Dư luận xã hội (DLXH) là sự phản ánh tâm trạng của xã hội và sự đánh giá của các nhóm xã hội lớn (của nhân dân nói chung) về những vấn đề cụ thể, về các hiện tượng đại diện cho lợi ích xã hội cấp bách trên cơ sở các quan hệ xã hội đang tồn tại. Trong bất cứ xã hội nào, DLXH đều có những ảnh hưởng nhất định, nhiều khi có tác động rất mạnh mẽ đến nhịp độ phát triển của xã hội. Vì vậy, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, sử dụng sức mạnh DLXH và làm tốt công tác định hướng DLXH là một trong những vấn đề mang tính khách quan, tất yếu đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND).
Theo Từ điển Tiếng Việt (2008), từ “Định hướng” có nghĩa là xác định phương hướng. Từ đó, có thể hiểu: Định hướng DLXH là xác định phương hướng cho DLXH và công chúng theo một hướng nhất định, giúp DLXH đi theo đúng hướng, có sự thống nhất, ổn định. Đối với lực lượng CAND, việc định hướng DLXH nhằm phát huy những mặt tích cực, đẩy lùi những mặt tiêu cực trong nhận thức, hành động của công chúng, truyền bá những chuẩn mực giá trị đạo đức, những quan điểm đúng đắn, toàn diện, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp như hiện nay.
Trong các phương thức định hướng DLXH theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND, sử dụng truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội là một trong những phương thức cơ bản, quan trọng, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến sử dụng mạng xã hội (MXH) trong quá trình thực hiện công tác này. Tìm hiểu lịch sử phát triển của truyền thông, vào những năm 1920, thuyết “Viên đạn thần kỳ” (cũng có tên gọi khác là Viên đạn ma thuật, hay Mũi kim tiêm) ra đời cùng với những phương tiện truyền thông đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Công chúng bị thu phục, hấp dẫn và bị lôi cuốn bởi những thông điệp đến từ các ấn phẩm truyền thông. Công chúng hoàn toàn thụ động trước truyền thông, họ tin và nghe theo những gì xuất hiện trên báo chí. Sự phát triển đầy cạnh tranh của các loại hình truyền thông mang đến nhiều lựa chọn hơn cho công chúng truyền thông. Giống như một “bàn tiệc buffet’’ thông tin, công chúng hoàn toàn trở nên chủ động hơn với việc lựa chọn xem gì, nghe gì, tin gì. Nhưng có thật là họ đã trở nên chủ động trước các thông điệp mà truyền thông mang lại? Thực chất, họ chỉ chủ động trong việc lựa chọn loại hình phương tiện truyền thông, nhưng sự chi phối của các thông điệp truyền thông vẫn luôn có giá trị trong mọi thời đại. Đến nay, sự xuất hiện đầy mới mẻ của MXH lại một lần nữa chiếm được cảm tình vì nó đáp ứng được thị hiếu giải trí, cập nhật thông tin liên tục, tự do bày tỏ trạng thái cá nhân và tương tác sống động thông qua các phản hồi của người sử dụng MXH. Lịch sử truyền thông ghi nhận sự ra đời tất yếu của MXH đánh dấu thêm một sự phụ thuộc mới mẻ của người dân vào quá trình tiếp cận thông tin.
