Trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, không thể thiếu sự đồng tâm, hiệp lực, thống nhất ý chí, tư tưởng biến điều đó trở thành hành động cách mạng và sức mạnh to lớn của Đảng ta. Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định nguyên nhân sâu xa cho những thành công của đất nước ta chính là “Chúng ta có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Cả hệ thống chính trị, bao gồm các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các ngành, các cấp, các đoàn thể đã có nhiều đổi mới, phối kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ, bài bản hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết kịp thời, đúng đắn, sát hợp và có hiệu quả các vấn đề cuộc sống đặt ra, nhất là các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, bức xúc xã hội”[1].
Qua đó, có thể thấy, công tác giáo dục tư tưởng chính trị trở thành một nhiệm vụ rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cách mạng nước ta. Để thực hiện tốt mặt công tác này, cần có sự tham gia của nhiều tổ chức, lực lượng tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí xây dựng Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn. Trong đó, vai trò của báo chí, truyền thông được Tổng Bí thư nhắc đến với tư cách là một thành tố quan trọng đóng góp cho thành tựu đạt được của nước ta.
Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần tổng kết quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới và những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn đặt ra đối với toàn Đảng, toàn dân ta. Vai trò của báo chí, truyền thông tuy được đề cập đến không nhiều trong toàn bộ cuốn sách nhưng khi được nhắc đến đều cho thấy vị trí quan trọng như một thành tố không thể thiếu trong công tác giáo dục tư tưởng - chính trị, đấu tranh phản bác quan điểm, sai trái, thù địch đối với sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã minh chứng bằng những cứ liệu lịch sử để khẳng định báo chí là một phương tiện để truyền tải và lan tỏa những thông điệp quan trọng, tác động sâu sắc đến tư duy, tâm lý, tư tưởng và quyết định đến hành động cách mạng của quần chúng nhân dân. Tác giả viết, “…những người cộng sản và yêu nước đã dùng vũ khí văn học, nghệ thuật để vận động cách mạng từ trong ngục tù cũng như ngoài công chúng trên các báo chí công khai của Đảng”[2]. Có thể nói, trong kháng chiến, văn học, nghệ thuật nước nhà có điều kiện phát triển rộng khắp tạo nên một đời sống văn hóa tinh thần đậm màu sắc cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân. Như vậy, nếu văn học, nghệ thuật hàm chứa giá trị nhân văn, hun đúc nên truyền thống cách mạng, phát huy sức mạnh nội sinh trường tồn của dân tộc; thì báo chí cách mạng là diễn đàn phản ánh nội dung phong phú đó. Chỉ thông qua cách thức này mới đến được trực tiếp, trọn vẹn với nhân dân. Cho đến hiện nay, sự phát triển của khoa học, công nghệ đã mang đến nhiều loại hình báo chí, truyền thông mới, hiện đại. Trong đó, không thể không kể đến truyền thông xã hội. Lợi dụng việc khó kiểm soát các nội dung đăng tải trên mạng xã hội cùng với các ưu thế về thị hiếu tiếp cận của một thế giới ảo, các thế lực thù địch đã tận dụng hệ thống mạng xã hội để truyền bá tư tưởng sai lệch, bóp méo, xuyên tạc làm ảnh hưởng đến nhận thức chính trị của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, các loại hình báo chí cách mạng vẫn có một sức sống, sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng của Nhân dân.
