Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, nhất là trước những thách thức đặt ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt chú trọng vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đó là một trong những đột phá chiến lược phát triển đất nước giai đoạn tới. Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cơ cấu lại nền công nghiệp đất nước, cần tiếp tục phát triển, nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ trong thời gian tới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ UAC, Hoa Kỳ tại thành phố Đà Nẵng _Ảnh: TTXVN
1- Công nghiệp là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, là lĩnh vực sản xuất vật chất, chế tạo, chế biến ra sản phẩm phục vụ cho sản xuất hoặc tiêu dùng xã hội. Công nghiệp là lĩnh vực sản xuất có quy mô lớn, sử dụng máy móc, thiết bị được hỗ trợ, thúc đẩy bởi tiến bộ khoa học - công nghệ. Hoạt động công nghiệp hết sức đa dạng, tạo nên các ngành (hay phân ngành) công nghiệp khác nhau. Có nhiều cách phân loại công nghiệp, phổ biến nhất là dựa theo sản phẩm để phân loại thành các ngành, nghề khác nhau, như công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp năng lượng, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hóa chất, công nghiệp thông tin, viễn thông, công nghiệp dệt may(1). Đây là những bộ phận cấu thành, tạo nên cơ cấu công nghiệp của một quốc gia. Cơ cấu này thể hiện trạng thái, trình độ phát triển của một nền công nghiệp.
Khi công nghiệp phát triển, không chỉ quy mô của các ngành công nghiệp tăng lên mà cơ cấu công nghiệp cũng thay đổi. Một số ngành phát triển nhanh hơn, một số ngành phát triển chậm hơn, thậm chí, có ngành bị thu hẹp, làm thay đổi năng lực, hiệu quả, sức cạnh tranh của công nghiệp đất nước theo hướng tốt hơn, tích cực hơn hoặc xấu hơn, tiêu cực hơn. Trong nền kinh tế thị trường, những thay đổi trong cơ cấu công nghiệp diễn ra một cách thường xuyên, tự phát theo kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Song, nhà nước có vai trò rất quan trọng. Bằng pháp luật, cơ chế, chính sách và các nguồn lực kinh tế của mình, nhà nước có thể tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, hoạt động công nghiệp, định hướng cho chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo chiến lược, mục tiêu phát triển đất nước của mình.
Ở nước ta, trong một thời gian dài, kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng, tạo ra cơ cấu kinh tế tương ứng, mô hình phát triển và cơ cấu kinh tế này ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế; do đó, cùng với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, việc cơ cấu lại sản xuất công nghiệp trở thành chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước ta, được đưa ra từ Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011) đến nay.
Đại hội XI của Đảng xác định: “Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp cả về ngành kinh tế - kỹ thuật, vùng và giá trị mới... Phát triển có chọn lọc công nghiệp chế biến, chế tác, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, công nghiệp quốc phòng. Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp dược,... Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ. Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và vật liệu mới... Từng bước phát triển công nghiệp sinh học và công nghiệp môi trường. Tiếp tục phát triển phù hợp các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động”(2). Đại hội XII của Đảng tiếp tục xác định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ; có tỉ trọng giá trị quốc gia và giá trị gia tăng cao; có lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu... Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế. Phát triển công nghiệp năng lượng, luyện kim, hóa dầu, hóa chất với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường... Khuyến khích phát triển doanh nghiệp cơ khí chế tạo mạnh và sản phẩm cơ khí trọng điểm. Có chính sách phát triển công nghiệp điện tử... Ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất vật tư, máy móc nông nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ,... hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ theo cụm liên kết ngành. Hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió, mặt trời”(3). Trên cơ sở đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về cơ cấu lại ngành công nghiệp(4).
Sau 10 năm thực hiện, việc cơ cấu lại ngành công nghiệp đã đạt được một số kết quả tích cực. Tỷ trọng đóng góp của công nghiệp khai thác khoáng sản vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm xuống, từ 9,1% năm 2010 và 8,1% năm 2016 giảm xuống còn 5,35% năm 2020. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 13% GDP (năm 2010) lên 16,7% GDP (năm 2020), trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành, với sự hình thành và phát triển của một số tập đoàn công nghiệp chế biến, chế tạo lớn, như Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hoa Sen, Hòa Phát, Thép Nam Kim, Sữa Vinamilk,.... Công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin phát triển nhanh, Việt Nam trở thành một trung tâm lớn sản xuất, xuất khẩu các thiết bị, sản phẩm, linh kiện điện tử của thế giới. Năng lượng tái tạo được chú trọng phát triển, có bước tiến lớn. Năm 2020, công suất các nguồn năng lượng tái tạo đạt hơn 6.000MW (trong đó, điện mặt trời khoảng 5.290MW, điện gió 500MW, điện sinh khối 325MW), chiếm gần 10% tổng công suất của hệ thống điện. Chương trình phát triển lưới điện thông minh được triển khai rộng rãi, giúp nâng cao chất lượng, độ tin cậy trong cung ứng điện và giảm tỷ lệ thất thoát, tổn thất điện năng trong truyền tải, phân phối điện. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến từng bước tăng lên, đến năm 2020 đã chiếm hơn 85% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu; trong đó, sản phẩm công nghệ cao chiếm gần 50%,...
