Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, luôn tìm cách để chia rẽ, phá hoại nội bộ lực lượng vũ trang, tăng cường các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc nhằm thực hiện ý đồ “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, nhằm tách lực lượng vũ trang ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không còn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
1. “Phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang là luận điểm tồn tại từ lâu trong lịch sử, thường xuất hiện ở những quốc gia diễn ra sự tranh giành quyền lực chính trị gay gắt giữa các đảng phái chính trị. Trong tác phẩm “Quân nhân và Nhà nước: Lý luận và thực tế chính trị của các quan hệ quân sự - dân sự” năm 1957, S.Huntington (1927-2008) đưa ra luận điệu: “Chính trị vượt quá phạm vi năng lực của quân đội và sự can dự của sĩ quan vào chính trị sẽ phá hoại tính chuyên nghiệp của họ... Giới chức sắc quân sự phải giữ trung lập chính trị”. Tuy nhiên, đây là luận điệu có tính giả hiệu, mê hoặc đối phương, mang bản chất là một cái bẫy nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm làm sụp đổ các nước xã hội chủ nghĩa.
Tại Liên Xô, ngày 12-3-1990, Đại hội đại biểu nhân dân thông qua nội dung xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô (Điều 6 Hiến pháp Liên Xô năm 1977), chấp nhận đa nguyên, đa đảng, từng bước xóa bỏ cơ chế Đảng lãnh đạo đối với quân đội, an ninh và nội vụ. Ngày 20-7-1991, Tổng thống Liên bang Nga B.Yeltsin ban bố sắc lệnh “phi đảng hóa”, cấm các chính đảng hoạt động trong cơ quan nhà nước, trong đó bao gồm cả lực lượng vũ trang. Ngày 23-8-1991, Bộ trưởng Quốc phòng Sapôxnicốp đã tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô và ra lệnh mọi quân nhân là đảng viên cộng sản phải trả thẻ đảng. Những hành vi đó từng bước “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang Liên Xô, làm lực lượng quân đội hùng hậu chỉ còn là “cái bóng”, dẫn đến sự sụp đổ của “thành trì của chủ nghĩa xã hội”, “một chấn động chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ XX” (1).
Ở Việt Nam, từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang với các luận điệu: “Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam chỉ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và chủ quyền quốc gia”; “không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào”, chỉ cần “thượng tôn pháp luật” nên phải “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”, đòi bãi bỏ quy định “lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam” được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013; đưa mô hình quân đội, công an ở một số nước để kêu gọi hình thành “quân đội nhà nghề”; lợi dụng chủ trương tinh giản biên chế, thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy lực lượng vũ trang để quy chụp cho đó là biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm, đặc quyền, đặc lợi; thổi phồng khuyết điểm của một vài cá nhân, đơn vị để hạ thấp vị thế, uy tín của lực lượng vũ trang trong xã hội.
Hình thức tuyên truyền luận điệu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch chủ yếu thông qua tuyên truyền miệng (hội nghị, hội thảo, tọa đàm...), thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng (đài RFA, RFI, VOA, BBC...). Đáng chú ý, hiện nay, chúng triệt để lợi dụng internet để tuyên truyền, tán phát các tài liệu có nội dung cổ súy “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang (trang web, mạng xã hội, blog...) như: “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Chân dung quyền lực”, “diendan”, “viettan”...
2. Bản chất chính trị của lực lượng vũ trang bị chi phối bởi lợi ích giai cấp cầm quyền, lợi ích nhân dân lao động và lợi ích quốc gia. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, lợi ích giai cấp cầm quyền, lợi ích nhân dân lao động và lợi ích quốc gia hòa làm một tạo nên bản chất chính trị lực lượng vũ trang.
Trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và của Nhà nước”, Ph.Ăngghen đã viết: “Không có cảnh sát, nhà nước không thể tồn tại được” (2). Kế thừa lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về lực lượng vũ trang, V.I.Lênin khẳng định: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo Quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng lôi kéo Quân đội vào chính trị phản động” (3). Từ đó, Lênin đề ra những nguyên tắc cơ bản về xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới, trong đó, sự lãnh đạo của đảng cộng sản đối với lực lượng vũ trang là nguyên tắc quan trọng nhất.
