bối cảnh hiện tại của đất nước nên càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng hơn. Dù kết quả có thể được báo trước, nhưng những yếu tố gây bất ngờ là điều không thể bỏ qua. Kết quả như thế nào vẫn còn là điều được chờ đợi ở hồi kết, nhưng một nước Nga hòa bình, ổn định và hùng mạnh vẫn là điều mà toàn thể Nhân dân Nga mong đợi sau cuộc bầu cử lần này.

 Đình Thiện – Hồng Minh

Tài liệu tham khảo

1. BA QUAN ĐIỂM VỀ CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG NGA NĂM 2024
(Tạp chí “Tri thức thế giới”, Trung Quốc, số 2/2024). Nguồn TTXVN, ngày 14.3.2024.

2. PUTIN KIỂM SOÁT NGƯỜI DÂN NGA NHƯ THẾ NÀO?
(Trang mạng spiegel.de, ngày 26/2/2024). Nguồn TTXVN, ngày 14.3.2024.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website