RÈN LUYỆN BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ CHO GIẢNG VIÊN GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ CÔNG AN NHÂN DÂN THEO SÁU ĐIỀU BÁC DẠY CÔNG AN NHÂN DÂN – “ĐỐI VỚI CÔNG VIỆC, PHẢI TẬN TUỴ”.

Sáu điều Bác dạy là di sản vô cùng quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại để lại cho lực lượng Công an nhân dân, là chuẩn mực về phẩm chất đạo đức, tư cách của người Công an cách mạng trong mọi thời đại, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong điều dạy thứ 5, Bác dạy Đối với công việc, phải tận tụy”. Tận tụy là đức tính dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh. Tận tụy trong công việc thể hiện ở đức tính bền bỉ, khắc phục khó khăn, phát huy tính năng động chủ quan, tự lực, tự cường để đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Thước đo của tính tận tụy là hiệu quả trong công việc, sản xuất, chiến đấu và trong công tác. Học tập, thực hiện theo lời dạy của Bác, lực lượng Công an luôn ngày đêm tận tụy với sự nghiệp cách mạng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khó khăn, phức tạp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Đóng góp quan trọng vào quá trình bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng cho học viên Công an là đội ngũ giảng viên giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị nói chung. Qua việc học tập, nghiên cứu hệ thống các quan điểm và tư tưởng sâu sắc của Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, nghiên cứu kết quả của sự vận dụng, sáng tạo và phát triển dựa trên nền tảng cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, học viên Công an càng hiểu hơn về lý luận cách mạng, về con đường giải phóng dân tộc, về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về truyền thống đại đoàn kết được đúc kết và phát triển qua từng chặng đường cách mạng. Từ đó, góp phần rèn luyện tư cách đạo đức, lối sống, phẩm chất người cán bộ kiên trung, bồi dưỡng truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng hi sinh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho mỗi cán bộ chiến sĩ. Đặc biệt, mỗi học viên được trang bị những kiến thức cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND, hiểu sâu sắc những lời chỉ dạy của Bác đối với lực lượng CAND, lực lượng vũ trang trọng yếu, “chỉ biết còn đảng thì còn mình”, cống hiến hết mình với mục đích cao nhất là phục vụ nhân dân. Học tập, rèn luyện theo Sáu điều Bác dạy đã hình thành nhân sinh quan, thế giới quan, phương pháp luận, có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an.

Xuất phát từ nhiệm vụ của môn học, mỗi giảng viên trong các trường CAND không chỉ là người thầy trên bục giảng, có hiểu biết sâu sắc, tâm huyết, tận tụy trong nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn phải tấm gương mẫu mực về rèn luyện đạo đức, học Bác, làm theo Bác, bởi sinh thời Bác dạy: một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Theo đó, cần nhận thức rõ những vấn đề đặt ra đối với giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, trong đó bao gồm cả giảng viên giảng dạy học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh:

Thứ nhất rèn luyện đạo đức cách mạng là vấn đề cốt lõi hàng đầu của người cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân nói chung và giảng viên lý luận chính trị nói riêng

Trước hết, đạo đức người cán bộ công an theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là những "người kiểu mẫu", hội tụ đầy đủ các yếu tố chung của người cán bộ cách mạng, là phải có phẩm chất chính trị cao, bản lĩnh vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Phải là người gương mẫu về đạo đức cách mạng, giữ trọn vẹn đạo đức cách mạng và có đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, có tinh thần kiên định, vững vàng, kiên quyết tấn công kẻ thù không lùi bước trước khó khăn gian khổ. Người cán bộ công an phải là người say mê, tâm huyết với công việc, nhạy bén, linh hoạt, ham học hỏi, tận tâm, tận lực, gần gũi quần chúng và nhất thiết phải có phương pháp đúng đắn, khoa học thì mới hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là yếu tố nền tảng, là động cơ đúng đắn để cán bộ, chiến sĩ thực hiện “tận tụy” với công việc” và giúp quá trình nghiên cứu, giảng dạy đi đúng hướng.

Trong lời dạy đầu tiên, Bác dặn người chiến sĩ Công an trước hết phải nghiêm khắc với tự mình, phải rèn luyện được 4 phẩm chất cao quý của con người mà trí tuệ nhân loại đã đúc kết đó là: “Cần, kiệm, liêm, chính”; Cần là cần cù, sự cần cù lao động, say mê công việc; Kiệm vì tiết kiệm là một điều kiện tận dụng tốt thành quả lao động của con người; Liêm là liêm khiết, không tư lợi, không tìm cách để dành nhiều lợi ích cho mình; Chính là sống quang minh chính đại, không giả dối, thấy việc gì đúng thì làm, việc gì sai thì kiên quyết không làm. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong các giai đoạn cách mạng trước đây cũng như trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế hiện nay, việc học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đã trở thành phong trào thi đua rộng lớn, liên tục, là nội dung trọng tâm công tác chính trị, tư tưởng.

