Giá trị sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước đối với Việt Nam trong hội nhập, phát triển

Cách đây 110 năm, ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với lòng yêu nước sâu sắc và ý chí cứu nước mãnh liệt đã ra đi tìm đường cứu nước. Giờ đây, khi thời gian càng lùi xa và trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay, chúng ta càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn giá trị lịch sử của cuộc hành trình cứu nước vĩ đại ấy.

     Quá trình tìm đường cứu nước của Người cho thấy, phải là người mẫn cảm với thời cuộc, Nguyễn Ái Quốc mới có thể lựa chọn một con đường cứu nước, cứu dân mới vào đầu thế kỷ XX, khi các con đường cứu nước mà các vị tiền bối thực thi trước đó đều bế tắc và thất bại. Lịch sử Việt Nam cần có một mục tiêu, con đường phát triển mới và cần một con người đi tiên phong tìm thấy cũng như tổ chức thực thi đạt mục tiêu ấy. Phải có một tinh thần phê phán đúng đắn, sự thấm nhuần vượt trội chủ nghĩa yêu nước nồng nàn, mới có được chuyến ra đi lịch sử của Người vào ngày 5-6-1911. Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước là một điều khó khăn, nhưng tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử đưa dân tộc giành độc lập, tự do là một điều khó khăn hơn nhiều. Đây chính là sự khước từ cái sai để đi tìm cái đúng, sự từ bỏ cái lạc hậu, lỗi thời để đi tìm cái tiên tiến, phù hợp với thời đại mới. Đó là sự vượt qua những lối mòn để tìm con đường mới. Đó là sự khẳng định một bản lĩnh, khả năng suy nghĩ độc lập và sáng tạo mà lịch sử đang đòi hỏi. Một người Việt Nam đã làm nên lịch sử đó là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

     Người ra nước ngoài không phải đi cầu viện mà đi tìm một con đường đấu tranh đúng đắn, tìm đường ra cho đất nước, dân tộc trước những bế tắc. Thực tế lịch sử dân tộc đã chứng minh, không phải bất cứ ai đều thành công trong việc đi tìm con đường cứu nước mới. Nhưng ở Nguyễn Ái Quốc hội đã tụ đủ những yếu tố cần thiết cho sự  dấn thân vào quá trình tìm đường, mở đường, dẫn đường cho dân tộc Việt Nam, đó là ý trí, nghị lực, tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng vượt qua mọi nguy hiểm khó khăn, hòa mình vào cuộc sống của người lao động để cảm nhận thời cuộc. Người hội tụ những tri thức uyên bác, cổ kim Đông – Tây, chắt lọc, tiếp biến văn hóa, đúc kết thành khối tri thức và bản lĩnh chính trị, Người đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin, lý luận cách mạng của thời đại và tìm thấy ở đó hướng đi đúng đắn và theo Người “Đấy là cái cần thiết cho chúng ta. Đây là con đường giải phóng chúng ta”(1). Người đã trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam (12/1920). Nguyễn Ái Quốc nhận thức rõ, cách mạng trước hết phải có Đảng cách mạng để giáo dục, giác ngộ và tổ chức dân chúng trong nước và liên lạc tranh thủ sự ủng hộ của giai cấp vô sản, các dân tộc bị áp bức trên thế giới, Người đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết để mùa Xuân 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chính đảng duy nhất của cách mạng Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam mà lịch sử đã chứng minh hơn 90 năm qua.

     110 năm đã trôi qua kể ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, nhưng ý nghĩa to lớn và bài học của sự kiện ấy vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự sâu sắc đối với cách mạng nước ta:

     Thứ nhất, từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, lựa chọn ra con đường cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, con đường cách mạng đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn lịch sử Việt Nam, đưa cách mạng nước ta đến thành công. Đến nay, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vẫn là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, “chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc” (2).

     Thứ hai, đây là sự kiện mở đầu quá trình đất nước Việt Nam từng bước hội nhập vào tiến trình phát triển của nhân loại. Trong quá trình đó, trên cơ sở tiếp nhận những giá trị văn hóa, văn minh nhân loại và nắm bắt được xu thế phát triển trong thời đại mới, thông qua con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn, Việt Nam đã kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại thành công, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đem đến những thắng lợi vĩ đại cho cách mạng Việt Nam. Hiện nay, hội nhập quốc tế đang là xu thế khách quan của thời đại, là yêu cầu khách quan của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do vậy, chúng ta không thể trông chờ, ỷ lại, thụ động mà phải chủ động, tích cực hội nhập, có bước đi, lộ trình, giải pháp cụ thể, tránh nóng vội, chủ quan nhưng cũng không được chần chừ, do dự.

     Thứ ba, sự kiện Người ra đi tìm đường cứu nước đã góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại, làm cho thế kỷ XX trở thành thế kỷ phi thực dân hóa, thúc đẩy loài người tiến lên theo hướng tiến bộ. Kiên trì con đường cách mạng độc lập dân tộc chính là giữ vững các nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam, để đất nước tiếp tục phát triển, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.

     Thứ tư, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động nhanh, phức tạp, bài học từ sự kiện 5-6-1911 cho ta thấy, cần nắm bắt xu thế thế giới, vận dụng phù hợp với thực tiễn đất nước để xử lý tốt các quan hệ lớn: quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế… để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

     Thứ năm, là bài học về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước cho mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Người là tấm gương sáng ngời về tinh thần học tập sáng tạo, độc lập tự chủ, yêu nước, tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh vì đất nước. Do đó, học và làm theo Bác, mỗi người Việt Nam cần phải nghĩ trách nhiệm của mình đối với nhân dân, đất nước. Làm việc  với thái độ nhiệt tình, quyết tâm, luôn tự tìm tòi, đổi mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.

     Trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam, 110 năm là thời gian không dài, nhưng sự kiện ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước là một dấu ấn đặc biệt quan trọng, không chỉ cho thấy tình cảm yêu nước và chí khí cao cả của Người, mà còn thấy được tầm nhìn vượt thời đại, trí tuệ của một lãnh tụ thiên tài đã tìm đường, mở đường và dẫn đường cho dân tộc Việt Nam.

 

     Tống Thị Nga - Phó trưởng khoa

Học viện Chính trị CAND

 

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 12, tr.562

(2) Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website