“Bóng ma” cuộc khủng hoảng di cư mới ám ảnh châu Âu
Cách đây 4 năm, vào tháng 3-2016, các nhà lãnh đạo Eu đã ký một thảo thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tỵ nạn. Cụ thể, EU đã nhất trí trả cho Thổ Nhĩ Kỳ 6 tỷ EURO và thúc đẩy cuộc đàm phán với việc Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập EU, để đổi lấy việc nước này ra tay ngăn chặn dòng người di cư tràn vào EU. Và, thỏa thuận đó thực sự đã phát huy hiệu quả. Suốt 3 năm sau đó, số lượng người tị nạn đến các đảo của Hy Lạp từ điểm trung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống đáng kể, từ mức đỉnh điểm 7000 người/ ngày, xuống còn vài trăm người/ngày. Song, các con số lại có xu hướng tăng trở lại từ năm 2019 (1). Lý do tại sao? Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực để gia nhập EU, song triển vọng này trở nên khó khăn, khi Nghị viện châu Âu yêu cầu đóng băng tất cả các cuộc đàm phán thành viên mới. Yêu cầu của EU diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng “chuyên quyền”, có nhiều biện pháp mạnh tay trấn áp trong nước. Lý do, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan suýt bị lực lượng đảo chính lật đổ, nên Tổng thống Erdogan mạnh tay “chuyên quyền trấn áp lại lực lượng đối lập trong nước và các lực lượng đối lập hiện đang cư trú ở châu Âu. Điều đó khiến cho EU tỏ ra bất bình và lưỡng lự trong đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ ra nhập EU. Phản ứng lại, ông Erdogan tuyên bố rằng nếu đàm phán bị đóng băng thì ông sẽ mở cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cho người tỵ nạn đổ vào châu Âu. Cụ thể, phát biểu ở Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan nói: “Nếu châu Âu tiếp tục hành động như vậy, cánh của biên giới sẽ mở. Tôi và đất nước tôi sẽ không bị ảnh hưởng bởi những mối đe dọa này. Sẽ không có vấn đề gì nếu tất cả phê duyệt được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu (thông qua). Chúng ta đang cùng chu cấp cho 3,5 triệu người di cư ở đất nước này. Nhưng châu Âu đã phản bội lời hứa” (2). Mặt khác, cuộc xung đột vũ trang giữa các lực lượng của hai nước láng giềng Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ và Syria) ở tỉnh Idlib , thành trì cuối cùng của quân nổi dậy ở Syria trong vài tuần qua đã làm trầm trọng hóa vấn đề người tỵ nạn, nỗi ám ảnh của các quốc gia châu Âu trong nhiều năm qua. Sợ giao tranh đẫm máu và mong ước có cuộc sống an toàn, tốt đẹp hơn, hàng triệu người trong vòng chiến sự đã mạo hiểm rời đất nước để tìm đường đến châu Âu. Khi bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng ở Idlib, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại không được các nước phương Tây ứng cứu, vì vậy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tuyên bố sẽ mở cánh cửa chốt chặn đường đến châu Âu. Và ngay sau khi quyết định bật đèn xanh của Tổng thống Erdogan, ngày 28/02/2020 nhiều người tị nạn từ Syria đã vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tiến về các vùng duyên hải và khu vực biên giới giáp Hy Lạp, Bungari. Các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm lộ “gót chân Asin” của EU khi EU không thể thống nhất một chính sách nhập cư chung trong suốt thời gian qua. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ còn buộc EU phải ủng hộ các quan điểm của họ trong cuộc chiến chống Syria ở Edlib. Đây là điều kiện khiến EU không thể nhượng bộ yêu sách của Thổ Nhĩ Kỳ được. Vì vấn đề này đã động chạm đến mối quan hệ rất nhạy cảm giữa EU và Nga. EU thừa biết vai trò rất quan trọng cả về chính trị và kinh tế của Nga đối với EU hiện tại và trong tương lai. Chính vì thế, để giải quyết vấn đề tị nạn người Syria và các nước Trung đông qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đã buộc EU phải tiến hành đàm phán lại với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 09/3/2020 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tới Brussels (Bỉ) để thảo luận với lãnh đạo châu Âu về vấn đề quản lý dòng người di cư. Chuyến đi này diễn ra trong bối cảnh cả Thổ Nhĩ Kỳ và EU cùng đang đổ lỗi cho nhau về việc phá vỡ thỏa thuận đã ký năm 2016, theo đó châu Âu sẽ cấp khoản hỗ trợ tài chính 6 tỷ Euro để Thổ Nhĩ Kỳ quản lý dòng người tị nạn trên đất Thổ. Các nhà phân tích cho rằng lợi thế đang nghiêng