Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là trang sử vẻ vang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám đã đập tan ách thống trị của các thế lực ngoại xâm thống trị dân tộc ta gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến lạc hậu, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài về mọi mặt của Đảng và nhân dân ta, là quá trình chuẩn bị thời cơ, xác định đúng thời cơ, chớp thời cơ, lãnh đạo nhân dân ta đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong giờ phút cấp bách, mau lẹ do tình hình thế giới và trong nước đem lại, phát động tổng khởi nghĩa và tổng khởi nghĩa thành công là minh chứng thể hiện nhãn quan chính trị sắc bén, khả năng phân tích, dự báo chính xác của Đảng ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đánh giá về bài học chuẩn bị thời cơ và chớp thời cơ giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám thành công căn bản là do lực lượng chính trị của nhân dân đã kịp thời nắm lấy cơ hội thuận tiện nhất.”[1]
Do nhận thức được tầm quan trọng của thời cơ, Đảng ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX đã sớm đưa ra những dự báo về thời cơ: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến”. Một cuộc khởi nghĩa muốn thắng lợi đòi hỏi phải hội tụ đủ những điều kiện bên trong và bên ngoài (chủ quan và khách quan). Trong quá trình phân tích tình hình thực tiễn trên thế giới và trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã luôn coi trọng cả yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó nhấn mạnh yếu tố chủ quan có ý nghĩa quan trọng nhất, từ đó chuẩn bị lực lượng chờ đón tình thế cách mạng, phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước Tháng Tám năm 1945.
Quá trình xây dựng lực lượng, chuẩn bị thời cơ đã được Đảng và nhân dân ta chuẩn bị trong suốt 15 năm lịch sử từ khi Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, với ba cao trào cách mạng lẫy lừng gồm cao trào cách mạng 1930-1931; cao trào cách mạng 1936-1939; cao trào cách mạng 1939-1945. Trong đó cao trào cách mạng 1939-1945 là quá trình chuẩn bị trực tiếp của Đảng và nhân dân ta đấu tranh giành thắng lợi trong cách mạng tháng Tám.
Trực tiếp chuẩn bị lực lượng cách mạng, thúc đẩy thời cơ
Đảng đã lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang để chủ động sẵn sàng đón thời cơ. Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chính thức ra đời. Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ diễn ra vào tháng 4-1945 nhận định: lúc này chúng ta phải tích cực phát triển chiến tranh du kích, gây dựng căn cứ địa kháng Nhật để chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ. Ngày 15-5-1945, các đơn vị Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân.
Xây dựng lực lượng chính trị, thông qua các Hội nghị Trung ương từng bước thành lập mặt trận dân tộc thống nhât tạo nên lực lượng chính trị hùng hậu. Hội nghị Trung ương lần thứ 6, tháng 11-1939 thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương, Hội nghị Trung ương lần thứ 8, tháng 5-1941 quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh nhằm tập hợp tất cả các tầng lớp nhân dân đoàn kết lại tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn thể dân tộc, sẵn sàng tranh thủ thời cơ đưa tổng khởi nghĩa giành giành chính quyền trong toàn quốc thắng lợi.
Xây dựng đảng vững mạnh, thống nhất về ý chí và hành động. Về chính trị, Đảng ta đã tiến hành hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941) để hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, trực tiếp lãnh đạo dân tộc ta giành thắng lợi trong cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Vấn đề xác định và dự kiến thời cơ trong các mạng Tháng Tám được cũng được Đảng dự báo từ sớm. Năm 1944, khi khả năng giành thắng lợi trong chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng nhanh chóng đối với các các lực lượng đồng minh, ngày 7-5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị “về sửa soạn khởi nghĩa”, nhấn mạnh thời cơ hết sức thuận lợi cho nhân dân Đông Dương giành chính quyền, “song thời cơ không phải tự nó đến, một phần lớn do ta sửa soạn, thúc đẩy nó”[2]. Dựa vào những phân tích chính xác, khoa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cũng đã sớm dự báo cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương và vạch ra những kế hoạch khi tình hình thay đổi. Chính vì vậy, khi cuộc đảo chính của Nhật nổ ra vào ngày 9-3-1945, Đảng ta đã không bị động mà trái lại chủ động ra ngay chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vào ngày 12-3-1945.
Kiên quyết nắm bắt và tận dụng thời cơ khi thời cơ xuất hiện
Tháng 5-1945, Phát xít Đức đầu hàng Đồng minh, ngày 6-8-1945, Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hirosima của Nhật Bản, ba ngày sau ném tiếp quả thứ hai xuống Nagasaki hủy diệt hai thành phố này. Trong khi đó Hồng quân Liên Xô đã mở cuộc tổng tiến công, vượt qua Mãn Châu, đánh bại đạo quân chủ lực Quan Đông của phát xít Nhật.
Ngày 12-8, Nhật Bản buộc phải gửi đi thông điệp chấp nhận bản tuyên bố Pôtxđam của các nước Đồng minh. Mặc dù đây chưa phải là bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện mà mới chỉ là một đề nghị ngừng bắn. Trước những diễn biến rất nhanh chóng của tình hình, ngày 13-8-1945, Hội nghị Toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc thành lập và ra Quân lệnh số 1 về Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Hội nghị toàn quốc của Đảng ngày 14 và ngày 15-8-1945, cũng nhận định: “Nhật đổ, hàng ngũ chỉ huy của chúng ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm; quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần; bọn việt gian thân Nhật hoảng sợ…Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi”[3]. Hội nghị đi đến quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đội Anh, Tưởng Giới Thạch vào Đông Dương và khi thực dân Pháp chưa kịp tập hợp lực lượng vào xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 19-8, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội, ngày 23-8 ta khởi nghĩa thành công ở Huế và ngày 25-8 tiến hành khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn-Gia Định. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, thời cơ có một không hai trong lịch sử dân tộc và thời đại đã được tranh thủ và “chớp” triệt để, là thành quả “hoàn hảo”, kết quả tất yếu của quá trình chuẩn bị thời cơ và chớp thời cơ của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Vua Bảo Đại thoái vị, cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn và triệt để, khát vọng độc lập tự do đã thành hiện thực, chính quyền đã về tay nhân dân. Ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cách mạng Tháng Tám đã trải qua 77 năm lịch sử vẻ vang, bài học về quá trình chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chờ đón thời cơ và chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám 1945 có ý nghĩa lịch sử và giá trị thời sự to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, sự nghiệp cách mạng nước ta phải đối mặt với những thách thức, khó khăn to lớn, mới mẻ, khó lường. Để quán triệt, vận dụng sâu sắc bài học của cách mạng tháng Tám trong quá trình triển khai thực hiện đường lối về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ khi “nước chưa nguy”, chúng ta cần phải:
Một là, tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện đường lối bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy”. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, công an đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy./.
Hai là, Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng, củng cố và phát huy hiệu quả “thế trận lòng dân” trong “nền quốc phòng toàn dân”, “nền an ninh nhân dân”. Kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và ngược lại. Cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; quán triệt, thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch.
Ba là, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến 2030 xây dựng Quân đội, Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội, Công an tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, có lý tưởng, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống. Quan tâm xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở, đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở. Xây dựng, củng cố biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Bốn là, xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại khu vực, tuyến phòng thủ. Nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ. Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống./.
Khoa Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.21, tr.631.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, tr.498.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, tr.424.