Thực tiễn cách mạng sôi động đã chứng minh, báo chí là một trong những công cụ, phương tiện quan trọng tham gia vào việc hình thành nhận thức, định hướng dư luận xã hội tích cực; triệt để đẩy lùi các thông tin sai trái, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch. Có thể khẳng định, báo chí, truyền thông trở thành vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận chính trị - tư tưởng, là “cánh tay nối dài” của Đảng trong tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo quần chúng nhân dân. Trong tác phẩm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có viết: “Đảng ta đã nhấn mạnh đến công tác phát triển nền văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thanh, điện ảnh, thư viện, bảo tồn bảo tàng, nâng cao tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính quần chúng của các công việc đó”[3]. Có thể nói, đời sống tinh thần có ý nghĩa rất lớn làm nên nhân cách, tính nhân văn trong thái độ và hành vi của con người. Khi tư tưởng, tinh thần được sáng tỏ, nhân dân sẽ có niềm tin với Đảng, ủng hộ các quyết sách của Nhà nước và thực thi nghiêm chỉnh theo Hiến pháp và pháp luật. Chính vì lý do đó, trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn nhiều khó khăn, phức tạp, Đảng luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đến các cơ quan báo chí, truyền thông nhằm phát huy vai trò là “vũ khí sắc bén” của Đảng, là cơ quan ngôn luận của Nhà nước, tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo vệ vững chắc nền tảng chính trị - tư tưởng và đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, cách mạng Việt Nam phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức. Trong đó, cuộc chiến “không có khói súng” là cuộc chiến khó lường, cam go và đầy nguy cơ, thách thức. Có thể nói, đó là một cuộc chiến giành tầm ảnh hưởng về tư tưởng. Trong tác phẩm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập đến các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, tác giả viết: “Các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng ta, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm”[4]. Bối cảnh của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, quá trình phát triển kinh tế thị trường đã đẻ ra nhiều “thói hư, tật xấu”. Trong đó, vấn đề tham nhũng trở thành “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực đe dọa đến sự phát triển thịnh vượng của một quốc gia và tham nhũng cũng có thể trở thành mối nguy trước sự tồn vong của một chế độ. Các thế lực thù địch vì thế không ngừng tấn công, kích động gây chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao nhất, hàng loạt những vụ tham nhũng, tiêu cực được lôi ra ánh sáng, kiên quyết xử lý với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Với quyết tâm ấy, Đảng và Nhà nước đã củng cố lòng tin, đem lại tình cảm cho quần chúng nhân dân. Đáng nói hơn, khi chỉ ra nguyên nhân của những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “sự chủ động vào cuộc rất tích cực của báo chí”[5]. Thật vậy, báo chí đã làm rất tốt vai trò của mình khi chủ động phát hiện, phản ánh trước công luận những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; đồng thời, báo chí cung cấp thông tin kịp thời nhằm định hướng dư luận, hình thành, phát triển ý thức pháp luật, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng.
Trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của công tác phòng, chống tham nhũng, vấn đề đầu tiên mà Tổng Bí thư đề cập đến chính là, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cho rằng, đây là một nhiệm vụ không mới nhưng sẽ là nhiệm vụ rất quan trọng, không thể lơ là, bỏ qua, Tổng Bí thư viết: “Bởi tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất”[6]. Một lần nữa, xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tầm nhìn chiến lược của một chính trị gia lỗi lạc đã khẳng định cách mạng chỉ có thể thành công khi nhận được sự đồng tình, tin tưởng và ủng hộ của nhân dân. Dựa vào Nhân dân chính là vấn đề cốt lõi của Đảng. Và muốn dựa vào dân, muốn nhận được sự ủng hộ của Nhân dân thì chúng ta không thể quên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Đó chính là phép biện chứng không thể tách rời. Và phương pháp để làm tốt nhiệm vụ này là phải phát huy vai trò của báo chí, truyền thông, hệ thống thông tin tuyên truyền. Tổng Bí thư nêu rõ: “Phải tăng cường phối hợp, chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang”[7]. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, các loại hình truyền thông thi nhau sử dụng chiêu trò để làm tăng lượng tương tác của công chúng. Khi có những sự kiện nóng, thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng nhưng thông tin còn mập mờ, nhiều chiều đã trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho các thế lực thù địch tận dụng triệt để tác động tư tưởng của nhân dân, làm gia tăng những nguy cơ, thách thức bằng các tin đồn thất thiệt. Do đó, công tác thông tin, tuyên truyền cần phải đi trước một bước, quyết liệt hơn và kịp thời hơn để nhân dân luôn được quyền hiểu, biết và làm chủ với những hành động cách mạng của mình.
