Vị tướng công an trên hai trận tuyến phản gián và khuyến học

Ông được trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2016 vì đã dũng cảm bám trụ địa bàn, cùng đồng đội tiêu diệt nhiều tên ác ôn có nợ máu với cách mạng, bóc gỡ nhiều mạng lưới mật báo viên của tình báo, cảnh sát ngụy; khai thác số đối tượng cảnh sát, tình báo, đảng phái phản động, ngụy quân, ngụy quyền, thu nhiều tài liệu, tin tức tình báo quan trọng, góp phần làm thất bại kế hoạch hậu chiến của địch. Ông là tấm gương sáng cho các thế hệ an ninh nhân dân noi theo. Ông là Thiếu tướng Phan Văn Lai, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục III, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an.

Theo Cách mạng từ sớm

Năm 1946, khi vừa 16 tuổi, chàng trai Phạm Văn Lai đã tham gia kháng chiến chống Pháp ở quê nhà ở xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Sau đó, ông được điều động lên huyện làm cán bộ Đoàn Thanh niên cứu quốc.

Sau đó, ông công tác ở Công an tỉnh Hà Nam, rồi được Bộ Công an triệu tập về Trường Công an Trung ương. Lúc đó, ông đã có vợ và con. Nhưng ông vẫn nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường vào Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ông chỉ kịp viết cho vợ những dòng thư lưu luyến rồi nhanh chóng hành quân ra chiến trường, bước vào cuộc chiến ác liệt tại Bình Trị Thiên khói lửa:

“Em Thanh yêu quý!

Phút chia tay trên tàu, anh vô cùng xúc động. Thương em đối với anh cũng đã quá trọn tình, hình ảnh của em và con lúc đó đã ghi mãi trong tâm trí; làm sao có thể phai nhạt được. Anh vẫn theo dõi từng bước đi của em cho đến giờ phút anh tin rằng em và con đã về đến nhà yên ấm…

Nhưng em ạ, nay vì nghĩa lớn, chúng ta vui lòng hy sinh tình cảm thiêng liêng của chúng ta, điều đó rất cao quý. Em đừng buồn nhiều nhé. Tin ở anh, nhất định không lâu nữa anh sẽ trở về với em!”.

Đồng chí Phan Văn Lai cùng đồng đội ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ảnh nhân vật cung cấp

Chiến đấu gian nan

Đoàn quân lên chiếc xe bịt kín, vào bổ sung cho chiến trường Thừa Thiên. Xe chạy đến Quảng Bình thì xuống cuốc bộ, luồn rừng rậm đi suốt hai tháng ròng mới tới được Thừa Thiên. Các chiến sĩ ăn Tết Nguyên đán ngay trên đường ra trận.

Vào tới Thừa Thiên thì họ làm lán trại ở trên núi. Từ đó, đội quân ấy gây dựng và phát triển lực lượng, để rồi một năm sau, họ tiến về đồng bằng, phát động đồng khởi. Năm 1964, phong trào đồng khởi đã thắng lợi giòn giã, đặc biệt là xã Phong Sơn. Nhưng ngay sau đó, giặc Mỹ càn quét rất ác liệt, họ phải rút lên căn cứ. Lúc ấy, đã có nhiều đồng chí hy sinh.

“Khi đó, tôi là Bí thư Đảng ủy, Chánh văn phòng an ninh tỉnh Thừa Thiên. Nỗi lo lớn nhất của tôi là cuộc sống của anh em. Có đợt hơn 30 người vào đều ốm và sốt rét la liệt. Bọn Mỹ càn quét cơ sở. Kho gạo của mình thì nó phá mất, vậy là các chiến sĩ của chúng ta chẳng có gì ăn trong lúc ốm đau triền miên. Vốn thông thạo địa bàn, tôi đã xuống xã Phong Sơn xin gạo và thực phẩm gùi về căn cứ cho anh em. Đây là thời kỳ chiến tranh khốc liệt, Mỹ dùng Trị Thiên làm bàn đạp tấn công ra miền Bắc. Lúc ấy Trị Thiên đã trở thành khu đặc biệt do Trung ương trực tiếp chỉ đạo. Khu ủy quyết định Ban An ninh dồn toàn bộ vào Huế. Ông Nguyễn Đình Bảy (Bảy Khiêm) được giao Phó ban an ninh khu” - Thiếu tướng Phan Văn Lai nhớ lại.