Tuy nhiên, sau 10 năm, hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng, những kết quả đạt được trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là cơ cấu lại công nghiệp còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021) đánh giá: “cơ cấu lại nền kinh tế; công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm”, “Công nghiệp vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghệ hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, hiệu quả tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế”(5). Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đánh giá chi tiết: “Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thiếu tính bền vững; chưa tạo ra được ngành công nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh cao, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; nguyên, vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất trong nước còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài... Tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản còn kém phát triển”(6). Công nghiệp cơ khí tuy có bước phát triển, nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được trên 30% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, trình độ công nghệ nhìn chung còn thấp (công nghệ ở nhiều doanh nghiệp lạc hậu 2 - 3 thế hệ so với thế giới), chậm đổi mới, chất lượng sản phẩm còn hạn chế, giá thành cao, sức cạnh tranh của của sản phẩm thấp, chưa có sản phẩm cơ khí chủ lực. Hằng năm, đất nước phải nhập khẩu khối lượng lớn máy móc, thiết bị, phụ tùng, linh kiện, nguyên liệu cho sản xuất của các ngành kinh tế trong nước, cho sản xuất hàng xuất khẩu (chiếm 40% - 50% tổng kim ngạch xuất khẩu), 70% số máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp là nhập khẩu. Luyện kim mới chủ yếu sản xuất được thép phục vụ xây dựng, chưa sản xuất được thép để chế tạo máy móc. Công nghiệp điện tử phát triển nhanh, Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu điện thoại thông minh, các thiết bị điện tử nhưng chủ yếu là sản phẩm của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; rất ít doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị sản xuất này, mà chủ yếu làm dịch vụ thương mại, dịch vụ khách hàng cho các sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài. Phần lớn nông sản xuất khẩu cũng chỉ mới được sơ chế, bán với giá thấp cho các doanh nghiệp nước ngoài để họ tiếp tục chế biến sâu, cộng với thương hiệu nên thu lợi lớn...
2- Vậy, vì sao một chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước đã được đề ra và thực hiện trong hơn 10 năm mà kết quả đạt được lại còn những hạn chế, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản của tình hình, chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra? Có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Nguyên nhân khách quan là do trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, các mạng lưới sản xuất và các chuỗi cung ứng quy mô toàn cầu về các sản phẩm công nghiệp, như máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện... do các tập đoàn công nghiệp lớn có tiềm lực tài chính, điều kiện khoa học - công nghệ mạnh chi phối, dẫn dắt, làm chủ thị trường dần hình thành. Những nước có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, việc tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng do các tập đoàn lớn chi phối, thống trị đã là việc khó khăn, việc cạnh tranh với các tập đoàn này, lại càng khó khăn hơn. Nhiều nước trên thế giới phải chấp nhận tham gia mạng sản xuất và chuỗi cung ứng do các tập đoàn công nghiệp lớn chi phối chỉ ở những khâu có trình độ công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp, như cung cấp nguyên liệu thô cho các tập đoàn lớn của nước ngoài chế biến sâu, mang thương hiệu của họ hay gia công, lắp ráp sản phẩm cho các tập đoàn công nghiệp lớn nắm công nghệ lõi.
