Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, minh chứng cho tư duy chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đó là: Giành thắng lợi trên chiến trường là yếu tố quyết định thắng lợi trên bàn đàm phán.
Tư duy chiến lược của Đảng thể hiện ở việc kết hợp nhuần nhuyễn công tác dự báo, nắm tình hình, phối hợp đấu tranh chính trị, quân sự với ngoại giao buộc Mỹ phải ký vào bản Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Đó là kết quả của bản lĩnh, trí tuệ và văn hóa Việt Nam, đặc biệt là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng nhằm thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút”, tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau năm 1968, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân hai miền Nam-Bắc đã vượt qua mọi khó khăn thử thách ác liệt, từng bước đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược. Đầu năm 1972, ở miền Nam đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh trên ba vùng chiến lược, đồng thời tiến hành các hoạt động ngoại giao nước lớn hòng cô lập, ép chúng ta phải nhượng bộ trên bàn đàm phán.
Nhưng với quyết tâm chiến lược, sau hơn 3 năm chuẩn bị, tạo thế, tạo lực, quân và dân ta mở các cuộc tiến công lớn và giành nhiều thắng lợi. Chiến dịch Trị Thiên, Tây Nguyên và Đông Nam bộ đã đẩy chính quyền và ngụy quân Sài Gòn vào thế bất lợi; chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” có nguy cơ bị phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, ngày 17-12-1972, Tổng thống R.Nixon hạ lệnh mở cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân tháng 12-1972
Việc Mỹ sẽ đưa máy bay B-52 ra miền Bắc đánh phá đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo từ rất sớm. Với dự cảm của bậc thiên tài, ngay từ năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Phùng Thế Tài, Hồ Chí Minh yêu cầu: “…phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52”.
Năm 1964, khi thăm Trung đoàn 921 Sư đoàn Không quân 371), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay, chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi, trách nhiệm ấy trước hết là của các chú”.
Trong buổi làm việc với Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) vào cuối năm 1967, đầu năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội… Nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”[1].
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đầu năm 1968, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ bắt tay vào xây dựng kế hoạch đánh trả một cuộc tập kích chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ. Giai đoạn này, nhiều đoàn cán bộ của Quân chủng PK-KQ cùng một số trung đoàn tên lửa, radar và biên đội không quân tiêm kích được cử vào Khu 4 để nghiên cứu cách đánh B-52.
Trong đó, tập trung vào xây dựng phương án tác chiến; chuẩn bị lực lượng và thế trận; công tác bảo đảm các mặt và cách đánh của bộ đội PK-KQ. Lúc bấy giờ, khi phía Mỹ cũng chưa có chút manh nha về kế hoạch tiến công ồ ạt miền Bắc bằng máy bay B-52 thì sự chuẩn bị của ta đã thể hiện nghệ thuật quân sự độc đáo, nhanh nhạy.
Đầu năm 1970, tổng kết kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của Mỹ, các cơ quan chỉ đạo chiến lược dự đoán sâu sắc hơn khả năng địch sẽ dùng không quân và hải quân đánh lại miền Bắc với quy mô lớn, ác liệt.
Tháng 11-1972, trong cuộc họp quan trọng của Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã khẳng định: “Âm mưu của Mỹ cho B-52 đánh Thủ đô Hà Nội-linh hồn của cuộc kháng chiến sẽ là hành động gây sức ép cuối cùng để buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô”.
Thực hiện quyết tâm của Đảng, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam đã thông qua và phê chuẩn kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng PK-KQ. Đây là kế hoạch mang tầm vóc chiến dịch, một chiến dịch phòng không được tiến hành chủ yếu bằng lực lượng phòng không ba thứ quân trên miền Bắc, lấy Quân chủng PK-KQ làm nòng cốt.
Lãnh đạo học viện và học viên hệ đào tạo lý luận chính trị Học viện Chính trị Công an nhân dân thực tế tại Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng Không-Không quân), tháng 11-2022.