Đặc biệt, ngày đó có hơn 2.300 cán bộ đảng viên, du kích của ta bị bắt giam trong nhà lao Thủ Phủ. Ở nhà lao này, Mỹ trang bị hiện đại tới mức, trong tình huống cấp bách, chỉ cần bấm nút là các chiến sĩ của chúng ta sẽ bị tiêu tan trong nháy mắt. Vậy phải làm sao đây để cứu thoát được những cán bộ này? Đó là một kế hoạch phải tính "nát nước" mới thực hiện được.

Đồng chí Bảy Khiêm đã triệu tập anh Đáp đến bàn xem giải phóng nhà lao như thế nào. Suy tính rất lâu, các đồng chí lãnh đạo rút ra một điều là phải làm binh vận. Quả nhiên, 12 giờ đêm, có một ngụy quân leo theo đường ống nước ra ngoài gặp cán bộ ta. Qua lời khai của người này thì, có một đường ống, ba người có thể bí mật vào mở cửa tấn công để giải phóng nhà lao. Đúng ba giờ sáng, ta tấn công giải thoát thành công hơn 2.300 đồng chí thoát khỏi nhà lao.

Mưu trí đánh giặc

Có lần, chiến sĩ Lai cùng đồng đội thuyết phục tỉnh trưởng Trần Đình Thương đầu hàng. Khi quân ta vào nhà Thương để thuyết phục thì hắn đã trèo lên nóc nhà. Bộ đội liền leo qua cửa tum để lên trần thì ông ta bất ngờ ném lựu đạn. May sao, các chiến sĩ nhanh chóng cúi đầu xuống nên không bị sao. Còn tên tỉnh trưởng đã bị tiêu diệt ngay lúc đó.

Được cấp trên giao phó, Phan Văn Lai phụ trách bộ phận chuyên lùng sục các cơ quan ngụy quyền để thu thập tài liệu. Ông và đồng đội đã thu được 20 bì tài liệu tuyệt mật và tối mật. Nhận được tin này, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã cử ngay cán bộ vào khai thác, thu thập được nhiều thông tin quan trọng phục vụ cho việc đánh địch.

“Dịp Tết Đoan Ngọ Mậu Thân năm 1968, tôi và anh Khiêm - Phó ban An ninh khu Trị Thiên Huế - đang trú trong nhà một cơ sở là bà Giáng thì hàng loạt đạn pháo từ căn cứ Phú Bài của địch trút xuống thôn Hà Trữ (xã Phú Cường, nay là xã Vinh Thái, huyện Phú Vang) làm rung chuyển mặt đất”, ông kể lại.

“Theo kinh nghiệm, địch sẽ càn về vùng này. Đồng chí La Đình Mão, chiến sĩ an ninh huyện Phú Vang quyết định đưa chúng tôi đến hầm bí mật ở rú Hà Thượng. Chúng tôi khẩn trương di chuyển dưới làn đạn pháo, vừa đến rú thì đụng ngay một tốp kỵ binh bay của Mỹ với máy bay trực thăng HUIA đang cấp tập đổ quân đi con. Đạn bắn xối xả trúng vào đội hình chúng tôi đang di chuyển nên đồng chí Mão bị dính mảnh M79, máu túa ra ở tay và chân. 

Chúng tôi chạy thục mạng một đoạn thì quay lại chẳng thấy anh Bảy Khiêm đâu, có lẽ do bị máy bay đuổi bắn cấp tập, anh đã có tuổi nên không theo kịp hoặc đã hy sinh. Tôi vô cùng lo lắng và bàn với anh Mão: “Chúng ta không thể bỏ mặc anh Bảy Khiêm, phải bằng mọi giá tìm được anh đưa đến nơi an toàn. Nếu anh bị thương, phải đưa anh thoát khỏi vòng vây của địch”.

