"Quan hệ phối hợp, gắn bó giữa CAND và QĐND đã trở thành truyền thống vẻ vang, bài học kinh nghiệm quý báu giữa hai lực lượng, là nhân tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" – Trang Thông tin điện tử Học viện Chính trị CAND trân trọng giới thiệu bài viết của Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau”. Trải qua các thời kỳ lịch sử, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Công an nhân dân (CAND) và Quân đội nhân dân (QĐND) luôn kề vai, sát cánh, đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ an ninh, quốc phòng…
Quan hệ phối hợp, gắn bó giữa CAND và QĐND đã trở thành truyền thống vẻ vang, bài học kinh nghiệm quý báu giữa hai lực lượng, là nhân tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều này đã được chứng minh suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trong đó chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng năm 1972 là một trong những minh chứng thuyết phục về quan hệ hiệp đồng chặt chẽ đó.
1. Vào cuối năm 1972, trước những thất bại liên tiếp trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn.
Để cứu vớt tình thế, đế quốc Mỹ đã quyết định tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội - Hải Phòng và một số địa phương trong 12 ngày đêm (từ ngày 18 đến 29/12/1972). Mục đích của đế quốc Mỹ là nhằm uy hiếp tinh thần chiến đấu, phá hoại đến mức kiệt quệ tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc Việt Nam, thực hiện ý đồ thương lượng trên thế mạnh; đồng thời, thông qua đòn đánh có tính chất hủy diệt này, chính quyền Níchxơn muốn vực dậy, củng cố chính quyền và quân đội Sài Gòn đang hoang mang, dao động sau những thất bại trên khắp chiến trường.
Dự đoán trước âm mưu và hành động của Mỹ, ngày 16/4/1972, Ban Bí thư đã có Điện số 28 về chống chiến tranh phá hoại của địch, chi viện cho tiền tuyến, trong đó yêu cầu: “QĐND và lực lượng CAND, dân quân tự vệ trên toàn miền Bắc phải ra sức rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết tiêu diệt địch trong mọi tình huống”. Tiếp đó, ngày 1/6/1972, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 220/NQ-TW về việc chuyển hướng và đẩy mạnh mọi mặt công tác ở miền Bắc để tiếp tục đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Nghị quyết nêu rõ: “Bảo đảm yêu cầu tuyển quân và tuyển lao động phục vụ chiến trường. Giữ vững trật tự, trị an trong mọi tình huống, đề cao cảnh giác, chống chiến tranh gián điệp và chiến tranh tâm lý của địch. Từng khu vực, từng tỉnh thành phải thực hiện tốt việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo ra sức mạnh tại chỗ, hậu cần tại chỗ, kết hợp chiến đấu và xây dựng lực lượng, thống nhất chỉ huy và hợp đồng chiến đấu tốt”.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 7/6/1972, Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 123-A12 về công tác Công an phòng, chống địch tập kích, đổ bộ trong tình hình mới. Chị thị nhấn mạnh: cần phải nhận rõ trong bất kỳ tình huống nào, nhiệm vụ của Công an chủ yếu là: Đảm bảo tốt an ninh chính trị; Làm thật tốt công tác bảo vệ; Góp phần tích cực đảm bảo giao thông vận chuyển phục vụ tiền tuyến; Giữ gìn thật tốt trật tự xã hội.
Tiếp đó, ngày 25/11/1972, Quân ủy Trung ương ban hành Chỉ thị “tăng cường sẵn sang chiến đấu”, yêu cầu: các đơn vị phải hết sức đề phòng cảnh giác, kiểm tra và hoàn chỉnh thêm công tác sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch tác chiến và phòng tránh sơ tán.
