Phát huy bài học kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong đại thắng mùa xuân năm 1975 vào công cuộc xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thắng lợi của cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn Miền nam thống nhất Tổ quốc, kết thúc quá trình ba mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa Đế quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà. Mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta, đó là kỷ nguyên độc lập tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đánh giá về ý nghĩa thắng lợi, có ý nghĩa tầm vóc thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã viết: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 là kết quả nguyên nhân tổng hợp của nhiều yếu tố, một trong những nguyên nhân tạo nên thắng lợi đó, chính là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đã được Đảng ta đã vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975. Sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam chính là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những tinh hoa văn hoá tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; những thành tựu cách mạng trong những năm dưới sự lãnh đạo của Đảng; là tiềm năng của dân tộc, đất nước ta được nhân dân ta và Đảng phát huy lên trên tất cả các mặt của đời sống xã hội trong quá trình cách mạng. Sức mạnh đó chính là sức mạnh của tinh thần yêu nước, của ý chí tự lực tự cường, kiên cường bất khuất và sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta, sức mạnh của con người, của đất nước Việt Nam, của chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn đất nước và mục tiêu cách mạng đòi hỏi phải phát huy cao độ sức mạnh dân tộc, đồng thời tăng cường đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và viện trợ quốc tế, vì đó là một nhân tố quan trọng góp phần quyết định vào thắng lợi của nhân dân ta; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để chiến thắng kẻ thù, giành độc lập tự do và xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc trên cơ sở nguyên tắc tự lực, tự cường, phát huy nội lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”[1]. Sự giúp đỡ cho ta của các nước bạn cũng chỉ có hạn, căn bản là ta phải tự lực cánh sinh, cố gắng sản xuất: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”[2]. Giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, nâng cao tinh thần tự lực, tự cường là tư tưởng lớn xuyên suốt quá trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong hoàn cảnh mới của cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội. Nó có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, là những nguyên tắc quan trọng cho Đảng, Nhà nước ta xác định đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại đúng đắn, đồng thời là phương hướng lớn của cách mạng Việt Nam được thể hiện sâu sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngay từ khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, Đảng đã nhận thức được sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một nhiệm vụ quan trọng. Đảng cho rằng, nếu chúng ta “tranh thủ” được tốt điều kiện quốc tế thuận lợi cũng có nghĩa là chúng ta đã kết hợp được giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bởi lẽ, “tranh thủ” theo quan điểm của Đảng ta là “tranh thủ” sự đồng tình, ủng hộ, và viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, Đảng  luôn nhấn mạnh “phương châm dựa vào sức mình là chính”, phát huy sức mạnh dân tộc, yếu tố “nội lực” luôn là yếu tố quyết định trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ quan điểm đó trong cuộc chiến tranh chống Mỹ mà đỉnh cao đại thắng mùa xuân năm 1975. Đảng ta đã huy động đến mức cao nhất, lực lượng chính trị, quân sự, kinh tế văn hoá, lực lượng vật chất tinh thần có sẵn trong nước. Đồng thời phát huy những năng lực tiềm năng gắn liền với truyền thống lịch sử của dân tộc, với kinh nghiệm cách mạng quý báu của quá khứ, nhằm tạo ra cho dân tộc ta, Quân đội ta một sức mạnh lớn nhất.

Thực tiễn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ mà đỉnh cao của chiến dịch Hồ Chí Minh. Đảng ta phát động phong trào thi đua như: “mỗi người làm việc băng hai” phong trào kết nghĩa Nam Bắc khẩu hiệu hành động “ tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” cùng với lời kêu gọi của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào”. Đảng ta đã tập trung rộng rãi tất cả mọi lực lượng có thể tập hợp được từ tiền tuyến đến hậu phương từ nông thôn đến thành thị, tạo nên sức mạnh dân tộc to lớn đưa đến đại thắng mùa xuân năm 1975.

Trong cuộc đối đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, nhân dân Việt Nam không thể chiến đấu đơn độc, hơn nữa không thể phát huy hết mức những nguồn lực tiềm năng của dân tộc nếu không gắn với trào lưu cách mạng của thời đại. Đảng ta xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác Lê nin đã đặt cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới. Sức mạnh thời đại trong thời kỳ này chính là hệ thống xã hội chủ nghĩa đang phát triển hùng cường, các dòng thác cách mạng đang tiến công vào chủ nghĩa Đế quốc như: Phong trào đấu tranh của các Đảng cộng sản; giai cấp công nhân nhân dân lao động của các nước tư bản; phong trào giải phóng dân tộc ở các nước trên thế giới.... những nhân tố đó thể hiện sức mạnh tập trung của thời đại.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là cuộc đấu tranh nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu lớn của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Vì thế, cuộc kháng chiến đó được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Cũng chính vì mục đích chân chính của cuộc kháng chiến mà ta có điều kiện thuận lợi để phát huy tác dụng các hình thức đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao và từng bước đẩy mạnh sự kết hợp các hình thức đấu tranh đó đưa cuộc kháng chiến giành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