về phía Thổ Nhĩ Kỳ, vì đây không phải lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng “lá bài” người di cư để “mặc cả” với EU, mà thỏa thuận năm 2016 chính là “sự nhượng bộ bất đắc dĩ” của EU trước Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, lần này vấn đề trở nên khẩn cấp hơn vì EU đang ở trong giai đoạn nhạy cảm, khi liên minh châu Âu vừa chia tay với nước Anh sau hơn 40 năm gắn bó. Vì vậy, nhiệm vụ “củng cố nội khối” đang là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó các vấn đề về kinh tế, ngân sách chung đang ngày càng là vấn đề to lớn đối với EU. Và hiện nay, EU đang rơi vào tình trạng không thể kiểm soát nổi bệnh dịch Covid-19, mà EU đang ở “tâm chấn” của thế giới. Vì vậy, vấn đề người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang châu Âu lúc này được ví như “gót chân Asin” của châu Âu. Phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể nào bỏ qua cơ hội này. Hiện nay, có khoảng 4 triệu người tị nạn từ Syria và Trung Đông đang trú chân ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có khoảng 3,6 triệu người Syria. Kể từ khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố mở biên giới cho người tị nạn đổ vào châu Âu qua biên giới với Hy Lạp và Bungari, có khoảng 26.500 người nỗ lực vượt biên đã bị Hy Lạp ngăn chặn, mặc dù các biện pháp kiểm soát trên biển, trên đất liền dường như đã được Thổ Nhĩ Kỳ nới lỏng. Theo tổ chức Di cư quốc tế của Liên hợp quốc, tính đến chiều 28/02/2020 đã có 13.000 người di cư đã đến được khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp dài 212km. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng hơn 100.000 người tị nạn đã rời khỏi nước này. Người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu gồm có 35% là người Afghanistan, 14% người Syria, ngoài ra là người Marocco, Pakistan, Iran và người châu Phi … (3). Để giải quyết vấn nạn về dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ qua biên giới Hy lạp, Bungari tràn vào châu Âu, tại cuộc họp báo chung sau khi kết thúc hội đàm giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan với Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu ngày 09/3/2020, Chủ tịch Hội đồng châu Âu ông Charles Michel cho biết Eu và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý thành lập nhóm làm việc thực hiện thỏa thuận vấn đề di cư đã ký kết giữa hai bên năm 2016. Theo đó, Cao Ủy Liên minh châu Âu về an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell và Bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục thảo luận làm rõ lập trường của hai bên trong việc thực hiện thỏa thuận năm 2016. Điểm đáng chú ý trong cuộc hội đàm là phía EU đã nhất trí về nguyên tắc cung cấp tài chính cho cả người di cư, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu bà U.Layell nhấn mạnh đây là điều kiện tiên quyết để tiếp tục thỏa thuận về người di cư năm 2016. Đồng thời bà Layell cũng đã chỉ trích cách hành xử của Hy Lạp, khi các binh sĩ nước này đã dùng vòi rồng, hơi cay, đạn cao su tấn công vào dòng người di cư.
Giải pháp cho EU lúc này là EU sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các nước, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ về kinh phí nhằm xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ để họ tìm ra những giải pháp hiệu quả kiểm soát dòng người di cư, để tiến tới những thỏa thuận phù hợp với lợi ích cho cả EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Dự kiến hai bên sẽ họp vào ngày 26/3/2020 để bàn về vấn đề này. Bên cạnh đó, EU sẵn sàng chi trả cho mỗi người dân di cư hiện đang ở Hy Lạp số tiền 2000 Euro (cao gấp 5 lần số tiền phân bổ cho người di cư để họ tự nguyện trở về quê hương theo chương trình của Liên hợp quốc). Ngoài ra, EU cũng kêu gọi các quốc gia khác tiếp nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi của những người dân di cư. Đã có 7 quốc gia trong EU đồng ý với ý tưởng này, để tiếp nhận 1,6 nghìn trẻ em bị bỏ rơi của dòng người di tản. Đồng thời, EU đã tuyên bố dành 170 triệu Euro để viện trợ khẩn cấp cho những người dân dễ bị tổn thương ở Syria. EU cũng đã sẵn sàng ứng phó với khoảng 1 triệu người dân đang trong trạng thái sẵn sàng băng qua biên giới phía bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ để đến châu Âu (4).
