Đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong những ngày Toàn quốc kháng chiến

Trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, lực lượng Công an nhân dân đã có những đóng góp rất quan trọng, bảo vệ thành quả cách mạng và chính quyền non trẻ; trực tiếp chiến đấu, làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” và âm mưu xâm lược của kẻ thù; chủ động chuẩn bị tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài.

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng non trẻ của Việt Nam phải đối phó với rất nhiều khó khăn thử thách khắc nghiệt, đặc biệt là những âm mưu, thủ đoạn xâm lược, lật đổ của các thế lực ngoại xâm, tay sai và nội phản. Đảng ta đã sớm nhận thức rõ đối tượng đấu tranh chủ yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là thực dân Pháp xâm lược: “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng” (1) . Thực hiện sách lược “hòa để tiến” theo Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, ở miền Bắc, sau khi quân Pháp vào Hà Nội thay thế quân đội Tưởng, lực lượng CAND đã chủ động cùng với Vệ quốc đoàn tham gia hoạt động công khai trong các Ban Liên kiểm các cấp do hai bên Việt - Pháp thống nhất thành lập để nắm tình hình địch, ngăn chặn các hoạt động khiêu khích của quân Pháp; tổ chức trinh sát nắm tình hình bọn gián điệp, phản động tay sai của Pháp, kịp thời trừng trị những đối tượng liên lạc, tiếp tế cho Pháp, bắt đưa đi an trí những đối tượng nguy hiểm có thể nguy hại đến cuộc kháng chiến lâu dài sau này; tản cư bắt buộc những phần tử phản động chưa đáng bắt và đã từng làm tay sai cho địch; tổ chức đoàn quân Nam tiến của lực lượng Công an gồm 32 cán bộ, chiến sĩ do Cục trưởng Cục Công an Nghệ An trực tiếp lãnh đạo… 

Trước âm mưu, thủ đoạn và sự gây hấn của thực dân Pháp ở Đông Dương, thời gian hòa hoãn và cơ hội đấu tranh giành độc lập bằng con đường đàm phán hòa bình không còn nữa, ngày 13/12/1946, Trung ương Quân ủy, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy triệu tập hội nghị các khu trưởng tại Hà Đông. Đồng thời Ban thường vụ Trung ương điện cho Xứ uỷ Nam bộ biết chủ trương gấp rút chuẩn bị kháng chiến toàn quốc, xác định nhiệm vụ của chiến trường Nam bộ là "không để cho Pháp đem hết tài sản chiếm được ở Nam bộ ra đánh Trung-Bắc" và làm tốt các công tác sau: “Tìm mọi cách uy hiếp thành phố Sài Gòn, phá hoại các kho tàng quân nhu, đạn dược, thuyền bè chuyên chở của địch; kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị của quần chúng như bãi công, đình công, đòi quyền lợi kinh tế, đòi quyền tự do dân chủ, chống khủng bố, tẩy chay chính phủ bù nhìn; tổ chức các đội xung phong cảm tử, tiễu trừ Việt gian, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng ở nông thôn, thành thị, bao gồm cơ quan hành chính bí mật và công khai; đẩy mạnh công tác địch vận; đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo, đặc biệt chú ý vận động đồng bào theo đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa...” (2)

Dự báo đúng tình hình phát triển của sự nghiệp cách mạng, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, nhiệm vụ xây dựng Việt Bắc, quê hương của cách mạng Tháng Tám thành Thủ đô kháng chiến trở nên cấp bách. Trung ương quyết định chọn các địa phận các huyện Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai, Phú Lương (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn); Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) làm nơi xây dựng An toàn khu của Trung ương. Tháng 11/1946, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt gồm đại biểu các ngành Công an, Quân đội, chính quyền, đoàn thể quần chúng do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách. Với nhiệm vụ đó, lực lượng Công an nhân dân đã nhanh chóng, tích cực tham gia bảo vệ cuộc tổng di chuyển các cơ quan, kho tàng, máy móc, không cho địch phá hoại hoặc chiếm đoạt; bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc giữa các địa phương và Trung ương ở chiến khu Việt Bắc, triệt để thi hành chính sách “vườn không nhà trống”, đưa nhân dân tản cư ra vùng tự do an toàn.

Thực hiện lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và mệnh lệnh chiến đấu của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, vào lúc 20h ngày 19/12/1946, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, lực lượng Công an nhân dân đã có những đóng góp rất quan trọng, bảo vệ thành quả cách mạng và chính quyền non trẻ; trực tiếp chiến đấu, làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” và âm mưu xâm lược của kẻ thù; chủ động chuẩn bị tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. 

