Phát huy tinh thần yêu nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Yêu nước được hiểu là tình cảm thiêng liêng gắn liền với ý thức về đất nước, tổ quốc, niềm tự hào dân tộc. Yêu nước là thước đo phẩm hạnh của mỗi cá nhân, cũng như mỗi giai tầng trong xã hội. Điểm xuất phát, cái nôi, cội nguồn của lòng yêu nước chính là tình yêu quê hương, mảnh đất chôn rau cắt rốn của mỗi con người, không gian sinh tồn của mỗi gia đình, cộng đồng, quốc gia dân tộc.

Yêu nước gắn liền với lòng yêu thương con người, yêu đồng bào, yêu thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và trong thời đại ngày nay gắn liền với yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Lòng yêu nước hướng con người đến những giá trị tốt đẹp, thôi thúc ý chí, khát vọng vươn lên, là động lực cho sự phát triển đất nước như Bác Hồ đã từng nói “Yêu nước là thi đua, thi đua là yêu nước, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, hiếm có dân tộc nào trải qua chiến tranh giành độc lập nhiều như dân tộc ta (chống ngoại xâm và sự đô hộ của ngoại bang). Độ dài về thời gian, tần suất của các cuộc chiến tranh lớn, nước ta lại luôn ở trong thế “nhỏ chống lớn”, “ít địch nhiều” đã tác động sâu sắc đến sự phát triển của lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc, ý chí kiên cường, bất khuất và niềm tự tôn của người dân Việt Nam, thể hiện hùng hồn trong bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, thấm đẫm trong từng câu chữ trong “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi.... và sau này là khí thế hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trong thời đại Hồ Chí Minh.

Theo từ điển Việt Nam, “tự lực” có nghĩa là (làm việc gì) dựa vào sức mình, với sức lực của bản thân, không nhờ cậy ai. “Tự cường” có nghĩa là tự làm cho mình ngày một mạnh lên, không chịu thua kém người. “Tự cường” chính là sự nâng cao của “tự lực” ở mức độ cao hơn. Dân tộc Việt Nam ta từ xa xưa vốn có truyền thống tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính và chưa từng bị khuất phục. Con người Việt Nam luôn tự khắc phục mọi khó khăn, hiên ngang, mạnh mẽ vươn lên vượt qua những chớ trêu của hoàn cảnh, số phận, làm chủ cuộc đời, cứu dân, cứu nước. Điều này đã trở thành biểu tượng trong các tác phẩm văn học dân gian, trong các truyện cổ tích, truyền thuyết.

Đoàn kết là kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung. Đại đoàn kết toàn dân tộc hiểu là sự gắn kết giữa mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần của quần chúng nhân dân, từ giai cấp công nhân, nông dân, nhân dân lao động tới tầng lớp trí thức, từ người già tới trẻ nhỏ, từ đàn ông tới đàn bà, từ người miền Bắc, miền Trung tới miền Nam, từ cá nhân tới tổ chức. Tất cả thống nhất một ý chí, hành động tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta được chứng minh qua lịch sử dựng và giữ nước của ông cha ta làm nên những chiến công hiển hách, lẫy lừng như: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… Những chiến thắng ấy có được không chỉ nhờ vào tướng giỏi, chiến lược tài tình mà quan trọng nhất là có sự ủng hộ, tinh thần đoàn kết quyết tâm chống giặc của toàn thể dân tộc “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức”, đoàn kết quân dân “như cha con một nhà”….

Tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết toàn dân có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Yêu nước là căn bản, tự lực tự cường, đoàn kết là thuộc tính, biểu hiện bên ngoài của lòng yêu nước, vì yêu nước nên luôn có ý chí vươn lên, vì yêu nước nên luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, vì yêu nước nên chung sức, chung lòng vì mục tiêu chung, trước đây là trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, ngày nay là trong xây dựng, phát triển đất nước. Yêu nước là tình cảm, trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền lợi của mỗi công dân. Nhưng muốn yêu nước, trở thành người yêu nước phải đoàn kết, phải có ý thức tự lực, tự cường giữa các cá nhân, giai tầng xã hội. Yêu nước, đoàn kết thống nhất, tự lực tự cường là nhân tố bên trong quan trọng, quyết định sức mạnh của dân tộc, của quốc gia trước mọi thách thức, khó khăn. Tinh thần yêu nước, ý chí tự cường là cơ sở, điều kiện cần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là điều kiện đủ. Nếu có tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường mà không có sức mạnh khối đại đoàn kết và ngược lại thì cách mạng cũng khó có thể đi đến thắng lợi. Tinh thần yêu nước, ý chí tự cường chính là cơ sở để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngược lại khối đại đoàn kết toàn dân là môi trường lan tỏa, phát huy tinh thần yêu nước và ý chí tự lực tự cường. Các yếu tố này kết hợp lại cùng với một số yếu tố khác như lãnh tụ dẫn dắt, định hướng ngọn cờ chính là những động lực tinh thần có vai trò thúc đẩy sự vận động, phát triển của xã hội, đất nước, đã tạo nên sức mạnh vô địch giúp cho cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Kế thừa truyền thống của dân tộc, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách nhằm khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nhưng ở từng giai đoạn, từng hoàn cảnh có cách thể hiện, mức độ khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại càng sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Tại Đại hội III, trong bối cảnh cách mạng Việt Nam thực hiện hai nhiệm vụ: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, đánh đuổi đế quốc Mỹ và tay sai ở Miền Nam, Đảng xác định đường lối chung trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là “phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn và truyền thống phấn đấu anh dũng, lao động cần cù của nhân dân ta”; ở miền Nam là “phát huy đến cao độ tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân; không ngừng vạch trần những âm mưu và hành động gian ác của đế quốc Mỹ và bọn tay sai”. Đại hội VI – Đại hội của đổi mới, Đảng xác định bồi dưỡng tinh thần yêu nước là nội dung quan trọng, là động lực trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước tiến lên. Đặc biệt là Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong đó, xác định yêu nước, xây dựng lòng yêu nước là giá trị hàng đầu của con người Việt Nam nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Về ý chí tự lực, tự cường, trong suốt quá trình tìm đường cứu nước cũng như lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường và coi đó là phương châm hành động của cách mạng Việt Nam. Theo Người, tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài; là tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính; là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng, Người khẳng định “Muốn người ta giúp cho, thì trước hết phải tự giúp lấy mình đã” , “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Thực tiễn cho thấy, những thắng lợi của cách mạng Việt Nam bên cạnh việc nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế thì chính sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tạo nên sức mạnh nội lực to lớn, là nhân tố quyết định. Điều này thể hiện rõ trong thành công của Cách mạng tháng Tám 1945, tranh thủ thời cơ “nghìn năm có một” của tình hình quốc tế, trong nước để “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Tiếp đó, trong điều kiện khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 19/12/1946, Người đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Chính bằng tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân ta đã tạo nên sức mạnh to lớn dẫn đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng rất chú trọng, nhấn mạnh vấn đề phát huy ý chí tự lực, tự cường của con người Việt Nam. Tại Đại hội III, Đảng xác định luôn nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh trong nhiệm vụ cách mạng hai miền, cổ vũ nhân dân miền Bắc “tự lực cánh sinh để xây dựng một nền kinh tế tự chủ”, ở miền Nam “kháng chiến lâu dài, tự lực cánh sinh, diệt giặc cứu nước”. Ở các kỳ Đại hội tiếp theo, vấn đề phát huy ý chí tự lực, tự cường đều được nhấn mạnh và gắn liền với nhiệm vụ cách mạng của giai đoạn đó như: Đại hội IV gắn liền với nhiệm vụ “đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát huy vai trò then chốt của cách mạng khoa học – kỹ thuật”; Đại hội XI gắn liền với “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, năng động và sáng tạo” để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Về sức mạnh đoàn kết,  Ph.Ăngghen và C.Mác đã đưa ra khẩu hiệu: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Sau này, V.I.Lênin đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác và phát triển trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa với khẩu hiệu bất hủ: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại” – trở thành kim chỉ nam trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản các nước chính quốc và các dân tộc thuộc địa trong đó Việt Nam. Đồng thời, nhấn mạnh tinh thần đoàn kết quốc tế giữa giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, nhân dân là người sáng tạo lịch sử, sự liên kết giai cấp, trước hết là liên minh giai cấp công nhân với nông dân là hết sức cần thiết, bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng vô sản. Kế thừa truyền thống đoàn kết của dân tộc, vận dụng chủ nghĩa Mác Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, nhất quán, lâu dài và xuyên suốt tiến trình cách mạng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Trong các tác phẩm của mình, Người đã có hơn 200 bài viết, bài nói về đoàn kết, cụm từ “đoàn kết” được nhắc tới hơn hai nghìn lần và cụm từ “đại đoàn kết” được nhắc tới hơn tám mươi lần. Người khẳng định “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” ; “Ở trong xã hội, muốn thành công phải có ba điều kiện là: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa. Nhân hòa là thế nào? Nhân hòa là tất cả mọi người đều nhất trí. Nhân hòa là quan trọng hơn hết”.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là tư duy xuyên suốt qua các kỳ đại hội Đảng, luôn là nội dung quan trọng trong chủ trương, đường lối của Đảng. Ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên (tháng 02/1930), Đảng đã chú trọng xây dựng khối đoàn kết giữa các giai tầng trong xã hội Việt Nam và đoàn kết với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới. Thực hiện chủ trương đó, Đảng có những quyết sách thành lập Mặt trận với các tên gọi khác nhau cho phù hợp với đặc điểm cách mạng từng giai đoạn với mục đích xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt từ sau Đại hội VI, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, về đại đoàn kết toàn dân tộc, về Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Đến Đại hội XI, XII trong chủ đề và cũng là tiêu đề của Báo cáo chính trị đều có nội dung phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Ðảng đã chứng minh: Một dân nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu với vũ khí thô sơ như Việt Nam nhưng lại có thể chiến thắng hai kẻ địch hùng mạnh như thực dân Pháp, đế quốc Mỹ với trang bị vũ khí hiện đại, tất cả là nhờ cả dân tộc ta đã đoàn kết một lòng, “triệu người như một”. Chính nhờ sức mạnh của khối đại đoàn kết ấy, chúng ta lại tiếp tục vượt qua những đau thương, mất mát của chiến tranh đạt được thành tựu nhất định trong công cuộc đổi mới đất nước, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những ngày này, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc lại được thể hiện mạnh mẽ trong phòng chống đại dịch COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vấn đề phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng ta kế thừa và phát triển, cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn. Trước hết thể hiện ở việc: Cụm từ “tinh thần yêu nước”, “ý chí tự cường”, “đại đoàn kết toàn dân tộc” được nhắc đến hơn 80 lần trong toàn bộ Văn kiện Đại hội. Đặc biệt, chủ điểm “khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” là một trong những chủ điểm có vị trí, ý nghĩa rất đặc biệt được nhấn mạnh trong nội dung của Nghị quyết Đại hội, cụ thể như sau:

Đưa “tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” vào chủ đề của Đại hội, cụ thể: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc…”. Điểm mới ở đây là Đảng đã bổ sung “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí” và “kết hợp với sức mạnh thời đại” vào nội dung “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” để trở thành “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại…”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia như hiện nay thì việc giữ vững độc lập, chủ quyền, môi trường hòa bình, ổn định, phát triển nhanh, bền vững đóng vai trò quan trọng. Do đó, việc đưa nội dung “phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại…” vào chủ đề Đại hội XIII là cần thiết, đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng.

Nếu như các kỳ đại hội trước, Báo cáo chính trị không có nội dung trình bày riêng về quan điểm chỉ đạo thì đến Đại hội XIII, Báo cáo chính trị nêu hệ quan điểm chỉ đạo với 5 quan điểm cơ bản có quan hệ mật thiết với nhau, tạo thành hệ quan điểm thống nhất, bao quát những tư tưởng chỉ đạo lớn đối với toàn bộ công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Trong đó ở quan điểm về động lực phát triển, Đại hội nêu: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. So với trước đây, nhận thức của Đảng về động lực phát triển được nâng lên tầm mức mới và ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là nguồn năng lượng nội sinh to lớn, động lực phát triển chính của một quốc gia trên con đường phát triển.

Coi nội dung này như là thành tố trong Mục tiêu tổng quát toàn nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”. Ðại hội XIII không chỉ xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2021-2025 mà còn xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Ðảng), tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và bổ sung nhiều điểm mới; bổ sung “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”, “kết hợp với sức mạnh của thời đại” vào nội dung “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” thành “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”.

Đại hội XIII đặc biệt chú trọng việc xác định các đột phá chiến lược phù hợp với các điều kiện, yêu cầu của đất nước trong 5, 10 năm tới. Trong đột phá chiến lược thứ ba về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Đảng ta nhấn mạnh nội dung “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. 

