Cách đây 76 năm, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa được thành lập. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ”; “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; văn hoá “phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng”. Tinh thần ấy chảy suốt chiều dài lịch sử, khơi dậy ngọn lửa quyết tâm, động lực tinh thần của toàn dân tộc để góp phần quyết định vào thành công của công cuộc kháng chiến kiến quốc, xây dựng Tổ quốc, phát triển nguồn lực con người Việt Nam. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, một lần nữa, tinh thần ấy được khơi dậy, hoà thấm trong hơi thở của thời đại. Không chỉ “soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa còn là “hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Văn hoá là sợi dây bền chặt, gắn kết mỗi cá nhân, gia đình, làng xã, cộng đồng, dân tộc, đất nước tạo thành khối sức mạnh, quyết định sự thành bại, diệt vong của mỗi quốc gia. Nói theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Văn hoá còn thì dân tộc còn”.
Có thể nói, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 tiếp nối quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam,... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất". Do vậy, Hội nghị đã đặt ra nhiều vấn đề về xây dựng, phát triển văn hoá, đáng chú ý là nhiệm vụ nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam; xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng.
Đối với lực lượng Công an nhân dân, văn hoá chính trị giữ vai trò quan trọng, thiết yếu, đảm bảo thắng lợi mọi mặt công tác công an. Xây dựng và phát triển văn hoá chính trị CAND chính là một nội dung quan trọng được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đặc biệt quan tâm. Về cơ bản, văn hoá chính trị CAND được đặt trong dòng chảy của văn hoá nước nhà nói chung và được định hướng phát triển theo tinh thần Hội nghị Văn hoá toàn quốc.
Là một bộ phận của văn hoá chính trị Việt Nam, trực thuộc hệ văn hoá dân tộc, văn hoá chính trị CAND có mối quan hệ mật thiết với văn hoá Đảng, văn hoá giai cấp, văn hoá dân tộc và được hợp thành bởi hệ tư tưởng, lý tưởng, niềm tin, tri thức, hoạt động và năng lực chính trị của CAND, ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ, hành vi chính trị của cá nhân cán bộ, chiến sĩ hay tập thể, đơn vị, góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả công tác công an. Chủ thể của văn hoá chính trị CAND là cá nhân người cán bộ, chiến sĩ công an; là tập thể, đơn vị CAND. Đặc trưng cơ bản của văn hóa chính trị CAND là hệ tư tưởng chính trị, là lý tưởng, niềm tin, tri thức, năng lực chính trị của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an được biểu hiện qua các nghi thức của CAND, các quy định trong Điều lệnh CAND gắn với lịch sử truyền thống của CAND Việt Nam.
Trên tinh thần đó, có thể nhận diện các đặc điểm cơ bản của văn hoá chính trị CAND qua: (1) Tính giai cấp và bản chất cách mạng rõ nét. Bởi lẽ, lực lượng CAND Việt Nam ra đời từ nhân dân, trong bão táp Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với sứ mệnh bảo vệ Nhà nước dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. (2) Tính chính trị của lực lượng vũ trang. Có nghĩa là, bản chất của lực lượng vũ trang được văn hoá thẩm thấu và phản ánh qua tinh thần tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội. (3) Tính kế thừa truyền thống xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của CAND, có trách nhiệm truyền lửa cách mạng qua truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng CAND, đồng thời, từ những nhân vật lịch sử, chiến công lịch sử, góp phần lan toả những hình ảnh đẹp của cán bộ, chiến sĩ CAND trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội hiện nay. (4) Tính nhân văn sâu sắc. Có thể nói, tính nhân văn đã chi phối phong cách làm việc, phong cách ứng xử, tinh thần, thái độ, trách nhiệm đối với công việc của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an. “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” đã trở thành lý tưởng, thành lẽ sống và định hướng hành động, đồng thời là nét đẹp văn hoá của lực lượng CAND. Cũng từ tính nhân văn, các chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực văn hóa, xã hội được tuân thủ nghiêm ngặt nhằm đảm bảo xây dựng hình ảnh người CAND thực sự đẹp trong lòng nhân dân.
