1. Bối cảnh quốc tế mới và những nhân tố tác động đến mối quan hệ hợp tác Việt Nam - EU (1990 - 2019)
Trên con đường phát triển, trong gần 30 năm qua (1990 - 2019), mối quan hệ hợp tác Việt Nam - EU đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, diễn ra trong bối cảnh thế giới có rất nhiều biến động, thay đổi: (1) Xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa kinh tế ngày càng gia tăng, trở thành xu hướng chủ đạo, bất chấp những biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ, cực đoan; (2) thế giới tuy trải qua những giai đoạn phát triển thăng trầm với những cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á, tài chính - kinh tế toàn cầu, nợ công châu Âu, di cư, mô hình phát triển… nhưng vẫn vận động và phát triển không ngừng theo xu hướng ngày càng phát triển và tiến bộ hơn; (3) xu hướng tiêu cực, cực đoan trên thế giới đang nổi lên như chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, chủ nghĩa đơn phương mạnh lên, có nguy cơ lấn át chủ nghĩa đa phương, tuy nhiên, những xu hướng đó không phải là xu hướng chủ đạo, dẫn dắt thế giới; (4) sự cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc ở khu vực, trên toàn cầu đã khiến cho mâu thuẫn về lợi ích chiến lược, dân tộc, sắc tộc, kinh tế... ngày càng gay gắt. Tình hình chính trị, an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, song xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển giải quyết các xung đột vẫn là xu thế lớn, chi phối đường lối phương hướng, phát triển của tất cả các nước hiện nay. Tuy vậy, các nước vẫn phải cảnh giác và luôn đối phó với nguy cơ các thế lực cường quyền luôn sử dụng bạo lực, gây ra những xung đột, chiến tranh, bất chấp luật pháp, dòng chảy cơ bản, chủ đạo trên thế giới hiện nay (I).
Từ những biến động, thay đổi của bối cảnh quốc tế như đã khái quát, có thể nhận thấy rằng, các nhân tố chính sau đây đã có tác động sâu sắc đến sự phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai bên Việt Nam - EU trong gần 30 năm qua như sau:
Thứ nhất, về chính trị, cả hai bên Việt Nam và EU đều có chung một nhận thức đặt vấn đề hợp tác, hội nhập, phát triển vì mục đích hòa bình, hữu nghị làm tiền đề để thúc đẩy mọi lĩnh vực trong quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Từ năm 1990, phía EU đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với Việt Nam, giữa lúc Việt Nam vẫn bị Mỹ và các nước phương Tây tiến hành bao vây cấm vận. Năm 1993, Tổng thống Pháp là người đầu tiên trong EU đến thăm và ký kết nhiều hiệp ước quan trọng với Việt Nam. Việt Nam và EU đã ký Hiệp định khung hợp tác (năm 1995), Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện PCA (năm 2012), Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA (năm 2019).
Về phía Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đều đề cao tư tưởng muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới vì mục đích hợp tác, hội nhập, phát triển, vì hòa bình, hữu nghị. Và trong quá trình gần 30 năm hợp tác (1990 - 2019), cả Việt Nam và EU đều có chung nhận thức và hành động nhất quán này, tạo tiền đề xây dựng, phát triển mối quan hệ hợp tác hai bên ngày càng phát triển sâu sắc trên mọi lĩnh vực.
Thứ hai, về kinh tế, trong mối quan hệ giữa EU và Việt Nam, hai bên luôn đặt hợp tác về kinh tế ở vị trí trung tâm. Ngay từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ (tháng 11-1990), EU luôn tập trung mọi nguồn lực nhằm viện trợ cho Việt Nam xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nền kinh tế thị trường, hỗ trợ về bảo vệ môi trường ở Việt Nam nhằm mục tiêu cải thiện môi trường sống, làm việc, chăm lo sức khỏe cho người dân, không ngừng nâng cao quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Việt Nam; không ngừng đẩy mạnh viện trợ, hợp tác về lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo với Việt Nam. EU đã công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Sự công nhận này đã tạo thêm điều kiện thuận lợi trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên.
Hai nhân tố chính trị và kinh tế song phương giữa hai bên được diễn ra trong bối cảnh quốc tế mới đã tác động sâu sắc đến sự hợp tác theo xu hướng ngày càng phát triển thắt chặt hơn về mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và EU gần 30 năm qua.
2. Việt Nam - EU: quan hệ đối tác ngày càng phát triển
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ từ năm 1990 đến nay, quan hệ Việt Nam - EU đã có những bước phát triển rất tích cực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, an ninh, quốc phòng; từ đối phó với các thách thức toàn cầu tới hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại đều đã mang lại những kết quả thiết thực. Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác chính trong khu vực Đông Nam Á của EU.
Về chính trị, hai bên thường xuyên có các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn, kể cả ở cấp cao nhất. Lãnh đạo cấp cao hai bên luôn khẳng định coi trọng quan hệ và mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt tương xứng với tiềm năng và vị thế hai bên.
