Ngay trước thềm kỉ niệm 75 năm ngày Quốc khánh 2-9 năm 2020, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết hết sức quan trọng về “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”.
Từ thực tiễn chỉ đạo và tầm nhìn chiến lược, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã xác định Đại hội XIII của Đảng là “một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước”. Trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra những chỉ đạo, định hướng hết sức toàn diện và sâu sắc về tầm nhìn, tư duy, mục tiêu và giải pháp đối với tương lai phát triển của đất nước trong những thập kỷ tới.
Từ nhìn nhận thấu đáo, sâu sắc, toàn diện những thành tựu cũng như hạn chế qua việc thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của Đại hội lần thứ XII của Đảng và những nhiệm kỳ trước đó, đánh giá toàn diện về tình hình thế giới, khu vực, tình hình Việt Nam, những thời cơ và thách thức với dân tộc ta, đất nước ta trong những năm tới, bài viết không chỉ xác định những mục tiêu, nguyên tắc, yêu cầu đối với Đại hội lần thứ XIII của Đảng mà còn giúp chúng ta có được một tầm nhìn chiến lược đối với sự phát triển đi lên của đất nước trong 10 năm tiếp theo (năm 2030, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng) và 25 năm tới (năm 2045, kỉ niệm 100 năm thành lập Nước).
Đất nước ta đã trải qua 75 năm kể từ khi thành lập, chúng ta đã đi được ba phần tư quãng đường trong chặng 100 năm. Trong một phần tư quãng đường còn lại, việc có được một tầm nhìn khoa học, thực tiễn, “phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại” có ý nghĩa hết sức quan trọng, định hình tư duy toàn diện và lâu dài của đất nước ta, từ đó có thể huy động được sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sự đồng lòng, nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong giai đoạn từ nay đến giữa thế kỉ XXI.
Tầm nhìn đó sẽ đóng vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển của dân tộc ta, đất nước ta trên con đường phía trước. Cũng từ tầm nhìn đó, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu lên các mục tiêu lớn trong từng dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước đến giữa thế kỷ XXI.
Từ cách nhìn biện chứng và tổng kết sâu sắc thực tiễn công cuộc đổi mới ở nước ta, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đưa ra tư duy và cách tiếp cận hết sức toàn diện, sâu sắc về sự phát triển của đất nước trong bối cảnh thế giới phát triển, hội nhập song cũng có nhiều những diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã xác định cần nhận thức sâu sắc hơn, tiếp tục bổ sung, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các mối quan hệ lớn về mặt tư tưởng, lý luận, đề ra các quyết sách, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc, tiếp tục phát triển đất nước nhanh và bền vững, đặc biệt chú trọng xử lý tốt hơn 10 mối quan hệ lớn: Giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.
Thực tiễn của quá trình đổi mới, phát triển của đất nước ta 75 năm qua cho thấy đây là những mối quan hệ then chốt, cốt lõi và nổi bật; việc nhận thức đầy đủ, thật sự thấm nhuần, quán triệt sâu sắc những vấn đề đặt ra trong quá trình giải quyết các mối quan hệ này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tư duy này không chỉ đúng với toàn bộ tiến trình phát triển của đất nước ta, mà còn có ý nghĩa thực tiễn, khách quan đối với từng ngành, từng địa phương, từng lĩnh vực trong toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại của đất nước ta.
Với tầm nhìn, tư duy thấu đáo, toàn diện, khách quan đó, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã chỉ ra những giải pháp quan trọng, then chốt, mang tính nền tảng đối với tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước từ nay đến giữa thế kỷ XXI. Trong rất nhiều yếu tố được nêu lên trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, yếu tố “con người”, cụ thể là “dân”, là “cán bộ” được đề cập, nhấn mạnh rất đậm. Theo đó, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định rõ “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng xác định nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Từ đó, các giải pháp được đưa ra đều cơ bản xoay quanh yếu tố “nhân dân” và “cán bộ”.
Một vấn đề hết sức quan trọng khác được đặt ra trong các giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc đó là yêu cầu về “đổi mới”, trong đó, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ “đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội….” và “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế…”. Trên thực tế, tình hình thế giới, khu vực những năm qua, đặc biệt là từ sau sự xuất hiện, bùng phát của đại dịch COVID-19, môi trường chiến lược quốc tế đang và sẽ có những chuyển biến rất đáng chú ý, xuất hiện những đặc điểm mới, xu thế mới trong nhiều lĩnh vực then chốt của xã hội, từ chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng đến kinh tế, xã hội, khoa học – công nghệ…
Tiến trình phát triển của đất nước ta cho thấy, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, sự phát triển đều gắn với “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”. Trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ “Cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo”; “Kiên định phải gắn liền với sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước”.
Đối với lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh “đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”, bên cạnh 3 nhiệm vụ quan trọng khác gồm: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Vấn đề này cũng được đề cập xuyên suốt trong toàn bộ bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Trong đó, một trong năm bài học kinh nghiệm sâu sắc được đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đúc kết, rút ra là “trong bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, phải chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, chủ động có những phương án đối phó, không để bị động, bất ngờ…”. Đồng thời, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng đối với an ninh, quốc phòng, trong đó quan trọng nhất là “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, nhất là những nhân tố có thể gây đột biến; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch”.
Đối với công tác Công an, trên cơ sở nhận thức và quán triệt sâu sắc tầm nhìn, tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt ra đối với đất nước nói chung và lĩnh vực an ninh, quốc phòng nói riêng, cũng như từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành các mặt công tác Công an trong nhiệm kỳ qua và các nhiệm kỳ trước đó, năm nhiệm vụ, giải pháp chủ chốt, quan trọng đặt ra đối với ngành Công an trong thời gian tới là:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, tăng cường tiềm lực, sức mạnh về mọi mặt của CAND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ hai, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, xây dựng đảng bộ thực sự trong sạch vững mạnh, là đảng bộ kiểu mẫu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực lãnh đạo các mặt công tác công an.
Thứ ba, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng khác mà đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt ra.
Thứ tư, kiên quyết, kiên trì, nhất quán quan điểm, chủ trương đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước theo chức năng của lực lượng CAND và trong CAND.
Thứ năm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm có nghĩa “đột phá”, tạo nền tảng cho sự phát triển, lớn mạnh của lực lượng CAND, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu lớn của đất nước qua từng thời kỳ, dấu mốc phát triển quan trọng, từ việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong CAND, đến việc ưu tiên, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn lực lượng CAND.
Trải qua 75 năm, với nhiều thành tựu rất quan trọng, đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật, song đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới đang đặt ra cho chúng ta cả về tư duy, lý luận và tổ chức thực hiện. Trong tình hình đó, tầm nhìn, tư duy và những giải pháp, yêu cầu, nhiệm vụ mà đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt ra trong bài viết có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những vấn đề đặt ra đều là những vấn đề mới, hết sức căn cơ, cốt lõi, cần được nghiên cứu, quán triệt và nhận thức sâu sắc. Đây sẽ là cơ sở, nền tảng để cả hệ thống chính trị và từng lĩnh vực, từng bộ, ngành, địa phương, trong đó có lực lượng CAND, nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa, từ đó, định hình tư duy, tầm nhìn của mình cũng như xác định phương hướng thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cả trước mắt và lâu dài, tham gia, đóng góp có hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng,
Thứ trưởng Bộ Công an