Với tư duy chiến lược của Đảng, chúng ta hoàn toàn chủ động về chiến dịch, chiến lược, không hề bị bất ngờ cho đến khi Mỹ thực hiện chiến dịch “Linebacker II”. Chúng ta đã sớm chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, trong đó Quân ủy Trung ương rất chú trọng công tác xây dựng lực lượng PK-KQ, huấn luyện bộ đội tên lửa, xây dựng kế hoạch tác chiến để đánh B-52. Lực lượng phòng không chủ lực của ta đã có những bước củng cố đáng kể về binh lực, hỏa lực, vũ khí, phương tiện, khí tài bảo đảm, được bố trí theo mục đích và tầm quan trọng của mục tiêu cần bảo vệ.
Để đạt mục tiêu bắn B-52 tại chỗ, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ thành lập Tổ nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 và huấn luyện lực lượng tên lửa phòng không. Nhiệm vụ rất khẩn trương, tổ nghiên cứu đến các trung đoàn tên lửa, tiếp cận các tài liệu của trên, của chuyên gia Liên Xô, tài liệu thu được của địch và lời khai của các phi công Mỹ mà ta bắt được. Tập hợp những dữ liệu ấy, tổ nghiên cứu biên soạn thành cuốn sách đỏ “Cách đánh B-52”.
Cuối tháng 10-1972, ta đã mở hội nghị chuyên đề về đánh B-52; tổ chức tập huấn cho cán bộ chỉ huy; tăng cường huấn luyện các kíp chiến đấu. Cùng với đó, ta chủ động xây dựng các tình huống khi địch đưa máy bay phá hoại miền Bắc.
Tư duy chiến lược của Đảng ta trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972 cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong tình hình hiện nay, để vận dụng tư duy chiến lược của Đảng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần chú trọng một số vấn đề sau:
Một là, chú trọng công tác nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình; dự báo trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa lâm nguy. Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng có nhiều biến động, chiến tranh, xung đột vẫn thường xuyên xảy ra, các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Quán triệt tinh thần đó, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, trong đó đặc biệt chú trọng công tác dự báo: Nâng cao chất lượng công tác dự báo, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố, nhất là nhân tố bên trong có thể dẫn đến những đột biến và bất lợi.
Trên cơ sở đó, làm tốt công tác phòng ngừa, chủ động phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đặc biệt là phải nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo đúng các tình huống phức tạp ở các vùng biển đảo, biên giới, các địa bàn chiến lược quan trọng.
Tại Đại hội XIII, Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh và bổ sung: “Thường xuyên cảnh giác, nắm chắc, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình, nhất là những vấn đề phức tạp nảy sinh; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước có đối sách phù hợp, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống”[2].
Hai là, tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược, hoàn thiện lý luận về chiến dịch, chiến lược làm cơ sở khoa học để bổ sung, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, chủ động ứng phó đấu tranh có hiệu quả với những kiểu chiến tranh mới.
Ba là, chú trọng công tác xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh. Đảng ta xác định, xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh là vấn đề quan trọng, tạo nền tảng cho việc củng cố sức mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã đề ra phương châm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân: “Tiếp tục xây dựng QĐND, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng: Hải quân, PK-KQ, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, cảnh sát biển…”[3] để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bốn là, tiếp tục củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Đối với nước ta xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân là nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi mọi nguy cơ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngay trong thời bình, khi đất nước chưa lâm nguy. Kết hợp chặt chẽ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, hướng tới xây dựng thế trận tổng hợp quốc phòng, an ninh chung với nội dung cốt lõi là xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó QĐND và Công an nhân dân là nòng cốt. Chú trọng, quan tâm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân trên biên giới, biển đảo, trên không gian mạng.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người quan trọng nhất”[4].
Trung tướng, PGS, TS PHAN XUÂN TUY,
Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân
Nguồn Báo Quân đội nhân dân
[1] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hồ Chí Minh, Biên niên những sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.203.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.280.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.277.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Sđd, tr.110.