Khi tình hình trở nên quyết liệt, sáng 18/12/1972, Phủ Thủ tướng điện chỉ đạo các bộ, cơ quan và một số địa phương: “Địch có thể ném bom Hà Nội - Hải Phòng, cần thực hiện tốt kế hoạch sơ tán nhân dân của thành phố”, Bộ Tổng Tham mưu điện chỉ đạo các đơn vị: “Đề phòng địch dùng B-52 đánh phá các mục tiêu trọng điểm. Các binh chủng: pháo cao xạ, tên lửa, rađa, không quân, pháo binh sẵn sàng chiến đấu, kịp thời đánh trả máy bay, tàu chiến. Tổ chức quan sát, báo động, sơ tán, phối hợp với Công an và nhân dân làm tốt công tác bảo vệ an ninh, bảo vệ tài sản…”.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ nặng nề đặt ra, lực lượng CAND và QĐND đã chủ động chuẩn bị phục vụ chiến dịch; hiệp đồng tác chiến, tổ chức có hiệu quả công tác phòng không, sơ tán, bảo đảm trật tự, trị an, bảo vệ giao thông vận tải, các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời phối hợp chiến đấu, góp phần quan trọng vào thành công chung của chiến dịch.
2. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngay từ cuối tháng 11, đầu tháng 12/1972, lực lượng Công an ở các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và Hải Phòng đã phối hợp với lực lượng Quân đội cùng các lực lượng khác nhanh chóng tổ chức cho nhân dân đi sơ tán. Trước tâm lý chủ quan, chờ đợi kết quả ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh của người dân gây cản trở lớn trong việc sơ tán, các tổ, đội Công an địa phương phối hợp với Dân quân tự vệ tại chỗ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho nhân dân thấy được luận điệu lừa bịp của các đối tượng phản động, sự tàn phá có tính hủy diệt của máy bay B-52, sự cần thiết phải sơ tán để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình. Nhờ đó, công tác sơ tán được tiến hành khẩn trương, giảm thiểu tối đa những thiệt hại về người do máy bay Mỹ gây ra.
Cùng với sơ tán người, việc phân tán, sơ tán tài sản của các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà máy, xí nghiệp, kho hàng hóa… cũng được lực lượng Công an và lực lượng Quân đội gấp rút thực hiện để bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và duy trì mọi hoạt động của guồng máy ở nơi sơ tán, làm hậu phương vững chắc cho lực lượng vũ trang chiến đấu. Cùng với đó, lực lượng Công an đã phối hợp với dân quân, tự vệ, du kích và nhân dân tổ chức nạo vét, củng cố gấp các hầm hào đã có; tích cực đào hầm hào mới. Lập hồ sơ hầm hố trong thành phố; củng cố hệ thống quan sát báo động, các đội cứu thương, cứu hỏa, cứu sập của thành phố và các huyện, khu phố, cơ quan, xí nghiệp.
Tại những nơi đi sơ tán và sơ tán đến, với tinh thần cảnh giác triệt để, quyết tâm lớn, trách nhiệm cao, lực lượng Công an cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân quân tự vệ tổ chức tuần tra, canh gác liên tục ngày đêm.
Trong những thời khắc căng thẳng nhất, Hà Nội, Hải Phòng vẫn không hề bấn loạn và rối ren.
Để làm sạch địa bàn, lực lượng Công an làm nòng cốt đã phối hợp với lực lượng Quân đội mở đợt cao điểm trinh sát, tuần tra, phát hiện, bóc gỡ các tổ chức, cá nhân phản động nguy hiểm, nhất là đối tượng biệt kích, gián điệp và các phần tử nằm vùng móc nối chỉ điểm mục tiêu cho máy bay địch. Phong trào “bảo mật, phòng gian” được phát động mạnh mẽ, tạo thành phong trào rộng rãi trong quần chúng với khẩu hiệu “ba không một dẫn” - không biết, không nghe, không nói và dẫn người lạ mặt đến Công an”.., Đồng thời, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội mở cuộc vận động sâu rộng trong toàn xã hội để đấu tranh ngăn chặn, phát hiện tội phạm, nhất là số lưu manh chuyên nghiệp, các đối tượng tham ô, trộm cắp, buôn lậu, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an, nhất là lực lượng CAND vũ trang đã trực tiếp phối hợp, hiệp đồng chiến đấu với các đơn vị phòng không chủ lực tiêu diệt máy bay B-52. Với cách đánh sáng tạo, các trận địa máy bay tầm thấp được bố trí đón lõng ở những nơi máy bay Mỹ thường xuyên bay qua, các đơn vị phát huy tối đa hỏa lực của súng bộ binh, tạo ra những trận đánh bất ngờ cho địch, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trong 12 ngày đêm, các lực lượng vũ trang, CAND và đồng bảo Thủ đô đã lập công xuất sắc bắn rơi 30 máy bay (trong đó có 23 chiếc B-52, 02 chiếc F111), tiêu diệt và bắt nhiều giặc lái. Riêng tổ cảnh sát cắm chốt khu vực Phà Đen đã tích cực phối hợp với lực lượng Quân đội bắt phi công Mỹ khi máy bay bị bắn hạ tại khu vực cầu Khuyến Lương (nay thuộc quận Hoàng Mai - Hà Nội). Tại Hải Phòng, CAND vũ trang Đồn 34 đã bắn rơi 1 máy bay A6 của Mỹ, góp phần vào thắng lợi chung của toàn chiến dịch.
