Trong trận chiến chống đại dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết của dân tộc, tạo nên sức mạnh và niềm tin để Việt Nam vững vàng vượt qua đại dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch. Trong trận chiến chống dịch, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết của dân tộc, tạo nên sức mạnh và niềm tin để Việt Nam vững vàng vượt qua đại dịch.
Đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam, được hun đúc trong chiều dài lịch sử, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Trong lịch sử, sức mạnh của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc với cơ sở đoàn kết đã tạo cho cộng đồng người Việt sức mạnh để chiến thắng giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên suốt quá trình dựng nước và giữ nước trong buổi bình minh lịch sử. Thời kỳ Bắc thuộc trên một ngàn năm, dù bị áp đặt ách thống trị và bóc lột tàn bạo, nhưng nhân dân ta đã đoàn kết, kiên cường đấu tranh, đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt, đánh bại ý chí xâm lược của nhà Nam Hán, kết thúc hoàn toàn thời kỳ bị phong kiến phương Bắc đô hộ, giành độc lập tự chủ cho dân tộc. Sử sách cho thấy, truyền thống đoàn kết của dân tộc được phát huy cao độ trong các triều đại phong kiến Việt Nam đã đem lại thắng lợi trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Mỗi khi đất nước đứng trước những thời cơ, thách thức mới, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có thư kêu gọi toàn quốc như: Thư kêu gọi khởi nghĩa vào tháng 8/1945; Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946); Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ cứu nước (năm 1966) để huy động sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Nhờ sức mạnh đoàn kết của toàn dân, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ, dù phải đương đầu với những kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn mình nhiều lần, nhưng dưới dự lãnh đạo của Đảng con thuyền cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu rộng tới đời sống nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân cần tập trung mọi nguồn lực, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Tổng Bí thư kêu gọi: “Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng” là lời hiệu triệu, tiếp thêm động lực, ý thức trách nhiệm chung cho toàn Đảng, toàn dân đẩy lùi dịch bệnh.
Những ngày qua, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái “mình vì mọi người và mọi người vì mình”, “thương người như thể thương thân” đã được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã tích cực tham gia ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19. Những tấm lòng, sự đoàn kết, sự sẻ chia của nhân dân, những tấm gương nhân ái, người tốt, việc tốt ở khắp các địa phương đã được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng: Người góp tiền, người góp công, người góp nhu yếu phẩm ủng hộ, phát cơm miễn phí…; những đội xung kích tình nguyện “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm bắt tình hình và hỗ trợ kịp thời cho người dân yếu thế; sự tự nguyện của đội ngũ y, bác sĩ đã nghỉ hưu, của sinh viên các trường Y, các trường Công an nhân dân, Quân đội nhân dân xung phong ra tuyến đầu chống dịch; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trên tuyến đầu và cả ở hậu phương trong chiến dịch phòng, chống COVID-19; sự đoàn kết của những chiến binh áo trắng các tỉnh thành không quản ngại hiểm nguy, nơi không có dịch tăng cường lực lượng hỗ trợ nơi có dịch để tổ chức xét nghiệm, cách ly, chăm sóc, cứu chữa cho các bệnh nhân… Sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ để không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh đã thể hiện quyết tâm, sự đoàn kết trong phòng, chống dịch bệnh của cả dân tộc. Tất cả đều đáng trân trọng và góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, góp sức cho cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID-19.
Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của nhân dân, Việt Nam đã khống chế thành công cả 3 đợt dịch bùng phát trong cộng đồng, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, coi là tấm gương trong phòng chống dịch COVID-19.
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 bùng phát lần 4 này, diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, số ca nhiễm tăng cao, nhưng sự đồng lòng của nhân dân chắc chắn sẽ là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường mới. Lời kêu gọi Tổng Bí thư thể hiện niềm tin tất thắng để Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19, “góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta”./.
TS Tống Thị Nga, Học viện Chính trị CAND
Nguồn Báo điện tử Đảng cộng sản