Mạng xã hội (social network) là một sản phẩm của thế hệ Web 2.0, cho phép cá nhân xây dựng một hồ sơ công khai hoặc bán công khai trên môi trường Internet để chia sẻ và lưu trữ thông tin cá nhân. Người dùng MXH có thể chia sẻ, tìm kiếm thông tin và liên kết với những thành viên khác có cùng sở thích, lợi ích, nhu cầu, nơi ở hay đặc điểm học vấn,… Thuật ngữ trên thế giới gọi MXH là “social media” - truyền thông xã hội, nghĩa là thừa nhận khả năng “truyền thông” của các MXH này. MXH là nơi hội tụ thông tin, là nơi diễn ra cơ chế tương tác rất lớn của người sử dụng với thông tin, là nơi những thông điệp tự phát có thể xuất hiện bất cứ lúc nào mà người sử dụng MXH đôi khi không cần quan tâm tới nguồn phát, những tin đồn trở nên được yêu thích đối với cộng đồng mạng, bởi nó đánh đúng vào tâm lý tò mò của người sử dụng. MXH có khả năng kết nối mạnh mẽ. Chỉ bằng một thông tin chia sẻ trên Facebook về một trường hợp, hoàn cảnh khó khăn, đáng thương sẽ nhanh chóng được cả cộng đồng chung tay giúp đỡ. Trong thời gian rất ngắn, MXH có thể lôi kéo, thu hút sự chú ý của mọi người, tạo ra sự đồng cảm, lây lan tâm lý và cảm xúc.
Công tác định hướng DLXH phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt là những nguy cơ tiềm ẩn đến từ mạng xã hội với đặc thù ẩn danh (biệt danh) và sự tự do đăng tải các loại thông tin theo sở thích rất khó kiểm soát đã và đang trở thành những thách thức đối với công tác định hướng DLXH. Chúng ta có thể thấy những bất thường diễn ra trong nhận thức, thái độ một bộ phận người dân khi có sự dịch chuyển những chuẩn mực khuôn mẫu tư duy làm thay đổi hành vi, cách ứng xử, lối sống của họ. Trước đó, hiện tượng mạng như Khá Bảnh được đông đảo các bạn trẻ yêu thích, trở thành “thần tượng”, hiện tượng mạng của giới trẻ; hay gần đây, hiện tượng CEO Phương Hằng chỉ xuất hiện trên sóng livestream trực tiếp nhưng có sức thu hút mạnh mẽ của đông đảo cộng đồng mạng.v.v. đã khẳng định những tác động, ảnh hưởng của MXH đến công chúng. Cho dù sự kiện, hiện tượng, con người đó đúng hay sai, tốt hay xấu, chuẩn mực hay lệch chuẩn. Quan trọng là MXH hàm chứa tính định hướng được lan tỏa, tác động đến nhận thức, thái độ, tình cảm của công chúng và đó chính là lý lẽ không theo một mẫu số chung với những giá trị vốn đã được cộng đồng chia sẻ, gìn giữ từ thế hệ này, sang thế hệ khác. Đây là một bài toán không mới nhưng vẫn làm khó cho các nhà quản lý trong việc kiểm soát những bất cập đến từ MXH.
MXH trở thành không gian để các thế lực thù địch, phản động và tội phạm tập hợp lực lượng, kích động quần chúng, phát tán những tư tưởng, tâm lý tiêu cực, sai trái, gây ra bất ổn, rối ren về tình hình an ninh, trật tự, thậm chí, có thể trở thành những mối nguy lớn đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc. Những vụ việc gây rối xảy ra ở Đồng Tâm, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An… hay những cuộc biểu tình, tụ tập đông người ngay chính tại các Thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều có bóng dáng của các tổ chức phản động với sự hỗ trợ đắc lực của MXH. Vậy, MXH có xấu không? Số liệu thống kê chỉ ra, tính đến tháng 6-2021, số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tương đương 73,7% dân số[1] - một tỷ lệ rất cao với cơ cấu tuổi, ngành nghề, trình độ học vấn rất đa dạng. Con số này nói với chúng ta rằng, MXH không hề xấu vì nó đang thu hút được nhiều người trải nghiệm hệ sinh thái thông minh và tiện ích trong bối cảnh thế giới phát triển nhanh, mạnh, nóng và phẳng như hiện nay. Vì vậy, thật sai lầm khi chúng ta luôn chỉ nhìn nhận những điểm tiêu cực, sự phiến diện một chiều đến từ cụm từ “mạng xã hội”.