Với đặc thù chuyên môn, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị truyền tải tri thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tác động đến tư tưởng, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, chiến sĩ. Do vậy, việc học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân luôn có ý nghĩa quyết định trong quá trình rèn luyện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của người giảng viên lý luận chính trị, là nền tảng quan trọng trong việc xây dựng lực lực lượng CAND. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng CAND trong Sáu điều dạy trên thể hiện tính toàn diện, tính nhất quán và chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc về tư cách, về đạo đức, lối sống, tác phong công tác và ý thức trách nhiệm chính trị của lực lượng CAND và mỗi cán bộ, chiến sĩ. Đây là những định hướng cơ bản, có tính nguyên tắc trong chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam gần 80 năm qua.

Thứ hai, giảng viên lý luận chính trị tích cực, chủ động tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[1]. Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức phá hoại, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công kích nền tảng tư tưởng của Đảng ta hòng làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Với thủ đoạn điển hình  như xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin… Trước tình hình đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Với năng lực chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, bản lĩnh vững vàng; đội ngũ giảng viên là lực lượng nòng cốt, đi tiên phong trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn có thể định hướng dư luận cho nhân dân, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đấu tranh trên mặt trận chính trị tư tưởng được thực hiện chủ yếu trong quá trình giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, hoạt động đấu tranh của giảng viên rất phong phú, đa dạng: đấu tranh trong giảng dạy; đấu tranh trong thực hiện đề tài khoa học; đấu tranh trong hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học; đấu tranh trong viết bài tham gia hội thảo, đăng báo, tạp chí, trên các trang mạng internet, truyền hình… giúp cho cán bộ, chiến sĩ Công an có ý thức chính trị đúng đắn, vững vàng; có niềm tin vào Đảng, vào chế độ; có ý thức đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; có khả năng “miễn dịch” trước mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.

Thứ ba, giảng viên lý luận chính trị phát huy tính chủ động, tích cực trong quá trình tự học tập, rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh

Hiện nay, các học viện, nhà trường trong CAND đang đẩy mạnh quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học; xây dựng nhà trường cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Mục tiêu hàng đầu của các học viện, nhà trường CAND: Tập trung đổi mới toàn diện; xây dựng nhà trường vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ; chất lượng cán bộ đảng viên; tiếp tục đổi mới giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng toàn diện về giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, đào tạo đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên” đáp ứng yêu cầu xây dựng CAND trong tình hình mới.

Giảng viên giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh phải được trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh và các kiến thức hỗ trợ liên ngành cần thiết. Giảng viên tư tưởng Hồ Chí Minh phải được đào tạo ở bậc đại học phải được nghiên cứu kỹ các chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh về Cách mạng Việt Nam; về văn hóa, về đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Hồ Chí Minh; những giá trị văn hóa phương Đông và phương Tây; phương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin; những vấn đề cơ bản về chính trị hiện đại thế giới và Việt Nam; những giá tri văn hóa, tinh thần truyền thống và hiện đại Việt Nam... Không chỉ vậy, họ phải là những người thầy mẫu mực có phẩm chất chính trị tư tưởng, thấm sâu trong huyết quản của họ là đạo đức cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ và phong cách Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở kiến thức được trang bị cũng như những kiến thức có được trong quá trình tự học tập, giảng viên cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch tự học tập, rèn luyện thành chế độ và nền nếp, bằng nhiều hình thức, cách thức như: học tập nâng cao trình độ chuyên sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để trở thành những chuyên gia hàng đầu về Hồ Chí Minh học… Qua trình đó, mỗi giảng viên cần tìm hiểu, nắm bắt trình độ, kiến thức và hiểu biết của học viên; đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin để xử lý, bổ sung, hoàn chỉnh, cải tiến nội dung, kế hoạch, phương pháp giảng dạy nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trong quá trình dạy học. Hồ Chí Minh căn dặn: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy phải học thêm”[2]. Người thầy tốt luôn truyền đến người học lòng đam mê tri thức và phương pháp tự học để họ tự tiếp cận tri thức trong suốt cuộc đời.

Thành công của người giảng viên trong việc nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị và đặc biệt giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh tựu trung lại ở chỗ, rèn luyện cho bản thân một năng lực thấu hiểu và thấu cảm khi tiếp cận và nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Năng lực ấy hòa quyện trong cảm xúc đối với Người, nghĩ về Người, tâm niệm sống như Người đã sống, đã hành động, đã dâng hiến tất cả trí lực, tâm hồn, tình yêu cho Tổ Quốc, dân tộc và nhân loại, cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Năng lực đó truyền cảm hứng, định hình những giá về tư tưởng, đạo đức, phong cách làm việc cho người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dânz, trở thành “kháng thể”, sức mạnh “nội sinh” giúp cho họ không ngừng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh  quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Đại uý Đào Thị Kim Dung

Khoa Lịch sử Đảng và Tư tưởng HCM

 



[1]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 109

[2] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Tập 16, Nxb Chính trị quốc giaHà Nội, tr.61

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website