Song, nguyên nhân rất quan trọng là do chủ quan, do pháp luật, thể chế, chính sách công nghiệp thiếu đồng bộ, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn; nhiều thủ tục hành chính rắc rối, phiền hà; chiến lược, quy hoạch phát triển nhiều ngành, lĩnh vực công nghiệp chất lượng thấp, không phù hợp với thực tế, thường xuyên phải sửa chữa, bổ sung, thay đổi, thiếu nguồn lực, điều kiện thực hiện,... làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh, hoạt động, phát triển của các ngành, lĩnh vực công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Công nghiệp là ngành, lĩnh vực đòi hỏi phải đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, do đó, để phát triển công nghiệp, cần phải có các chủ đầu tư có nguồn vốn lớn so với các ngành, lĩnh vực khác, như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nhưng nguồn lực tài chính của cả Nhà nước và doanh nghiệp trong nước ta đều rất hạn hẹp. Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm tới 96% - 97% tổng số doanh nghiệp), một phần lớn vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh là vốn vay ngân hàng; ít doanh nghiệp có đủ nguồn lực và chiến lược đầu tư vào các lĩnh vực, các sản phẩm công nghiệp lớn, quan trọng; vốn đầu tư nhà nước nhỏ, thấp xa so với nhu cầu, lại đầu tư phân tán cho nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương, nhiều chương trình, dự án trọng điểm, không tập trung được các ngành, các sản phẩm công nghiệp lớn, quan trọng như kế hoạch đề ra, hậu quả là nhiều dự án công nghiệp thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm không hoàn thành, không đi vào hoạt động được, còn khi hoàn thành, đi vào hoạt động thì công nghệ lạc hậu, thiết bị không đồng bộ, vốn đầu tư “đội lên” nhiều so với dự toán ban đầu, thất thoát, lãng phí lớn, càng hoạt động thì càng thua lỗ... Đồng thời, có một nguyên nhân rất quan trọng là sự yếu kém về trình độ, tiềm lực khoa học - công nghệ của đất nước chưa được nhìn nhận rõ và chú ý đúng mức để khắc phục.
Xét đến cùng, sự phát triển kinh tế nói riêng, sự phát triển của xã hội loài người nói chung phụ thuộc vào sự hiểu biết và năng lực khai thác tự nhiên của con người. Ban đầu là nhờ những kinh nghiệm tích lũy được từ khai thác tự nhiên, con người tạo ra, cải tiến công cụ lao động để nâng cao hiệu quả khai thác tự nhiên của mình, tạo nên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Từng bước, trên cơ sở tích lũy kinh nghiệm và nhất là sự phát triển của các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật, công nghệ, con người tạo ra những sản phẩm không có sẵn trong tự nhiên, tạo ra các loại máy móc, thiết bị, những công cụ làm tăng lên sức mạnh, tốc độ, độ chính xác, hiệu quả hoạt động của con người, làm hình thành và phát triển các ngành công nghiệp ngày càng đa dạng, với trình độ khoa học - công nghệ ngày càng cao. Công nghiệp trở thành ngành trụ cột của nền kinh tế, trang bị các loại máy móc, thiết bị, công cụ ngày càng tiên tiến, cung cấp các loại vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu không có sẵn trong tự nhiên, phục vụ đắc lực, hiệu quả cho hoạt động của mọi ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, của xã hội, là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế, thúc đẩy xã hội phát triển. Sự ra đời, phát triển của công nghiệp gắn liền với các thành tựu phát triển khoa học - công nghệ, là thành quả, sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn của các phát minh, sáng chế khoa học - công nghệ.
Lịch sử phát triển kinh tế thế giới bốn trăm năm qua được thúc đẩy bởi bốn cuộc cách mạng công nghiệp. Các cuộc cách mạng công nghiệp này lại dựa trên kết quả của những phát minh, sáng chế, những thành tựu khoa học - công nghệ của thời đại đó. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất dựa trên thành tựu sáng chế ra động cơ hơi nước, một cỗ máy chuyển nhiệt năng thành động năng vận hành máy móc, hệ thống máy móc; không có thành tựu khoa học sáng chế ra động cơ hơi nước thì không có cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai dựa trên những sáng chế ra động cơ điện, động cơ đốt trong sản xuất ra điện năng, nguồn năng lượng vận hành hệ thống máy móc; không có thành tựu khoa học phát minh, sáng chế ra điện, động cơ điện thì không có cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai. Ngày nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới trên cơ sở thành tựu của nhiều ngành khoa học toán học, vật lý học, hóa học, sinh học,... tạo ra những công nghệ mới, những sản phẩm mới, có những thuộc tính và khả năng chưa từng có, như công nghệ vật liệu mới tạo ra những vật liệu siêu cứng, siêu bền, siêu dẫn; công nghệ năng lượng mới tạo ra các năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển; công nghệ sinh học tạo ra những biến đổi gen, những giống cây, giống con có năng suất, chất lượng cao, những hợp chất sinh học, những loại thuốc chữa những bệnh hiểm nghèo; đặc biệt là công nghệ số tạo nên máy tính điện tử, internet, trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh,... Không có những thành tựu khoa học - công nghệ này, thì không có cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư đang làm thay đổi sâu sắc mọi hoạt động kinh tế và sinh hoạt xã hội, đưa nhân loại vào một thời kỳ phát triển mới.