Vừa trực tiếp tham gia chiến đấu bắn máy bay Mỹ, lực lượng CAND, QĐND vừa tổ chức rà phá bom nổ chậm, cắm chốt sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, tham gia cứu thương, cứu sập, tuần tra, canh gác, phòng cháy, chữa cháy…
Công an Hà Nội đã phối hợp với bộ đội công binh tháo gỡ 101 quả bom nổ chậm, 160 bom xuyên, 222 quả bom sát thương. Trong mưa bom của máy bay B-52, lực lượng Công an không quản hiểm nguy cùng lực lượng Quân đội trực tiếp hướng dẫn nhân dân xuống hầm trú ẩn, cứu người bị thương, sập hầm, khơi lại hầm hố, giao thông hào. Trong trận Mỹ ào ạt trút bom xuống phố Khâm Thiên ngày 26/12/1972, không đợi còi báo yên, ngay khi tiếng bom vừa dứt, tất cả cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an số 42, cùng với lực lượng Công binh, cứu hộ đã đến từng khu vực được phân công phụ trách để khắc phục hậu quả, cứu người mắc kẹt dưới những đống đổ nát.
Dù công cụ thô sơ, chủ yếu với hai bàn tay, nhưng các lực lượng đã cố gắng tìm cách khai thông cửa hầm bị đất đá vùi lấp, bị sức ép của bom bóp méo; cứu được tính mạng của biết bao nhiêu người dân khu phố Khâm Thiên.
Với tinh thần quả cảm, mưu trí, không sợ hy sinh, quyết tâm để cứu người, cứu tài sản, bảo vệ nhân dân, các đơn vị Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã phối hợp cùng bộ đội, Dân quân tự vệ kiên cường bám trụ trận địa, dập tắt các đám cháy.
Trước tình hình Mỹ đánh phá ác liệt vào hệ thống giao thông vận tải, với ý chí quyết tâm “Sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, lực lượng Công an đã chủ động, tích cực phối hợp với lực lượng Quân đội thường trực chiến đấu, ngày đêm bám trụ, đứng vững trên vị trí chỉ huy giao thông, dũng cảm chỉ huy trật tự giao thông trên đường phố, giải tỏa kịp thời khu vực tắc nghẽn giao thông, phân luồng, dẫn đường cho xe cơ động chạy qua, nhất là ở khu vực, địa bàn đánh phá trọng điểm của địch; phối hợp với Công binh trực tiếp gỡ, phá bom mìn, mở một số hướng vận chuyển mới, giữ cho mạch máu giao thông luôn thông suốt trong 12 ngày đêm.
Tại Thủ đô, trong những ngày người dân phải thực hiện sơ tán, Sở Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp nhịp nhàng với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Trung đoàn 254 Công an nhân dân vũ trang… cùng các đơn vị chiến đấu thường trực không quản ngày đêm, bất chấp bom đạn, luôn sẵn sàng chỉ huy trật tự giao thông, giải tỏa tắc nghẽn, tập trung bám tuyến, bám chốt tại các cửa ô Yên Phụ, Đống Mác, Cầu Dền, Đồng Lầm, Chợ Dừa, phà Chèm, phà Khuyến Lương và các tuyến liên tỉnh lộ số 5, số 6, số 1 và đường liên tỉnh lộ 11 (nay là đường quốc lộ 32) hướng sang các địa bàn phía Đông, Tây và Tây Nam thành phố.