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược, nhiệm vụ của lực lượng công an là tham gia chiến đấu giam chân địch trong các thành phố, thị xã; tiêu hao sinh lực địch, di chuyển hồ sơ tài liệu, trại giam; bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính phủ, bảo vệ các cơ quan, kho tàng của Nhà nước, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; theo dõi và đẩy đuổi các đối tượng có nguy hại cho an ninh ra khỏi khu vực chiến sự có thể xảy ra, bắt đưa đi an trí những đối tượng xét thấy nguy hại cho cuộc kháng chiến; bảo vệ bí mật quân sự, đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình địch; giữ gìn an ninh, trật tự ở những vùng nông thôn hậu phương. Những nơi địch chiếm đóng, một bộ phận công an ở lại xây dựng và phát triển cơ sở để tổ chức đấu tranh phá chính quyền địch.

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tại Chùa Láng (Hà Nội), đồng chí Lê Giản, Tổng Giám đốc Việt Nam Công an vụ chủ trì họp bàn về công tác công an ở các liên khu phố nội thành và ngoại thành, chỉ đạo giữ vững thông tin liên lạc trong mọi hoàn cảnh giữa các khu vực với lãnh đạo Nha Công an Việt Nam và Ty Công an Hà Nội, nắm chắc tình hình địch để kịp thời phục vụ cho Đảng và Ban chỉ huy mặt trận lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Hà Nội. Lực lượng Công an đã tạo được con đường bí mật dọc bờ sông Hồng, qua gầm cầu Long Biên đi đến Liên khu 1 (diễn ra cuộc giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu giam chân địch ở Hà Nội). Nhờ con đường bí mật này, đồng chí Lê Giản, Tổng Giám đốc Việt Nam Công an vụ, đồng chí Nguyễn Tài, Phó Giám đốc Công an Khu 11, thường ra vào chỉ đạo việc gìn giữ an ninh, trật tự trong Liên khu 1, đồng thời kiểm tra công tác, động viên các đồng chí công an và lực lượng chiến đấu.

Ở chiến trường Hà Nội, lực lượng Công an được bố trí từ trước trong thành phố tích cực đẩy mạnh công tác nắm tình hình địch, phối hợp với các lực lượng vũ trang, tự vệ chiến đấu đánh trả những đợt tiến công của quân đội Pháp. “Đội liên lạc đặc biệt” gồm 16 đồng chí, trong đó có 6 chiến sĩ Công an vượt qua chiến lũy, lửa đạn của quân thù điều tra các vị trí đóng quân của địch, làm giao thông liên lạc truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên đến các đơn vị chiến đấu. Ở Liên khu I, Công an quận Hàng Trống dũng cảm chiến đấu đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch, diệt 19 tên, đốt cháy 2 xe bọc thép, phá hủy 1 xe tăng, Công an quận Hàng Đậu cùng bộ đội bẻ gãy các đợt đánh chiếm của quân Pháp từ Cửa Bắc lên cầu Long Biên, diệt 70 tên.

Cuộc chiến đấu giam chân địch trong các thành phố của quân và dân ta tiếp tục làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp. Chấp hành đường lối kiên quyết đứng lên kháng chiến cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, lực lượng công an, nhất là ở Hà Nội dưới sự lãnh đạo trực tiếp các đồng chí đảng viên cốt cán trong Chi bộ Nha Công an Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: vừa chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, di chuyển trại giam, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, hướng dẫn đồng bào tản cư, diệt trừ Việt gian, phản động, vừa làm tốt nhiệm vụ nắm tình hình phục vụ Ban chỉ huy mặt trận, tạo điều kiện cho các cơ quan và hàng vạn đồng bào nội thành rút khỏi thành phố an toàn.

Cán bộ trinh sát của Nha và Ty Công an Hà Nội nhanh chóng tỏa xuống các địa bàn chiến sự trọng điểm nắm tình hình địch, tiếp tục truy bắt bọn Việt gian, mật thám, chỉ điểm, phản động, phát hiện nhiều địa điểm vũ trang bí mật của Pháp kiều; chuẩn bị cơ sở cho các hoạt động bí mật lâu dài, xây dựng cơ sở nội tuyến, điển hình và việc thành lập và đưa vào hoạt động “Đội Tình báo Bát Sắt”. Phối hợp với Thủ đô Hà Nội, quân và dân các đô thị ở Bắc vĩ tuyến 16 cũng giành được thắng lợi quan trọng. Quân và dân Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch bình định, kiềm chế không cho địch đưa lực lượng chi viện cho Trung bộ và Bắc bộ. 