Ngày nay, trên thế giới, các cường quốc kinh tế, cường quốc quân sự đều là những cường quốc khoa học - công nghệ. I-xra-en, một quốc gia diện tích nhỏ, dân số ít, nhưng trở thành một cường quốc khu vực và thế giới là nhờ có trình độ khoa học - công nghệ cao. Cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn chi phối, dẫn dắt thế giới diễn ra gay gắt, quyết liệt trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, thương mại và lĩnh vực quốc phòng, nhưng trên hết và quyết định nhất là lĩnh vực khoa học - công nghệ, bởi cuối cùng, trình độ khoa học - công nghệ sẽ là yếu tố quyết định ai là người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh quyết liệt này... Những dự án khởi nghiệp “kỳ lân” hầu hết đều là những dự án khởi nghiệp để ứng dụng những thành tựu mới của khoa học - công nghệ hiện đại; nhiều doanh nghiệp ứng dụng các thành tựu, phát minh, sáng chế của khoa học - công nghệ hiện đại, dù tuổi đời còn trẻ đã vượt qua những doanh nghiệp lớn có lịch sử hàng trăm năm để trở thành những công ty, tập đoàn toàn cầu, như Apple, Microsoft, Facebook, Tesla, Amazon,...
Ở nước ta, mặc dù từ nhiều năm qua, khoa học - công nghệ đã được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng để phát triển đất nước, nhưng đầu tư của Nhà nước, của xã hội cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ còn thấp. Các viện, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ của quốc gia, của các ngành, lĩnh vực, của các trường đại học hàng đầu của đất nước đều thiếu các máy móc, thiết bị, công cụ, phương tiện nghiên cứu hiện đại, thiếu kinh phí hoạt động. Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính hạn chế, phổ biến là sử dụng máy móc, thiết bị các thế hệ cũ, lạc hậu, do đó, việc tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới trên thế giới đã là việc khó khăn, ít có khả năng nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ, rất ít doanh nghiệp trong nước được doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ, thu hút tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị sản phẩm của họ. Đồng thời, thể chế, luật pháp, chính sách, cơ chế quản lý khoa học - công nghệ chậm đổi mới, chưa tạo được những điều kiện thuận lợi, những động lực mạnh mẽ thúc đẩy khoa học - công nghệ phát triển. Kinh phí nhà nước dành cho khoa học - công nghệ nhỏ nhưng lại đầu tư phân tán cho các ngành, các cấp, thiếu trọng tâm, trọng điểm, nhiều thủ tục quản lý hành chính phiền hà không phù hợp với lĩnh vực khoa học - công nghệ. Chính sách thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trên thế giới để đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm chưa có hiệu quả. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ lỏng lẻo, hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra tràn lan, phổ biến... Chính sách quản lý khoa học - công nghệ chưa thu hút được người tài, tạo cơ hội cho người tài phát huy được tài năng mà chỉ tạo môi trường, cơ hội cho những người dựa dẫm vào cơ quan khoa học. Số lượng cán bộ khoa học - công nghệ của nước ta nhiều người có chức danh, học vị cao, nhưng có rất ít, rất thiếu những chuyên gia, nhà khoa học - công nghệ đầu ngành, tài năng, có khả năng lãnh đạo, định hướng nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, những tổng công trình sư có năng lực sáng tạo, thiết kế những sản phẩm có trình độ khoa học - công nghệ cao, phức tạp, có giá trị cao. Đồng thời, nước ta có lực lượng lao động đông đảo, nhưng lại thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao, lành nghề ở nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là những ngành công nghiệp công nghệ cao... Với tiềm lực, trình độ khoa học - công nghệ của đất nước như vậy, việc phát triển những ngành, lĩnh vực, những sản phẩm công nghiệp mới, công nghệ cao sẽ rất khó khăn. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở cơ cấu lại công nghiệp, phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao ở nước ta trong những năm qua.
3- Để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cơ cấu lại nền công nghiệp của đất nước, trong việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cần quan tâm phát triển, nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học - công nghệ đất nước để khoa học - công nghệ thực sự trở thành nguồn lực, động lực, là quốc sách hàng đầu nhằm phát triển đất nước nói chung, nền công nghiệp của đất nước nói riêng. Đây là vấn đề lớn, có rất nhiều yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi phải giải quyết, trong đó:
Cần phải đổi mới mạnh mẽ thể chế quản lý khoa học - công nghệ theo kinh nghiệm, cách làm của Nhật Bản, Hàn Quốc trước đây và Trung Quốc gần đây. Đây là những nước có điểm xuất phát thấp nhưng đã vươn lên, tiến kịp trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới. Phát huy đúng đắn vai trò của Nhà nước và vai trò của cơ chế thị trường. Nhà nước định hướng và tăng đầu tư cho khoa học - công nghệ, đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và nghiên cứu phát triển, thu hút các nguồn lực xã hội, trong và ngoài nước đầu tư cho khoa học - công nghệ. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, doanh nghiệp theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đấu thầu cạnh tranh thực hiện các nhiệm vụ khoa học; thực hiện giám sát, phản biện, đánh giá độc lập các sản phẩm khoa học.