Với đường lối đúng đắn của Đảng ta về sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Đảng ta đã huy động được tối đa mọi nguồn lực của dân tộc mỗi  người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ trai gái, bất kỳ giàu nghèo lớn bé đều trở thành một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá, trở thành một lực lượng vật chất tinh thần hùng hậu dáng vào đế quốc Mỹ. Đồng thời với đường lối quốc tế đúng đắn, Đảng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ to lớn và hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa mà nòng cốt là Liên Xô và Trung Quốc với anh em các nước bè bạn năm châu trong đó có cả nhân dân tiến bộ Mỹ.

Như vậy, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhằm tạo thành sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam, là vấn đề có tính quy luật của chiến tranh nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Sức mạnh tổng hợp đó đã làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội IV của Đảng khẳng định: “Thắng lợi của chúng ta cũng chính là thắng lợi của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình trên toàn thế giới”[3].

Năm mươi năm trôi qua (1975-2025) kể từ đại thắng mùa xuân năm 1975 cho đến nay, bài học của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại vẫn còn nguyên giá trị, tại Đại hội XIII của Đảng (2021) đã tiếp tục khẳng định: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người quan trọng nhất”[4].

Trong giai đoạn hiện nay, bối cảnh thế giới và trong nước vừa có thời cơ vừa có nguy cơ, đan xen đưa đến cho chúng ta trước những cơ hội và thách thức mới. Việc phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại vẫn là động lực, nguồn sức mạnh to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đó là khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.

Phát huy sức mạnh của dân tộc trong kỷ nguyên mới, cần phải phải phát huy đến mức cao nhất các động lực phát triển đất nước, đặc biệt là tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, khát vọng sáng tạo và cống hiến của toàn dân, của con người Việt Nam. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam gần 95 năm qua đã chứng minh hùng hồn, chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần đấu tranh, lao động, sáng tạo của nhân dân, của con người Việt Nam chính là nguồn gốc của mọi thắng lợi. Trong kỷ nguyên mới với những mục tiêu lịch sử đòi hỏi khách quan phải phát huy đến mức cao nhất tinh thần, ý chí, sức mạnh của nhân dân góp phần đưa sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tạo ra sức mạnh to lớn, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên vững chắc.

Sức mạnh của dân tộc trong kỷ nguyên mới còn được thể hiện thông qua việc phát huy và sử dụng hiệu quả các nguồn lực rất tiềm tàng của đất nước. Việt Nam ta tài nguyên phong phú, các nguồn lực trong dân còn rất dồi dào, các nguồn lực từ bên ngoài theo các dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; nhân dân Việt Nam cần cù, sáng tạo; con người Việt Nam yêu nước, thông minh...Chính những nguồn lực to lớn này góp phần quan trọng tạo nên thành tựu vĩ đại của công cuộc đổi mới.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta cần phải tranh thủ, kế thừa, mạnh dạn tiếp thu những tư duy mới, những xu hướng phát triển mới của nhân loại với phương châm tiến kịp, tiến cùng thời đại, ứng dụng tối đa những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công cuộc xây dựng đất nước. Trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra cần phải “tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh”[5]. Đưa nền kinh tế nước ta tham gia vào nền kinh tế thế giới, tranh thủ sự phát triển nhảy vọt của khoa học - công nghệ và quốc tế hóa đời sống kinh tế thế giới để đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế đất nước, làm cho nước ta khỏi tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong điều kiện toàn cầu hóa và khu vực hóa phát triển nhanh chóng với cả hai mặt tích cực và tiêu cực, chúng ta chủ động hội nhập, nhưng giữ vững độc lập, tự chủ, giữ vững bản sắc dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa, quyết tâm vượt qua thách thức giành lấy thời cơ, tranh thủ ở mức độ cao nhất ngoại lực, bổ sung nội lực, tạo điều kiện đưa đất nước phát triển theo kịp đà phát triển chung của các nước ở khu vực và trên thế giới.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. GS, TS Tô Lâm: “Cơ sở định vị mục tiêu phát triển và định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, báo Nhân Dân, số 25193, ngày 1-11-2024, tr.2.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Nxb.Chính trị quốc gia, H.2021, tập I, tr.110-111.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2004, t.37, tr.475.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.2, tr.320.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.7, tr.445.

 



1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.7, tr.445.

2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.2, tr.320.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2004, t.37, tr.475.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Nxb.Chính trị quốc gia, H.2021, tập I, tr.110-111.

[5] GS, TS Tô Lâm: “Cơ sở định vị mục tiêu phát triển và định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, báo Nhân Dân, số 25193, ngày 1-11-2024, tr.2,

 

Nguyễn Thông 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website