Cách đây 77 năm, trong những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng, tiến hành tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước, đập tan ách thống trị của phát xít, thực dân, phong kiến, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Sau thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, lịch sử Việt Nam đã sang trang mới, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người tự do, đất nước và dân tộc bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam được hun đúc trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh và là mục tiêu chiến lược của Đảng ta về xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tinh thần độc lập dân tộc khắc ghi trong những bản áng thiên cổ hùng văn bằng xương máu của cha ông ta, từ Nam quốc sơn hà trong kháng chiến chống quân xâm lược Tống đến Bình ngô đại cáo trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh... Những giá trị cao quý đó của lịch sử được tỏa sáng trong bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp khởi thảo và tuyên bố trước nhân dân cả nước ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám, phản ánh khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam về quyền con người và quyền dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố tinh thần và khát vọng đó trước thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy. Bản Tuyên ngôn đã khẳng định giá trị về quyền con người mà các Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 đã nêu rõ. Với việc ghi nhận “lời bất hủ ấy”, những “lời lẽ không ai chối cãi được”, bản Tuyên ngôn không chỉ phản ánh tinh thần và khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam về quyền độc lập, tự do mà còn chứa đựng những giá trị của văn minh nhân loại, đưa dân tộc Việt Nam hội nhập vào thế giới hiện đại, hòa mình đón nhận những giá trị tiến bộ, nhân văn của thế giới, tạo động lực thúc đẩy các nước trên thế giới đấu tranh để giành độc lập, giành quyền dân tộc cơ bản.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện khát vọng: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[1]. Mong muốn đó được hiện thực hóa thông qua thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và bản Tuyên ngôn độc lập, khẳng định tính pháp lý của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngăn chặn âm mưu chống phá chính quyền non trẻ của các nước đế quốc khi tiến vào giải pháp vũ khí quân đồng minh. Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với toàn Đảng và toàn dân gây dựng chính thể cộng hòa dân chủ đầu tiên ở nước ta, xây đắp nền móng cho chế độ mới, vượt qua tình thế ngàn cân treo sợi tóc những ngày đầu dựng nước Việt Nam mới. Trong những phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Người đề nghị tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan trực tiếp tới cuộc sống của nhân dân như củng cố chính quyền, bài trừ nội phản, tăng gia sản xuất, chống giặc đói, diệt giặc dốt, xây dựng chế độ và bảo vệ đất nước. Những việc làm thiết thực đó tiếp tục thực hiện mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp cho người dân Việt Nam.
Khát vọng Hồ Chí Minh - khát vọng Việt Nam là sự tiếp nối tinh thần độc lập dân tộc tiến lên xã hội chủ nghĩa, tiếp nối khát vọng giải phóng nước nhà đến xây dựng đất nước phát triển hùng cường, bền vững. Trong suốt 92 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng dân tộc độc lập, Tổ quốc thống nhất, nhân dân tự do, hạnh phúc, đưa đất nước phát triển “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh mới, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây là khát vọng chính đáng, vì lợi ích của toàn dân, có cơ sở từ những điều kiện và cơ hội “chín muồi”. Nghị quyết Đại hội XIII xác định lộ trình với các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đó chính là khát vọng và tầm nhìn của Đảng cách mạng và nhân dân Việt Nam.
Khát vọng Việt Nam nhấn mạnh trong chủ đề Đại hội XIII có giá trị như một thông điệp phát triển mà Đảng tuyên bố trước toàn dân và bạn bè, đối tác quốc tế. Khát vọng Việt Nam là ý chí, sức mạnh Việt Nam, là sự đoàn kết chặt chẽ toàn Đảng, toàn dân để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Khát vọng Việt Nam còn là sự cô đúc những tư tưởng cối lõi, là động lực tinh thần mãnh liệt, là cả sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người Việt Nam thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu đổi mới và phát triển, nhằm phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Khát vọng xây dựng Việt Nam giàu mạnh gắn liền với đổi mới và hội nhập quốc tế với tinh thần chủ động, nhạy bén, nắm chắc thời cơ, quyết vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế, khơi dậy mọi khát vọng, tiềm năng, nguồn lực cho phát triển.
Hiện nay, Việt Nam đang chuyển mình từ thời kỳ phát triển để tạo thế và lực sang giai đoạn phát huy đến mức cao nhất các thành quả đã tích lũy được, để có thể phát triển đột phá. Đây sẽ là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong thời kỳ toàn dân tộc đồng lòng hiện thực khát vọng trở thành một quốc gia phồn vinh. Đó cũng chính là khát vọng vươn lên mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao đưa đất nước lập nên những kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam cường thịnh. Khát vọng vươn lên ngày hôm nay càng sôi sục, càng mạnh mẽ hơn khi được tạo động lực với hồn thiêng dân tộc trong khúc tráng ca của bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, quyết tâm thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng phát triển của toàn dân tộc./.
Khoa Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, Tập 15, Tr.627