Tại Hải Phòng, trước tình hình các chuyến vận tải từ Hải Phòng đi phía Nam bị tắc nghẽn; đường sông, đường bộ, đường sắt đều bị địch đánh phá, lực lượng Cảnh sát giao thông Hải Phòng phối hợp cùng lực lượng Quân đội đã kiên cường bám trụ địa bàn, thực hiện nhiều biện pháp tích cực và sáng tạo nhằm rà phá bom, mìn, khơi thông luồng vận tải mới ven biển và trên các sông nội địa; triệt để khai thác các tuyến vận tải đường bộ, đường sắt, nhưng vận tải đường thủy được xác định là phương thức chủ yếu để giữ mạch máu giao thông; bảo vệ tốt cầu, phà, đường sắt, nhà ga, kho tàng, bến bãi, tàu thuyền.
Trong công tác bảo vệ mục tiêu, với tinh thần vượt khó, ý chí quyết tâm, lực lượng Công an và Quân đội đã hiệp đồng chặt chẽ, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan Trung ương, Chính phủ. Đồng thời, thực hiện chủ trương của Bộ Công an “Tăng cường công tác bảo vệ quốc phòng, chú ý khâu tuyển quân, tuyển lao động phục vụ chiến trường, lực lượng cầm súng trong dân quân và tự vệ. Bảo vệ tốt bí mật quân sự…”, trong suốt 12 ngày đêm, lực lượng Công an đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ các bí mật quân sự, các kế hoạch, trận địa pháo binh, địa điểm chuyển quân, các cuộc hành quân của Quân đội, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng năm 1972.
3. Trải qua 12 ngày đêm chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng năm 1972 vô cùng ác liệt trong mưa bom, bão đạn của đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được nhân dân cùng các lực lượng khác giúp đỡ, CAND và QĐND luôn sát cánh chiến đấu, đoàn kết hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ: Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng không, sơ tán; Phối hợp trực tiếp tham gia chiến đấu; Bảo đảm trật tự, trị an, cứu thương, cứu sập, bảo vệ các cơ quan Đảng, Nhà nước, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; Tổ chức tốt công tác giao thông vận tải, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt. Nhờ đó, đã góp phần đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, góp phần bảo đảm vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, đập tan ý đồ “đàm phán trên thế mạnh” của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Thực tiễn phối hợp chiến đấu và chiến thắng giữa lực lượng CAND và QĐND trong chiến dịch phòng không Hà Nội – Hải Phòng năm 1972 đã để lại một số kinh nghiệm quý, đó là: công tác phối hợp giữa hai lực lượng cần bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo hai Bộ; chủ động nắm, nghiên cứu, phân tích, dự báo, đánh giá đúng tình hình, âm mưu, thủ đoạn, lực lượng, phương tiện, ý đồ, hướng tiến công chủ yếu của địch để có phương án phối hợp kịp thời, hiệu quả; huy động sức mạnh của toàn dân trong xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, phòng không nhân dân vững chắc.
Những kinh nghiệm quý báu ấy tiếp tục được lực lượng CAND và QĐND vận dụng, phát huy trong giai đoạn 1973-1975, góp phần làm nên Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Khi hòa bình lập lại, cả nước bước vào thời kỳ mới, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, hiệp đồng giữa CAND và QĐND tiếp tục thúc đẩy lên tầm cao mới, góp phần cùng cả nước từng bước thoát khỏi thế bao vây, cấm vận, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đưa Việt Nam ngày càng có vị thế trên trường quốc tế.
Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước, tăng cường quốc phòng, an ninh trong tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, với cả thời cơ, thách thức đan xen.
Hơn lúc nào hết, CAND và QĐND cần tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; đồng thời đoàn kết, phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng lực lượng CAND và QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đặc biệt là phối hợp xây dựng những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, Đảng và nhân dân. Đó là cơ sở để lực lượng CAND và QĐND sẵn sàng ứng phó và thắng lợi trong mọi tình huống; không rơi vào thế bị động, bất ngờ, nhất là trước khả năng địch tấn công từ trên không, trên biển; bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng,
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an