Năm 2023 đã đến với nhiều háo hức, khát khao của người trẻ, xen lẫn tâm tư của lớp người có tuổi và từng trải về triển vọng kinh tế đầy gam màu trong một thế giới biến động khôn lường.
Khi đồng hồ countdown điểm mốc đầu tiên của năm mới 2023, hàng ngàn người trẻ đã vỗ tay, reo vang đầy hồ hởi với nét mặt thật trong trẻo trong cái lạnh thấu xương bên Hồ Hoàn Kiếm, ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh hay ở bất kỳ thành phố nào ở nước ta.
Nhìn vào lớp lớp những con người trẻ tuổi tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết phơi phới đó sẽ thấy tương lai của đất nước này là hứa hẹn, tươi sáng như thế nào cho dù trước mắt có khó khăn, thách thức.
Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt ở mức cao nhất khoảng 65% trong giai đoạn 2015-2025. Chúng ta đông dân thứ 15 thế giới, nghĩa là chúng ta có nguồn lao động dồi dào và là thị trường rộng lớn, có mặt tiền quốc gia trải dài với biết bao lợi thế.
Người dân đón năm mới 2023 tại khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội.
Hiện nay, hơn 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, một thành tích ít người dám mơ đến chỉ cách đây chưa đầy 30 năm, khi cả nước đều sống dưới mức đói nghèo. Có tới 13% người Việt Nam đã tiến lên tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới và tầng lớp này đang phát triển nhanh chóng. Mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu kể từ năm 2014.
Nêu qua mấy điểm như vậy để thấy, nền tảng con người của Việt Nam là quá tốt và tiềm tàng. Nếu lớp người trẻ được trang bị kỹ năng, kiến thức cho hội nhập; nếu lớp người đi trước thổi cho lớp trẻ khát vọng về sự thay đổi tích cực và để lại những di sản cải cách vững vàng cho họ, Việt Nam sẽ nhanh chóng và bền vững vươn lên thịnh vượng, văn minh.
Đại dịch Covid và những biến động chưa từng có tiền lệ, không thể dự báo được trên thế giới cho thấy, người trẻ cũng như lớp già của Việt Nam đang sống trong thế giới đầy bất định, một thế giới VUCA, được đặc trưng bởi tính biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity).
Dù tương lai có như thế nào, nhưng có một điều chúng ta có thể chắc chắn: những tư duy cũ, mô hình và trật tự tổ chức cũ sẽ không thể giúp sống sót trong thế giới đã hoàn toàn khác trước.
Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta cần định hình những tư duy mới về sứ mệnh và chiến lược phát triển của mỗi cá nhân, tổ chức, cũng như không ngừng tìm kiếm, thử nghiệm những giải pháp sáng tạo để kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn, nhân văn hơn cho mọi người.
Năm 2023 này sẽ còn đầy ắp những khó khăn. Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thấp hơn trong khi mục tiêu lạm phát 4,5% lại cao hơn so với các chỉ số tương ứng của năm vừa qua.
Tăng trưởng luôn là nỗi ám ảnh của những nhà quản lý, bởi bên cạnh là thước đo điều hành, nó thể hiện niềm khát khao đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu và vươn lên, bắt kịp với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Những trục trặc trong bộ máy, sức ì trong nỗ lực cải cách, tác động kéo dài của Covid, ảnh hưởng trực tiếp của nền kinh tế thế giới và nhiều yếu tố khác đang đe dọa đạp phanh lên tăng trưởng và phát triển. Trên nền tảng tăng trưởng hai năm qua, và kết quả dự kiến của năm 2023, tăng trưởng bình quân chỉ đạt 5,5-5,7%, hụt xa so với mục tiêu đã đề ra cho kỳ phát triển 5 năm.