Tóm lại, để giải quyết căn bản vấn đề người di cư, các bên cần phải chấm dứt cuộc chiến tại Syria trong đó điểm nóng là tỉnh Edlib của Syria. Nhưng việc này không thể giải quyết được trong tương lai gần, khi vai trò của EU trong cuộc chiến này ngày càng mờ nhạt, trong khi Nga lại nổi lên có vai trò quan trọng ủng hộ chính quyền hợp pháp của Tổng thống Syria, là một bên tham chiến. Và Thổ Nhĩ Kỳ - nước đang sử dụng “lá bài” người di cư để mặc cả với EU, đòi hỏi EU phải chi trả số tiền 27 tỷ EU để nước này ngăn chặn dòng người di cư vào châu Âu. Xem ra, vấn đề người di cư tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với các nước EU như Hy Lạp và Bungari sẽ còn tiếp tục kéo dài, chưa có hồi kết? (5).
Châu Âu trở thành tâm chấn mới của đại dịch Covid-19
Diễn biến của dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, được gọi là Covid-19, đang là chủ đề trọng điểm, chiếm lĩnh sự quan tâm, theo dõi và lo ngại hàng đầu của tất cả các nước trên thế giới hiện nay. Nó được bắt đầu khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tình Hồ Bắc, Trung Quốc từ tháng 12/2019. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert Obrien công khai cho rằng bệnh dịch này phát tán từ Trung Quốc gọi virus corona là “virus Vũ Hán”. Tổng thống Mỹ D.Trump gọi virus corona là “virus Trung Quốc”. Ngày 11/3/2020, tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công bố dịch Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) là đại dịch toàn cầu. Hiện nay (6 giờ 49 phút sáng ngày 19/3/2020) đại dịch đã lan ra hơn 173 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới khiến cho 219.239 người nhiễm bệnh và 8.967 người chết, trong đó châu Âu đang nổi lên là “tâm chấn mới” của đại dịch Covid-19. Ở châu Âu, Italia đã đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc với số ca nhiễm bệnh là 35.713 người nhiễm bệnh và có 2.978 người chết. Tiếp theo là Tây Ban Nha với số ca nhiễm bệnh là 14.769 người và 638 người chết. Đứng thứ 3 là nước Đức có 12.327 người nhiễm bệnh và 28 người chết. Đứng thứ 4 là nước Pháp có 9.134 người nhiễm bệnh và 264 người chết. Đứng thứ 5 là Thụy Sĩ có 3.115 người nhiễm bệnh, 33 người chết. Đứng thứ 6 là nước Anh có 2.626 người nhiễm bệnh và 104 người chết (6). Hiện nay, hầu như tất cả các nước ở châu Âu đều có ca mắc virus corona, covid-19. Theo CNN ngày 17/3 đưa tin, EU đã đồng ý tạm thời đóng cửa biên giới đối với các di chuyển “không cần thiết” từ một nước thứ 3, trong bối cảnh EU đang nỗ lực trong cuộc chiến chống covid-19. Biện pháp trên sẽ kéo dài trong 30 ngày và không áp dụng cho nước Anh, quốc gia đã tuyên bố rời khỏi EU từ ngày 31/01/2020. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) tâm dịch covid -19 hiện nay đã chuyển từ châu Á sang châu Âu. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở châu Âu đã gây ra căng thẳng địa chính trị trong các quốc gia thành viên của EU, và gây áp lực dẫn tới hành động của lãnh đạo các nước EU. Trên thực tế, EU không có nhiều quyền hạn chính thức trong việc buộc các quốc gia thành viên thực hiện chính sách về biên giới và y tế (7). Lãnh đạo WHO, ông T.A.Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO nói “Hiện giờ, mỗi ngày châu Âu đều ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhiều hơn ở Trung Quốc vào thời kỳ cao trào của dịch, châu Âu hiện giờ đã trở thành tâm chấn mới của đại dịch” (8). Một câu hỏi đặt ra là tại sao dịch covid-19 lại bùng phát mạnh mẽ ở châu Âu? Cách đây một thời gian không xa, dịch bệnh covid-19 ( do SARS-CoV-2) hoành hành dữ dội ở Trung Quốc đại lục và chỉ chớm xuất hiện ở một số nước châu Âu và Bắc Mỹ. Khi ấy, truyền thông phương Tây có ý chê Trung Quốc là kém, thậm chí còn phê phán họ giấu thông tin khiến hậu quả chống dịch thấp. Bên cạnh đó là tâm lý kỳ thị người từ Trung Quốc nói riêng, từ châu Á nói chung sang các nước Âu Mỹ. Nhưng giờ đây (ngày 19/3/2020) dịch virus covid-19 đã lan ra nhiều nước ở châu Âu và Mỹ, khiến châu Âu trở thành “tâm chấn” của đại dịch và bùng phát mạnh mẽ, làm cho châu Âu phải cuống cuồng chống đỡ, phải tạm thời đóng của biên giới, cấm bay từ trong ra ngoài đến châu Âu. Điều đó cho thấy virus này chẳng chừa dân tộc nào, chủng người nào cả. Riêng Italia còn có khả năng virus biến chủng thêm (9). Lý giải về sự bùng phát mạnh mẽ ở châu Âu, một số nhà khoa học hiện nay cho rằng:
Châu Âu và Mỹ là nơi có khí hậu lạnh, mà khí hậu lạnh lại rất thích hợp với sự phát triển của virus SARS – CoV – 2
So với các nước ở châu Á, các nước ở phương Tây nhìn chung dân số già hóa, tỷ lệ người già cao, mà qua thống kê số người tử vong vì bệnh covid-19, những người già thường khó qua khỏi so với người trẻ tuổi
Dường như hệ thống y tế công cộng ở một số nước châu Âu lại yếu kém một cách kỳ lạ. Như ở Italia và Pháp, hệ thống bệnh viện công vấp phải sự quá tải, thiếu thốn nhân lực, tài lực và thiết bị. Ở Italia xảy ra tình trạng thiếu giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm covid-19, ở Pháp gần đây giới y bác sĩ đã đình công và biểu tình để phản đối tình trạng thiếu đầu tư…. Hệ thống y tế quá tải, không đủ nhân lực, vật lực để chống lại dịch bệnh
Tâm lý chủ quan, khinh suất ở châu Âu rất lớn. Lãnh đạo các nước châu Âu cho rằng dịch bệnh covid-19 chỉ là cúm mùa thể nặng đã gây chết chóc cho nhiều người dân châu Âu trong nhiều năm qua, Vì vậy, họ coi dịch covid-19 là rất bình thường. Thậm chí chính phủ Anh còn cho rằng nước Anh có cách tiếp cận “miễn dịch cộng đồng”, người dân “tự do phóng nhiễm” (không can thiệp, để thả tự do). Cách tiếp cận đó sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho mọi người dân, cho sinh mệnh của cả dân tộc trên đất nước Anh. Thậm chí, Thủ tướng Đức Angela Merkel còn nói: Nếu chủ quan, khinh suất chống dịch covid-19 thì 70% dân số Đức sẽ mắc bệnh dịch này… Khi dịch bệnh đã lây lan nhanh chóng khắp các nước châu Âu, một số giới chức lãnh đạo ở châu Âu còn tỏ ra thụ động phòng chống dịch bệnh, không quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh mà chỉ chủ trương “từ từ làm chậm đà phát triển của dịch”. Các nước châu Âu còn thiếu biện pháp kiểm soát dịch bệnh đang tràn lan …
Hiệp ước tự do đi lại (Hiệp ước Schengen) của EU cho phép người dân các nước trong Liên minh châu Âu được tự do đi lại, cư trú, mà covid-19 là loại bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan do tiếp xúc thông thường. Đấy cũng là nguyên nhân dễ lây nhiễm nhanh khắp châu Âu
Châu Âu luôn đề cao quyền riêng tư và tự do cá nhân, trong khi châu Á luôn đề cao tính cộng đồng, yếu tố tập thể hơn, vì vậy theo phong tục tập quán ở phương Tây, châu Âu sẽ rất khó có những hành động quyết liệt trong việc chống lại dịch bệnh virus chủng mới covid-19, bởi vì các biện pháp chống dịch được thực hiện thì sẽ hạn chế sự thoải mái và sự tự do cá nhân của người dân châu Âu. Ví dụ như sự khác nhau trong “văn hóa khẩu trang” Á, Âu (người dân châu Á tôn trọng kỷ luật nơi công cộng, đeo khẩu trang chống dịch còn người dân châu Âu kỳ thị việc đeo khẩu trang, coi họ là con bệnh …)
