Có mấy lý do trả lời cho câu hỏi vì sao Đảng soạn thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Văn hóa là mặt trận
Thứ nhất, Đảng quan niệm văn hóa có phạm vi rất rộng, bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Mặt trận văn hóa là một trong nhiều mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự…) mà người cộng sản phải tham gia hoạt động. Có hiểu biết về văn hóa thì mới lãnh đạo được phong trào văn hóa, mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới hiệu quả. Đề cương về văn hóa Việt Nam đã nhắc đến phạm vi này.
Thứ hai, do Việt Nam đang bị thực dân Pháp, phát xít Nhật câu kết với nhau thống trị bằng các thủ đoạn như: tổ chức ra các cơ quan, tổ chức văn hóa phục vụ sự nô dịch của chúng; đàn áp các nhà văn hóa cách mạng; kiểm duyệt gắt gao các ấn phẩm văn hóa; du nhập, truyền bá văn hóa ngoại lai, thực dụng của phương Tây; áp đặt nền văn hóa, giáo dục ngu dân… Những chính sách đó đang làm cho văn hóa dân tộc có nguy cơ bị xóa bỏ, phủ nhận. Trong Đề cương về văn hóa Việt Nam cũng nhắc tới các thủ đoạn đó.
Thứ ba, Đảng nhận thức rất rõ và sâu sắc rằng Việt Nam là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc dân tộc. Sự tồn tại của dân tộc trước các cuộc xâm lược của ngoại bang đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nền văn hóa và tính cố kết, ứng xử cộng đồng, truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc.
Đây chính là cội nguồn của tinh thần dân tộc và chiều sâu của nền văn hóa Việt Nam mà các thế hệ cha, ông đã dựng xây, bồi đắp; là nguyên nhân sâu xa và cở sở vững vàng để chiến thắng kẻ thù, mà Đảng cần phải nắm lấy và phát huy trong lãnh đạo cuộc vận động giải phóng dân tộc…
Dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa
Ngày 16.11.1946, Tổng Bí thư Trường Chinh viết thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo về nhiệm vụ của văn hóa Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước, chuẩn bị cho Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất sẽ tổ chức ngày 24.11.1946.
Sau khi nêu rõ thực trạng của công tác chuẩn bị Hội nghị văn hóa toàn quốc, đồng chí Tổng Bí thư đã báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh dàn bài của bản thuyết trình tại hội nghị, trong đó nêu lên mối quan hệ giữa văn hóa và cách mạng giải phóng dân tộc; nhấn mạnh thái độ của các nhà văn hóa Việt Nam lúc này là cần phải tích cực tham gia mặt trận dân tộc, giành thống nhất và độc lập cho Tổ quốc, phải đem hết năng lực ra cứu nước và xây dựng đất nước.
Lập trường của các nhà văn hóa Việt Nam phải là dân tộc và dân chủ, có nghĩa là yêu nước và tiến bộ.
Tuy nhiên, 3 nguyên tắc, đồng thời cũng là 3 khẩu hiệu căn bản của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn này vẫn là: dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Đây cũng là nội dung được các nhà nghiên cứu đánh giá cao trong Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Đồng chí Trường Chinh xác định 4 nhiệm vụ cụ thể của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh lúc đó.
Thứ nhất, động viên tinh thần đoàn kết và yêu nước, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Thứ hai, phát triển những cái hay, cái đẹp trong văn hóa cổ truyền của dân tộc, đồng thời bài trừ những cái xấu, lạc hậu, hủ bại.
Thứ ba, ngăn ngừa sự xâm nhập và tấn công của văn hóa phản động, văn hóa thực dân, đồng thời học những cái hay, cái tốt của văn hóa thế giới.
Thứ tư, kiến thiết một nền văn hóa mới cho Việt Nam với các nội dung chủ yếu là giáo dục nhân dân; gây đời sống mới; phát triển tư tưởng khoa học và học thuật tiến bộ; phát triển văn nghệ đại chúng.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra chủ trương, đồng thời cũng là khẩu hiệu hành động: "Kháng chiến hóa văn hóa" và "Văn hóa hóa kháng chiến".
Theo đó, mỗi người làm công tác văn hóa phải là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, giáo dục, nghệ thuật. Những kiến thức, các tác phẩm thơ ca, nhạc, họa, văn xuôi, kịch nói… của họ đã góp phần quan trọng cổ vũ, động viên tinh thần kháng chiến, vun đắp, củng cố lòng tin cho mỗi người dân, mỗi chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận về tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu, vào thắng lợi cuối cùng.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao trong khi đang tập trung lãnh đạo nhiệm vụ giành độc lập dân tộc, Đảng lại đưa ra bản Đề cương về văn hóa Việt Nam? Thực tiễn đã cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng khi Đảng nhận thức rõ sự cần thiết phải kết hợp các lĩnh vực đấu tranh để tạo nên sức mạnh tổng hợp mới có thể giành được thắng lợi; không chỉ trong đấu tranh giành độc lập mà còn trong tiến hành kháng chiến chống xâm lược, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.
Đảng đã nhận thấy vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng và sức mạnh của văn hóa. Đó là chỗ dựa về tư tưởng, tinh thần cho mỗi người dân, nhất là những người làm văn hóa, nghệ thuật đi theo Đảng làm cách mạng.
Nguồn thanhnien.vn