Nếu tốc độ tăng trưởng các năm tới đây không được cải thiện thì trong giai đoạn tới đây sẽ rất khó khăn, và tiếp nối đà suy giảm trong 30 năm qua khi sau mỗi thập kỷ lại chứng kiến suy giảm tăng trưởng một điểm phần trăm.
Xin nhắc lại, thời kỳ 2011-2020, tăng trưởng bình quân khoảng 6%; thời kỳ 2000-2010, tăng trưởng trung bình khoảng 6,6%; thời kỳ 1991-2000, tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7,6%. Chẳng lẽ, chúng ta lại cam chịu điều đó như tiền định? Chẳng lẽ chúng ta không thể bắt kịp với các nền kinh tế hàng đầu khu vực?
Chắc chắn câu trả lời là không!
Câu trả lời là dựa vào sức dân!
Sức dân, từ sức mạnh cơ bắp đến sức mạnh chất xám, được huy động, phát huy, giải phóng sẽ tạo nên nguồn năng lượng khổng lồ cho phát triển. Những thành tựu Đổi Mới của một nền kinh tế đơn thành phần chuyển sang đa thành phần sở hữu là minh chứng hùng hồn không cần phải chứng minh.
Chúng ta chỉ có con đường tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau
Những cải cách thể chế phát huy sức mạnh của dân như cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy startup, hợp tác công tư nhất là trong cơ sở hạ tầng, xã hội hóa y tế, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, số hóa quản trị nhà nước,… cần được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó chương trình chống tham nhũng; xây dựng bộ máy chính quyền kỷ luật, chịu trách nhiệm giải trình; kiên định ổn định kinh tế vĩ mô; tái cấu trúc hệ thống tài chính, ngân hàng, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, và đặc biệt là thực hiện các cam kết hội nhập phải được tiếp tục.
Trong bối cảnh kỷ nguyên số đang tăng tốc với nhiều yêu cầu khác biệt so với kinh tế truyền thống, thực tế đang đòi hỏi cải cách, đổi mới quyết liệt từ nhận thức, tư duy tới hành động nếu không muốn lỡ chuyến tàu hiện đại và văn minh để bị bỏ lại tụt hâu xa hơn.
Xin nhắc lại chuyện đã lâu. Đầu thế kỷ thứ 19, Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô về kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanma cộng lại, gấp hơn 1,5 lần so với Thái Lan; thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới, theo cuốn Kinh tế thế giới – Một thiên niên kỷ phát triển của tác giả Angus Maddison trong do OECD công bố.
Ngày nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng trưởng cực kỳ ngoạn mục trong ba thập kỷ qua, nhưng vẫn xếp hạng cuối của thế giới, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là tiềm tàng. Năng suất lao động của Việt Nam vẫn kém xa so với các quốc gia trong ASEAN. Tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn chưa tới 1/4 lực lượng lao động.
Chúng ta đã có gần 50 năm sống trong hòa bình, gần 40 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương với thời gian để các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, … đưa đất nước mình từ những đất nước nông nghiệp nghèo nàn trở thành các quốc gia có phát triển.
Trong khi đó, những động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đem lại đang dần ít phát huy tác dụng, những quả ngọt dễ hái đã hao hụt. Dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi thế. Chúng ta đã hội nhập rất sâu vào kinh tế thế giới, chấp nhận cạnh tranh toàn cầu.
Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn. Tạo cơ hội cho lớp trẻ, thổi bùng sức mạnh và nguồn lực trong dân là đòi hỏi mạnh mẽ hơn lúc nào hết.
Việt Nam đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để đưa đất nước đến phồn thịnh. Chúng ta chỉ có con đường tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên nguyên tắc phát huy sức mạnh của nhân dân, nếu không muốn tụt lại phía sau, nếu không muốn nền kinh tế trì trệ kéo dài và rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.
Di sản để lại cho thế hệ sau này đã được vun vén, bồi bổ và xây dựng từ những thế hệ trước qua nhiều thập kỷ sẽ được tiếp nối trong năm nay.
VietNamNet