Tác động của toàn cầu hóa đến lối sống của người Việt Nam hiện nay - nhìn từ góc độ văn hóa truyền thống

Xuất hiện từ những năm 1950, thuật ngữ Toàn cầu hoá (globalization) đã mau chóng trở thành xu thế thời đại. Có thể nói, toàn cầu hoá là một hiện tượng đột phá, mang tính cách mạng, làm thay đổi tư duy, nhận thức của nhân loại trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… Sự xoá mờ ranh giới giữa các quốc gia, sự co hẹp khoảng cách địa lý đã đẩy nhanh tốc độ biến đổi về cấu trúc kinh tế - chính trị trong quan hệ liên quốc gia, đa quốc gia, kéo theo những chuyển đổi mạnh mẽ về đời sống văn hoá – xã hội của nhân dân khắp thế giới. Một mặt, toàn cầu hoá phá vỡ những cấu trúc theo khuôn khổ bị ràng buộc bởi cái gọi là biên giới quốc gia. Một mặt khác, toàn cầu hoá thiết lập mục tiêu về một thế giới phẳng, một thế giới không ngừng giao lưu, học hỏi và kết nối.

          Toàn cầu hoá là gì? Toàn cầu hoá ảnh hưởng thế nào đến lối sống của người Việt Nam hiện nay là những vấn đề được chúng tôi đặc biệt quan tâm.

1. Toàn cầu hóa (Globalization) là “sự lan truyền của các sản phẩm, công nghệ, thông tin, việc làm xuyên biên giới và văn hóa quốc gia”; là “quá trình phát triển kinh tế theo xu thế phát triển hiện đại, kèm theo những khuynh hướng tiên tiến, khi đó, quá trình toàn cầu hoá được xem như một quá trình tăng lên mạnh mẽ của các mối liên hệ, và có sự phụ thuộc, ảnh hưởng qua lại giữa các khu vực, quốc gia và các dân tộc trên thế giới” (1); “một hiện tượng gắn liền với sự gia tăng về số lượng cũng như cường độ của các cơ chế, tiến trình và hoạt động nhằm thúc đẩy gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới cũng như sự hội nhập kinh tế và chính trị ở cấp độ toàn cầu”; “Toàn cầu hóa chính là sự kết nối về nhiều mặt như: chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa giữa các quốc gia”. Chính sự kết nối với quan hệ phụ thuộc đã tạo động lực thúc đẩy các quan hệ, ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ tới giá trị riêng của mỗi quốc gia, dân tộc.

Xét trên phương diện tích cực, sự không phân biệt ranh giới giữa các quốc gia, sự “cởi mở” về mọi phương diện đời sống xã hội đã khiến quá trình toàn cầu hoá trở nên hữu ích và cần thiết đối với nhân loại thế kỷ XXI. Cụ thể: (1) Về phương diện chính trị, đối thoại và hợp tác trở thành công cụ giúp các quốc gia trên thế giới hướng tới hoà bình, ổn định, phát triển. Hơn nữa, toàn cầu hoá còn tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ chức chính trị hợp pháp nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của con người. (2) Về phương diện kinh tế, toàn cầu hoá cho phép tự do hoá thương mại phát triển, “cấp phép” cho các tập đoàn kinh tế lớn vươn tầm ảnh hưởng tới mọi khu vực, vùng, lãnh thổ trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc giải quyết vấn đề việc làm, nhân công lao động tại chỗ, giá thành sản phẩm… thúc đẩy quá trình cải cách, đổi mới nâng cao hiệu quả cạnh tranh trên thị trường. (3) Về xã hội, toàn cầu hoá cho phép mở rộng cơ hội giao lưu, học tập, tiếp cận và tiếp thu những thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến,… giữa các vùng dân cư với nhau. (4) Về văn hoá, có thể nói, toàn cầu hoá đã tác động khá toàn diện đến mọi phương diện của đời sống tinh thần dân tộc. Cho phép người dân ở mỗi quốc gia tiếp xúc với phong tục, tập quán, ngôn ngữ, nghệ thuật, nét đặc trưng tác thành bản sắc dân tộc. Sự tiếp xúc, giao lưu văn hoá đó làm giảm dần những khác biệt, tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau. Lối sống cũng nhờ đó phong phú, đa dạng và cởi mở hơn.