Dưới ánh sáng quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”, văn hoá chính trị CAND cần đảm bảo những nội dung căn bản như: (1) Sự kiên định lập trường giai cấp, tin tưởng vào con đường XHCN. Văn hoá chính trị CAND phải phản ánh được đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định lập trường giai cấp, tin tưởng vào con đường XHCN. Lập trường giai cấp và bản lĩnh chính trị là chuẩn mực hàng đầu, yêu cầu tiên quyết đối với cán bộ, chiến sĩ công an. Văn hoá chính trị CAND có trách nhiệm bồi dưỡng, giáo dục và chuyển hoá đường lối, quan điểm của Đảng thành nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an, thúc đẩy họ chủ động, tích cực tu dưỡng, rèn luyện, tích lũy vốn sống thực tiễn. Sự kết hợp giữa vốn sống thực tiễn và học vấn, giữa kinh nghiệm và lý luận, giữa lý thuyết và thực hành tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ công an thêm kiên định với mục tiêu, lý tưởng đã chọn. (2) Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và nhân dân. Đây là giá trị truyền thống tạo lập nên sức mạnh của lực lượng CAND cũng là yêu cầu đầu tiên và xuyên suốt của văn hoá chính trị CAND. Tập trung giáo dục lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Giữ vững lập trường chính trị, bản lĩnh chiến đấu, củng cố lòng tin vào đường lối chính trị của Đảng. (3) Kính trọng, lễ phép với nhân dân, vì nhân dân phục vụ. CAND từ nhân dân mà ra, dựa vào dân mà làm việc, do vậy, CAND phải vì nhân dân mà phục vụ, lấy niềm vui, hạnh phúc, sự bình yên của nhân dân làm lẽ sống, mục tiêu chiến đấu. (4) Cương quyết, khôn khéo trong đấu tranh trấn áp các đối tượng xâm phạm an ninh trật tự. Đây là nội dung mỗi cán bộ, chiến sĩ công an luôn quán triệt và ghi nhớ. Tinh thần cương quyết, khôn khéo được coi như “bí quyết” trong đấu tranh trấn áp các đối tượng xâm phạm an ninh trật tự. Nó được ví như vũ khí sắc bén, như nguyên tắc, phương châm hoạt động của người CAND. (5) Tận tuỵ trong công việc là một nội dung thuộc về đạo đức, cũng là yêu cầu về tinh thần, thái độ đối với công việc của người cán bộ chiến sĩ công an nói riêng. Tận tuỵ với công việc cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ đạo đức cao cả của người chiến sĩ CAND. Về văn hóa làm người, xét đến cùng, là vẻ đẹp nhân văn mà bất kỳ một xã hội nào cũng tôn vinh và đề cao, nuôi dưỡng và phát huy. (6) Rèn luyện bản thân, tích cực xây dựng hình ảnh người CAND. Chủ động nâng cao nhận thức của bản thân về nghề nghiệp, các yêu cầu về phẩm chất, năng lực cần có đối với những vị trí công việc cụ thể. Tích cực rèn luyện các đức tính: cần, kiệm, liêm, chính, coi đây là hành trang bất biến của người cán bộ công an. Nghiêm khắc đấu tranh với chính mình, tự soi mình và tự sửa mình hàng ngày; phải “xây” đi đôi với “chống”, lấy xây là chính và quan trọng hàng đầu là phải giữ vững nguyên tắc, giữ vững lập trường cách mạng, nêu cao bản lĩnh chính trị trong bất kể tình huống nào.
Để văn hoá chính trị CAND thực sự phát huy sức mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, hướng đến mục tiêu: xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030, cần phải tiến hành những giải pháp sau:
Thứ nhất, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về văn hoá chính trị CAND. Để thực hiện giải pháp này, cần bắt đầu từ hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho chủ thể văn hóa chính trị trong CAND. Kế tiếp, cần nâng cao kiến thức về chủ nghĩa Mác – Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh CAND. Đồng thời đa dạng hoá các hình thức phổ biến, tuyên truyền giáo dục văn hóa chính trị cho nhân dân. Tích cực giữ gìn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hoá truyền thống và chủ động lựa chọn, tiếp nhận những giá trị mới. Đưa văn hóa chính trị CAND trở thành môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các trường CAND.
Thứ hai, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy về xây dựng văn hóa chính trị CAND. Nâng cao hiệu quả đổi mới công tác quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ, chỉ huy công an các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng văn hóa chính trị CAND. Kiện toàn tổ chức, phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu văn hóa chính trị gắn liền với công tác đảng, công tác chính trị. Tăng cường trách nhiệm nêu gương, đề cao tính kỉ luật, kỉ cương, chấp hành Điều lệnh CAND. Xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa chính trị CAND.
Thứ ba, quan tâm xây dựng nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần, môi trường văn hóa lành mạnh theo chuẩn mực văn hóa chính trị CAND, đồng thời có cơ chế phù hợp để nhân dân tham gia giám sát hoạt động của Công an. Thường xuyên tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kỷ luật theo các chuẩn mực văn hóa chính trị CAND. Bổ sung tiêu chí đãi ngộ, khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ có nhiều thành tích trong việc đưa văn hóa chính trị vào thực thi pháp luật.
Tóm lại, dưới ánh sáng định hướng của Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 1946 và năm 2021, hệ tư tưởng chính trị, niềm tin, lý tưởng, tri thức, năng lực, biểu biết chính trị của CAND được xác lập và trở thành trụ cột vững chắc để văn hóa chính trị CAND hình thành, phát triển, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị toàn ngành. Những thang bậc giá trị chính trị, thể chế và thiết chế chính trị, hoạt động chính trị của CAND được đo trên tinh thần: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”./
Trung tá, TS. Nguyễn Tuyết Lan
Trưởng khoa Khoa học xã hội nhân văn và tâm lý