Trong những năm gần đây, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông, đặc biệt là Internet đã mang lại nhiều chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Toàn cầu bước vào Thời đại số. Thời đại mà ở đó, khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thời đại đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao - những người không chỉ biết sử dụng các thành tựu khoa học mà còn nghiên cứu, phát triển và làm chủ khoa học công nghệ. Chính vì lẽ đó, phát triển năng lực nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quyết định đến chất lượng giáo dục, đào tạo của mỗi cơ sở giáo dục Đại học hiện nay. Phải thừa nhận rằng, tham gia nghiên cứu khoa học là cơ sở để mỗi sinh viên sẵn sàng, tự tin bước vào thời kỳ mới.
Ngay từ khi được bắt nhịp với môi trường học tập có tính học thuật cao, sinh viên được định hướng vào các hoạt động NCKH để chuyển đổi tư duy phổ thông sang các lĩnh vực chuyên sâu. Đây là một hoạt động trí tuệ giúp sinh viên tăng thêm hàm lượng kiến thức không bị bó buộc chật hẹp trong phạm vi của những cuốn giáo trình, giúp sinh viên tự khám phá được “cầu nối” giữa lý thuyết với thực tiễn. Trong đó, sinh viên bước đầu vận dụng một cách tổng hợp những tri thức đã học để tiến hành hoạt động nhận thức có tính chất tìm hiểu, nghiên cứu góp phần giải quyết những vấn đề khoa học do thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp đặt ra, từ đó có thể đi sâu, mở rộng và hoàn thiện vốn hiểu biết của mình.
Tại sao sinh viên cần tham gia hoạt động NCKH?
Trước hết, NCKH là trách nhiệm và quyện lợi của bản thân sinh viên.
Tại khoản 2, Điều 4, Chương II: Nhiệm vụ và quyền của sinh viên, được quy định tại Quy chế Công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo Đại học hệ chính quy (Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chỉ rõ, sinh viên có nhiệm vụ: “Học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục, đào tạo của cơ sở giáo dục đại học; chủ động, tích cực tự học, nghiên cứu, sáng tạo và rèn luyện đạo đức, lối sống.” Học tập, nghiên cứu, sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi sinh viên đã được nhà nước thể chế hóa. Quá trình học tập ở môi trường Đại học yêu cầu sinh viên phát huy tính tích cực, chủ động tiếp nhận tri thức và hơn hết là biết vận dụng kiến thức khoa học hướng đến giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra. Để làm được điều đó, nhất thiết phải có hoạt động nghiên cứu khoa học. Sinh viên được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiến hành các hoạt động nghiên cứu. Đây đồng thời cũng là quyền lợi hết sức thiết thực, có ý nghĩa đối với sinh viên được quy định tại Điều 5 quy chế này.
Thứ hai, hoạt động NCKH có vai trò to lớn đối với việc hoàn thiện, phát triển bản thân, phục vụ tốt mục đích học tập, rèn luyện.
Ngày nay, khi các hình thức đào tạo tại bậc đại học đang được xây dựng theo chiều hướng ngày càng cải tiến, sinh viên có thể tiếp cận kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn thông qua nhiều cách thức phong phú, đa dạng. Trong số đó, thực hiện NCKH được đánh giá là phương pháp hiệu quả để sinh viên mở rộng vốn kiến thức cũng như vốn kỹ năng mềm của bản thân; là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức lý thuyết đã học vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Khi tiến hành thực hiện NCKH, sinh viên sẽ có điều kiện để tiếp cận với các đề tài ở quy mô nhỏ, cùng với sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên sẽ bắt đầu định hình được cách thức, quy trình để thực hiện một công trình NCKH chất lượng, hiệu quả. Không chỉ vậy, hoạt động NCKH còn góp phần củng cố kiến thức, phát huy tính năng động, sáng tạo; khả năng tư duy độc lập, tư duy phản biện, tự học hỏi; kỹ năng thuyết trình của sinh viên… Đối với mỗi sinh viên, những kỹ năng này không chỉ quan trọng trong quãng thời gian học tập tại giảng đường mà còn theo sát họ trong suốt quãng thời gian làm việc say này. Do đó, việc trau dồi và phát huy những kỹ năng này là yêu cầu được đặt ra hết sức cấp thiết với sinh viên.
Thứ ba, NCKH - động lực của sự phát triển và yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn thời đại.