Điểm đặc biệt của Đại hội XIII là 3 vấn đề (tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, đại đoàn kết dân tộc) luôn đi cùng với nhau, thuộc cùng một chủ điểm, có mối quan hệ gắn bó với nhau, được bổ sung nhiều điểm mới nhằm khơi dậy, phát huy cao nhất tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ nhằm phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ bằng các giải pháp: cụ thể hóa thành các chính sách và phong trào thi đua yêu nước với hình thức, nội dung phong phú trên tất cả các lĩnh vực; không dừng lại ở việc tuyên truyền, kêu gọi thông thường mà phải chỉ dẫn các hành động cụ thể; chú trọng đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá các môn học trong nhà trường, đặc biệt là môn lịch sử, giáo dục công dân; đẩy mạnh học tập suốt đời theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với việc làm hàng ngày của mỗi người dân.

Hai là, xây dựng chính sách khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh. Tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tài năng, trí tuệ, phẩm chất, giá trị, sức mạnh con người Việt Nam; có cơ chế đào tạo, trọng dụng nhân tài; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ba là, phát huy cao hơn nữa vai trò của Mặt trận tổ quốc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhất là trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 hiện nay. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào ta ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc bằng các giải pháp: quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân để nhân dân được ấm no, hạnh phúc, yên tâm, tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của “thế trận lòng dân”; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp theo hướng gần dân, chăm lo cho nhân dân; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước…

Là lực lượng nòng cốt giữ vai trò bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, lực lượng CAND luôn được Đảng quan tâm, chăm lo xây dựng, rèn luyện. Các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng CAND được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ đại hội Đảng, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và đến Đại hội XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, “đến năm 2025, cơ bản xây Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Với vai trò, nhiệm vụ quan trọng như trên, lực lượng CAND phải tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chú trọng xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đối với vấn đề phát huy “tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đối với cấp ủy Đảng, thủ trưởng công an các đơn vị địa phương cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, tích cực triển khai quán triệt đến từng đơn vị cơ sở trong nội bộ lực lượng Công an nhân dân với hình thức, phương pháp phù hợp, sáng tạo để góp phần nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ chiến sĩ, đảng viên trong Công an nhân dân về “tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII. Gắn những nội dung trong nội hàm vấn đề này với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Hai là, chủ động nghiên cứu, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào đời sống nhân dân, trong đó có nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về “tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII. Việc triển khai tuyên truyền cần chú ý vừa xây dựng kế hoạch tuyên truyền riêng của lực lượng Công an nhân dân, vừa tham mưu với cấp ủy chính quyền các cấp ở trung ương, vùng và địa phương ban hành và triển khai kế hoạch tuyên truyền.

Ba là, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân, cần tổ chức nghiên cứu góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận liên quan đến vấn đề “tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” trong tình hình hiện nay. Chú trọng phát huy vai trò của Hội đồng lý luận Bộ Công an mà trực tiếp là Tiểu ban lý luận về xây dựng lực lượng và hậu cần; vai trò của các cơ quan thực hiện nghiên cứu (các viện nghiên cứu, các học viện, trường đại học trong Công an nhân dân); tăng cường đầu tư thỏa đáng cho việc tổ chức nghiên cứu các vấn đề về lý luận chính trị an ninh và phát huy “tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” gắn với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân trong bảo vệ an ninh trật tự.

Bốn là, tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện từ sớm, từ xa âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại tinh thần yêu nước, ý chí tự cường của nhân dân ta. Từ đó phối hợp với quân đội nhân dân, các cơ quan ban ngành có liên quan triển khai các mặt công tác nghiệp vụ để đấu tranh có hiệu quả với hoạt động phá hoại; gắn phòng ngừa chủ động với công tác đấu tranh.

Năm là, chủ động nghiên cứu, phát hiện các luận điệu, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch phá hoại “tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” một cách hiệu quả nhất theo hướng vừa đấu tranh lý luận trên các báo, tạo chí, hệ thống thông tin truyền thống; vừa tổ chức đấu tranh qua mạng xã hội.

Mỗi cán bộ, đảng viên trong lực lượng Công an nhân dân phải là những người yêu nước nhất, có ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết nhất, gương mẫu, đi đầu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thông qua công tác, chiến đấu truyền cảm hứng để nhân dân thêm hiểu, thêm tin yêu người chiến sỹ Công an nhân dân và chủ động tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

 

Trung tướng, PGS, TS. Trần Vi Dân
Giám đốc Học viện Chính trị CAND

Nguồn Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website