Xét trên phương diện tiêu cực, toàn cầu hoá cũng mang lại nhiều vấn đề khiến các quốc gia phải mau chóng tìm biện pháp giải quyết nếu không muốn bị hoà tan về văn hoá, bị thao túng bởi chính trị, bị dẫn dắt bởi kinh tế, xã hội trong nước bất ổn, môi trường tự nhiên và các nguồn tài nguyên bị tổn hại. Dưới góc nhìn từ triết lý nhân sinh, toàn cầu hoá là hiện tượng, là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội loài người. Trong xu hướng ấy, có dòng chảy thuận, nhưng cũng có nhiều dòng chảy nghịch. Có những dòng chảy thực sự khai phóng, làm mới tư duy, tinh thần, lối sống, phong cách dân tộc, nhưng cũng có dòng chảy đang “cố tình” làm tan loãng, xoá mờ, thậm chí làm biến dạng “hồn cốt” dân tộc.

Trong khuôn khổ phạm vi hẹp, chúng tôi muốn luận bàn thêm về lối sống của người Việt Nam và những tác động của toàn cầu hoá đến lối sống của người Việt Nam.   

  2. Khi bàn về lối sống và lối sống của người Việt Nam, từ góc độ nghiên cứu ban đầu, chúng tôi nhận thấy, bản thân thuật ngữ “lối sống” lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà tâm lý học người Áo Alfred Adler (1870 – 1937) với quan niệm: là những nét điển hình được lặp đi, lặp lại và định hình thành phong cách, thói quen trong đời sống, cá nhân, nhóm xã hội, dân tộc hay cả nền văn hóa. Theo Từ điển Tiếng Việt, lối sống là “hình thức diễn ra của hoạt động đã trở thành ổn định, mang đặc điểm riêng” (2). Riêng tác giả Phạm Hồng Tung, dưới góc nhìn từ văn hóa, xã hội đã khẳng định: “Lối sống của con người là các chiều cạnh chủ quan của văn hóa, là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Lối sống bao gồm tất cả những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống được một bộ phận lớn hoặc toàn thể nhóm hay cộng đồng người chấp nhận và thực hành trong một khoảng thời gian tương đối ổn định, đặt trong mối tương tác biện chứng của các điều kiện sống hiện hữu và trong các mối liên hệ lịch sử của chúng” (3). Theo quan niệm của tác giả, “lối sống chỉ là những chiều cạnh chủ quan (subjective dimensions) của văn hóa được bộc lộ ra trong quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Như vậy, lối sống chỉ là những giá trị văn hóa, những mô hình và phương thức ứng xử được đa số cá thể của một cộng đồng người xác định nào đó chấp nhận (cái được lựa chọn) và hiện thực hóa trong hoạt động sống hằng ngày của họ. Trong số đó có cả những giá trị, những truyền thống và những cách ứng xử được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng cũng bao gồm cả những giá trị ngoại sinh, những cách ứng xử và những biểu tượng… ngoại nhập” (4).

Từ những quan niệm trên, có thể hiểu, lối sống của người Việt Nam chính là phương thức sống được thể hiện qua sự lựa chọn các hoạt động và cách thức thực hiện các hoạt động của họ. Lối sống đó chịu sự chi phối mạnh mẽ của không gian địa lý, thời gian lịch sử, sự tác động của nền kinh tế, thể chế chính trị và truyền thống văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, lối sống không phải là sản phẩm thụ động được kết hợp một cách máy móc bởi các yếu tố trên mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào con người. Do vậy, lối sống mang đậm dấu ấn cá nhân.  