Các nước châu Âu dường như chú trọng vào yếu tố kinh tế và chính trị nhiều hơn, họ lo ngại, nếu mạnh tay chống dịch sẽ làm tổn thương đến kinh tế và động chạm đến các vấn đề chính trị nhạy cảm. Nhiều nước châu Âu đã quá đề cao yếu tố hạch toán thiệt hơn trong kinh tế, không dám bỏ tiền ngân sách quốc gia để ứng phó với dịch bệnh, vì vậy nhiều người dân đã mắc bệnh, họ tỏ ra xem thường, không hăng hái “chống dịch như chống giặc”, mà e sợ, bắt người bệnh phải chi trả phí chữa bệnh quá cao, không tuân thủ nguyên tắc “cứu người là tối thượng” (10). Trước bối cảnh châu Âu có nguy cơ bị tổn thất to lớn về người và của do dịch bệnh virus chủng mới covid-19 gây ra, các nhà lãnh đạo trong Liên minh châu Âu và các nước thành viên đã nhóm họp đề ra nhiều giải pháp khắc phục nó. Tổng thống Pháp Macron đã kêu gọi: “Châu Âu đoàn kết và xem xét một cách thực tế hiện nay là chúng ta đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng đặc biệt chưa từng có, nên rất cần sự ứng phó tương xứng. Chúng tôi đã sẵn sàng tiến hành các quyết định cần thiết, để đối mặt với dịch bệnh, ứng phó với mọi hậu quả. EU cần sự ứng phó nhanh, mạnh nhất có thể. Điều tôi kêu gọi sự đồng lòng trong EU” (11). Đặc biệt, các giới lãnh đạo, các thành viên hiện nay đã tập trung mọi nguồn lực đất nước, bắt tay giải quyết đại dịch này. Giới khoa học nước Anh gồm 229 nhà khoa học từ các trường đại học Anh đã cùng nhau ký tên vào lá thư thúc giục chính phủ Anh áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn để ngăn chặn đại dịch covid-19 thay vì chiến dịch “miễn dịch cộng đồng” (12). Hiện nay châu Âu dự định thông qua “hành động kinh tế” để chống lại đại dịch covid-19, các nước thành viên cũng đã chủ động đưa ra những biện pháp riêng chống dịch của nước mình. Cũng giống như nước Mỹ đã hạ lãi suất bằng 0%, thực hiện chính sách “nới lỏng định lượng” (QE), nhằm tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, ứng phó với đại dịch covid-19, các nước trong Liên minh châu Âu đã thực thi chính sách kinh tế linh hoạt, thi hành chính sách “nới lỏng định lượng” (QE), cung tiền cho thị trường nhằm mở rộng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời thực thi kế hoạch thiết lập nhiều “tuyến đường nhanh” tại biên giới 27 nước thành viên của EU để đảm bảo lưu thông hàng hóa, đúng như phương châm chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu bà Layell đã đưa ra trong cuộc họp báo ngày 17/3/2020 rằng phải tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế đất nước, phải coi covid-19 là kẻ thù và từ bây giờ, tất cả chúng ta phải làm hết sức mình để bảo vệ người dân và bảo vệ nền kinh tế. Chúng ta sẵn sàng làm mọi thứ cần thiết và không ngần ngại thực hiện các biện pháp bổ sung (13). Về mặt khoa học, các nhà khoa học ở châu Âu mà điển hình ở Đức, Hà Lan và một số nước khác đã cùng với các nhà khoa học trên khắp thế giới như Mỹ, Úc, Isarel, Trung Quốc, Việt Nam…. đang chạy đua với thời gian cố gắng tìm ra các loại thuốc thử, các loại vacsin, kháng thể chống virus SARS – CoV – 2 covid-19. Hi vọng trong thời gian ngắn nhất, thế giới sẽ có được vacsin phòng bệnh và thuốc chữa bệnh covid-19 để mọi người dân trên thế giới sẽ được tiếp tục sống và hạnh phúc cho một tương lai tốt đẹp hơn.
