Vào những ngày Tháng Tám lịch sử, mỗi người dân đất Việt lại hướng về Thủ đô Hà Nội với khí thế của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời lở đất”, cuộc cách mạng đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong thời khắc tự hào ấy, mỗi chúng ta lại bồi hồi tưởng nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người anh hùng dân tộc, người đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu làm nên cuộc cách mạng vĩ đại vào mùa thu 76 năm trước.
Thế nhưng trong một dịp tiếp xúc với nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - McNamara, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi nghĩ tôi bình đẳng với người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ.
|
Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến từng trận đánh. Ảnh : Tư liệu - TTXVN |
Con người của ông là vậy đó, cốt cách của một vị tướng thao lược, nhưng thấm đẫm chất nhân văn, văn hóa.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói, Đại tướng Võ Nguyên Giáp muốn mình là con người bình thường để có thể dễ dàng hòa nhập vào biển người lam lũ, cần lao chăng? Nhưng dù có ở giữa đám đông, hòa vào đám đông thì ông vẫn có một vẻ đẹp, một giá trị không thể trộn lẫn. Nhà thơ Daghextan nổi tiếng thế giới Rasul Gamzatov thật có lý và cũng thật sâu sắc khi ông cho rằng, khi anh đi ra thế giới rộng lớn, người ta muốn biết anh là người thế nào, anh có thể chìa chứng minh thư, tấm hộ chiếu ra. Còn nếu có ai hỏi một dân tộc, xem dân tộc đó thế nào, thì dân tộc ấy cũng cần phải đưa ra “giấy tờ” của mình. Đó là các nhà bác học, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà hoạt động chính trị hay các vị tướng lĩnh tài giỏi. Họ chính là “giấy thông hành” để dân tộc đó đi ra với thế giới rộng lớn.
Có lẽ vì thế chăng, mà có lần tham gia trong đoàn Việt Nam dự Festival thanh niên thế giới, nhà thơ Trần Đăng Khoa ngạc nhiên khi đoàn Việt Nam vừa xuất hiện thì cả cầu trường vang dội những tiếng hô nồng nhiệt: “Hồ Chí Minh-Giáp, Giáp!”. Hỏi mới hay họ hô vang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với nhiều nước trên thế giới, cái tên quen thuộc ấy đồng nghĩa với Việt Nam. Vị tướng huyền thoại ấy đã trở thành một “giấy thông hành” để dân tộc ta hội nhập và phát triển.
Ở thế kỷ XX, với các quốc gia thuộc địa, dân tộc bị áp bức, với thế giới yêu chuộng hòa bình, ba chữ Võ Nguyên Giáp luôn được cất lên cùng với Việt Nam, Hồ Chí Minh.
Trên thế giới, bậc danh tướng của mọi thời đại võ công hiển hách, được tôn vinh, không hiếm. Nhưng bậc danh tướng văn võ song toàn, lại là nhà văn hóa lớn, như Võ Nguyên Giáp, phải nói là hiếm có.
Trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp - Con người và huyền thoại”, nhà báo-nhà sử học Bernard Fall đã đánh giá rất xác đáng: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp Võ Nguyên Giáp”. Quả thật, con người và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ tỏa sáng rực rỡ trên lĩnh vực quân sự. Nghiên cứu về ông, sẽ là một khiếm khuyết lớn nếu không nói đến những cống hiến có giá trị to lớn của ông trên mặt trận văn hóa-tư tưởng và nhiều lĩnh vực khác.
|
Khi là giáo viên dạy môn lịch sử tại trường tư thục Thăng Long, Hà Nội, thầy giáo Võ Nguyên Giáp đã mang bầu nhiệt huyết cách mạng của mình để cùng với đồng nghiệp truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước thương dân, khơi dậy lòng nhiệt tình và lối sống có trách nhiệm với bản thân, với quê hương, với dân tộc. Khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, Đại tướng đã nhiều lần phát biểu những ý kiến tâm huyết của mình để chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Ở lĩnh vực báo chí, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà báo chính luận sắc sảo từ khi còn rất trẻ. Bài báo đầu tiên của ông bằng tiếng Pháp được gửi đăng trên tờ báo L’Annam ngày 24/3/1927 do Luật sư Phan Văn Trường ở Sài Gòn làm chủ nhiệm với tựa đề “Đả đảo tên tiểu bạo chúa ở trường Quốc học!” đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người làm báo lúc bấy giờ. Lúc đó ông mới 16 tuổi. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936-1939, ông thành lập báo “Hồn trẻ”; cùng một số đồng chí sáng lập và tham gia viết báo cho các tờ báo công khai hồi đó, như: “Tiếng dân”, “Tiếng nói của chúng ta”, “Lao động”, “Tiến lên”, “Tập hợp”…; cùng cố Tổng Bí thư Trường Chinh biên soạn tác phẩm “Vấn đề dân cày”, có giá trị lớn cho công tác chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta lúc bấy giờ.