Với tư cách là những giá trị văn hoá truyền thống, người Việt Nam luôn tự hào về: (1) Lối sống trọng tình, trọng nghĩa. Dường như, triết lý duy tình thấm đậm trong dòng máu, tư duy người Việt, chi phối hành vi, thái độ, cách ứng xử của người Việt xưa đến mức dù có khúc mắc, có “Đưa nhau đến trước cửa quan” thì vẫn “Bên ngoài là lý, bên trong là tình”. Và họ vẫn nhắc nhau “Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”;... (2) Lối sống thương người như thể thương thân, “tình làng, nghĩa xóm”, “Tối lửa tắt đèn có nhau”. Thấy nhau sa cơ, lỡ vận, hoạn nạn, sẵn sàng “sớt cơm, chia áo” đùm bọc nhau, Thấy ai đói rách thì thương,
Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn”
. Rồi họ nhắc nhở nhau “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. (3) Lối sống cần cù, tiết kiệm “đến mức anh hùng tột bậc” (5).  Có lẽ vậy, ông cha ta luôn căn dặn lớp cháu con rằng: phải“năng nhặt chặt bị”, phải “tích cốc phòng cơ”, phải “ăn dè hà tiện”, không nên“vung tay quá trán”“ném tiền qua cửa sổ”. (4) Lối sống gắn bó với thiên nhiên, hài hoà, yêu thiên nhiên đã làm phong phú tâm hồn người Việt “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây”. Môi trường thiên nhiên hiện hữu trong mọi góc cạnh của đời sống sinh hoạt của người Việt. Từ lao động sản xuất đến nảy nở tình yêu, cuộc sống lứa đôi, nề nếp gia đình… “Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát/ Đứng bền tê đồng ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông/ Thân em như chẽn lúa đòng đòng/ Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”. Và cũng chính thiên nhiên đã  tạo cho người Việt đức tính ôn nhu, nhã nhặn, khiêm nhường. (5) Lối sống nhường nhịn, thuận hoà với triết lý “trên thuận dưới hoà”, “Lọt sàng xuống nia”, “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”… (6) Lối sống nhân nghĩa, bao dung và tinh thần hoà hiếu. “Có câu tích đức tu nhân/ Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri”; “Đường mòn nhân nghĩa không mòn”… Vì vậy, dân tộc Việt Nam luôn tự hào ngân vang tinh thần bất diệt “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo…”. Triết lý nhân sinh và lối sống nhân nghĩa còn được hiện thực hoá qua cách ứng xử nhân văn với những kẻ thù bại trận: “Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh”. 

Lối sống đó chính là giá trị văn hoá truyền thống của người Việt, cũng là những điểm sáng, rạng soi bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, người Việt Nam.

3. Tuy nhiên, dưới tác động của toàn cầu hóa, lối sống của người Việt Nam hiện nay đang có nhiều thay đổi. Sự du nhập văn hoá phương Tây với những quan niệm về giá trị sống, phong cách sống, lối sống mới, một mặt, tác động tích cực đến việc làm thay đổi lối sống khép kín, cam chịu, phụ thuộc vốn có của người Việt Nam sang một lối sống cởi mở, năng động, tự lập, dám chịu trách nhiệm, phù hợp với xu thế thời đại. Mặt khác, làm phương hại đến giá trị sống truyền thống và văn hoá truyền thống của người Việt. Cụ thể:

Thứ nhất, tác động của toàn cầu hoá đến lối sống của người Việt Nam theo hướng tích cực. Có thể nói, để thích ứng với môi trường toàn cầu hoá, con người phải sáng tạo, năng động và có khả năng thích ứng nhanh với sự biến động của xã hội, thời cuộc, sự phát triển của khoa học công nghệ. Đây là thời cơ, cũng là thách thức lớn, đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự hoàn thiện bản thân, tích cực, sáng tạo, chủ động tiếp cận và biến đổi hoàn cảnh. Nhận thức rõ điều đó, người Việt Nam đã chủ động học tập, trau dồi phẩm chất đạo đức cần thiết của thời đại công nghiệp, hiện đại. Rèn luyện phong cách làm việc công nghiệp, lối sống trách nhiệm, chủ động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, ý thức kỷ luật, tự giác, nỗ lực vươn lên. Lối sống, do đó, có sự chuyển mình tích cực. Lối sống của người Việt hiện nay không còn bó hẹp trong sinh hoạt, giao tiếp gia đình. Các quan hệ giao lưu xưa thường diễn ra trong môi trường quen thuộc như: cây đa, bến nước, sân đình (“Ra đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”)… Nói chung là quanh thôn, xóm, quanh mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”, nay đã được mở rộng theo nhu cầu văn hoá với các địa điểm mới, rộng mở hơn, vượt qua ranh giới làng, xóm, huyện, tỉnh, đến liên tỉnh, quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Tầm nhìn, tư duy cũng được khai phá nhiều chiều. Đây có lẽ là một trong những tác động tích cực nhất của toàn cầu hóa đến lối sống người Việt. "Việc soi chiếu các giá trị đạo đức dưới góc độ cá nhân, phẩm chất cá nhân" cho phép người Việt củng cố giá trị sống nhân văn, hướng tới cái Chân – Thiện – Mỹ. 

