Ngày 04/10/2019, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ trọng điểm “Xung đột xã hội và những vấn đề đặt ra đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở nước ta hiện nay” do đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân làm Chủ nhiệm.
Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ trọng điểm do đồng chí Trung tướng, PGS.TS Trần Minh Thư, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an làm Chủ tịch; các đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Phí Đức Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Ủy viên phản biện 1; Đại tá Phan Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Ủy viên phản biện 2; Trung tướng, PGS.TS Hoàng Kông Tư, nguyên Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, Ủy viên Hội đồng; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Ủy viên Hội đồng; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Toản, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Ủy viên Hội đồng; Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Ủy viên Hội đồng; Thiếu tướng, PGS.TS Bạch Thành Định, nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Ủy viên Hội đồng; Trung tá Giản Quốc Bình, Phó Trưởng phòng, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Ủy viên Thư ký. Tham gia buổi nghiệm thu còn có đại diện một số đơn vị chức năng và các thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài.
Đồng chí Trung tướng, PGS.TS Trần Minh Thư, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an, Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại buổi nghiệm thu
Đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài
Phát biểu tại buổi nghiệm thu, đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Chủ nhiệm đề tài đã nêu bật quá trình tổ chức, triển khai nghiên cứu đề tài một cách nghiêm túc, trách nhiệm, tranh thủ được ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà thực tiễn có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Qua đó, kết quả đề tài khẳng định và làm rõ hơn hệ thống lý luận về xung đột xã hội và phòng ngừa, giải quyết xung đột xã hội với tư cách là hiện tượng xã hội có tính lịch sử gắn liền với sự hình thành, phát triển của giai cấp và nhà nước; là biểu hiện của những mâu thuẫn không thể giải quyết được đã phát triển lên đến đỉnh điểm, bộc lộ ra bằng những lời lẽ, hành động va chạm, chống đối lẫn nhau. Xung đột xã hội có cả mặt tích cực và tiêu cực; có liên quan chặt chẽ, mật thiết với an ninh, trật tự. Phòng ngừa, giải quyết xã hội là là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. Trong đó, Công an nhân dân là “hạt nhân”, nòng cốt trong phòng ngừa, ngăn chặn những xung đột xã hội xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh, xử lý những hành vi kích động gây xung đột xã hội, lợi dụng xung đột xã hội để xâm phạm an ninh, trật tự; chủ động nhận diện, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương trong phòng ngừa, giải quyết xung đột xã hội.
Đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Phí Đức Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Ủy viên phản biện 1 phát biểu tại buổi nghiệm thu
Đồng chí Đại tá Phan Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Ủy viên phản biện 2 phát biểu tại buổi nghiệm thu
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học, Hội đồng đã tham gia đánh giá, góp ý trực tiếp vào báo cáo tổng luận đề tài và các tài liệu liên quan. Các thành viên Hội đồng cho rằng, việc nghiên cứu đề tài là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn công tác của lực lượng Công an nhân dân. Đây là vấn đề rất khó và mới về mặt lý luận, song Ban Chủ nhiệm đề tài đã giải quyết tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Kết quả đề tài là kênh tham khảo, chỉ dẫn nghiệp vụ quan trọng đối với Công an các đơn vị, địa phương trong việc phòng ngừa, giải quyết các xung đột xã hội trong thời gian tới; đồng thời, là tài liệu tham khảo, nghiên cứu quan trọng đối với các học viện, trường Công an nhân dân trong nghiên cứu, giảng dạy những vấn đề liên quan đến nhận diện, phòng ngừa, quản lý và giải quyết an ninh, trật tự dưới góc độ an ninh, trật tự; là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà khoa học, hoạt động thực tiễn trong và ngoài Công an nhân dân khi nghiên cứu, tiếp cận vấn đề xung đột xã hội.
Kết luận buổi nghiệm thu, Hội đồng đánh giá cao những cố gắng, tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học và kết quả nghiên cứu của Ban Chủ nhiệm. Đồng thời, đề nghị Ban Chủ nhiệm tiếp thu ý kiến góp ý của các Ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng để hoàn thiện báo cáo tổng luận đề tài.
Ban Chủ nhiệm đề tài và các đồng chí đại biểu tại buổi nghiệm thu
Hội đồng thống nhất cao đánh giá nghiệm thu đề tài đạt loại xuất sắc.
Đức Thành