Trên lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà tổng kết lịch sử hàng đầu của nền sử học đương đại Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham dự vào thế kỷ XX như một con người “làm nên lịch sử” theo cả nghĩa là một nhân vật của lịch sử và một người viết sử. Bởi lẽ ông vừa là một nhà hoạt động chính trị rồi trở thành một vị tướng hàng đầu trong lịch sử chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam. Rồi chính ông trở thành một nhà tổng kết lịch sử hàng đầu của nền sử học đương đại Việt Nam. Từ những bài viết về dân cày, về cách mạng tư sản Pháp và nhiều vấn đề có liên quan đến lịch sử trên các tờ báo đến những bài dạy sử trên bục giảng trường Thăng Long cho đến hàng trăm bài nói về lịch sử vào những dịp kỷ niệm các danh nhân hoặc sự kiện lịch sử hay các hội thảo khoa học... đều là những thông tin, tư liệu, tài liệu về lịch sử vô cùng quý giá. Từ các bài tổng kết chiến tranh đến những công trình lý luận về quân sự, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về hai cuộc kháng chiến và đặc biệt là bộ Tổng tập hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều là những công trình khoa học về những sự kiện lịch sử quan trọng nhất của nửa sau thế kỷ XX.
Ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Chánh văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Tổng thư ký Hội đồng chỉ đạo biên soạn Công trình lịch sử Nam bộ kháng chiến cho biết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là nhân vật lịch sử vừa là nhà viết sử. Đây là một điều hiếm bởi giới sử học thường là những nhà khoa học, mang tính chất một ngành. Còn nhân vật lịch sử là người đem tài thao lược của mình ra để thay đổi dòng chảy lịch sử, thì con người Đại tướng hội tụ được cả hai yếu tố này. Trong những tác phẩm của Đại Tướng, người đọc thấy rõ tâm hồn của người Việt Nam và vì thế không chỉ đọc lời của một nhà khoa học mà còn đọc tâm hồn của cả một dân tộc”.
Trên lĩnh vực ngoại giao, ông cũng có những đóng góp rất quan trọng. Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) non trẻ đứng trước những khó khăn bộn bề, vận mệnh dân tộc được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho nhiều nhiệm vụ đối ngoại đặc biệt, như: tiếp xúc với Phái bộ Mỹ mới sang Việt Nam cùng những người Pháp trong máy bay, hay cuộc “chạm trán” với J. Xanhtơny tại phòng lớn của Phủ Toàn quyền, chuẩn bị tiến tới Hiệp định ngày 6/3/1946, cũng như gặp gỡ tướng Lơcléc sau khi ký Hiệp định Sơ bộ, hay cuộc đấu trí và đấu lý ở Hội nghị Đà Lạt… những cuộc gặp gỡ đó, ông đã không bỏ bất kỳ cơ hội đàm phán nào để đi đến hòa bình nhằm thực hiện mục tiêu cao cả: độc lập và thống nhất đất nước.
Với phong trào cách mạng thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những đóng góp rất quan trọng, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, chống áp bức, bóc lột, bất công ở các nước thuộc địa châu Á, châu Phi, châu Mỹ latinh. Điều này đã được các nhân vật, lực lượng chính trị và xã hội ở nhiều nước các châu lục thừa nhận.
Sự hòa quyện giữa binh nghiệp và văn hóa, giữa võ và văn đã tạo nên một nhân cách VÕ NGUYÊN GIÁP. Nhân cách đó đã được đúc kết qua câu đối cực chỉnh của nhà giáo già Hồ Cơ tặng Đại tướng nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông: “Văn lo việc nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn!”./.
Phương Dung
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam