Ứng dụng công nghệ hiện đại vào cải cách thủ tục hành chính (Bài 1)

Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi căn bản mọi mặt đời sống xã hội. Tình hình tội phạm theo đó cũng có những diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất, thủ đoạn.

Để bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phục vụ đất nước hội nhập, phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi các lực lượng nghiệp vụ CAND nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) nói riêng phải chủ động đi trước một bước, làm chủ công nghệ.

Trong đó, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, cải tiến, nâng cao hiệu quả các mặt công tác chuyên môn nhằm đáp ứng hiệu quả các yêu cầu của hoạt động tố tụng, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cải cách thủ tục hành chính.

Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) hiện nay đang bước vào giai đoạn lịch sử mới, giai đoạn của sự chuyển đổi phương thức quản lý truyền thống bằng thủ công sang ứng dụng công nghệ hiện đại.

Bắt đầu bằng việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp điện tử và đặc biệt là thực hiện Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Chuyển đổi từ thủ công sang công nghệ hiện đại

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước và phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. Ở nước ta, việc quản lý dân cư do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện đa số bằng hình thức thủ công phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước.

Các cơ quan quản lý đều cấp cho công dân một loại giấy tờ nên mỗi công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ với những con số khác nhau (giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ,...).

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý dân cư của các cơ quan quản lý nhà nước, ngày 8/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.

Đề án 896 ra đời đã khẳng định được vai trò quan trọng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ngày 31/1/2020, Thường trực Chính phủ họp thống nhất các giải pháp giao Bộ Công an triển khai Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến ngày 11/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 366/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ngày 3/9/2020 tiếp tục ký Quyết định số 1368/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Từ các quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn lực lượng Công an bước vào “chiến dịch” thần tốc thực hiện 2 dự án.

Bộ Công an xác định đây là 2 dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, đây cũng là 2 dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay, phạm vi triển khai rộng từ các cơ quan trung ương đến 63 tỉnh, thành phố; hơn 700 quận, huyện, thị xã, thành phố và gần 11.000 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc.

Một trong những vấn đề có tính nguyên tắc bảo đảm xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin dân cư bảo đảm đầy đủ, chính xác và được bổ sung, cập nhật thường xuyên hằng ngày. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn trong điều kiện đặc điểm của dân số nước ta đa dạng về thành phần dân tộc và phân bố không đồng đều giữa các vùng miền. Bộ Công an đã ban hành các quy trình thu thập thông tin dân cư cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng cấp Công an trong công tác này, bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác 15 trường thông tin của 100% công dân Việt Nam quy định tại khoản 1, Điều 9, Luật CCCD.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng Công an ở cơ sở trên toàn quốc (nhất là Cảnh sát khu vực, Công an xã) đã tiến hành khai thác, đối chiếu các loại hồ sơ, tàng thư, đồng thời “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp” để thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin, bảo đảm thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” trước khi đưa vào cơ sở dữ liệu.

Để bảo đảm cho nhân dân sớm được hưởng những tiện ích của thẻ CCCD mới và thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc triển khai “chiến dịch” thu nhận hồ sơ cấp CCCD theo mẫu mới. Lực lượng CAND toàn quốc đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt trong thực hiện, tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong toàn lực lượng. Các tổ thu nhận hồ sơ cấp căn cước cố định, lưu động làm việc không kể ngày nghỉ, ngày lễ với phương châm “gần làm đêm, xa làm ngày; dễ làm trước, khó làm sau; tập trung trước, phân tán sau", tạo sự lan tỏa, được nhân dân đồng tình ủng hộ, khen ngợi, đánh giá cao...

Ngày 1/7/2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng trong thời gian khẩn trương, quyết liệt chính thức được vận hành với 17 trường thông tin của 98,7 triệu công dân Việt Nam được số hóa. Dữ liệu dân cư được xem là dữ liệu gốc, là một trong các tài nguyên quan trọng nhất, giá trị nhất của một quốc gia khi mà các hoạt động chuyển đổi số gắn với mọi hoạt động của người dân, lấy người dân là trung tâm. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai quyết liệt trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng ít nhiều của dịch bệnh COVID-19, qua đó thể hiện nỗ lực lớn của Bộ Công an, thật sự tạo dấu ấn cho người dân, xã hội. Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân; đến nay đã triển khai thu nhận hơn 66 triệu hồ sơ cấp CCCD có gắn chíp điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho công dân.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức kí, ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Đề án có phạm vi và tầm ảnh hưởng rộng tới đa ngành, địa phương và lĩnh vực. Đề án 06 của Chính phủ đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn; các mục tiêu hướng tới 5 nhóm tiện ích cụ thể là: Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó ưu tiên hàng đầu là 25 thủ tục thiết yếu liên quan đến người dân; ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; ứng dụng phục vụ xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Tương ứng với đó là danh mục 52 nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương với các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể.

Ứng dụng vào thực tiễn

Lãnh đạo Bộ Công an nhấn mạnh, chỉ khi nào dịch vụ công trực tuyến được người dân, doanh nghiệp sử dụng dễ dàng, thuận tiện và hài lòng về chất lượng thì khi đó mới là thành công. Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương từng bước hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ, tích hợp cơ sở dữ liệu, đến nay đã hoàn thành 22/25 dịch vụ công thiết yếu theo đề án. Đối với 11 dịch vụ công do Bộ Công an chủ trì, hiện đã hoàn thành 9/11 dịch vụ công mức độ 4. Về việc triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực cư trú, đến nay, tổng số yêu cầu của công dân là 954.644 hồ sơ, trong đó đã được tiếp nhận 881.803 hồ sơ, đã trả kết quả 865.850 hồ sơ (tỉ lệ giải quyết 90,6%). Đối với dịch vụ công đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia, từ ngày 4/5 đến 23/5, đã có trên 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó có 933.772 thí sinh đăng ký trực tuyến, 69.152 thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp, số đăng ký qua Cổng dịch vụ công có 125 thí sinh, chiếm 0,1%.

Ngoài ra, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH Bộ Công an đã triển khai mô hình thí điểm dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 tại 3 nhà văn hóa của tổ dân phố thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội). Kết thúc 2 tháng triển khai thí điểm, đã có 505 tài khoản đăng ký mới...

Tính đến ngày 27/6/2022, gần 50% số cơ sở y tế trên toàn quốc đã sử dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh (6.378/13.159 cơ sở). Số lượng công dân sử dụng CCCD khám chữa bệnh là 421.104 người.

 

Nguồn Báo CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website