PGS.TS Đinh Công Tuấn
Viện trưởng Viện nghiên cứu Quốc tế, Trường Đại học Đại Nam
(1) Tuấn Anh “Xung đột Thổ Nhĩ Kỳ Syria làm lộ “gót Asin” của EU”
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/xung-dot-tho-syria-lam-lo-got-asin-cua-eu-621622.html
(2) Dương Minh “Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tức giận tuyên bố sẽ mở cửa biên giới cho người di cư tràn vào châu Âu”
https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-tho-nhi-ky-tuc-gian-tuyen-bo-se-mo-cua-bien-gioi-cho-nguoi-di-cu-tran-vao-chau-au.html
(3)Thu Hiền “Bóng ma cuộc khủng hoảng di cư mới ám ảnh châu Âu”
https://baoquocte.vn/bong-ma-cuoc-khung-hoang-di-cu-moi-am-anh-chau-au-110949.html
(4)Thanh Bình “Liên minh châu Âu quyết “chơi lớn” với những người di cư”
https://baomoi.com/lien-minh-chau-au-quyet-choi-lon-voi-nhung-nguoi-di-cu/c/34302480.epi
(5) Tuấn Anh “Xung đột Thổ Nhĩ Kỳ Syria làm lộ “gót Asin” của EU”
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/xung-dot-tho-syria-lam-lo-got-asin-cua-eu-621622.html
(6) Phương Vũ “Hơn 210.000 người nhiễm nCoV toàn cầu”
https://vnexpress.net/the-gioi/hon-210-000-nguoi-nhiem-ncov-toan-cau-4071466.html
(7) Đức Hoàng” Châu Âu đóng của biên giới toàn khối chống Covid-19”
https://dantri.com.vn/the-gioi/chau-au-dong-cua-bien-gioi-toan-khoi-chong-covid-19-20200318072402130.htm
(8) Minh Phương (theo CNN,Reuters) “WHO: Châu Âu trở thành tâm chấn mới của đại dịch Covid-19”
https://dantri.com.vn/the-gioi/who-chau-au-tro-thanh-tam-chan-moi-cua-dai-dich-covid-19-20200313234407858.htm
(9)Trung Hiếu (VOV.vn) “ Nguyên nhân khiến dịch covid-19 bùng phát mạnh bất ngờ ở châu Âu và Mỹ”
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nguyen-nhan-khien-dich-covid19-bung-phat-manh-bat-ngo-o-chau-au-va-my-1021567.vov
(10)Trần Nga, vov1 “Lý giải nguyên nhan khiến dịch covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu”
https://dantri.com.vn/the-gioi/ly-giai-nguyen-nhan-khien-dich-covid-19-lay-lan-nhanh-o-chau-au-20200311202116560.htm
(11) Trần Nga, vov1 “Lý giải nguyên nhan khiến dịch covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu”
https://dantri.com.vn/the-gioi/ly-giai-nguyen-nhan-khien-dich-covid-19-lay-lan-nhanh-o-chau-au-20200311202116560.htm
(12) Hoàng Phạm, vov “Giới khoa học Anh phản bác ý tưởng “miễn dịch cộng đồng””
https://vov.vn/the-gioi/gioi-khoa-hoc-anh-phan-bac-y-tuong-mien-dich-cong-dong-1022181.vov
(13) “Eu đóng của toàn bộ biên giới trong 30 ngày”
https://cafef.vn/eu-dong-cua-toan-bo-bien-gioi-trong-30-ngay-2020031808353339.chn