Báo chí, truyền thông có phạm vi, đối tượng tác động rộng lớn, đặc biệt đối với nhận thức và biến đổi xã hội. Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông là phát huy trách nhiệm, tính tiên phong, đi đầu trong giáo dục chính trị - tư tưởng, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái. Các cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước đã góp phần quan trọng trong mọi mặt công tác trước những diễn biến đầy thách thức của bối cảnh và tình hình mới, từ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đến công tác thi đua, khen thưởng.v.v. Chính vì vậy, báo chí, truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, coi đây là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao đạo đức cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị, “sức đề kháng” đối với mỗi cán bộ, đảng viên, bảo vệ nền tảng tư tưởng - chính trị, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Như vậy, trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tác giả đã khái quát quan điểm chỉ đạo, tư duy và nhận thức của Đảng đối với việc phát huy vai trò của báo chí, truyền thống trong giáo dục chính trị - tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Những nội dung này có ý nghĩa định hướng, dẫn dắt công tác báo chí, truyền thông trong tình hình mới, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các công cụ này trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Việc phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong giáo dục chính trị - tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trở thành một nhiệm vụ cấp bách, bức thiết, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra trong tình hình hiện nay. Tiếp thu quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư đã đề cập đến trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, tác giả đề xuất một số biện pháp mang tính tham khảo đối với các chủ thể có liên quan như sau:
Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí, truyền thông; thường xuyên chăm lo, phát triển hệ thống báo chí một cách khoa học, hợp lý, đồng bộ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ, công tác nguồn nhân lực báo chí và truyền thông và tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực của cấp uỷ trong việc lãnh đạo, quản lý, phát triển đội ngũ người làm báo, thực hiện các nhiệm vụ công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong đội ngũ các nhà báo là đảng viên, đồng thuận trong xã hội, coi trọng việc cổ vũ, thúc đẩy các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, hạn chế những tác động tiêu cực, bất lợi.
Thứ hai, xác định nghề báo, làm báo là làm chính trị. Đội ngũ người làm báo cần xác định: Báo chí, truyền thông nếu tách rời sự lãnh đạo của Đảng thì “ngòi bút” sẽ trở nên lạc lõng, mất phương hướng. Mọi hoạt động phải phù hợp với sự định hướng của Đảng, không chạy theo khuynh hướng thương mại, giữ vững vai trò phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, thực hiện chức năng biểu dương, phê phán, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới làm thất bại các luận điệu sai trái, thù địch. Xác định làm báo là làm chính trị, đội ngũ người làm báo phải rất kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thực sự là lực lượng tiên phong trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, là chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hoá - tư tưởng.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông. Đội ngũ người làm báo cần có hiểu biết căn bản về xu thế báo chí, truyền thông hiện đại, tăng cường tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí. Tận dụng, khai thác những thế mạnh của truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội để tuyên truyền, cổ vũ về tính ưu việt, tính cách mạng của chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong đó, đặc biệt không ngừng trau dồi kiến thức lý luận chính trị cho đội ngũ những người làm báo để luôn có ngòi bút sắc, tinh thần thép đối trọng với luận điệu sai trái, thù địch của các phần tử xấu.
Thứ tư, phát huy từ truyền thống, lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam, nối dài tư duy phát triển báo chí hiện đại nhưng dù trong bối cảnh nào, các cơ quan báo chí cũng cần phải tuân thủ các thiết chế truyền thông, làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền và đem đến nhận thức đúng đắn, tư tưởng thông suốt cho công chúng. Có như vậy, dù trong bối cảnh tác động nhiều mặt của các loại hình truyền thông mới, với sự góp mặt của đội ngũ “nhà báo công dân” thì báo chí cách mạng vẫn khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn và giá trị trung thực, tin cậy đối với công chúng báo chí./.
TS. Phan Thị Thu Trang - T03
[1] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia sự thật, tr.207