Cách mạng công nghiệp 4.0 chứng kiến cuộc chạy đua khoa học và công nghệ quyết liệt của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam có xuất phát điểm chậm hơn so với các nước mạnh về công nghiệp hàng trăm năm. Để không bị tụt hậu, Việt Nam cần có chiến lược phát triển lâu dài, đặc biệt chú trọng đến đầu tư cho khoa học - công nghệ. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã tập trung làm rõ yêu cầu: “Có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[1]. Như vậy, thực tiễn thời đại đã đặt ra yêu cầu đối với mỗi quốc gia cần phải không ngừng nghiên cứu, đẩy nhanh tốc độ phát triển khoa học công nghệ, bắt kịp xu thế chung. Sinh viên với tư cách là những “chủ nhân tương lai” của đất nước, là “rường cột quốc gia”, mang trên mình trọng trách xây dựng, phát triển đất nước, nên khả năng làm chủ khoa học công nghệ là điều vô cùng cần thiết. Chính hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên sẽ là những bước đệm đầu tiên, đặt nền móng để xây nên những tường thành vững chắc cho sự phát triển của khoa học nước nhà.
Hiện nay, hầu hết các trường Đại học đều khẳng định và thấy được tầm quan trọng của công tác NCKH. Điều này được thể hiện ở việc, công tác tổ chức phát động sinh viên tham gia NCKH đã trở thành một hoạt động thường niên của nhiều trường. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động NCKH của sinh viên hiện nay vẫn còn tồn tại một số bất cập.
Có một thực tế là hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ở các trường Đại Học hiện nay chưa thực sự phát triển mạnh. Mặc dù phong trào sinh viên NCKH tại các trường Đại học được phổ biến, vận động, kêu gọi và có nhiều chính sách tốt đối với sinh viên tham gia hoạt động này nhưng số lượng sinh viên đăng ký tham gia còn quá ít so với tổng số sinh viên ở mỗi trường. Nhiều sinh viên chưa thoát ra khỏi vòng an toàn, vẫn khá phụ thuộc vào kiến thức sách vở, ngại tìm tòi, khám phá. Do vậy, chất lượng sinh viên sau khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu thực tế của các vị trí việc làm cho dù sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, cả nước hiện có hơn 2,2 triệu sinh viên Cao Đẳng, Đại Học. Tuy nhiên, số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học còn quá ít và kết quả đạt được về cơ bản còn hạn chế. Trong năm 2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức giải thưởng khoa học và công nghệ giành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học. Giải thưởng thu hút 94 cơ sở giáo dục đại học tham gia với tổng 416 đề tài thuộc 06 lĩnh vực khoa học và công nghệ (bao gồm: Khoa học tự nhiên, Khoa học kỹ thuật và công nghệ, Khoa học y dược, Khoa học nông nghiệp, Khoa học xã hội, Khoa học nhân văn) [2]. Ở một sân chơi khoa học có quy mô và là cơ hội để sinh viên cả nước mở rộng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi tri thức khoa học nhưng so với số lượng sinh viên trong cả nước hiện nay, con số này vẫn thể hiện sự hạn chế của hoạt động sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học ở các trường đại học.
Nghiên cứu khoa học trong sinh viên không còn là một hoạt động mới mẻ tại các trường đại học, cao đẳng ở nước ta. Tuy nhiên hoạt động này vẫn chưa thực sự trở thành một nhu cầu thiết yếu của sinh viên, bởi vì phần lớn sinh viên vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của công tác nghiên cứu khoa học.
Trước thực trạng trên, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phong trào NCKH trong sinh viên như sau:
Một là, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên
Tổ chức các diễn đàn, toạ đàm trao đổi về những lợi ích cụ thể khi tham gia NCKH, chia sẻ kinh nghiệm NCKH cho sinh viên. Nâng cao ý thức tự giác, nghiêm túc và kiên trì theo đuổi thực hiện thành công những đề tài nghiên cứu mà sinh viên đã lựa chọn. Chủ động gắn kết với giáo viên hướng dẫn để thầy cô có định hướng, giúp đỡ sinh viên trong giải quyết giải quyết vấn đề nghiên cứu.
Hai là, tổ chức linh hoạt các hoạt động sinh viên NCKH.
Sinh viên là những người trong độ tuổi khao khát được thử sức mình với nhiều hoạt động mới mẻ. Trải nghiệm NCKH không nhất thiết chỉ có thực hiện các đề tài NCKH ở một phạm vi bó hẹp mà bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động khác như tham gia vào các diễn đàn khoa học, thực hiện các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, rèn luyện tư duy khoa học trong các sản phẩm như viết bài báo, tạp chí, kỷ yếu hội thảo… Sân chơi mang tên hoạt động NCKH của sinh viên sẽ thật sự có giá trị, thu hút được trí tuệ của nhiều người trẻ khi chúng ta thoát khỏi những gò bó, khuôn mẫu.