Những giá trị của toàn cầu hoá, của nền văn minh công nghiệp, văn minh trí tuệ đã hiện đại hoá lối tư duy, phong phú hoá các dạng thức và tiện nghi sinh hoạt, các điều kiện kinh tế, các phương tiện giao thông, làm cho cuộc sống vật chất – tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Lối sống người Việt Nam cũng theo đó được mở rộng. Họ năng động hơn, tích cực quan tâm đến các vấn đề xã hội hơn; biết chung tay, góp sức san sẻ yêu thương; biết sống có trách nhiệm với vận mệnh quốc gia, dân tộc; biết hướng tới lý tưởng cao cả; biết nhìn ra thế giới... để tự thay đổi, hoàn thiện bản thân. Đặc biệt, biết phát huy những giá trị đạo đức truyền thống đã được gìn giữ từ bao đời nay để vun bồi tình cảm, đạo lý, lẽ sống của dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, tác động của toàn cầu hoá đến lối sống của người Việt Nam theo hướng tiêu cực. Đây là vấn đề đang được cả xã hội quan tâm. Nhiều bài viết, hội thảo, tọa đàm, trao đổi về vấn đề sự xuống cấp đạo đức, sự lệch lạc trong lối sống của một bộ phận người dân. Toàn cầu hóa, với những tác động nhiều chiều khiến quan niệm sống, đặc biệt của giới trẻ có phần “bung mở”, rộng rãi, phóng túng, thậm chí cuồng loạn, coi thường giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, xem nhẹ tình thân, ruột thịt. Hiện tượng con đánh cha mẹ, tước đoạt mạng sống cha mẹ; anh em giết hại lẫn nhau, gây cảnh “nồi da xáo thịt”; vợ chồng âm mưu ám hại, nhau; cha mẹ sẵn sàng quăng bỏ con cái vì sự vướng bận, cản trở; hàng xóm láng giềng toan tính, lừa đảo lẫn nhau; đồng nghiệp tìm cách hạ bệ nhau, làm giảm uy tín, danh dự lẫn nhau… không còn là những biểu hiện mang tính cá biệt, mà đang hiện hữu trên mọi góc, mọi vùng, miền của dải đất hình chữ S hàng ngàn năm lịch sử. Lối sống trọng tình, trọng nghĩa; thương người như thể thương thân; gắn bó với thiên nhiên; cần cù, chịu khó; thuận hoà; nhân nghĩa vẫn được gìn giữ song không tránh khỏi sự thật bị tổn hại, xâm phạm. Nguyên nhân chính là do:

(1) Lợi ích cá nhân: Có lẽ, chưa bao giờ người Việt, đặc biệt là giới trẻ lại quan tâm nhiều đến vấn đề lợi ích bản thân như giai đoạn hiện nay. Dường như, trong mọi mối quan hệ, tiền tài, vật chất, danh vọng được xem như tiêu chí cốt yếu. Ngay đến cả tình yêu trai gái, thứ tình cảm vốn được xem là trong sáng, thuần khiết, cũng dễ dàng trở thành món hàng đổi chác, thành vật sở hữu. Rồi đơn giản như việc chọn ngành, nghề. Học ngành nào, nghề nào hứa hẹn tương lai được đảm bảo, hoặc giàu có hoặc quyền lực chứ không phải học để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Lại nữa, khi tốt nghiệp ra trường, phần lớn bạn trẻ không muốn làm việc ở các cơ quan của tổ chức Đảng, đoàn thể, giáo dục mà muốn nhanh chóng hòa vào thị trường kinh tế. Còn trong quá trình học nghề, một bộ phận học viên coi việc chạy điểm, chạy bằng là lẽ đương nhiên, là việc tất yếu. Họ sẵn sàng dùng tiền, dùng các mối quan hệ để đạt mục đích mong muốn.

