GIÁO DỤC, RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CHO CÁN BỘ, CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN THEO SÁU ĐIỀU BÁC HỒ DẠY

1.  Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là người đặt nền móng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Đối với lực lượng Công an nhân dân, ngay từ khi giành được chính quyền tháng 8/1945, Người đã luôn quan tâm đến việc xây dựng, rèn luyện, kiện toàn lực lượng để Công an nhân dân (CAND) trở thành công cụ chuyên chính sắc bén bảo vệ Đảng, chính quyền và bảo vệ nhân dân. Ngày 11/3/1948 trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an khu XII, Người đã nêu những nhiệm vụ của lực lượng Công an và đặc biệt đã chỉ rõ “Tư cách người Công an cách mệnh” qua Sáu điều dạy Công an nhân dân, đó là:

                   “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

                   Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

                   Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

                   Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép

                   Đối với công việc, phải tận tuy

                   Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”

Nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an. Đó là những phẩm chất: có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức trong sáng; có ý chí cách mạng tiến công, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Đây là những phẩm chất không thể thiếu, là kim chỉ nam để mỗi cán bộ, chiến sĩ “tự soi”, “tự sửa”, “tự nhận diện”. Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền tảng xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc; rèn đức, luyện tài để mỗi cán bộ, chiến sĩ tận tụy, hết sức dốc lòng phục vụ nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, có tính nguyên tắc và cũng chính là lý do tồn tại của lực lượng Công an. Đó là trách nhiệm to lớn, đồng thời là niềm tự hào, là “danh dự”, là điều thiêng liêng nhất của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND.

          2.  Công an nhân dân là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng, bảo vệ và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, pháp luật, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Lực lượng công an chính là công cụ để bảo vệ chính quyền, bảo vệ lợi ích của nhân dân, là đại diện cho lẽ phải, cho công lý và pháp luật. Mặt khác, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm đầy cam go, nguy hiểm, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an phải chiến đấu đơn tuyến, bí mật, xa sự chỉ đạo của các cấp chỉ huy, của tổ chức. Do đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng để có sức mạnh tự bảo vệ mình trước những thách thức và nguy cơ bởi tác động của mặt trái kinh tế thị trường, của vấn nạn quan liêu, tham nhũng, của mọi tiêu cực và tệ nạn xã hội do chủ nghĩa cá nhân – “giặc nội xâm” nguy hiểm nhất gây ra.  

          Thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách của người công an cách mạng, trong những năm qua Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã ban hành nhiều chủ trương chỉ đạo quan trọng, đưa việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng CAND trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi đơn vị công an và là công việc hàng ngày của mỗi cán bộ, chiến sĩ, cụ thể: Chỉ thị số 03/CT-BCA-X11, ngày 18-4-2014, của Bộ trưởng Bộ Công an, về “Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”; Kế hoạch số 28-KH/ĐUCA-X11 ngày 12-9-2016 của Đảng ủy Công an Trung ương về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong CAND; Chỉ thị số 04/CT-BCA, ngày 19-5-2018 của Bộ trưởng Bộ Công an ngày 19/5/2018 về đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” trong tình hình mới; Quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư ngày 09/2/2018 về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”; tổ chức phát động và thực hiện có hiệu quả nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua trong toàn lực lượng: “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”…Thông qua các chủ trương, các cuộc vận động, các phong trào thi đua đã tạo ra những chuyển biến rõ nét và tích cực trong nhận thức của cấp uỷ, lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp và mỗi cán bộ, chiến sĩ công an về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, từ đó góp phần xây dựng hình tượng người cán bộ, chiến sĩ công an đẹp trong lòng nhân dân.

          Bên cạnh đó, cấp ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương cũng thường xuyên quan tâm, đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ công an theo nguyên tắc “phải giáo dục đạo đức suốt đời”,“nói đi đôi với làm”, “lý luận gắn với thực tiễn”, đặc biệt quan tâm, chú trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ công an gắn với thực tiễn công tác, chiến đấu nhằm xây dựng bản lĩnh cách mạng kiên cường cho mỗi cán bộ, chiến sĩ; thường xuyên đổi mới công tác lý luận chính trị, học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng; học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phù hợp với từng lực lượng, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn và điều kiện thực tiễn công tác, chiến đấu; quan tâm, chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, thực hiện nghiêm Ðiều lệnh Công an nhân dân; xử lý nghiêm những cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, kỷ luật  góp phần làm trong sạch nội bộ, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an nhân dân. 

          Mặt khác, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức theo Sáu điều Bác Hồ đã dạy, thường xuyên tự giác thực hiện “tự soi, tự sửa”, bảo đảm công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng và thực hiện nhiệm vụ của đơn vị đi vào thực chất, công khai, dân chủ, đề cao tính nêu gương của người đứng đầu và phát huy trí tuệ của tập thể, những hoạt động kể trên dần dần đi vào nền nếp và đã trở thành hành động tự thân trong sinh hoạt, công tác, chiến đấu hằng ngày của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, đảng viên Công an.

          Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, khi soi chiếu vào những phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, chiến sĩ công an mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, hiện nay công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ vẫn còn những hạn chế cần khắc phục: một bộ phận cán bộ, chiến sĩ công an có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, né tránh, ngại khó, ngại khổ, chưa thực sự trọng dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ; kén việc, chọn vị trí công tác; ý thức tổ chức kỷ luật kém, đạo đức, lối sống sa sút, thoái hoá, biến chất, thái độ cửa quyền, hách dịch, gây phiền hà cho nhân dân; có những cá nhân vi phạm pháp luật đến mức xử lý kỷ luật, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng Công an nhân dân…

          Thực tế đó đặt ra vấn đề cấp thiết phải thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ theo Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục phát huy bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Công an nhân dân, xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ chiến sĩ, Công an nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự mà Đảng và Nhân dân giao phó.

          3. Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp; toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức tiếp tục được đẩy mạnh, những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng và hình thái chiến tranh mới gia tăng; xung đột sắc tộc, tôn giáo, chủ nghĩa khủng bố…tác động sâu sắc đến lợi ích, an ninh quốc gia của Việt Nam. Trong nước, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn, can thiệp lật đổ ở nước ta với quy mô ngày càng mở rộng, cường độ ngày càng quyết liệt, tính chất ngày càng nguy hiểm, thâm độc, tinh vi, xảo quyệt. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội vẫn trong xu hướng tăng, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm mạng vẫn còn diễn biến phức tạp, có mặt nghiêm trọng hơn, gây bức xúc trong nhân dân. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ đang tác động làm xói mòn lòng tin của cán bộ, nhân dân. Nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự đặt ra cho lực lượng Công an nhân dân hết sức nặng nề. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó, lực lượng Công an nhân dân phải quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, trong đó đặc biệt chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Trong thời gian tới, để công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng trở thành nhiệm vụ thường xuyên, nền nếp của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

          Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về nội dung, ý nghĩa cách mạng và khoa học của Sáu điều Bác Hồ dạy; đưa nội dung học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư ngày 09/2/2018 về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới” và Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII  về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Tổ chức, quán triệt, học tập hiệu quả chuyên đề toàn khoá nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Cấp uỷ Đảng trong Công an nhân dân trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có hiệu quả việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ với những hình thức, biện pháp phong phú gắn với việc làm cụ thể, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ công an luôn kiên định lập trường cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, tin tưởng vào con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân lựa chọn.

          Thứ hai, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND trong học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy; trong đó, mỗi cá nhân, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp và người đứng đầu đơn vị phải nêu gương về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm, cao hơn là làm rồi mới nói, làm nhiều nói ít...; xây đi đôi với chống, trong xây có chống và ngược lại, xây dựng và bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp gắn liền với chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Mỗi người tùy chức năng, nhiệm vụ được giao phải tận tâm, tận lực thực hiện đúng và tốt chức trách được giao; đi trước, làm gương cho quần chúng noi theo, tránh kiểu “đánh trống bỏ dùi”; phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám “cả quyết sửa lỗi mình; làm gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của nhân dân, của đất nước, tránh vì lợi ích cá nhân mà vi phạm tư cách, đạo đức, lối sống. Thông qua đó, tự soi và sửa mình, nghiêm túc tự phê bình và phê bình nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm của bản thân. 

Thứ ba, xây dựng chuẩn mực đạo đức mới, hình thành lối sống giản dị, trong sáng của người chiến sĩ CAND, nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh CAND. Sáu điều Bác Hồ dạy thể hiện những yêu cầu cần có của người công an cách mạng cả về đức và tài, không chỉ tri thức mà còn là đạo đức, lối sống. Lời Bác dạy như những chuẩn mực đạo đức để mỗi chiến sĩ soi mình, tự giáo dục, điều chỉnh hành vi và chuẩn mực đạo đức; rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống. Bác dạy công an “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”. Thấm nhuần lời dạy đó, cán bộ, chiến sĩ Công an phải cần cù học tập, chăm chỉ lao động, không lười biếng, ỷ lại, dựa dẫm vào người khác mà luôn nỗ lực cố gắng để vượt qua thử thách một cách dễ dàng. Cần giáo dục cho họ tinh thần vượt khó, lối tư duy sáng tạo, siêng năng rèn luyện để nâng cao sức khỏe và khả năng chiến đấu, muốn tránh đổ xương máu trên chiến trường cần phải đổ mồ hôi trên thao trường. Người chiến sĩ công an trong quá trình hoạt động thực tế thường tiếp xúc với nhiều cạm bẫy và cám dỗ của xã hội nên cần đề cao tinh thần cảnh giác trước những “viên đạn bọc đường”, để giữ vững khí tiết của người công an cách mạng, có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phải hội đủ phẩm chất “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung như Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ.

          Thứ, tăng cường công tác sơ kết, tổng kết công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy của cán bộ, chiến sĩ Công an các cấp; phát huy, nhân rộng những cách làm hay, mô hình sáng tạo, gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt để tạo sự lan toả rộng rãi, đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện nhũng nhiễu, xa rời, vô cảm trước nhân dân, các hoạt động xâm phạm hoặc đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để những nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng, trục lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp hoặc vi phạm điều lệnh Công an nhân dân.

 

Nguyễn Thị Ngọc Lan Giảng viên khoa Lịch sử Đảng và TTHCM

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website