Ba là, mở các lớp bồi dưỡng phương pháp NCKH cho sinh viên
Qua cuộc khảo sát chất lượng NCKH của sinh viên Học viện Chính trị Công an nhân dân, kết quả cho thấy phần lớn sinh viên ngại tham gia NCKH là vì họ không hiểu đầy đủ về các phương pháp NCKH. Do đó, việc mở các lớp bồi dưỡng phương pháp NCKH cho sinh viên là rất cần thiết. Thay đổi tư duy chính là động lực để thay đổi hành động. Sinh viên sau khi được trang bị kiến thức đầy đủ, họ sẽ mạnh dạn để thử sức với các hoạt động khoa học.
Bốn là, phát động thường xuyên các phong trào thi đua, có hình thức khen thưởng kịp thời cho những sinh viên tích cực tham gia, có thành tích cao trong hoạt động NCKH
Cần chú trọng việc khích lệ, động viên, nêu gương những điển hình trong phong trào thi đua học tập, nghiên cứu khoa học. Sự quan tâm này sẽ làm tăng thêm sức hút đối với sinh viên trong quá trình tìm tòi, học hỏi NCKH. Những đề tài chất lượng có thể được lưu trữ, trở thành nguồn tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ tốt cho việc học tập và nghiên cứu của các địa chỉ ứng dụng khả thi. Hoạt động sinh viên NCKH cũng cần được quan tâm, tổ chức thường xuyên, tạo thành những cuộc vận động giữa các khối sinh viên, hướng đến nâng cao chất lượng hoạt động sinh viên NCKH qua từng đợt thi đua.
Năm là, quy chế hoá các hoạt động NCKH của sinh viên.
Cần xây dựng hướng dẫn cụ thể về hoạt động NCKH của sinh viên, như: quy trình đăng kí và thực hiện đề tài, quy định về nội dung chương trình, hình thức tổ chức, đánh giá, cho điểm, chính sách đối với giáo viên hướng dẫn, khen thưởng và kỷ luật... Phổ biến rộng rãi các quy định này trong toàn thể sinh viên. Điều này tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong việc tổ chức, thực hiện đề tài, đảm bảo sự công bằng, khách quan, chất lượng của các đề tài nghiên cứu.
Sáu là, thường xuyên cập nhật, cải thiện cơ sở vật chất, tài liệu, phương tiện kỹ thuật phục vụ NCKH của sinh viên.
Điều kiện cơ sở vật chất, tài liệu và phương tiện kỹ thuật góp phần rất quan trọng nâng cao hiệu quả và chất lượng NCKH, vì vậy, cần đầu tư nâng cấp thư viện, trang bị hệ thống máy tính nối mạng, các phương tiện phục vụ cho giảng dạy và NCKH, đặc biệt là các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Trong thời đại số, cần chú trọng việc chuyển đổi, số hóa các tài liệu để thuận tiện cho việc tra cứu, truy cập và xử lý số liệu, thông tin phục vụ hiệu quả việc nghiên cứu.
Hoạt động NCKH luôn mang lại những lợi ích thiết thực cho sinh viên. Đó là góp phần phát triển toàn diện kiến thức, kĩ năng, rèn luyện tác phong làm việc khoa học. Tham gia NCKH là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức lý luận đã học vào giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn một cách có hiệu quả. Thêm vào đó, hoạt động sinh viên NCKH là thước đo chất lượng giáo dục, đào tạo của giáo dục Đại học, là những bước cơ bản, đầu tiên sinh viên góp phần vào sự phát triển của đất nước sau này. Hoạt động NCKH trong sinh viên cần được chú trọng, đẩy mạnh, đầu tư đúng mức và cần có sự tham gia phối hợp từ nhiều phía để hoạt động này thực sự trở thành một phần không thể thiếu - hành trang của sinh viên vững bước vào thời đại mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXb CTQGST, H. 2021, tr 140
[2] https://giaoduc.net.vn/416-de-tai-nckh-du-thi-giai-thuong-khoa-hoc-va-cong-nghe-danh-cho-sinh-vien-2022-post229466.gd
Phan Thị Thu Trang - Dương Văn Tiến Đạt
Học viện Chính trị Công an nhân dân