Căn cứ vào mục tiêu, chiến lược phát triển đất nước, phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, trọng điểm trong từng giai đoạn, Nhà nước chọn, gửi những học sinh, sinh viên giỏi đi đào tạo ở các nước có trình độ khoa học - công nghệ cao ở các lĩnh vực đó để làm lực lượng nòng cốt sau này cho đất nước ở các lĩnh vực này. Nhà nước có chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, những chính sách đặc biệt đối với những tài năng lớn tương xứng với những đóng góp của họ, khắc phục tình trạng “cào bằng”, “dựa dẫm”, nặng về thủ tục hành chính trong quản lý khoa học.
Nâng cao yêu cầu và trách nhiệm của những cán bộ có chức danh, học vị cao. Người có chức danh, học vị giáo sư, tiến sỹ phải đứng đầu một phòng thí nghiệm, một chuyên ngành khoa học, trong một thời hạn nhất định (5 năm hay 10 năm) phải có sản phẩm khoa học có giá trị được xã hội thừa nhận,... Xây dựng hệ sinh thái khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ quan khoa học, cán bộ nghiên cứu khoa học thành lập doanh nghiệp để hiện thực hóa kết quả nghiên cứu thành sản phẩm hàng hóa phục vụ xã hội, cũng như thu hút người Việt Nam làm việc ở các tập đoàn kinh tế lớn, công nghệ cao ở các nước tiên tiến trên thế giới mang kiến thức, kinh nghiệm, quan hệ của mình về sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài thành lập các trung tâm nghiên cứu, triển khai các công nghệ mới, hiện đại ở Việt Nam,...
Đẩy mạnh việc hình thành, phát triển thị trường sản phẩm khoa học - công nghệ. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách cho các giao dịch mua, bán, thuê công nghệ, một lĩnh vực mới, hết sức phong phú, phức tạp; cho việc hình thành và hoạt động của các tổ chức làm dịch vụ thẩm định, đánh giá chất lượng, trình độ công nghệ, giá cả sản phẩm khoa học, môi giới cho các giao dịch, cho việc giải quyết các tranh chấp khi phát sinh; tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sáng tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đóng góp vào phát triển đất nước, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi lừa đảo, dối trá, lừa gạt. Thực hiện nghiêm pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm lợi ích của người sản xuất chân chính, làm thui chột động lực đổi mới sáng tạo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và xã hội./.
------------
(1) Ngoài ra còn có những cách phân loại công nghiệp khác, như chia công nghiệp thành công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ; công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất và công nghiệp sản xuất tư liệu tiêu dùng; công nghiệp truyền thống và công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương,...
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 112 - 113
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 284 - 286
(4) Như: Luật Đầu tư năm 2014 (nay là Luật Đầu tư năm 2020) và Nghị quyết số 49/2010/QH12 “Về dự án, chương trình trọng điểm quốc gia”; Đề án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 2146/QĐ-TTg, ngày 1-12-2014, của Thủ tướng Chính phủ); Quyết định số 598/QĐ-TTg, ngày 25-5-2018, của Thủ tướng Chính phủ, “Về kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025”; Quy hoạch phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 60/QĐ-TTg, ngày 16-1-2017, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ 2016 - 2025 (Quyết định số 68/QĐ-TTg, ngày 18-1-2017, của Thủ tướng Chính phủ); Đề án tái cơ cấu ngành điện (Quyết định số 168/QĐ-TTg, ngày 7-2-2017, của Thủ tướng Chính phủ); Đề án phát triển công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 (Quyết định số 192/QĐ-TTg, ngày 13-2-2017, của Thủ tướng Chính phủ); Các đề án của Bộ Công Thương về cơ cấu lại ngành hóa chất (Quyết định số 898/QĐ-BCT, ngày 25-8-2015), ngành dầu khí (Quyết định số 12119/QĐ-BCT, ngày 5-11-2015),...
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 80
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 62 - 63
PGS, TS. NGUYỄN VĂN THẠO
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương