Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng là bằng công tác cán bộ, thông qua việc phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn đảng viên ưu tú giới thiệu vào những vị trí lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng có nhiều giải pháp tăng chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là chú trọng thực hiện nêu gương của cấp ủy và người đứng đầu.
Những nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đặc biệt quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Trung ương đã ban hành nhiều quy định về nêu gương, như:
Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Thực hiện các quy định này gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều ngành, địa phương đã có bước chuyển biến rõ nét trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá được chỉ đạo, điều hành rốt ráo, có hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Nêu gương từ sự năng động, việc đột phá
Khi trao đổi về hiệu quả đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thể hiện qua kết quả phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, nhiều đồng chí cán bộ nhắc đến một hiện tượng của ngành nông nghiệp cả nước là tỉnh Sơn La. Từ một tỉnh nghèo với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2008 là 13 triệu đồng/năm, đến năm 2021 đạt hơn 45,2 triệu đồng/năm.
9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 8,3%, là mức cao của các tỉnh vùng Tây Bắc. Đó là thành quả của quá trình chuyển đổi từ tư duy đến hành động của cấp ủy, chính quyền và bà con các dân tộc trong tỉnh.
Nhìn lại thời điểm năm 2015, toàn tỉnh Sơn La chỉ có một xã là Chiềng Xôm đạt chuẩn nông thôn mới. Tháng 9/2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra 7 chương trình trọng tâm, trong đó có 3 chương trình liên quan đến nông nghiệp và nhấn mạnh chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tháng 4/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra kết luận về hướng phát triển cây ăn quả trên đất dốc, trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao (Sơn La có khoảng 1 triệu héc-ta đất nông nghiệp và đất rừng sản xuất thì hơn 90% diện tích là đất dốc). Có nhiều ý kiến băn khoăn bởi ứng dụng công nghệ cao tức là cần có hệ thống nhà kính, nhà lưới..., trong khi điều kiện thực tế ở địa phương còn nhiều khó khăn.
Sau khi nghiên cứu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vẫn chủ trương ứng dụng công nghệ cao nhưng ở mức độ phù hợp và quyết định chọn mô hình ghép mắt cải tạo cây của Học viện Nông nghiệp là một thành tựu khoa học kỹ thuật để đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp. Cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Chủ trương phát triển nông nghiệp đúng đắn, cùng tư duy đột phá, hành động quyết liệt của cấp ủy và người đứng đầu đã tạo ra sự bứt phá ngoạn mục của Sơn La. Kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh có 44 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của nhân dân được nâng lên đáng kể.
HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. Tiếp đó, tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua việc phát triển các hợp tác xã, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tìm kiếm thị trường...
Chủ trương phát triển nông nghiệp đúng đắn, cùng tư duy đột phá, hành động quyết liệt của cấp ủy và người đứng đầu đã tạo ra sự bứt phá ngoạn mục của Sơn La. Kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh có 44 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của nhân dân được nâng lên đáng kể.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu đưa nông nghiệp của Sơn La tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó chú trọng nông nghiệp hữu cơ. Trong thực tế, Sơn La đã trở thành trung tâm sản xuất, chế biến rau, quả lớn nhất vùng Tây Bắc.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 12/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh được coi là quyết sách có tính đột phá của cấp ủy.
Chỉ thị được ban hành nhằm khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên ý thức tổ chức kỷ luật kém; chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật phát ngôn chưa nghiêm; tình trạng quan liêu, cửa quyền, gây phiền hà trong giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu từng cấp, ngành, từng cán bộ, đảng viên phải đăng ký công việc cụ thể, chọn những việc trọng tâm để tập trung giải quyết, nhất là những vấn đề bức xúc tại địa phương, đơn vị mình.
Người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu cao tính tiên phong, gương mẫu; khẩn trương khắc phục những yếu kém, hạn chế để tạo sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành; chấn chỉnh, xử lý kịp thời những hành vi thiếu trách nhiệm, trì trệ trong thực thi nhiệm vụ, quan liêu, nhũng nhiễu, tiêu cực, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh và môi trường đầu tư của tỉnh...
Chỉ thị được quán triệt, lan tỏa mạnh mẽ trên toàn địa bàn và nhanh chóng tạo chuyển biến rõ nét về kỷ cương hành chính, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Kết quả thực hiện chỉ thị đã góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Không chỉ hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, mà nhiều dự án động lực, dự án hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu được triển khai thực hiện, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.
Hiện nay, tỉnh ngày càng thu hút sự quan tâm, chú ý của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra tiền đề, động lực quan trọng để phát huy thế mạnh đưa địa phương phát triển nhanh, bền vững. Năm 2022, Bạc Liêu có 152 dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại-nhà ở, văn hóa-thể thao-du lịch, kết cấu hạ tầng, y tế-giáo dục và môi trường.
Sâu sát thực tiễn, nói đi đôi với làm
Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên không chỉ là trách nhiệm của đảng viên, mà chính là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh:
Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo.
Khảo sát thực tế tại nhiều địa phương thấy rõ, nơi nào cấp ủy, người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm thì nơi đó việc thực hiện nêu gương đi vào thực chất, hiệu quả. Từ các quy định của Trung ương, nhiều địa phương đã cụ thể hóa các nội dung phù hợp tình hình thực tế để lan tỏa mạnh mẽ trách nhiệm nêu gương.
Tỉnh ủy Sóc Trăng, Tỉnh ủy Quảng Bình có quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Tỉnh ủy Hậu Giang yêu cầu nêu gương trong xây dựng mối quan hệ và phong cách tiếp xúc với nhân dân. Tỉnh ủy Quảng Trị chỉ đạo các cấp ủy viên cam kết thực hiện các công việc trọng tâm trong năm...
Thái Nguyên xác định chuyển đổi số là giải pháp để phát triển đột phá, phấn đấu đạt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Tuy nhiên, chuyển đổi số ở tỉnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng cao. Với sự quyết tâm nói được làm được, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và lấy ngày 31/12 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số của tỉnh.
Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên trong cả nước có nghị quyết chuyên đề này. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, địa bàn phụ trách và phải tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành. Tiếp đó, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, xây dựng cơ sở hạ tầng số...
Điều đáng nói, thay vì tập trung vào những nơi có lợi thế trước, tỉnh quan tâm những vùng khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách về điều kiện tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số.
Võ Nhai là huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh. Thế nhưng xã Sảng Mộc-xã vùng sâu khó khăn nhất huyện đã được tỉnh chọn thí điểm thực hiện chuyển đổi số, xây dựng xã thông minh. Thời điểm đó, Sảng Mộc chưa đạt xã nông thôn mới, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo hơn 20%, nhiều khu vực trong xã chưa có sóng di động 3G, 4G...
Hiện nay, xã đã áp dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 5 thủ tục và mức độ 4 với 46 thủ tục; khởi tạo 100% email công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức cấp xã sử dụng thường xuyên. Nhiều người dân đã có thể sử dụng tiện ích trên điện thoại thông minh như xin cấp giấy khai sinh bản sao mà không cần phải đến UBND xã.
Trạm Y tế xã vận hành hệ thống TeleHealth, kết nối tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với Bệnh viện A (thành phố Thái Nguyên). Người dân nơi đây đã được thụ hưởng kết quả từ hành động nêu gương là sự kiên quyết nói đi đôi với làm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu bằng hành động cụ thể, gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao của từng cán bộ, đảng viên.
Chú trọng đào tạo cán bộ qua công việc
Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị. Đổi mới công tác cán bộ là một nội dung quan trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, có mối quan hệ mật thiết với các nội dung đổi mới khác. Cùng với việc ban hành nhiều quy định liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ, cấp ủy đảng các cấp chú trọng việc đào tạo cán bộ qua hoạt động thực tiễn.
Những năm qua, công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương được đẩy mạnh thực hiện trong cả nước. Theo Ban Tổ chức Trung ương, đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, công tác luân chuyển cán bộ lại càng có vai trò quan trọng, xuất phát từ chính vị trí, vai trò của đội ngũ này trong thực tiễn.
Sau gần 5 năm thực hiện Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã luân chuyển 36 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; trong đó có 14 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết) giữ chức bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; 22 cán bộ giữ chức phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhiều cán bộ sau thời gian luân chuyển đã có sự trưởng thành toàn diện hơn, góp phần cụ thể vào kết quả, thành tích chung của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Quảng Ninh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ bí thư cấp ủy cấp huyện, xã không phải người địa phương. Nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy đẩy mạnh công tác điều động, luân chuyển cán bộ gắn với chủ trương người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương.
Hiện nay, sau sắp xếp, luân chuyển, Quảng Ninh đang thực hiện 100% bí thư cấp huyện và 85% bí thư cấp xã không là người địa phương; trong đó nhiều đồng chí là cán bộ trẻ từ cấp tỉnh được luân chuyển về giữ một số vị trí chủ chốt ở cấp huyện.
Qua khảo sát thực tiễn cho thấy các cán bộ luân chuyển về địa phương đã phát huy năng lực, tâm huyết, tạo dấu ấn trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao. Luân chuyển cán bộ còn góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong từng địa phương, đơn vị; tránh được tình trạng “một người làm quan, cả họ được nhờ”, quan hệ thân quen; chống chạy chức, chạy quyền; tránh được bè phái, tham nhũng đối với cán bộ làm việc ở những vị trí, ngành nghề, địa bàn mang tính nhạy cảm.
Tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp là yêu cầu cấp thiết trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thể hiện rõ nét từ những công việc hằng ngày, trong đó người đứng đầu cấp ủy phải trở thành tấm gương về thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái.
Theo thống kê của Ban Tổ chức Trung ương giai đoạn 2016-2020, có 15.101 đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống bị xử lý kỷ luật. Tại một số địa phương, việc thực hiện các quy định nêu gương chưa đi vào chiều sâu, chưa tạo được sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên. Vẫn còn tư tưởng cho rằng nêu gương chỉ là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên có chức vụ dẫn đến thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình còn nặng tính hình thức, chưa thực sự phát huy hết vai trò, trách nhiệm nêu gương.
Chủ trương, nghị quyết của Đảng là đúng đắn, nhưng nếu các cấp ủy, tổ chức đảng không nắm vững, hiểu sâu, không có ý thức trách nhiệm cao, nhất là thiếu tính tiên phong, gương mẫu trong tổ chức thực hiện thì nghị quyết sẽ chỉ nằm nguyên trên giấy. Tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy viên, người đứng đầu đơn vị, tổ chức chính là tiêu chí đánh giá năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết, yếu tố quan trọng góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Nguồn Báo Nhân dân