Với các mối quan hệ khác, một bộ phận không nhỏ người Việt vận dụng “nhiệt tình” và “triệt để” quan niệm: “Có tiền đổi trắng thay đen khó gì”; “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”; “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”… nhằm cải thiện, thay đổi mọi mối quan hệ, mọi giá trị đích thực của cuộc sống. Triết lý sức mạnh của đồng tiền đã khiến một bộ phận người dân sẵn sàng đánh đổi tình bạn, tình anh em, thầy trò, tình cha mẹ...

(2) Xem nhẹ giá trị đạo đức truyền thống: Đây là một thực tế đang hiện hữu trong xã hội Việt Nam. Để cổ súy cho cái gọi là “mới” là “hiện đại”, là “văn minh”, là “mốt”, một bộ phận người dân đã quay lưng lại giá trị văn hoá gia đình, dân tộc truyền thống. Họ không ngớt chê bai những phong tục này, tập quán nọ, những thói quen thưa gửi, chào hỏi, đồng thời kết tội cho nó là phức tạp, rườm rà, rắc rối, lạc hậu và cổ hủ. Từ suy nghĩ lệch lạc, tất yếu dẫn đến hệ quả lệch chuẩn về các giá trị đạo đức.

Chưa hết, hiện tượng sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hoá dân tộc, tôn vinh, đề cao văn hoá phương Tây, văn hoá Hàn Quốc… chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ đã và đang để lại những tác động tiêu cực đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Lối sống thực dụng, phóng túng khiến người trẻ tuổi Việt Nam dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Quan niệm sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân nếu xét theo hướng tích cực thì có thể góp phần giải phóng sự trói buộc về tư tưởng trinh tiết của người con gái, tôn trọng quyền tự do cá nhân, nhưng nếu xét theo chiều tiêu cực, chính quan niệm này đã phá vỡ những giá trị tinh thần thiêng liêng, đó là chưa nói tới hậu quả làm suy giảm chất lượng nòi giống và sức khoẻ giới trẻ. Và đây là con số để lại nhiều băn khoăn, trăn trở. “Tỷ lệ nạo phá thai trong học sinh, sinh viên chủ yếu ở độ tuổi từ 15 đến 19 chiếm khoảng 60 đến 70%” (6).

Trong xã hội, xuất hiện những cách sống và lối sống xa lạ đi ngược lại những giá trị đạo đức truyền thống. Chủ nghĩa vật chất, lối sống ích kỷ đã khiến một bộ phận người dân sẵn sàng bất chấp tất cả để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Thực tế chứng minh, số vụ buôn lậu, buôn bán ma tuý, làm hàng giả được phát hiện ngày càng tăng. Tinh thần nhân ái, chủ nghĩa nhân văn giờ bị đánh đổi bằng cuộc sống bạo lực, phi nhân tính. Một loạt tội danh mới nguy hiểm đã xuất hiện như: khủng bố cá nhân; tống tiền; bắt cóc trẻ em; buôn bán phụ nữ; buôn bán chất nổ, chất ma tuý… với số lượng lớn; tổ chức đâm thuê chém mướn; môi giới mại dâm; xì ke ma tuý. Tình hình phụ nữ phạm tội và các vụ phạm tội mang tính chất nguy hiểm có chiều hướng gia tăng.

(3) Trào lưu sống ảo, xa rời thế giới hiện thực ngày càng phát triển. Công nghệ thông tin bùng nổ, internet và các phương tiện truyền thông len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống. Một thế giới ảo đã xuất hiện song song tồn tại với thế giới thực. Một bộ phận không nhỏ người dân đang chìm vào thế giới ảo, ngụp lặn trong thế giới ảo với đủ các câu chuyện hay dở trên đời. Một chuyến đi, một hành động tốt, một thói chơi ngông, một lời lăng xê cố ý “dìm hàng” hay “đánh bóng tên tuổi”... tất cả đều hiển thị trên cái thế giới của bàn phím ấy. Vấn đề đáng nói ở đây là quan niệm về đạo đức, về giá trị và các chuẩn mực của con người trong thế giới ảo không như trong thế giới của cuộc đời thực. Thực bàng hoàng và hụt hẫng khi nhìn thấy hàng ngàn, hàng triệu “like” được nhấn nút cho các clip tai nạn giao thông, những cuộc đánh ghen, tranh chấp, ẩu đả... và ngạc nhiên hơn là những lời bình luận (comment) phía dưới. Xót xa hơn, cũng vì nút “like” ấy, nhiều thanh niên đã thiệt mạng chỉ vì bức ảnh triệu “like”.