Mặc dù  bị thương, nhưng anh Mão xin được quay lại và rất may đã tìm được anh Bảy Khiêm đang bị lạc trong rú, đưa trở lại nơi chúng tôi ẩn nấp. Hết sức mừng rỡ nhưng chúng tôi rất lo khi nhìn vết thương của người chiến sĩ dũng cảm. Tôi xé áo băng vết thương cho đồng đội

Thiếu tướng Phạm Văn Lai (ngoài cùng, bên phải) thăm đồng đội ở Kiên Giang. Ảnh nhân vật cung cấp

Rồi với sự mưu trí, thông thạo địa hình của anh Mão, các chiến sĩ của ta đã len lỏi vượt qua vòng vây của địch về đến cơ sở ở thôn Dưỡng Mong A (xã Phú Cường). Nhưng vừa xuống hầm bí mật trong vườn của gia đình ông Hoàng Sa thì bọn địch càn đến. Suốt 5 ngày đêm, chúng chà đi xát lại, chúng tôi phải ở dưới hầm, được gia đình ông Sa che chở, tiếp tế cơm nước…

Nằm dưới hầm, chúng tôi nắm chặt tay, ứa nước mắt nghe tiếng kêu khóc thảm thiết của vợ con ông Sa do bị địch tra khảo, đánh đập dã man, hăm dọa đốt nhà, bắn bỏ nếu không chịu chỉ hầm bí mật. Trước thử thách hiểm nguy nhà tan cửa nát, sống chết cận kề, vậy mà vợ chồng và các con ông Sa vẫn trước sau chỉ nói: “Gia đình tui không có hầm bí mật, không nuôi Việt cộng trong nhà!”. Nhờ sự bao bọc, kiên trung của gia đình ông Sa, tôi và anh Bảy Khiêm mới thoát khỏi tay địch”, vị tướng già rưng rưng nhớ lại khoảnh khắc ấy.

Không lúc nào, Thiếu tướng Phan Văn Lai quên nhớ thương đồng đội và nhân dân đã dũng cảm hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt này.

Khi người lính hy sinh

Năm 1967, ông có dịp về huyện Hương Thủy và gặp lại ông Lê Như Khánh, là Trưởng ban An ninh huyện. Ông Khánh kém ông Lai 7 tuổi, là đồng hương và cùng học lớp bồi dưỡng tại C500 để đi B, nên hai người coi nhau như anh em ruột thịt.

Đêm đó, họ ngồi bên bếp lửa cùng ôn lại kỷ niệm buổi chia tay vợ con trước ngày lên đường vào Nam. Ông Lai nhớ lại: “Hai anh em nói chuyện suốt đêm bởi tôi và Khánh có nhiều kỷ niệm sâu nặng. Ngày ấy, chúng tôi cùng công tác ở Công an tỉnh Hà Nam và được Bộ triệu tập về học lớp B2 (tháng 12-1962), cùng được chi viện vào tỉnh Thừa Thiên, cùng có con trai sinh năm 1962.

Vài ngày trước khi đi B, ngẫu nhiên hôm ấy vợ tôi và và vợ Khánh cùng bồng bế đứa con còn bú mẹ, tất tả lên Trường Công an Trung ương thăm chồng. Đây là thời điểm nhạy cảm nên nhà trường rất hạn chế việc cán bộ đi B tiếp xúc với gia đình nhằm giữ bí mật. Tôi và Khánh phải ghìm nén tình cảm, cố tỏ ra vui vẻ như mọi lần và giữ kín chuyện sắp đi xa để tránh gây sự xúc động của hai người vợ. Chúng tôi chỉ được trò chuyện chốc lát ở phòng thường trực, ôm hôn đứa con của mình rồi động viên vợ: “Chủ nhật tới các anh sẽ về Phủ Lý thăm các em và con. Con chúng mình còn nhỏ, trời rét, đường xa, xe tàu khó khăn, vất vả lắm, từ nay các em không phải lên nữa, cứ một hai tuần các anh sẽ thu xếp về thăm”… Nói vậy chứ tôi và Khánh đều hiểu rõ đó chỉ là lời an ủi, động viên; từ đó đến ngày lên đường chúng tôi đâu còn cơ hội về thăm vợ con!