Nếu MXH được kiểm soát, quản lý hiệu quả, nó sẽ trở thành một trong những phương tiện, công cụ vô cùng hữu ích để tham gia vào công tác quản lý xã hội, góp phần củng cố trật tự xã hội. Nếu các thế lực thù địch sử dụng MXH để tuyên truyền những tin đồn thất thiệt, thông tin phản động, bóp méo, xuyên tạc, làm thay đổi nhận thức với mong muốn “tẩy não” nhân dân thì chúng ta thay vì lên án MXH với những mặt trái của nó, hãy thừa nhận sức mạnh truyền thông của MXH, sử dụng MXH để định hướng đúng đắn, kịp thời và nhanh chóng hình thành các luồng ý kiến DLXH chuẩn mực, chín muồi.
Theo chức năng của lực lượng CAND, việc định hướng DLXH rất quan trọng, mang ý nghĩa quyết định đến thành công của nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc. Vì vậy, sử dụng MXH định hướng DLXH theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND là biện pháp nhằm giải quyết vấn đề mang tính chất “thời đại”, là nhiệm vụ cấp bách, bức thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nhận thức được vị trí, vai trò của MXH đối với việc định hướng DLXH, thời gian qua, lực lượng CAND đã tích cực, chủ động phát huy vai trò của MXH trong định hướng DLXH theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Các trang, nhóm, kênh trên các nền tảng MXH do lực lượng CAND lập đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo người dùng MXH, tiêu biểu như các kênh “ANTV - Truyền hình Công an nhân dân” trên Youtube thu hút 5,2 triệu người đăng ký với hơn 43.000 video được đăng[2], trên Facebook thu hút hơn 750.000 lượt người thích và theo dõi fanpage[3]; fanpage “Báo Công an nhân dân” trên Facebook thu hút hơn 670.000 lượt người thích và theo dõi[4]; fanpage “Công an thành phố Hà Nội” trên Facebook thu hút hơn 430.000 lượt người thích và theo dõi[5]; fanpage “Tuổi trẻ Công an Thủ đô” trên Facebook thu hút hơn 81.000 lượt người thích và theo dõi[6],…. Để thu hút sự quan tâm của công chúng, các trang, nhóm, kênh do lực lượng CAND thiết lập và quản lý đã kịp thời đưa tin một cách nhanh chóng, chính xác, góp phần định hướng DLXH.
Với những nội dung có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, lực lượng CAND tập trung phản ánh thông tin chính xác, trung thực, kịp thời theo đúng quan điểm chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, trên chính nền tảng MXH, lực lượng CAND đã vạch trần những âm mưu, thủ đoạn sai trái của các thế lực thù địch để người dân nhận diện và cảnh giác với thông tin xấu, độc trên môi trường MXH. Trong công tác xây dựng lực lượng CAND, các trang, nhóm, kênh này đã thực hiện rất tốt vai trò và sứ mệnh truyền thông của mình khi giới thiệu đến công chúng một góc nhìn mới mẻ về ngành Công an, về những cống hiến, hi sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ, đưa hình tượng người CAND đến gần hơn với quần chúng nhân dân. Số lượng người quan tâm, theo dõi các trang, kênh trên các nền tảng MXH do lực lượng CAND thiết lập và quản lý vừa là sự ghi nhận của công chúng, vừa thể hiện hiệu quả của việc sử dụng MXH định hướng DLXH theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Các thế lực thù địch sẽ tiếp tục sử dụng chiêu bài “diễn biến hòa bình” với những luận điệu tinh vi hơn để tiếp cận tư tưởng của người dân, từng bước chuyển hóa nhận thức, thái độ và hành vi của quần chúng, kích động người dân mù quáng tụ tập, gây rối. Theo chức năng của mình, lực lượng CAND cần tăng cường, chú trọng làm tốt công tác định hướng DLXH trên một sân chơi thế mạnh của các thế lực thù địch mang tên “mạng xã hội”. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc sử dụng MXH định hướng DLXH theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND, tác giả đề xuất một số biện pháp như sau: Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo, chỉ huy lực lượng CAND các cấp đối với việc sử dụng MXH định hướng DLXH theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong lực lượng CAND cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn vị trí, vai trò và sự tồn tại tất yếu của MXH trong thời đại ngày nay; tránh tâm lý e ngại, kỳ thị hay né tránh đối với sự có mặt tất yếu của MXH và những ảnh hưởng của MXH đối với việc định hướng DLXH theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND. Đồng thời, cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa, cụ thể hóa việc sử dụng MXH định hướng DLXH theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND, coi đây là căn cứ pháp lý để đẩy mạnh hoạt động này. Bên cạnh đó, cần thường xuyên quan tâm, nắm tình hình và cho ý kiến chỉ đạo đối với hoạt động của các ban chỉ đạo công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, có chủ trương thành lập thêm các ban chỉ đạo mới phù hợp với bối cảnh tình hình.