Ở Nam bộ, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và quyết tâm “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, ngay từ những ngày đầu, lực lượng Quốc gia Tự vệ cuộc Nam bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn (3) tuy vừa mới thành lập, với lực lượng ít ỏi, trang bị vũ khí thô sơ nhưng đã nhanh chóng cùng với quân và dân Nam bộ triển khai lực lượng, trực tiếp chiến đấu, phối hợp chiến đấu, lập nên những chiến công oanh liệt như treo cờ đỏ sao vàng trên đỉnh tháp canh của Sở Chữa lửa Sài Gòn, bắt gọn Bộ Chỉ huy Tổ chức Chính phủ quốc gia liên hiệp, bắt Trương Văn Giáo cầm đầu chính phủ dân quốc; tổ chức trấn áp bọn phản cách mạng, bọn phản động lợi dụng tôn giáo, một số phần tử tờrốtkít, tiễu trừ Việt gian, mật thám, chỉ điểm, làm tay sai cho địch; tiến hành xây dựng cơ sở bí mật trong lòng địch, củng cố, xây dựng lực lượng. 

Phối hợp với Quốc gia Tự vệ cuộc Sài Gòn - Chợ Lớn, lực lượng Quốc gia Tự vệ cuộc Cần Thơ và Sóc Trăng đã tổ chức bảo vệ an toàn, đưa đoàn cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm ở Côn Đảo trở về đất liền bổ sung vào đội ngũ lãnh đạo của Xứ ủy Nam bộ và các tỉnh Nam bộ, trong đó có các đồng chí cán bộ cốt cán của Đảng như đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Tôn Đức Thắng, đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Mai Chí Thọ…

Phối hợp với chiến trường cả nước, trên địa bàn Trung bộ, lực lượng trinh sát Công an với nhiệm vụ chủ yếu là tích cực chặn đánh tiêu hao sinh lực địch, bảo toàn lực lượng ta, cố giữ vững cho được một số vùng tự do để xây dựng thành căn cứ địa, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, lực lượng Công an nhân dân đã hiệp đồng với quân và dân các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, đặc biệt là quân và dân Nha Trang, Khánh Hòa tiến hành phá hoại, bố trí phòng tuyến, dựng chướng ngại vật trên đường quốc lộ, tổ chức sơ tán người già, trẻ em và kho tàng vào các căn cứ trong rừng núi. 

Sau khi rút ra căn cứ để bảo toàn lực lượng nhằm tổ chức kháng chiến lậu dài, ta đã bố trí ở lại một số cán bộ trinh sát hoạt động hợp pháp trong các đô thị theo phương thức đơn tuyến, bí mật; một số tổ trinh sát vũ trang đột nhập vào các mục tiêu quan trọng của địch tổ chức đánh phá các cơ sở hậu cần như đột nhập sân bay Nha Trang đốt cháy 2 máy bay và 5.000 lít xăng của địch; làm hỏng Nhà máy thủy điện AngKsoet; đánh phá Nhà máy thủy điện trên suối Ea Nao (Đắk Lắk); tổ chức vây bắt và trừng trị một số tên tay sai nguy hiểm; nắm tình hình, cách thức di chuyển quân, bố phòng và các cơ sở nội gián của địch để phục vụ đắc lực cho Ban Chỉ huy các mặt trận trong công tác đánh địch. 

Trải qua hơn 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, anh dũng, sáng tạo, lực lượng Công an nhân dân đã cùng với quân và dân cả nước đã làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, tạo điều kiện triển khai thế trận chiến đấu lâu dài. Ở chiến trường Hà Nội, đêm ngày 17/2/1946, Đội Liên lạc đặc biệt nhận được lệnh dẫn đường đưa Trung đoàn Thủ đô vượt vòng vây, rút lui khỏi Liên khu 1 an toàn. Khi bị địch phát hiện, cán bộ, chiến sĩ của đội đã tổ chức chiến đấu chặn địch, 8 trong số 9 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, trong đó có 4 cán bộ trinh sát chính trị của lực lượng Công an.

Lực lượng Công an nhân dân đã đóng góp vai trò quan trọng của mình vào thắng lợi chung trong những ngày đầu toàn quốc trường kỳ kháng chiến. Tiếp tục phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, với nhận thức sâu sắc của lực lượng Công an nhân dân về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành các cấp và sự che chở, ủng hộ của nhân dân, lực lượng Công an nhân dân quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tiếp nối truyền thống hào hùng của lịch sử hơn 76 năm ra đời, xây dựng và trưởng thành của Công an nhân dân Việt Nam. 

-------

Chú thích: 

(1). Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 8, NXBCT Quốc gia Hà Nội, 2000. Tr.26.
 (2). Văn kiện quân sự của Đảng, Nhà xuất bản QĐND, 1976, tập 2, tr. 69 
  (3). Tên gọi của Công an Nam Bộ thời kỳ này.

 

TS Lê Đình Hùng

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website