Bất chợt Khánh nhìn tôi với vẻ đăm chiêu: “Anh Thi! Công tác ở huyện gian khổ lắm. Em là lãnh đạo, phải gương mẫu mới động viên anh em xông pha nơi trận mạc được. Vì vậy, hy sinh là chuyện khó tránh khỏi. Nếu em có mệnh hệ nào, anh còn sống thì cố tìm phần còn lại của em và đưa em về quê hương nhé!”. Tôi sững sờ, cố trấn tĩnh để động viên Khánh: “Sao Khánh nói gở thế? Anh em mình cao số lắm, kháng chiến thắng lợi, hai anh em cùng nhau về Phủ Lý trả món nợ cũ cho hai nàng như lời hẹn hò năm xưa ở cổng trường chứ!”.

Nhưng thật đau lòng, sau Mậu Thân 1968, mặc dù được bà con che chở, bảo vệ nhưng hôm ấy, đồng chí Khánh bị địch truy lùng trúng hầm bí mật mà anh đang ẩn nấp. Bọn địch kêu gọi Khánh đầu hàng nhưng với khí phách anh hùng và tấm lòng kiên trung, anh đã bật nắp hầm, nhảy lên bắn trả quyết liệt bọn chúng và anh dũng hy sinh…

Dựng xây quê hương

Khi chiến tranh kết thúc, ông Phạm Văn Lai tiếp tục làm việc trong Bộ Công an, làm công tác thanh tra cho đến khi nghỉ hưu. Rời nhiệm sở, về quê, vợ chồng ông lại đóng góp thiết thực, để dựng xây quê hương Nam Trực, Nam Định.

Năm 2012, ông trích lương hưu tặng Văn phòng Hội khuyến học huyện Trực Ninh bộ máy vi tính trị giá hơn 10 triệu đồng. Năm 2013, huyện Trực Ninh xây dựng quỹ khuyến học mang tên Trạng nguyên Đào Sư Tích, Thiếu tướng Phan Văn Lai cùng Hội đồng hương, Hội doanh nhân huyện Trực Ninh tại Hà Nội ủng hộ công sức và tiền bạc để gây dựng quỹ.

Trân trọng tấm lòng của Thiếu tướng Phan Văn Lai, ông Vũ Quang Khải, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Phương Định tâm sự: “Khi còn công tác cũng như lúc đã nghỉ hưu, hằng năm bác Lai và gia đình đều nhiều lần về quê hương nhân dịp Ngày Thương binh Liệt sĩ và các ngày lễ lớn. Hai bác và gia đình thường xuyên trích tiền lương hưu để cùng Hội cựu chiến binh đi thăm, tặng quà các đồng chí thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hội viên nhiễm chất độc da cam”…

 

Trong 12 năm chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên Huế (từ 1964 đến 1976), Thiếu tướng Phan Văn Lai từng là Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng Ban an ninh tỉnh Thừa Thiên; Phó bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên Huế.

Sau 30-4-1975, ông trở về miền Bắc, công tác tại Bộ Công An. Rồi ông được phong hàm Thiếu tướng, và giữ chức vụ Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (nay là Tổng cục Chính trị Công an nhân dân Việt Nam) kiêm Trưởng ban Thanh tra Bộ Công an.

Năm 1990, ông giữ chức vụ Chánh thanh tra Bộ Công an cho đến ngày nghỉ hưu. Năm 2014, ông là Trưởng Ban liên lạc cán bộ Bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hội đồng hương huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định) tại Hà Nội, kiêm Chủ tịch danh dự Hội khuyến học huyện Trực Ninh. Ông đã vinh dự được nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, huân chương Độc lập hạng Nhì, huân chương quân công hạng Nhì, hạng Ba, huân chương Quyết thắng hạng Nhất, huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, huân chương giải phóng hạng Ba cùng nhiều Bằng khen, giấy khen khác.

Đặc biệt, ngày 27-1-2016, Thiếu tướng Phan Văn Lai được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cũng trong ngày này, mẹ của ông, cụ Lê Thị Mỵ được phong tặng danh hiệu Mẹ ViệtNam anh hùng.

 

Nguồn Báo Quân đội nhân dân

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website