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại” (4) và khẳng định “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục” (5), do đó, “phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội” (6). Đối với lực lượng Công an nhân dân, Người căn dặn: “là một bộ phận của cả bộ máy Nhà nước nhân dân dân chủ chuyên chính tiến lên chủ nghĩa xã hội, công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân” (7).
Dưới góc độ pháp luật, hiện nay, một số đối tượng lấy pháp luật các nhà nước tư sản quy định về mô hình lực lượng vũ trang làm “thước đo”, “tiêu chí”, viện dẫn cho luận điệu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang như: Luật An ninh quốc gia Mỹ năm 1947 quy định: “Bộ trưởng phải được chỉ định từ giới dân sự” hay Điều lệ Nữ Hoàng của Vương quốc Anh quy định nghiêm cấm các thành viên quân đội nắm giữ các vị trí hoạt động tích cực trong các tổ chức chính trị...
Tuy nhiên, nguyên tắc dân quản quân trong pháp luật một số quốc gia tư sản không có nghĩa là “dân sự hóa” quân đội hay quân đội “phi chính trị” mà bản chất là công tác quản lý nhà nước đối với lực lượng vũ trang, người đứng đầu lực lượng quân đội và công an là từ dân sự. Ở các quốc gia đó, lực lượng vũ trang vẫn chịu sự chi phối của nhà nước, kiểm soát về chính trị, hướng đến đảm bảo lợi ích của giai cấp thống trị là giai cấp tư sản. Mặt khác, pháp luật của một quốc gia thể hiện đặc trưng lịch sử, văn hóa, vị thế, chế độ chính trị... của mỗi nước chứ không phải chuẩn mực quốc tế chung để áp đặt cho các quốc gia khác nên không thể áp đặt máy móc.
Như vậy, về bản chất, dù được tổ chức bằng mô hình nào, thì lực lượng vũ trang cũng mang bản chất giai cấp cầm quyền và phải tuân thủ đường lối chính trị của giai cấp đó, không có lực lượng vũ trang nào “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”.
Nghiên cứu lịch sử quân sự thế giới, quan điểm chính trị giám sát và kiểm soát quân sự tồn tại từ rất lâu và tiếp tục hiện diện ở các quốc gia trên thế giới, hiện nay, ở các nước tư bản dù theo chế độ cộng hòa nghị viện hoặc cộng hòa tổng thống đều áp dụng mô hình kiểm soát chính trị đối với lực lượng vũ trang ở cả ba lĩnh vực hành pháp, lập pháp và tư pháp và được che đậy bằng những ngôn từ mỹ miều. Các nước theo chế độ quân chủ lập hiến, nhà vua là thống lĩnh tối cao của các lực lượng vũ trang và quân đội phải tuyên thệ trung thành với nhà vua chứ không phải với chính phủ.
Tính chính trị của lực lượng vũ trang các nước còn được thể hiện qua các chức năng, nhiệm vụ và hoạt động trong thực tế. Ví dụ, lực lượng vũ trang của Mỹ, Anh, Pháp... đã tiến hành nhiều hoạt động can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia, tấn công quân sự, bành trướng sự ảnh hưởng tại I-rắc, Xy-ri, Li-bi, Ai Cập... Rõ ràng, các hoạt động đó mang tính chính trị nhằm phục vụ lợi ích của giới cầm quyền, của giai cấp tư sản hiếu chiến chứ không phục vụ lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Ở Thái Lan, mặc dù Hiến pháp năm 1997 tuyên bố loại quân đội khỏi chính trị và nhiều lần Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cam kết “quân đội không can dự vào chính trường”, nhưng trong thực tế từ năm 1932 đến nay, quân đội đã thực hiện 19 lần đảo chính hoặc nỗ lực đảo chính... Thực tế đã chứng mình rằng, không có bất kỳ một quân đội nào là phi chính trị hóa, là đứng ngoài chính trị.
Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam được hình thành trong cuộc kháng chiến cứu quốc vĩ đại, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, luôn là công cụ bạo lực sắc bén, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Điểm đặc sắc trong bản chất lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc tạo thành một thể thống nhất bền vững.
Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là vì độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không chỉ là công cụ bạo lực, lực lượng chính trị tin cậy, trung thành của Đảng, Nhà nước, mà còn là một tổ chức vũ trang của nhân dân, đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân.
Ở nước ta, bản chất chính trị của lực lượng vũ trang được khẳng định tại Hiến pháp và pháp luật như: Điều 65, Hiến pháp năm 2013; Điều 3, Luật Sĩ quan quân đội Việt Nam năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2014; Điều 3 Luật Quốc phòng năm 2018; Điều 4, Luật Công an nhân dân năm 2018; Điều 6, Luật Dân quân tự vệ năm 2009, tạo cơ sở pháp lý vững chắc đấu tranh với các luận điệu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch.
Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta đã chứng minh, khi thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang sẽ bị biến chất, xa rời mục tiêu đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không còn là lực lượng vũ trang của nhân dân, vì nhân dân. Trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến cuối năm 1945, do không được xây dựng theo nguyên tắc Đảng Cộng sản lãnh đạo lực lượng vũ trang, nên các sư đoàn vệ binh cộng hòa ở Nam Bộ nhanh chóng phân hóa, tan rã; tệ hại nhất là “Đệ Tam sư đoàn vệ binh cộng hòa” có nhiều hành động chống lại Việt Minh, phản lại nhân dân.
3. Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm thay đổi căn bản đời sống xã hội. Các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen, sự cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, tranh chấp tài nguyên, biên giới, lãnh thổ, biển, đảo... tác động không nhỏ đến an ninh, an toàn và sự phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong nước, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường để thúc đẩy hoạt động “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, có trường hợp nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự đã làm ảnh hưởng lớn đến vị thế, uy tín của lực lượng vũ trang.
Để góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch, đảm bảo thực hiện thành công các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Thường xuyên đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, để chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thấm sâu vào đời sống tinh thần, là kim chỉ nam trong nhận thức, hành động của mọi tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng, củng cố nền tảng tư tưởng chính trị, khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, lối sống, tạo sự “miễn dịch”, tăng sức “đề kháng” để ngăn chặn, loại trừ sự thẩm thấu và xâm nhập của các luận điệu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch.
Hai là, chủ động đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch, vạch rõ bản chất phản động, phản khoa học và tính chất nguy hiểm, tác hại, hậu quả của âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn thể quần chúng nhân dân trong đấu tranh phản bác quan điểm “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang.
Ba là, tăng cường công tác bảo vệ an ninh nội bộ, xây dựng hệ thống các tổ chức đảng, tổ chức chính trị xã hội trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Bốn là, củng cố vững chắc các mối quan hệ của lực lượng vũ trang trên tinh thần dân chủ, đoàn kết, đồng thuận và kỷ luật: Quan hệ trong nội bộ lực lượng vũ trang (quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, quan hệ đồng chí đồng đội, quan hệ cá nhân với tổ chức, quan hệ giữa lãnh đạo, chỉ huy với phục tùng), quan hệ giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, quan hệ giữa lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam với nhân dân; quan hệ giữa lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam với nhân dân và lực lượng vũ trang các quốc gia khác vì mục tiêu hòa bình và ổn định.
Đinh Tuấn Khánh - Hoàng Thịnh
Nguồn Tạp chí lý luận chính trị CAND
(1) Thông điệp Liên bang Nga năm 2005.
(2) C.Mác, Ph.Ăngghen, Tuyển tập, Tập VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 184.
(3) V.I.Lênin, Toàn tập, Tập 12, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, tr. 136.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 217.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 14, Sđd, tr. 435.
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 29.
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 11, Sđd, tr. 247.