Trên cơ sở quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội theo hướng đồng bộ, hiệu quả, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội - cơ sở lý luận và thực tiễn
Phương thức lãnh đạo của Đảng là tổng thể các hình thức, phương pháp, cách thức, quy chế, quy định, quy trình, phong cách, lề lối làm việc mà Đảng sử dụng để tác động vào đối tượng lãnh đạo, nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối, các nghị quyết của Đảng, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định rõ phương thức lãnh đạo của Đảng, tập trung vào các nội dung chính là: Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên; Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ; Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị(1).
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội được triển khai, tổ chức nghiên cứu trên cơ sở các nội dung nêu trên. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đồng thời các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Thông qua luật và nghị quyết, Quốc hội thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị... Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao”(2).
Đại hội XIII của Đảng đề ra yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đặt trong tổng thể nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Thực hiện Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Hội nghị Trung ương 6 đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022, “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” và Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17-11-2022, “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong sự đổi mới tổng thể tổ chức bộ máy nhà nước.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa quyết định trong việc định hướng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Thực tiễn những năm qua cho thấy, vai trò lãnh đạo của Đảng với Quốc hội trong thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng ngày càng rõ ràng, hạn chế sự chồng lấn, bao biện, làm thay. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội thể hiện ở việc xác định đúng vai trò, vị trí của Quốc hội, đề ra định hướng cơ bản, phát huy dân chủ, tăng cường vai trò chủ động, sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi để Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội
Về quan điểm, nguyên tắc:
- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo Cương lĩnh và các quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức, hoạt động của Quốc hội; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp, pháp luật quy định.
- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cần đi đôi với đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và đặt trong tổng thể yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị theo phương châm thực hiện từng bước, có lộ trình hợp lý, phù hợp.
- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng tuân thủ nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng; bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai.
Về mục tiêu:
Mục tiêu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là nhằm xây dựng Quốc hội vì nhân dân, thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, phát huy dân chủ, pháp quyền, khoa học, tăng tính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045; cụ thể là:
- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để thực hiện hiệu quả hơn nữa chức năng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vừa bảo đảm phát huy vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, vừa bảo đảm dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Tăng tính chuyên nghiệp, phát huy dân chủ, tính pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong khuôn khổ Hiến pháp; xác định rõ hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội theo hướng rành mạch, chủ động, trách nhiệm, chuyên sâu, chuyên nghiệp, tăng tính nghiên cứu khoa học, nhạy bén, bao quát được hiệu lực hoạt động, đề xuất được sáng kiến nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Chất lượng hoạt động lập pháp được nâng cao, đổi mới quy trình, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thực chất hơn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát. Tăng tính công khai, minh bạch, bảo đảm thực hiện chức năng đại diện của nhân dân; đổi mới hình thức hoạt động của Quốc hội; xây dựng Quốc hội điện tử. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực và cơ chế bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm các nguyên tắc pháp quyền trong hoạt động của Quốc hội. Hoàn thiện bộ máy giúp việc khoa học, chủ động, chuyên nghiệp, chuyên sâu.
- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm xây dựng Quốc hội khoa học, hiện đại, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, hướng tới hoạt động thường xuyên, thực sự vì nhân dân, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; thực hiện đầy đủ, chuyên nghiệp chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước; hoàn thiện công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước, hiến định vị trí, vai trò của Hội đồng bầu cử quốc gia, của cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Phát huy vị trí, vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội; xây dựng hệ thống pháp luật khoa học, đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, công khai, minh bạch, thúc đẩy sáng tạo, bền vững, ứng phó kịp thời trước những chuyển biến nhanh của thực tiễn và hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh trong điều kiện mới.