Phát huy những giá trị dân chủ ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Dân chủ vừa là một nhu cầu to lớn của cuộc sống con người, vừa là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển xã hội. Dân chủ còn là một giá trị văn hoá phổ quát thể hiện sự khẳng định vai trò, quyền và nghĩa vụ của người chủ - người dân, nhân dân, công dân trong một xã hội văn minh, tiến bộ. Với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, Đảng đã từng bước nâng cao nhận thức về vị trí và tầm quan trọng của dân chủ nhằm thực hành dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Về nhận thức lý luận dân chủ

Dân chủ là một hiện tượng lịch sử xã hội gắn liền với sự tồn tại và phát triển của đời sống con người; dân chủ cũng là bản chất, là mục tiêu và động lực của chủ nghĩa xã hội. Việc nghiên cứu lý luận dân chủ và thực hành dân chủ luôn được Đảng quan tâm trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Trên phương diện dân chủ, Đảng kế thừa sâu sắc quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ.

Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người thiết kế lý luận dân chủ vừa là người nêu gương mẫu mực về thực hành dân chủ. Theo Người, dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân và thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Hồ Chí Minh đưa ra hai khía cạnh: “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Đây là một quan niệm dân chủ cô đọng, súc tích, vừa khoa học, hiện đại, vừa kế thừa và phát triển những hiểu biết của nhân loại về dân chủ, phản ánh đúng thực chất của dân chủ ở thời đương đại. Coi trọng dân chủ thực chất là tôn trọng con người, coi con người là giá trị cao nhất. Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị của mình, Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho nước nhà độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Người đã làm tất cả để thực hiện Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho Tổ quốc, cho dân tộc và nhân dân.

Kế thừa những tư tưởng dân chủ đó, trải qua các kỳ Đại hội, đặc biệt Đại hội XIII, Đảng tiếp tục phát triển nhận thức về dân chủ với tầm cao hơn, toàn diện hơn, đi vào thực chất hơn. Xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân, làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản để tiến đến xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân thực chất là để đạt tới mục tiêu xây dựng nước dân chủ. Chỉ khi nào giành được độc lập, xây dựng và phát triển đầy đủ chế độ dân chủ thì người dân mới thực sự ở vào vị thế người chủ và làm chủ, được hưởng quyền tự do dân chủ để phát triển toàn diện nhân cách. Dân chủ, với ý nghĩa tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ và làm chủ Nhà nước và xã hội, chính là mục tiêu của sự phát triển

Khẳng định nhân dân là người chủ nước nhà không chỉ khẳng định về một quan điểm, một tư tưởng chính trị mà còn phải thể chế hóa thành luật, bằng luật, trước hết là Hiến pháp - bộ luật cơ bản của Nhà nước. Vai trò của Hiến pháp là phải bảo đảm được quyền tự do, dân chủ cho các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo, đồng thời phải thực sự bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ, bình đẳng giữa các dân tộc. Về vấn đề này, Đại hội XIII xác định rõ: “Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân (1).

Về thực hành dân chủ

Một là, thực hành dân chủ trong xã hội

Ngay từ Văn kiện Đại hội lần thứ VI, Đảng đã chỉ rõ việc xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động là một trong những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội VIII, Đảng nhận định một trong những thành tựu của 10 năm đổi mới (1986 - 1996) là quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. Đến Đại hội IX, Đảng chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập, Đại hội X khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân” (2).

Tiếp tục phát triển qua các kỳ Đại hội, Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định rõ hơn nhiệm vụ, giải pháp phát huy dân chủ: Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” (3). Như vậy, trong toàn bộ tiến trình mở rộng, thực hiện quyền dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, Đảng xác định khâu quan trọng và cấp bách là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.

Đại hội XIII cũng khẳng định: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội. Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân” (4). Có thể thấy trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng luôn đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước. Đại hội XIII nhấn mạnh: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân;... lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa” (5).

Nhà nước của dân, do dân và vì dân, do đó đảng cầm quyền phải làm hết sức mình để quyền lực thuộc về nhân dân, mang lại những lợi ích chính đáng cho nhân dân, bảo đảm quyền dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân.

Hai là, thực hành dân chủ trong Đảng

Để thực hiện dân chủ trong xã hội thì trước hết phải bảo đảm dân chủ trong Đảng. Trong Đảng phải tiến hành dân chủ rộng rãi, phải thực sự mở rộng dân chủ để đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình. Đảng đòi hỏi mỗi đảng viên phải nói và làm đúng đường lối, nghị quyết của Đảng. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm quyền làm chủ của nhân dân chính là do sự thiếu dân chủ trong Đảng. Đại hội XIII cho rằng, một trong những hạn chế của thực hành dân chủ là do vấn đề dân chủ xã hội chủ nghĩa chưa được quan tâm phát huy đầy đủ, “quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật” (6).

Coi trọng và thực hành dân chủ cũng là thể hiện sự coi trọng dân và vì dân của Đảng. Để thực hiện dân chủ trong xã hội thực sự hiệu quả, Đại hội XIII đã bổ sung thêm một mối quan hệ lớn cần giải quyết, đó là giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Thực hiện được điều đó, uy tín của Đảng trong dân ngày càng sâu rộng. Dân càng tin yêu Đảng, càng tích cực đóng góp những ý kiến tâm huyết để Đảng có những quyết sách đúng đắn. Nhờ vậy, mọi đường lối, chính sách của Đảng sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, Đảng cần quan tâm tới việc chăm lo đội ngũ cán bộ để bảo đảm sự phát triển liên tục của cách mạng và sự bền vững của chế độ. Đây là vấn đề mà Đại hội XIII đặc biệt chú trọng. Muốn vậy, Đảng phải đổi mới quan niệm và phương pháp tiến hành công tác cán bộ theo hướng thực sự dân chủ, kết hợp với tập trung thống nhất theo một quy trình chặt chẽ. Song song đó, cần tăng cường việc lãnh đạo, kiểm tra cán bộ, đảng viên, kiên quyết xử lý những đảng viên, đặc biệt là đảng viên sai phạm. Đại hội XIII xác định nhiệm vụ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung” (7). Đại hội thống nhất: “Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên” (8).

Có thể nói, từ việc xác định đúng đắn tầm quan trọng của dân chủ trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách về thực hiện dân chủ trong đời sống xã hội. Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự tiếp tục khẳng định những bước tiến trong nhận thức lý luận và thực hành dân chủ ở Việt Nam. Bảo đảm dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng trong Đảng. Đó cũng là cách để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Hải Vân (Học viện Chính trị Công an nhân dân)

Nguồn Báo ANTĐ

 

1, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.172, 173; 96; 173; 96,97; 89; 187; 192.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.125.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website