Công an nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Trong tiến trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân luôn có vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, đây là điều kiện tiên quyết để giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng của lực lượng Công an nhân dân. Trong bối cảnh phát triển với nhiều tác động trái chiều, các thế lực thù địch không ngừng chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng đẩy mạnh việc “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang là một trong những mũi nhọn tiến công trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Để thực hiện âm mưu này, các thế lực thù địch không từ thủ đoạn, dùng mọi phương thức, chiêu bài để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch với mục đích khiến cho lực lượng Công an nhân dân “thoát ly” khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi đó, lực lượng Công an nhân dân sẽ mất phương hướng chính trị, phai nhạt lý tưởng, tự mục ruỗng từ bên trong. Đồng thời, tổ chức Đảng sẽ mất đi “thanh kiếm và lá chắn” để bảo vệ sự tồn vong, sức chiến đấu của mình. Do đó, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm quan trọng, hàng đầu của toàn lực lượng; trở thành nhận thức cách mạng của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
Dưới góc độ tiếp cận của khoa học xã hội học, vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch được nhìn nhận một cách cụ thể trong sự vận hành ổn định của cấu trúc xã hội. Từ tiền đề nghiên cứu của A.Comte về mối quan hệ giữa tĩnh học xã hội với động học xã hội sẽ thấy được mối quan hệ giữa ổn định xã hội và biến đổi xã hội. Xã hội luôn vận động, biến đổi không ngừng kèm theo những nguy cơ, thách thức đe dọa đến trật tự xã hội. Việc giải quyết được bài toán này một cách hài hòa sẽ giúp cấu trúc xã hội vận hành đúng chức năng, hạn chế những rối loạn, bất ổn - là nguồn gốc nảy sinh mâu thuẫn và xung đột. Để xã hội vận động, biến đổi theo quy luật tất yếu khách quan nhưng vẫn trong phạm vi nhận thức và kiểm soát thì việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái thù địch được coi là một trong những biện pháp quan trọng, có tầm chiến lược trong quá trình toàn cầu hóa, mở cửa hội nhập. Ở đó, vai trò của lực lượng Công an nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị tư tưởng, phê phán các quan điểm sai trái thù địch, kiên định đi theo lý tưởng của Đảng là cấp thiết, trọng yếu góp phần giữ gìn sự ổn định của trật tự xã hội, sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Từ việc xác lập nhận thức đó, ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, căn cứ đặc điểm, tình hình đất nước, theo sát và nắm bắt sự chống phá của các thế lực thù địch, đồng thời bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị công an, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu phù hợp, hiệu quả trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững ổn định, làm thất bại các âm mưu chống phá.
Đối với Học viện Chính trị Công an nhân dân, với đặc thù là một đơn vị trực thuộc sự quản lý của Bộ Công an, được giao nhiệm vụ làm công tác bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo về lý luận chính trị, nhà trường đã chứng minh vị thế của mình trong thực hiện vai trò của một trung tâm lý luận chính trị cho toàn lực lượng. Như vậy, Học viện Chính trị Công an nhân dân cần bám sát tinh thần của Nghị quyết số 35-NQ/TW dưới giác độ tiếp cận của khoa học xã hội học để xây dựng những hành động, kế hoạch, chương trình cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.
Từ phương diện xã hội học, có hai cách tiếp cận để tìm hiểu bản chất các hiện tượng xã hội là: Cá nhân kiến tạo xã hội và xã hội ảnh hưởng đến cá nhân.
Cá nhân kiến tạo xã hội khi bản thân các cá nhân có sự liên kết, gắn bó, có sự thống nhất tương đối về tư tưởng, nhận thức, ý chí, tình cảm để cùng thực hiện chung một mục tiêu đề ra. Theo lý thuyết mạng lưới xã hội, mỗi cá nhân được coi là một mắt xích rất quan trọng khi bản thân các cá nhân đó giữ những liên hệ với các cá nhân khác. Như vậy, trong vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cần thực hiện giáo dục lý luận chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và làm sâu sắc thêm nền tảng tư tưởng của Đảng. Việc làm này sẽ tạo ra một hệ thống nhận thức chung giữa các cá nhân và trở thành cơ sở để thống nhất hành động, kiến tạo, xây dựng tổ chức vững mạnh.
Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam đã cho thấy, một tổ chức Đảng luôn cần những người đảng viên trung thành với mục tiêu và giác ngộ lý tưởng cách mạng của tổ chức. Đó chính là cơ sở vững chắc, then chốt tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo của quá trình cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được công tác Đảng giao phó cho mình”[1]. Chỉ khi được trang bị kiến thức chính trị, nắm vững đường lối, chính sách, giác ngộ được lý tưởng cách mạng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ, đảng viên mới thấy rõ phương hướng tiến lên của cách mạng và hiểu rõ mình cần làm gì và theo phương cách nào để thực hiện mục tiêu của Đảng đề ra.
Trên tinh thần đó, Học viện Chính trị Công an nhân dân đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 35, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09-02-2018 của Ban Bí thư (khoa XII) về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Bên cạnh đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, các chi bộ chủ động chỉ đạo rà soát, bổ sung và đổi mới chương trình, nội dung bồi dưỡng, đào tạo để đưa lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các môn khoa học xã hội, nhân văn sát với nội dung Nghị quyết số 35 để phục vụ công tác giảng dạy và học tập, góp phần cập nhật kiến thức lý luận chính trị liên tục cho cán bộ, đảng viên. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện cũng giao các phòng chức năng tham mưu xây dựng kế hoach, chương trình tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên, giảng viên và học viên nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên internet; khai thác, sử dụng internet một cách hiệu quả, thiết thực và lành mạnh.
Như vậy, xuất phát từ góc độ kết nối các cá nhân, thúc đẩy giao tiếp xã hội giúp các thành viên hiểu nhau, thống nhất quan điểm và hành động để có một tổ chức đoàn kết, vững mạnh, chúng ta thấy rằng dù trong bối cảnh, tình hình nào, càng phát triển, chúng ta càng phải bồi dưỡng tư tưởng chính trị, nhận thức cách mạng để giữ vững sự ổn định, tạo ra mối liên hệ, kết nối có trật tự từ bên trong.
Ở cách tiếp cận thứ hai, xã hội ảnh hưởng đến cá nhân. Mỗi cá nhân đều phải tồn tại, chung sống và phát triển trong một môi trường xã hội cụ thể. Thông qua các tương tác, mối quan hệ và thậm chí là những xung đột giữa các cá nhân, giữa các nhóm sẽ hình thành nên chuẩn mực và định hình giá trị. Những tác động khách quan bên ngoài đến từ môi trường xã hội, nhóm xã hội sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nhận thức, thái độ và hành vi của các cá nhân.
Có rất nhiều các yếu tố ảnh hưởng tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này sẽ đề cập đến một vấn đề đang được quan tâm nhất chính là những tác động đa dạng, phức tạp của xu thế toàn cầu hóa trong cuộc cách mạng 4.0. Không thể ngăn cấm sự phát triển của mạng xã hội. Với tốc độ 01 giây để đăng tải một bài viết (Status) có đủ tin tức và hình ảnh lên mạng xã hội và chỉ cần 1.5 giây ấn nút chia sẻ (Share) là hàng nghìn người tiếp cận thông tin của bài viết đó. Điều đó cho thấy khả năng lan truyền và ảnh hưởng của mạng xã hội đối với cộng đồng là rất mạnh mẽ. Mạng xã hội là một trong những dịch vụ tiện ích được thiết lập trên nền tảng internet, tích hợp nhiều ứng dụng công nghệ mới, với xu hướng liên kết, kết nối các cá nhân một cách nhanh chóng, thuận tiện đã đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của công chúng. Internet và mạng xã hội đã hỗ trợ cho các tương tác xã hội được thiết lập rộng khắp hơn. Nhưng từ đây lại nảy sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Thông tin lan truyền qua mạng xã hội nhanh, rất khó kiểm soát. Nhiều thông tin khó kiểm chứng hoặc không xác thực được nguồn cung cấp nhưng lại được truyền tải một cách nhanh chóng. Bài học từ các cuộc “Cách mạng màu”, “Cách mạng đường phố” gây ra những biến động lớn trong đời sống chính trị, xã hội của một số quốc gia trên thế giới cho thấy các cuộc cách mạng này đều manh nha xuất phát và được đẩy lên cao trào bởi sự tham gia tích cực của mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google plus… Nắm được những đặc tính ưu việt của mạng xã hội, các thế lực thù địch đã, đang lợi dụng công cụ này để hoạt động chống phá Việt Nam.
Ở Việt Nam, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, trong đó có Công an nhân dân là một trong những mục tiêu quyết liệt của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng. Do đó, việc đăng tải các thông tin không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm duyệt về cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trên mạng xã hội đã mang đến những tác động không nhỏ trong nhận thức, tình cảm của người dân đối với toàn lực lượng. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu một mặt, cần kiểm soát tốt hơn các thông điệp được lan truyền trên mạng xã hội; mặt khác, không nên nhận định mạng xã hội chỉ có mặt xấu, tiêu cực mà cần tận dụng ưu thế của mạng xã hội phục vụ cho việc xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân, xác lập những phương thức hành động từ chính những xung đột tư tưởng.
Từ nhận thức đó, Học viện Chính trị Công an nhân dân cần chú trọng vào công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, góp phần làm phong phú và sâu sắc hệ thống lý luận; nhận diện, dự báo về các phương thức thủ đoạn của các thế lực thù địch trong xuyên tạc, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời cung cấp hệ thống lý luận, tham mưu chiến lược phục vụ hoàn thiện hệ thống đối sách, biện pháp, phương án bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh đó, cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị và các tổ chức quần chúng trong Học viện tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt công tác quản lý và sử dụng internet, mạng xã hội đối với cán bộ, đảng viên. Trong toàn Học viện, các chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể nhằm nâng cao chất lượng và đổi mới phương pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Như vậy, vận dụng khoa học xã hội học để thấy được bản chất của các hiện tượng xã hội từ đó sẽ có những phương pháp, cách thức hiệu quả nhất nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới./.
Phan Trang - K7