Thứ hai, đổi mới nội dung, hình thức định hướng DLXH theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND trên các nền tảng MXH. Đây là một nội dung rất quan trọng, quyết định đến thành công của công tác định hướng DLXH. Vẫn là sử dụng MXH nhưng nếu nội dung không có sự đặc sắc, nổi bật, thiếu đổi mới, sáng tạo, tuyên truyền nặng về lý luận, hàn lâm, khô cứng, khó hiểu sẽ dẫn đến công chúng cảm thấy buồn tẻ, quay lưng. Ngoài ra, tránh tâm lý “tô hồng” hiện thực, né tránh tồn tại, bỏ qua sai lầm, sử dụng chiêu trò của truyền thông để bưng bít sai phạm. Tất cả những điều đó có thể tạo ra hiệu ứng ngược trong truyền thông khiến người dân càng trở nên mất niềm tin và không thể định hướng, dẫn dắt dư luận theo chiều hướng tích cực.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ chuyên trách và cộng tác viên định hướng DLXH trên các nền tảng MXH. Trong đó, chú trọng đến đội ngũ các chuyên gia công nghệ thông tin, người có ảnh hưởng trên MXH (influencer) - những người có đông đảo lượt người theo dõi, quan tâm trên các nền tảng MXH và biện pháp marketing thông qua những người này (hay còn gọi là phương pháp KOLs).
Thứ tư, nâng cao nhận thức của người dân và phát huy ý thức cộng đồng, trách nhiệm xã hội của công dân trong việc sử dụng MXH. Thay vì chúng ta tìm kiếm nhóm “công chúng chủ động” để thay thế cho nhóm “công chúng thụ động” trước ảnh hưởng của truyền thông xã hội thì chúng ta hãy làm gia tăng nhóm “công chúng thông thái” có khả năng miễn dịch trước những thông tin sai trái, thù địch. Để làm tốt việc này, lực lượng CAND cần phối hợp chặt chẽ với các công ty chủ quản của MXH, các cơ quan chức năng định hướng DLXH, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin chính thống, khách quan đến công chúng, đẩy lùi các luồng dư luận trái chiều.
Thứ năm, nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng đưa các nền tảng MXH “Made in Vietnam” đến gần hơn với công chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý nhà nước trên không gian mạng và định hướng DLXH theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND. Tích hợp hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư và gắn mã định danh đối với các tài khoản sử dụng các nền tảng MXH./.
Phan Thị Thu Trang
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Mai Anh, Vấn đề định hướng dư luận xã hội trên hệ thống truyền thông Thủ đô trong cơ chế thị trường, Luận văn Thạc sỹ Khoa học báo chí, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội, 2008.
2. Phan Thị Thu Trang, Hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân trên báo chí Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sỹ chuyên ngành Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2019.
3. Ma Thị Yến, Tác động của mạng xã hội đối với văn hóa truyền thông, Luận văn Thạc sỹ Báo chí học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội, 2015.
[1] Xem tại: http://quanson.thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2021-11-19/Dung-de-mang-xa-hoi-Dua-the-gioi-lai-gan--day-gia-r1ngnw.aspx#:~:text=Theo%20s%E1%BB%91%20li%E1%BB%87u%20th%E1%BB%91ng%20k%C3%AA,%2C7%25%20d%C3%A2n%20s%E1%BB%91).