(4) Nạn bạo lực trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng. Dường như, một bộ phận giới trẻ đang có khuynh hướng giải quyết mâu thuẫn, khúc mắc bằng bạo lực. Thực trạng cho thấy, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội ngày càng gia tăng. Đáng báo động hơn cả là độ tuổi của đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và hành vi phạm tội cũng như tính chất mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng. Đây chính là hệ quả do tác động của toàn cầu hóa, do giáo dục của nhà trường và do thiếu sự quan tâm đúng mức của gia đình khiến phần lớn giới trẻ không được trang bị đầy đủ kỹ năng sống để biết chọn lọc, học tập và làm theo chuẩn mực đạo đức xã hội.

(5) Cái giả dối được cho là hiển nhiên. Sự lệch chuẩn về giá trị khiến một bộ phận người dân ngộ nhận, thậm chí cố tình hiểu sai bản chất vấn đề. Sự xuất hiện cái giả dối nhiều và phổ biến đến mức, nhiều lúc, chúng ta coi nó là một điều rất bình thường của cuộc sống. Bằng giả, danh hiệu giả, kiến thức giả, lời nói giả, hành động giả, đạo đức giả,… đến sống cũng giả. Cái giả dối hiện diện ở mọi nơi và lại được xã hội thừa nhận. Đây chính là nguyên do mà  sự lệch lạc về giá trị và giả dối là điều hiển nhiên, thậm chí mặc nhiên coi đó là “đúng”, truyền bá kinh nghiệm “giả - thật” cho nhau.

Chưa hết, cái lối sống lạnh lùng kiểu tiền trao cháo múc ấy tràn vào đất nước Việt Nam gây nên bao hệ luỵ. Đáng lo ngại hơn cả là hệ luỵ về tư tưởng, về nhận thức, là sự biến đổi và sự phá vỡ các chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ xã hội, làm lệch lạc lẽ sống, lý tưởng sống của mỗi cá nhân.

Tóm lại, toàn cầu hoá như một dòng chảy lạ tràn qua biên giới quốc gia, phủ ngập, cuốn trôi bao giá trị truyền thống, làm xáo trộn, đảo lộn sự thanh bình trong lối sống thôn quê. Trong bối cảnh toàn cầu hoá ấy, con người bỗng trở nên lạnh lùng hơn, vô cảm hơn, đời sống tinh thần, tình cảm của họ bỗng trở nên máy móc và “kỹ thuật” hơn. Dường như, dòng chảy toàn cầu hoá đẩy con người tiệm cận nhanh hơn với những lợi ích cá nhân, với chủ nghĩa kim tiền, lối sống thoáng, sống gấp, sống hưởng thụ. Thêm vào đó, phương tiện vật chất phục vụ cuộc sống con người, làm cho cuộc sống con người tiện nghi hơn, dễ dàng khiến họ quên đi bài học ứng xử mang giá trị nhân văn đích thực giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, môi trường sống. Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay không phải là chống lại toàn cầu hoá mà thuận theo, hoà nhập trong dòng chảy toàn cầu hoá nhưng không thể hoà tan. Gìn giữ, đề cao, phát huy những giá trị văn hoá người Việt, những giá trị làm nên bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam và đất nước Việt Nam./

T.V.D

(1) https://bacdau.vn/kb/toan-cau-hoa-la-gi-va-he-qua-cua-no-mang-lai

(2) Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.2010, tr. 750.

(3) Phạm Hồng Tung, Nghiên cứu về lối sống: một số vấn đề về khái niệm và cách tiếp cận, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 23, số 4 (2007), tr 277.

(4) Phạm Hồng Tung, Văn hóa và lối sống của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế - Một số vấn đề lý thuyết và cách tiếp cận, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, VNH3.TB6.602

(5) Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.1980, Tr. 165.

(6) https://nhandan.com.vn Báo động nạn phá thai ở người trẻ.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website