Trong gần 30 năm qua, hợp tác kinh tế Việt Nam - EU ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu được cả thế giới ghi nhận. EU đã trở thành đối tác đáng tin cậy và đang hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Đến nay, EU là một trong ba thị trường nước ngoài quan trọng nhất của Việt Nam (Trung Quốc, Mỹ và EU). Theo Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư từ 23 trong tổng số 28 nước thành viên EU đã đầu tư vốn FDI theo cam kết là 23,9 tỷ USD vào 2.133 dự án trong vòng 28 năm qua (tính đến cuối năm 2018), tập trung vào 18 lĩnh vực kinh tế, trong đó, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện và xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, EU luôn là một trong những nhà tài trợ lớn nhất đối với Việt Nam. EC và các nước thành viên EU hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong các lĩnh vực chuyên ngành thuộc ưu tiên của Việt Nam và EU có thế mạnh như: hỗ trợ thể chế, khoa học công nghệ (trong đó có lĩnh vực an toàn hạt nhân), giáo dục, đào tạo, pháp luật, y tế, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, văn hóa và du lịch, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, hàng không dân dụng (II).
Ngày 30-6-2019, hai bên đã ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Dự kiến, đầu năm 2020, Nghị viện châu Âu (EP) mới có phiên họp toàn thể để xem xét EVFTA và EVIPA. Theo lộ trình này, EVFTA và EVIPA có thể được phía EU phê chuẩn trong nửa đầu năm 2020. Vì vậy, phía Việt Nam phải chuẩn bị mọi điều kiện để thực thi các hiệp định này. Theo Bộ Công thương Việt Nam, hai hiệp định này giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2030. Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần như biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa 7 năm), góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương hai bên phát triển toàn diện, sâu sắc hơn. Khi đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú huých rất lớn cho xuất khẩu Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng nông thủy sản và những mặt hàng có nhiều lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Bên cạnh đó, những cam kết dành sự đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư hai bên trong Hiệp định EVIPA cũng sẽ góp phần tích cực trong việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, từ đó, sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác. Những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm Chính phủ, cũng như những quy định về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn với thị trường của gần 100 triệu dân Việt Nam; đồng thời, giúp người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận nguồn cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như: dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng, giao thông công cộng... (III).
Bên cạnh những thuận lợi, triển vọng, phía Việt Nam cần phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đối phó với những thách thức do phía EU mang lại như: hàng rào kỹ thuật phi thuế quan (rào cản về xuất xứ hàng hóa, bao bì, đóng gói, nhãn mác hàng hóa, vệ sinh an toàn, lao động, hàng rào kỹ thuật TBT…); phải nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, tránh cú “chết” trong cạnh tranh hàng hóa tại “sân nhà”; trang bị kiến thức về pháp lý trong kinh doanh…
3. Các giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - EU trong tương lai
Để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện với EU, hơn bao giờ hết, Việt Nam cần nghiên cứu, phân tích, dự báo các động thái phát triển của EU, lựa chọn các giải pháp tối ưu nhất, cụ thể như:
Trước hết, Việt Nam cần đẩy mạnh quan hệ chính trị, ngoại giao với EU nói chung và các nước thành viên nói riêng. Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với các nước thành viên trong EU như: Hà Lan, Ba Lan, Cộng hòa Séc, các nước Bắc Âu … Tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh với EU và các nước thành viên; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của họ trong vấn đề biển Đông...; gìn giữ hòa bình, an ninh, hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ hai, cần coi EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, trên cơ sở đó xây dựng các chính sách cụ thể, thúc đẩy hợp tác quan hệ toàn diện với EU. Trước mắt, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực thi hai Hiệp định EVFTA và EVIPA vào giữa năm 2020; giải quyết các điểm nghẽn lao động trong EVFTA, tăng số lượng việc làm, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ ba, Việt Nam cần chủ động đẩy mạnh các hoạt động, tìm tòi các sáng kiến trong cơ chế hợp tác hai bên như: (1) Tham vấn chính trị thường niên cấp Thứ trưởng ngoại giao; (2) Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - EC; (3) hợp tác trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền; (4) hợp tác trong khuôn khổ đa phương. Tìm các giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, lễ hội…
Thứ tư, tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn ODA của EU và các nước thành viên, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ của châu Âu nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường sống, xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực chất lượng nguồn nhân lực…(IV).
LÊ ĐẮC SƠN* - ĐINH CÔNG TUẤN**
* Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trường Đại học Đại Nam.
** Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế, Trường Đại học Đại Nam.
Nguồn Tạp chí lý luận chính trị CAND
(I) Chu Đức Dũng, Phạm Anh Tuấn, Nghiêm Tuấn Hùng, “Bối cảnh quốc tế sau khủng hoảng 2008-2009 và triển vọng đến năm 2030”, Tạp chí Kinh tế và chính trị thế giới, số 5 (277), tháng 5-2019, tr. 3 - 11.
(II) Quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU).
http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cn_vakv/euro/nr040823164750/ns170830102445
(III) “Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: EVFTA giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020”. https://baodautu.vn/bo-truong-tran-tuan-anh-evfta-giup-xuat-khau-cua-viet-nam-sang-eu-tang-them-khoang-20-vao-nam-2020-d102726.html
(IV) Nguyễn An Hà, “Điều chỉnh chính sách phát triển của một số quốc gia chủ chốt châu Âu giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu”, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2013, tr. 280 - 283; Đinh Công Tuấn, “Liên minh châu Âu hai thập niên đầu thế kỷ XXI”, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011, tr. 276 - 282.